Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Giới hạn nào cho kiểm duyệt?
Vào tháng 12/2020, Tòa Công lý Cấp cao của Vương quốc Anh (High Court of Justice) đã ban hành một quyết định tư pháp có tên là Free Speech Union and Young v. Office of Communications. [1] Trong quyết định này, Liên minh tự do ngôn luận (Free Speech Union) đại diện cho các cơ quan truyền thông Vương quốc Anh đã đề nghị hệ thống tòa án khởi động việc xem xét tư pháp (judicial review) đối với các quy định của Văn phòng Truyền thông Chính phủ Anh (the Office of Communications - Ofcom).
Cụ thể, quy định này yêu cầu cơ quan truyền thông không được phát sóng hay tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận chất vấn chính sách công, các nguyên tắc sức khỏe được kiến nghị cho cộng đồng, các nguồn thông tin y tế công cộng, v.v. Những cuộc thảo luận và thông tin như vậy được dán nhãn là gây hại (harmful).
Đến đây, chúng ta phải bàn một chút về khái niệm “judicial review” (xem xét tư pháp) của hệ thống tư pháp Anh.
Không đơn giản chỉ là một thuật ngữ pháp lý bình thường, “permission for judicial review” (chấp thuận xem xét tư pháp) là một biện pháp bảo vệ chính phủ Anh khỏi việc phải hầu tòa trước mọi thách thức pháp lý đến từ phía người dân.
Lý luận của việc đưa ra tiêu chuẩn này tương đối đơn giản: Dù quyền thách thức tư pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội đối với các chính sách của chính phủ là quyền hiến định; nhà nước cần cân nhắc nguồn lực và áp lực mà cơ quan chính phủ đang phải đối mặt. Viễn cảnh vừa phải giải quyết vấn đề hành chính, vừa phải xem xét các tranh chấp tư pháp với khả năng lên đến hàng trăm, hàng ngàn đơn khởi kiện cùng lúc trên toàn quốc chắc chắn không có lợi cho việc quản trị đất nước.
Vì vậy, trước khi người dân Anh có thể khởi kiện chính phủ Anh về vấn đề liên quan đến chính sách, họ cần phải đạt được “chấp thuận xem xét tư pháp” (permission for judicial review). Tức là, tòa án trước tiên phải nhận thấy đây là một tranh chấp có thể được cân nhắc (the claim is properly arguable), và không có bất kỳ phương án giải quyết thay thế nào khác ngoài khởi kiện như một tranh chấp tư pháp (lack of standing or an alternative remedy).
Về mặt quản trị hệ thống tư pháp, đây là một thủ tục hay mà Việt Nam có thể học tập nếu thật sự áp dụng đúng tinh thần của người Anh.
Trở lại với câu chuyện tự do ngôn luận, bên khởi kiện khẳng định Ofcom không có thẩm quyền kiểm duyệt thông tin chỉ trên cơ sở rằng nguồn thông tin ấy làm giảm niềm tin của người dân vào chính quyền và các chính sách mà họ lựa chọn. Theo bản thân người viết, đây là một quan ngại chính đáng bởi tác dụng lâu dài mà việc kiểm duyệt tạo ra cho quyền tự do ngôn luận là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, trước tòa, đại diện của Ofcom cho rằng quy định của mình không nói về các thảo luận chính trị thông thường, mà nói đến những tuyên truyền có thể gây ra tác hại thật sự cho nhu cầu bảo vệ sức khỏe công chúng của chính quyền.
Ví dụ, các thông tin như sóng 5G tạo ra virus corona, hay thông tin kêu gọi mọi người không nên giãn cách xã hội, hoặc nói rằng việc đeo khẩu trang là không cần thiết, v.v. đều có khả năng làm suy giảm uy tín của chính phủ và các cơ quan y tế công cộng, dẫn đến tác hại thật sự cho hệ thống y tế và sức khỏe của người dân.
Theo đại diện của Ofcom, họ chỉ đang cố gắng kiểm soát hai loại thảo luận: một là chống lại hay thách thức các nguồn thông tin y tế chính thức từ nhà nước, và hai, quan trọng không kém, là có thể gây rủi ro trực tiếp cho người xem (direct risk of harm to the viewer).
Bằng cách này, cùng với việc viện dẫn các quy định pháp lý khác, Ofcom lý luận rằng quy định của mình là phù hợp vì có giới hạn rõ rệt (narrowness).
Sau đó, tòa bắt đầu xem xét các ví dụ mà Ofcom đã thật sự can thiệp. Một trong số đó là trường hợp của kênh truyền hình London Live. Trong một chương trình phát sóng, phóng viên và người được phỏng vấn cổ súy cho thuyết âm mưu rằng COVID-19 là sản phẩm của các chính phủ và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thay đổi nền kinh tế tự do và đưa nó vào tầm kiểm soát của giới kỹ trị quý tộc hiện đại.
Tòa cũng xem xét thêm nhiều khía cạnh khác của văn bản hướng dẫn từ phía Ofcom, và các thẩm phán thống nhất rằng ngôn ngữ và mục tiêu của văn bản này là đủ tường minh.
Ví dụ, văn bản ghi nhận, các nhà đài vẫn có thể phát sóng những kiểu thông tin này nếu như họ muốn. Tuy nhiên, họ phải đưa ra đầy đủ thông tin và dẫn chứng đủ mạnh để bảo đảm người xem không hiểu nhầm rằng họ đang quảng bá và ủng hộ các nguồn thông tin gây hại đó.
Dựa trên các cơ sở này, tòa cho rằng Ofcom không thật sự kiểm duyệt hay chặn nguồn thông tin đến với người dân. [2]
Có thể nói, quyết định tư pháp này không hề là một bước lùi về tự do ngôn luận tại Vương quốc Anh. Ngược lại, nó giới thiệu thêm nhiều tiêu chuẩn pháp lý giúp chúng ta vừa kiểm soát các thông tin gây hại trong đại dịch, vừa bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền tự do thông tin.
Chú thích
1. Columbia Global Freedom of Expression. (2021, February 2). Free Speech Union and Young v. Office of Communications. Global Freedom of Expression. https://globalfreedomofexpression.columbia.edu/cases/free-speech-union-and-young-v-office-of-communications/
2. Free Speech Union & Anor v Office of Communications (OFCOM) [2020] EWHC 3390 (Admin) (09 December 2020) https://www.bailii.org/ew/cases/EWHC/Admin/2020/3390.html