Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Nhân đạo không đồng nghĩa với sự dễ dãi.
Tôi tin rằng kẻ thủ ác nào cũng đáng có một tương lai.
Tôi không hề có ý muốn củng cố những hiểu lầm, những định kiến và sự ác quỷ hóa không cần thiết đối với tội ấu dâm nói riêng cũng như các tội danh nhắm tới trẻ em nói chung.
Tuy nhiên, khi đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng nghệ sĩ Minh Béo đã hoàn thành xong hình phạt của mình tại nước ngoài vào năm 2016 (chín tháng tù và sau đó trục xuất về nước), và rằng chúng ta nên “chọn cảm hóa một con người” thay cho việc “đẩy con người đó đến không còn con đường sống”, [1] có thể thấy việc quản lý và kiểm soát tội phạm ấu dâm ở Việt Nam đang có vấn đề.
Ẩn đằng sau đó là tư duy xem nhẹ các tội phạm nhắm vào trẻ em, có thể là một trong những lý do khiến cho các tội này ngày càng phổ biến. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy với loại tội phạm này, hết “tù” không phải là hết “tội” và cần phải giám sát chặt chẽ bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Hầu hết các quốc gia cấp tiến trên thế giới đều có quy định đăng ký bắt buộc đối với các cá nhân đã hoàn thành hình phạt tù thuộc nhóm tội danh xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (Sex Offenders Registration).
Ở Anh, Đạo luật về Tội phạm Xâm hại Tình dục 1997 (Sex Offenders Act 1997) [2] và Cơ chế Cung cấp Thông tin về Người xâm hại tình dục trẻ em (Child Sex Offender Disclosure Scheme – CSODS, [3] hay còn được gọi là Sarah’s Law) bắt buộc cựu phạm nhân phải cung cấp đầy đủ thông tin về tên họ, nơi ở, nghề nghiệp hiện tại, v.v. để giới chức có thể đánh giá tính nguy hiểm mà người này có thể gây ra cho các nhóm cộng đồng cùng sinh sống và làm việc với họ, từ đó có cơ chế dự phòng phù hợp.
Sarah’s Law, mặt khác, tạo điều kiện cho nhà trường, các bậc phụ huynh và các cơ quan khác trích xuất và kiểm tra thông tin xem một người nào đó có từng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em hay không.
Tại Canada, Đạo luật về Đăng ký thông tin của người vi phạm tội phạm tình dục (Sex Offender Information Registration Act) đi xa hơn, yêu cầu cung cấp cả thông tin về việc cựu phạm nhân rời khỏi nơi cư trú chính và đến một địa điểm khác dù là trong hay ngoài Canada. [4]
Yêu cầu này kéo dài tối thiểu 10 năm, và có thể kéo dài cả đời tùy vào tính nghiêm trọng, khả năng tái phạm của tội phạm, xem xét cùng những yếu tố khác.
Hoa Kỳ cũng có những quy định tương tự. [5]
Những quốc gia kể trên còn đặt ra cái gọi là “Community Notification” và “Residency Restriction”.
Thông báo cộng đồng bắt buộc (Community Notification) là thủ tục mà chính quyền địa phương thông báo cho người dân rằng một cá nhân từng phạm tội xâm hại tình dục sẽ đến sinh sống tại địa bàn của họ.
Những biện pháp này liên tục bị chỉ trích là vi phạm quyền riêng tư, từ đó gây ra tình trạng sỉ nhục và kỳ thị lâu dài.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng nhiều lần khẳng định trong hàng loạt các án lệ rằng đời sống riêng tư của những cựu tù nhân này không bị xâm phạm. Đây chỉ là những biện pháp dân sự, phục vụ cho lợi ích công cộng, không có tính chất trừng phạt hay can thiệp sâu vào đời sống thường nhật. [6]
Thêm vào đó, nhiều án lệ khác cũng bảo toàn quy định về hạn chế khu vực sinh sống (Residency Restriction). Nhờ vậy, nhiều tiểu bang cấm các cựu phạm nhân sống trong phạm vi 2.000 feet (hơn 600 mét) gần công viên hay các khu vực khác mà trẻ em có thể tụ tập vui chơi hay học tập. [7] Một số trường hợp sẽ hoàn toàn bị cấm làm việc với trẻ em trong mọi hoàn cảnh, như ghi nhận trong một bài viết trước đây của Luật Khoa. [8]
Riêng trường hợp của Minh Béo, cho đến nay, Việt Nam gần như không có bất kỳ công cụ gì tương tự để bảo đảm an toàn cho trẻ.
Hoa Kỳ trục xuất Minh Béo xong là họ rảnh tay. Trách nhiệm kiểm sát đương nhiên phải do chính phủ Việt Nam đảm nhận. Khi chính quyền không thể cho người dân thấy những bước kiểm soát cần thiết này (và nay ngược lại còn vinh danh thông qua cơ chế văn hóa – nghệ thuật chính thống nhà nước), sự tức giận của công chúng là có thể hiểu được.
Các liệu pháp điều trị sức khỏe bắt buộc do tòa chỉ định (Court-mandated Therapy/Health Treatments) là một trong những công cụ được cho là hiệu quả khác, ít có những lo ngại về tác động trừng phạt nguội hay sỉ nhục cựu phạm nhân. Thay vào đó, chính sách này cân nhắc đến sức khỏe tinh thần và các vấn đề tâm lý, hoàn cảnh cá nhân của người phạm tội có thể dẫn họ đến quyết định xâm hại tình dục. [9]
Những liệu pháp điều trị này nổi lên tại Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1980 và cho đến ngày nay vẫn còn được sử dụng khá phổ biến.
Chương trình này bao gồm tìm hiểu và điều trị tâm lý của tội phạm trong môi trường thân thiện (như các trung tâm phát triển gia đình); tăng cường nhận thức lương tri và cảm xúc của người phạm tội về những tác hại lâu dài mà hành vi xâm hại của mình gây ra, v.v. Chương trình cũng có thể hướng dẫn các phạm nhân học cách giúp nạn nhân phục hồi (như viết thư cho nạn nhân, hay rút khỏi các không gian công cộng)
Bộ Tư pháp Anh cũng có một chương trình điều trị dành cho phạm nhân (Sexual offender treatment program – SOTP). [10]
Liên hệ với trường hợp của Minh Béo, Việt Nam chưa sở hữu một hệ thống giám sát, can thiệp và hỗ trợ về sức khỏe tâm lý cho phạm nhân có khả năng hoặc sống trong môi trường có khả năng tái phạm cao. Một lần nữa, công chúng tức giận là có lý do vì Minh Béo chưa hề cho thấy sự tiến triển về tâm lý và hành vi thông qua các công cụ kiểm chứng được và theo dõi được từ phía các cơ quan tư pháp.
Đây không phải là một công cụ quá phổ biến.
Ở Hoa Kỳ, những quy định như thế này được Tối cao Pháp viện xác định là vi phạm quyền tự do ngôn luận. [11]
Tuy nhiên, ở Canada, Tối cao Pháp viện hoàn toàn ủng hộ việc loại trừ những phạm nhân ấu dâm ra khỏi môi trường online trong một thời gian nhất định.
Thẩm phán Andromache Karakatsanis viết trong một phán quyết rằng:
“Tốc độ phát triển và thay đổi của công nghệ suốt một thập niên qua đã làm thay đổi hoàn toàn hoàn cảnh xã hội mà tội phạm tình dục có thể diễn ra… [Mạng xã hội] cung cấp những cách tiếp cận chưa từng có tiền lệ cho những kẻ phạm tội về thông tin của các nạn nhân tiềm năng và các công cụ để thực hiện tội phạm tình dục”. [12]
Tính hợp tình, hợp lý của biện pháp này tại Việt Nam tới đâu thì cần cân nhắc và đánh giá thêm. Tuy nhiên, đây có thể là một công cụ cần thiết để kiểm soát tầm ảnh hưởng nhất định của những người vi phạm.
***
Nhìn chung, khán thính giả và truyền thông nhà nước đang nhân đạo với các nghệ sĩ dính líu đến xâm phạm tình dục trẻ em hơn rất nhiều so với nhiều nền nghệ thuật khác, kể cả Hollywood. Nhiều cái tên của những ngôi sao hạng A đã bị xóa khỏi các dự án phim ảnh trong tương lai, cùng khả năng họ được phép trở lại sân khấu, màn ảnh là con số không. [13]
Nhân đạo không nên đồng nghĩa với dễ dãi, với sự thiếu đầu tư trong các công cụ tư pháp liên quan đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em và các nạn nhân của tội danh ấu dâm nói chung.
Chú thích:
1. Tuổi Trẻ Online. (2022, January 19). Minh Béo được trao huy chương bạc: Chọn cảm hóa con người hay đẩy họ vào bước đường cùng? TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/minh-beo-duoc-trao-huy-chuong-bac-chon-cam-hoa-con-nguoi-hay-day-ho-vao-buoc-duong-cung-20220119133952832.htm
2. United Kingdoms. Sex Offenders Act 1997. https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1997/51/enacted
3. Find out if a person has a record for child sexual offences. (2021, September 16). GOV.UK. https://www.gov.uk/guidance/find-out-if-a-person-has-a-record-for-child-sexual-offences
4. Canada, Sex Offender Information Registration Act. https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/S-8.7/FullText.html
5. Human Rights Watch, Report on Human Rights and Sex Offender Laws. https://www.hrw.org/reports/2007/us0907/10.htm
6. Xem thêm tại các án lệ của Tối cao Pháp viện gồm Smith v. Doe (2003). https://supreme.justia.com/cases/federal/us/538/84/ và Connecticut Department of Public Safety v. Doe, 123 S.Ct. 1160 (2003). https://www.oyez.org/cases/2002/01-1231
7. Doe v. Miller, 405 F.3d 700 (8th Cir. Iowa 2005). https://casetext.com/case/doe-v-miller
8. Quỳnh Vi. (2017, July 8). Nếu ở Mỹ, Minh Béo không được phép làm việc với trẻ em. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/07/neu-o-minh-beo-khong-duoc-phep-lam-viec-voi-tre-em
9. Judith K. Adams, Court-Mandated Treatment and Required Admission of Guilt in Cases of Alleged Sexual Abuse: Professional, Ethical and Legal Issues. (1997). Institute for Psychological Therapies. http://www.ipt-forensics.com/journal/volume9/j9_3_1.htm
10. Tyler, N., Gannon, T. A., & Olver, M. E. (2021). Does Treatment for Sexual Offending Work?. Current psychiatry reports, 23(8), 51. https://doi.org/10.1007/s11920-021-01259-3
11. Hurley, L. (2017b, June 19). U.S. Supreme Court strikes down sex offender social media ban. Reuter U.S. https://www.reuters.com/article/us-usa-court-socialmedia-idUSKBN19A1ZB
12. Mulgrew, I. (2016, July 21). Supreme Court upholds tough-on-crime amendment concerning sexual predators. Vancouversun. https://vancouversun.com/news/national/internet-ban-a-punishment-supreme-court-rules
13. Hemmer, N. (2018, January 9). How to think about consuming art made by sexual predators. Vox. https://www.vox.com/the-big-idea/2018/1/9/16866080/erase-predators-work-spacey-louis-weinstein-morality-art-artist