Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong một bức thư của Làng Mai vào năm 2008, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng chính quyền Việt Nam ít nhiều đã thay đổi cách nhìn về tôn giáo, đặc biệt đối với các đảng viên có đạo. [1]
Ông mô tả quan điểm tiêu cực của chính quyền đối với tôn giáo trước đây: “… không cho phép người trẻ xuất gia, lấy chùa chiền đình miếu làm nơi phơi lúa, nuôi heo, cho tôn giáo là thuốc phiện của dân tộc, hễ cán bộ hay viên chức đi chùa hay cầu nguyện thì cho là ‘duy tâm’, không được Đảng và Nhà nước tin tưởng, phải mất chức”.
Rồi ông cho biết tình trạng này đã thay đổi vào những năm 2000: “…ta thấy các cán bộ, đảng viên, viên chức trong Đảng và trong chính quyền đã có cái nhìn thông thoáng hơn: […] đa số đã thờ Phật Bà Quan Âm, và bây giờ đây việc đi chùa lạy Phật và thắp hương tưởng niệm không còn bị xem là một cái gì mê tín và hủ hóa nữa.”
Nhưng liệu đảng viên có thật sự được tự do khi sinh hoạt tâm linh? Gần đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã hé lộ đáp án.
Vào tháng 1/2022, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trong một bài viết của mình đã cho biết một trong những xu hướng quản lý nhà nước về tôn giáo sắp tới đây: “Phát triển đảng viên là người có đạo và phân công nhiệm vụ cho đảng viên có đạo trong việc nắm tình hình và thực hiện tốt công tác dân vận với quần chúng, tín đồ”. [2]
Ông Thắng cũng từng là trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ. Hiện nay, ông Thắng cũng là người được phân quyền quản lý nhà nước về tôn giáo. Do đó, phát ngôn của ông Thắng đặc biệt phản ánh chính sách tôn giáo của chính quyền.
Phát ngôn của ông Thắng phù hợp với phong trào “hạt giống đỏ” trong các tôn giáo bắt đầu từ năm 2004. Đây cũng là năm Việt Nam bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC (Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo).
Tháng 9/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 123-QĐ/TW quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Đến tháng 4/2005, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW để thực hiện Quy định số 123 của Bộ Chính trị. Năm 2005 cũng là năm thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về nước lần đầu tiên sau 40 năm ở hải ngoại. [3]
Năm 2017, ông Phạm Minh Chính, khi còn là trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, đã kêu gọi các địa phương tăng cường kết nạp các đảng viên là người có đạo. [4]
Phong trào phát triển đảng viên có đạo kéo dài từ đó đến nay.
Những năm gần đây, các địa phương (ví dụ: Điện Biên [5], Vĩnh Phúc [6], Thái Bình [7], Nam Định [8], Lâm Đồng [9], Kon Tum [10], Gia Lai [11], Đồng Nai [12]) đều xem việc kết nạp đảng cho người có đạo là nhiệm vụ rất quan trọng.
Việc kết nạp đảng đối với người có tôn giáo sẽ không có gì để bàn luận nếu được thực hiện một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã cố ý chiêu mộ người có đạo vào đảng và tận dụng họ để kiểm soát tôn giáo.
Các lý do kết nạp người có đạo vào đảng được nêu trên các mặt báo đều là xóa bỏ thôn, xóm “trắng” đảng viên và làm cầu nối giữa đảng và đạo. [13]
Tuy nhiên, năm 2015, một bài viết của Tiến sĩ Lê Văn Lợi, hiện nay là phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết việc kết nạp đảng cho người có đạo nhằm kiểm soát tình hình tôn giáo phức tạp tại Việt Nam, trong đó có hoạt động của các “đạo lạ” và “lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào có đạo chống Đảng, Nhà nước”. [14]
Trong bài viết, ông Lợi cho biết trong 8 năm (2004 – 2012), khu vực đồng bằng sông Hồng có 2.806 người có đạo được kết nạp đảng, trong đó có 2.081 tín đồ và 5 chức sắc, chức việc.
Trong một bài báo năm 2021, báo Điện Biên Phủ đã gọi đảng viên có đạo là “cánh tay nối dài của đảng” trong các vùng tôn giáo. [15]
Báo Đồng Nai cho biết huyện Thống Nhất của tỉnh này, nơi có hơn 73% người theo đạo Công giáo, chỉ có 663 đảng viên vào năm 2004 nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 2.640 đảng viên. [16]
Báo Cần Thơ cho biết trung bình mỗi năm thị trấn Vĩnh Thạnh có 8 người theo đạo Công giáo được kết nạp đảng, toàn thị trấn có 114 đảng viên theo Công giáo, chiếm 62,3% tổng số đảng viên vào năm 2019. [17]
Trong khi các quốc gia dân chủ cố gắng tách tôn giáo ra khỏi chính trị thì Việt Nam lại chọn cách ngược lại, chính trị hóa tôn giáo.
Tỉnh Sóc Trăng là một trong các tỉnh có nhiều nhà sư người Khmer gia nhập đảng và tham gia vào hội đồng nhân dân các cấp, hay trở thành đại biểu Quốc hội. [18]
Năm 2021, Thượng tọa Thích Minh Đức, một nhà sư Phật giáo Nam Tông ở Sóc Trăng, đã tái đắc cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thượng tọa Minh Đức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2014, hai năm sau ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV. [19]
Năm 2018, dư luận bất ngờ khi một lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Sam, được công bố là có 50 năm tuổi đảng khi ông qua đời. [20]
Dù không công bố số chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được kết nạp đảng, tuy nhiên, việc này đang ngày càng trở thành một điều đáng tự hào đối với các nhà sư của giáo hội. Đoạn hội thoại sau đây sẽ cho bạn biết chân dung của một nhà sư khi trở thành “hạt giống đỏ”.
Năm 2019, phóng viên báo Ninh Bình thuật lại cuộc phỏng vấn với một nhà sư vừa mới được kết nạp làm đảng viên dự bị, Đại đức Thích Thanh Sự, người là trụ trì bốn ngôi chùa ở tỉnh này: [21]
– “Thưa Đại đức, cho con hỏi”… – phóng viên bắt đầu câu hỏi.
– “Cô là đảng viên chưa? Nếu là đảng viên thì từ giờ chúng ta là đồng chí, tôi vừa trở thành đảng viên dự bị rồi đấy, không phải xưng hô như thế. Tôi cũng đọc nhiều thơ cách mạng lắm. Nhưng tôi nhớ có câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: ‘Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim’. Nó gần giống với tâm trạng của tôi lúc này” – vị đại đức đáp.
Phòng viên báo Ninh Bình cũng tiết lộ rằng chính quyền đang nhắm đến việc kết nạp một nhà sư khác đang giữ chức trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Yên Mỗ, là người đã viết nhận xét về Đại đức Thanh Sự khi vị này làm hồ sơ kết nạp đảng.
Trong một bài phỏng vấn với VOA vào năm 2018, Hòa thượng Thích Không Tánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho biết: “Khi quy y Phật là không còn tham gia vào đảng phái chính trị của thế gian. Nếu tham gia là phạm giới”. [22]
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang ngày càng bị chính trị hóa trầm trọng. Năm 1981, việc gia nhập Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức chính trị của đảng, đã khiến các nhà sư miền Nam chia rẽ thành hai giáo hội khác nhau.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hiện nay là tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bình luận về việc gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của các nhà sư khác: “Vấn đề Giáo hội nằm trong Mặt trận, tôi không chấp nhận. Còn vấn đề liên hiệp giữa hai giáo hội, tôi nói lập trường của chúng tôi là không có vấn đề liên hiệp. GHPGVN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đó là một tổ chức chính trị; chúng tôi không làm chính trị, không liên hiệp với bất cứ tổ chức chính trị nào”. [23]
Ngày nay, người đảng viên đi chùa, đến nhà thờ phải mang theo mình nhiệm vụ kiểm soát tôn giáo được đảng giao phó. Các nhà sư cài lên áo huy hiệu đảng có tính đấu tranh giai cấp, tranh giành quyền lực trong khi vẫn giảng dạy các tín đồ về giáo lý bao dung, tự do của Phật giáo.
Chú thích:
1. Làng Mai. (2008, February 4). Lá Thư Làng Mai số 31. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai31-2008.pdf
2. Tạp chí Tổ chức Nhà nước. (2022b, January 6). Những định hướng đối với công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta trong thời gian tới. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220211031809/https://tcnn.vn/news/detail/53237/Nhung-dinh-huong-doi-voi-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-o-nuoc-ta-trong-thoi-gian-toi.html
3. Lý luận Chính trị. (2015, August 24). Công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/1083-cong-tac-phat-trien-dang-vien-la-nguoi-co-dao-o-cac-tinh-dong-bang-song-hong.html
4. Cổng thông tin điện tử đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. (2017, July 6). Phát triển đảng viên đối với người có đạo và xây dựng cốt cán trong tôn giáo. https://hatinh.dcs.vn/to-chuc/news/phat-trien-dang-vien-doi-voi-nguoi-co-dao-va-xay-dung-cot-can-trong-ton-giao.html
5. Báo Điện Biên Phủ. (2021, September 24). Quan tâm phát triển Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo (bài 3). http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/190588/quan-tam-phat-trien-dang-trong-vung-dong-bao-ton-giao-bai-3
6. Báo Vĩnh Phúc. (2020, August 18). Phát triển đảng viên trong đồng bào công giáo. http://baovinhphuc.com.vn/xay-dung-dang/51731/phat-trien-dang-vien-trong-dong-bao-cong-giao.html
7. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, huyện Vũ Thư. (2020, December 28). Gặp mặt cán bộ, đảng viên là người có đạo và chức sắc tôn giáo năm 2021. https://vuthu.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/chinh-tri/gap-mat-can-bo-dang-vien-la-nguoi-co-dao-va-chuc-sac-ton-gia.html
8. Báo Nam Định. (2019, November 18). Đảng bộ Hải Hậu quan tâm phát triển đảng trong đồng bào có đạo. http://baonamdinh.com.vn/channel/5084/201911/dang-bo-hai-hau-quan-tam-phat-trien-dang-trong-dong-bao-co-dao-2534168
9. Báo Lâm Đồng. (2020, April 24). Phát triển đảng trong vùng đồng bào có đạo. http://baolamdong.vn/chinhtri/202004/phat-trien-dang-trong-vung-dong-bao-co-dao-3000415
10. Báo Kon Tum. (2021, October 24). Quan tâm phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đạo. https://www.baokontum.com.vn/xay-dung-dang/quan-tam-phat-trien-dang-vien-trong-vung-dong-bao-dtts-vung-co-dao-21061.html
11. Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai. (2022, February 10). Đak Đoa quan tâm phát triển đảng viên trong đồng bào tôn giáo. https://gialai.gov.vn/tin-tuc/dak-doa-quan-tam-phat-trien-dang-vien-trong-dong-bao-ton-giao.71577.aspx
12. Báo Đồng Nai. (2020, July 20). Quan tâm phát triển Đảng trong đồng bào tôn giáo. http://baodongnai.com.vn/chinhtri/202007/quan-tam-phat-trien-dang-trong-dong-bao-ton-giao-3013484
13. Xem [8]
14. Xem [3]
15. Xem [5]
16. Xem [12]
17. Báo Cần Thơ. (2019, July 8). Quan tâm phát triển đảng viên là người có đạo Công giáo. https://baocantho.com.vn/quan-tam-phat-trien-dang-vien-la-nguoi-co-dao-cong-giao-a111018.html
18. Báo Nhân dân. (2017, January 18). Quan tâm phát triển đảng viên là người có đạo. https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/quan-tam-phat-trien-dang-vien-la-nguoi-co-dao-283558/
19. Luật Khoa. (2021, June 24). 4/5 chức sắc đắc cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là của Phật giáo. https://www.luatkhoa.org/2021/06/4-5-chuc-sac-dac-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-la-cua-phat-giao
20. VOA. (2018, March 16). Việt Nam ‘lộ’ tin một hòa thượng có 50 năm tuổi Đảng. https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-lo-tin-mot-hoa-thuong-co-50-nam-tuoi-dang/4301884.html
21. Báo Ninh Bình. (2019, September 23). Phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình: Lời giải từ thực tiễn. https://baoninhbinh.org.vn/phat-trien-dang-vien-la-nguoi-co-dao-o-ninh-binh-loi-giai-tu/d20190923075931149.htm
22. Xem [20]
23. Thích Tuệ Sỹ. (2008). Định hướng tương lai với thế hệ tăng sĩ trẻ ngày nay. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a27487/dinh-huong-tuong-lai-voi-the-he-tang-si-tre-ngay-nay