Nga xâm lược Ukraine: Cập nhật các diễn biến ngày 3/3/2022

Các tin tức cập nhật hàng ngày về cuộc xâm lược của Nga trên đất Ukraine.

Nga xâm lược Ukraine: Cập nhật các diễn biến ngày 3/3/2022
Đồ họa: Luật Khoa.

Tổng hợp một số thông tin chính tính đến 10 giờ sáng ngày 3/3/2022, theo giờ Việt Nam:

Các diễn biến chính trên chiến trường vào ngày thứ tám của cuộc xâm lược [1]

Nga tăng cường tấn công bằng tên lửa và pháo kích vào các thành phố lớn của Ukraine. Thủ đô Kyiv bị rung chuyển bởi nhiều tiếng nổ lớn. Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, sau nhiều ngày đánh bom liên tiếp, Nga cho quân nhảy dù xuống tiếp cận nơi này.

Chính quyền Ukraine cho biết tới nay đã có hơn 350 dân thường bị giết và hơn 2.000 người bị thương từ các cuộc tấn công của Nga; hàng trăm các cơ sở dân sự như bệnh viện, trường học, nhà ở, công trình giao thông đã bị phá hủy.

Lần đầu tiên kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra thông tin về thiệt hại. Con số lính Nga tử trận ở Ukraine theo đó là 498 người. Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng đã có gần 7.000 lính Nga bị giết.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án hành vi xâm lược của Nga

Với 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và chỉ 5 phiếu phản đối, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức ban hành nghị quyết lên án hành vi xâm lược của Nga và yêu cầu quốc gia này rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine. [2]

Đây là một tỉ lệ đồng thuận áp đảo, đặc biệt khi xem xét Nga, một trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, là quốc gia đối tượng của nghị quyết.

Năm nước bỏ phiếu phản đối bao gồm Nga, Belarus, Syria, Bắc Triều Tiên và Eritrea. Trung Quốc, Việt Nam và Lào nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Ngoài Việt Nam và Lào, tám nước còn lại trong ASEAN và Đông Timor đều bỏ phiếu thông qua nghị quyết phản đối Nga. [3]

Việc Cambodia, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh, bỏ phiếu thông qua vào phút chót gây ngạc nhiên. Trong khi đó, lá phiếu của Myanmar do đại diện của chính phủ dân cử nước này thực hiện. Quân đội Myanmar đã tiến hành đảo chính vào tháng 2/2021 và nắm quyền đến nay. Chính phủ quân sự của nước này, không được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga.

Tổ chức Y tế Thế giới lên tiếng về việc Nga tấn công các cơ sở y tế của Ukraine

Tổng Thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đã nhận được nhiều báo cáo về việc quân đội Nga tấn công các mục tiêu dân sự, bao gồm cơ sở y tế và nhân viên y tế. Tuần rồi, WHO xác nhận đã có một bệnh viện tại Ukraine bị Nga tấn công khiến bốn người chết. [4]

“Các cuộc tấn công vào những cơ sở y tế là hành động vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế”, Tổng Thư ký Ghebreyesus khẳng định.

Hoa Kỳ hủy bỏ buổi thử nghiệm tên lửa vì lo ngại leo thang căng thẳng

Trong một bước đi thận trọng, giới lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ hủy một buổi thử tên lửa đã được lên lịch trình trước đó nhằm tránh gia tăng căng thẳng. [5]

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói rằng để tránh việc bị diễn giải sai hay hiểu nhầm rằng chính phủ Hoa Kỳ có động thái tham chiến, ba buổi thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa tuần này sẽ không diễn ra như dự kiến.

Chính quyền Nga bắt bớ người biểu tình phản chiến trong nước

Nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh đã nổ ra trên khắp nước Nga mặc cho những nỗ lực can thiệp và đàn áp của chính quyền. Theo thống kê của nhiều nhóm nhân quyền, hơn 6.000 người đã bị bắt và tạm giữ vì tham gia vào những cuộc tuần hành hòa bình phản đối chiến tranh trên các thành phố ở Nga. [6]

Người già và trẻ em cũng nằm trong số biểu tình phản chiến và bị chính quyền bắt giữ.

Một cụ bà 77 tuổi có tên Yelena Osipova, người từng sống sót qua trận vây thành Leningrad nổi tiếng trong Thế chiến II, bị bắt giữ khi tham gia biểu tình phản chiến ở St. Petersburg. [7]

Năm trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 11 cùng với hai người mẹ, mang theo những biểu ngữ ủng hộ hòa bình, bị chất lên xe cảnh sát và dẫn về đồn ở Moscow khi đang trên đường đến đặt hoa trước tòa Đại sứ quán của Ukraine. Theo cáo buộc, tại đồn cảnh sát, các cán bộ đã đe dọa mẹ những đứa trẻ rằng họ sẽ bị tước quyền nuôi con. [8]


Chú thích

1.  Lock, S. (2022, March 3). Russia-Ukraine war: what we know on day eight. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/mar/03/russia-ukraine-war-russian-invasion-news-what-we-know-so-far-on-day-seven

2.  Saric, I., & Basu, Z. (2022, March 2). 141 countries vote to condemn Russia at UN. Axios. https://www.axios.com/united-nations-ukraine-russia-141-55872481-a143-4423-9d3d-80450f01c754.html

3.  The Diplomat. (2022, March 3). How Did Asian Countries Vote on the UN’s Ukraine Resolution? https://thediplomat.com/2022/03/how-did-asian-countries-vote-on-the-uns-ukraine-resolution/

4.  WHO “deeply concerned” over reports of attacks on hospitals in Ukraine. (2022). Anadolu Agency. https://www.aa.com.tr/en/europe/who-deeply-concerned-over-reports-of-attacks-on-hospitals-in-ukraine/2521535

5.  Basu, Z. (2022, March 2). U.S. cancels ballistic missile test to avoid escalating Russia tensions. Axios. https://www.axios.com/us-cancels-ballistic-missile-test-to-avoid-escalating-russia-tensions-538040ee-bf55-4853-926e-d1de81920aa5.html

6.  Daunt, R. (2022, March 1). More than 6,000 arrests in Russia during protests over Ukraine war, says human rights group. Euronews. https://www.euronews.com/2022/03/01/more-than-6-000-arrests-in-russia-during-protests-over-ukraine-war-says-human-rights-group

7.  The Guardian. (2022, March 3). Russian pensioner “who survived siege of Leningrad” arrested for protesting Ukraine war – video. https://www.theguardian.com/world/video/2022/mar/02/russian-activist-77-detained-by-police-while-protesting-against-ukraine-war-video8.  Faloyin, D. (2022, March 2). Russian Police Arrested 5 Children for Carrying Anti-War Signs. Vice. https://www.vice.com/en/article/y3vxyk/russia-police-arrest-children-ukraine-protest

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.