Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Nhiều vấn đề hơn là thành tựu.
Vào ngày 1/4/2022, khi Bộ Ngoại giao Mỹ sắp ra báo cáo về tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2021, Bộ Công an đã đưa 17 đầu sách về tôn giáo vào 54 trại giam.
Tại lễ bàn giao sách, Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Cục phó Cục An ninh Nội địa cho rằng hoạt động này không chỉ thực thi quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người mà còn cho thấy chính sách nhất quán của Việt Nam về quyền con người, và thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong thực thi công ước quốc tế. [1]
Phát biểu của ông Nghiểm đã đi quá xa so với thực tế, ngôn ngữ bình dân gọi là “nổ”. Nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên tục yêu cầu chính quyền Việt nam cho phép tù nhân được tiếp cận kinh sách, [2] đến bây giờ việc này mới bắt đầu có chút tiến triển.
Nghe sơ qua thì đây có vẻ là bước tiến mới của chính quyền về cách đối xử với tù nhân, nhưng nhìn kỹ hơn thì việc đưa 17 đầu sách này vào các trại giam có nhiều vấn đề hơn là thành tựu.
Thiếu tướng Nghiễm cho biết việc đưa sách tôn giáo vào trại giam được Bộ Công an chủ trì, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh sách và các ấn phẩm tôn giáo của tù nhân.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tiêu đề của 17 đầu sách này, bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên. 8 trong 17 đầu sách là sách nghiên cứu về tôn giáo, chủ yếu của NXB Công an Nhân dân. [3] Gồm có:
Bộ Công an có vẻ đang cho rằng một tù nhân trong trại giam sẽ muốn đọc về “Quan điểm Hồ Chí Minh về công tác vận động tín đồ tôn giáo” hay “Hệ thống tổ chức giáo hội của các tôn giáo tại Việt Nam”. Nếu điều này là sự thật, những phạm nhân đó chắc hẳn phải là các nhà nghiên cứu tôn giáo chứ không phải là một tù nhân thông thường.
Việt Nam có đến 16 tôn giáo được nhà nước công nhận. Tuy nhiên, Bộ Công an chỉ đưa 6 đầu sách Kinh Phật và 3 đầu sách Kinh Thánh vào trại giam.
Ngoài ra, ba đầu sách Kinh Thánh được đưa vào trại giam chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh. Bộ Công an đã bỏ qua số các tù nhân là người bản địa và dân tộc thiểu số có tôn giáo, trong đó phần lớn theo Ki-tô giáo. Đơn cử, một trại giam của Bộ Công an ở tỉnh Điện Biên có đến 86% phạm nhân là người dân tộc thiểu số. [4]
Trên thực tế, các cộng đồng bản địa như người Thượng ở Tây Nguyên hay các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc không đọc rành tiếng Việt. Họ thường sử dụng các bản Kinh Thánh được viết bằng tiếng dân tộc của mình.
Hiện nay, Kinh Thánh đã được phát hành bằng các tiếng dân tộc như Jrai, Kơ-ho, Ê-đê, Dao, M'nông, H'mong Xanh, H'mong Trắng. Các phiên bản Kinh Thánh này đều là sách hợp pháp của NXB Tôn giáo xuất bản, thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ. [5] [6] [7]
Ngoài ra, còn có các tôn giáo khác phổ biến ở miền Nam như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài cũng không có kinh sách nào được vào trại giam.
Theo tài liệu tổng kết 5 năm thực thi Luật Thi hành án hình sự của Bộ Công an, vào tháng 7/2016, có 149.229 tù nhân bị đang phạt tù. [8] Tỷ lệ người theo Phật giáo và Công giáo năm 2019 là 11% tổng dân số. [9] Nếu tính theo tỷ lệ này, có khoảng 16.415 tù nhân là tín đồ Công giáo và Phật giáo.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, chỉ có 4.418 cuốn sách tôn giáo được đưa vào 54 trại giam. Tính trung bình, mỗi trại giam chỉ nhận được 81 cuốn sách. Hơn nữa, Bộ Công an không cho biết tỷ lệ các đầu sách được phân chia như thế nào.
Đáng nói hơn, số sách này không phải là phân phát cho tù nhân có nhu cầu mà là đưa đến các thư viện, tù nhân chỉ có thể mượn đọc. Việc mượn sách được hay không lại sẽ tùy thuộc vào sự cho phép của cán bộ trại giam.
Trong khi đó, theo tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc, các tù nhân, trong chừng mực có thể, sẽ được đáp ứng nhu cầu tôn giáo bằng cách tham gia các dịch vụ tôn giáo được cung cấp trong trại giam và có quyền sở hữu kinh sách. (Nguyên tắc 66 - Nguyên tắc Nelson Mandela). [10]
Trên thực tế, việc người nhà gửi kinh sách vào trại giam cho người thân thường rất hay bị từ chối. Trong tương lai, rất có thể họ sẽ bị trại giam từ chối với lý do rằng đã có sách tôn giáo trong trại giam. Tù nhân theo đạo Ki-tô giáo có thể có nhu cầu đọc Kinh Thánh để cầu nguyện mỗi ngày, trong khi các cuốn sách này chỉ là sách cho mượn với số lượng hạn chế.
Những vấn đề trên đây phần nào cho thấy mức độ quan tâm của chính quyền đối với quyền được tiếp cận kinh sách của tù nhân. Tù nhân Việt Nam còn ở rất xa những chuẩn mực nhân quyền quốc tế về việc tiếp cận kinh sách.
Chú thích
1. VOV. (2022, April 1). Bàn giao hơn 4.400 ấn phẩm tôn giáo cho các trại giam của Bộ Công an. https://web.archive.org/web/20220408065900/https://vov.vn/phap-luat/ban-giao-hon-4400-an-pham-ton-giao-cho-cac-trai-giam-cua-bo-cong-an-post934437.vov
2. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ • Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. (2019). Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. https://vn.usembassy.gov/wp-content/uploads/sites/40/VIETNAM-2019-INTERNATIONAL-RELIGIOUS-FREEDOM-REPORT-VN.pdf
3. Xem [1].
4. Bộ Công an. (2018, July 2). Những lớp học xóa mù, hướng nghiệp ở Trại giam Nà Tấu, tỉnh Điện Biên. https://web.archive.org/web/20220407043419/http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?ItemID=23142
5. Hội thánh Tin Lành Việt Nam. (2017, March 7). Lễ Cung Hiến Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước Tiếng Jrai. https://httlvn.org/le-cung-hien-kinh-thanh-cuu-uoc-tan-uoc-tieng-jrai.html
6. Hội thánh Tin Lành Việt Nam. (2018, August 22). Lễ Phát Hành Kinh Thánh Tiếng Kơho Tại Lâm Đồng. https://httlvn.org/le-phat-hanh-kinh-thanh-tieng-ko-ho-tai-lam-dong.html
7. Hội thánh Tin Lành Việt Nam. (n.d.). Kinh thánh so sánh các thứ tiếng. https://kinhthanh.httlvn.org/so-sanh-ban-dich/sa/10?vs=VI1934#2
8. Bộ Công an (2017) Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự trong công an nhân dân (2011-2016). https://drive.google.com/file/d/1AAyB-VxmvNVtNGWCBDinYJfKps7tZc9j/view?usp=sharing
9. Luật Khoa. (2021a, February 18). Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng. https://www.luatkhoa.org/2021/02/thong-ke-so-tin-do-phat-giao-nha-nuoc-noi-giam-giao-hoi-hut-hang/
10. General Assembly, United Nations. (2016, January 8). United Nations Standard Minimum Rules for the Treatment of Prisoners (the Nelson Mandela Rules). https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N15/443/41/PDF/N1544341.pdf?OpenElement