Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Xung đột quyền lợi giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước.
Ngày 20/4/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi công văn phản hồi dự thảo thông tư lần thứ ba của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích. [1]
Theo đó, thứ nhất, giáo hội không chấp nhận quy định nhà chùa phải báo cáo cho nhà nước về các khoản thu, chi khi tổ chức lễ hội tại các di tích thuộc giáo hội.
Thứ nhì, giáo hội phản đối yêu cầu dùng tiền công đức của nhà chùa để tổ chức các lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức tại các di tích tôn giáo.
Thứ ba, giáo hội yêu cầu dự thảo không đặt ra quy định về việc quản lý chi tiêu, minh bạch tiền công đức, tiền tài trợ của các tổ chức tôn giáo và các di tích tôn giáo.
Yêu cầu này của giáo hội khó có thể trở thành hiện thực. Trên thực tế, chính quyền thực hiện dự thảo này nhằm quản lý, minh bạch tiền công đức ở các di tích, bao gồm cả các di tích của Phật giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có rất nhiều cơ sở được công nhận là các di tích. Ít nhất 28 ngôi chùa được công nhận trực tiếp hoặc nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt, và khoảng 500 ngôi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia. [2] Nhiều năm qua, các nhà sư của giáo hội và chính quyền các địa phương đã bắt tay nhau làm du lịch tâm linh và thu về số tiền công đức rất lớn.
Đối với việc minh bạch tiền công đức, dự thảo bắt buộc việc tiếp nhận tiền công đức, tiền tài trợ (tiền mặt) phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng, và ghi chép đầy đủ khi tiếp nhận các loại tài sản khác.
Mặt khác, dự thảo cũng yêu cầu việc chi tiêu tại các di tích, bất kể di tích thuộc quản lý của nhà nước hay tổ chức tôn giáo, đều phải thực hiện theo các khoản chi do dự thảo quy định.
Trong tháng 4/2022, các công trình dân sinh vẫn tiếp tục được xây dựng trên khu đất mà Giáo xứ An Hòa vẫn đang khiếu nại là thuộc quyền sở hữu của mình. [3]
Việc khiếu nại đã kéo dài hơn ba năm qua nhưng không có tiến triển nào đáng kể. Trên khu đất rộng 15.000 mét vuông, ngày càng nhiều công trình dân sinh kiên cố được dựng lên nhằm biến nơi đây thành một khu dân cư cao cấp.
Đây là khu đất mà giáo xứ đã cho chính quyền TP. Đà Nẵng sử dụng sau năm 1975 để làm nơi sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, và tạo điều kiện cho một số giáo dân làm nông nghiệp. Đến năm 2019, giáo xứ mới được chính quyền thông báo rằng khu đất đã được giao cho các công ty tư nhân nhằm quy hoạch thành một khu dân cư. [4]
Vào giữa tháng 4/2022, một đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã đến TP. Đà Nẵng để thanh tra các cơ quan của chính quyền địa phương và một số công ty, trong đó có công ty Đà Việt, chủ đầu tư trên khu đất mà giáo xứ đang khiếu nại. [5]
Đọc thêm: Giáo xứ An Hòa đề nghị dừng việc xây dựng trên khu đất đang tranh chấp
Ngày 26/4/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã thông báo về việc gia hạn tạm giam đối với ba bị can, Lê Thanh Nhất Nguyên, 31 tuổi, Lê Thanh Trùng Dương, 28 tuổi, và Lê Thanh Hoàn Nguyên, 32 tuổi, đến ngày 3/6/2022. [6]
Cả ba bị can cùng với ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, đã bị khởi tố vào đầu tháng 1/2022 về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Theo báo Thanh Niên, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết việc gia hạn tạm giam đối với ba bị can là do cần thêm thời gian để điều tra làm rõ vụ án. [7]
Tịnh Thất Bồng Lai hay Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là một cơ sở được thành lập từ năm 2015 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, bao gồm nhiều thành viên, trong đó có trẻ em. Các thành viên nơi đây tự tổ chức sinh hoạt Phật giáo, không đăng ký với chính quyền địa phương. Ngoài ra, các thành viên thường xuyên sử dụng mạng xã hội, thu hút nhiều sự chú ý.
Trước thời gian khởi tố vụ án, cơ sở này từng gây ồn ào qua nhiều vụ việc gây tranh cãi. Tuy nhiên, những người trong cơ sở không thực hiện hoạt động nào liên quan đến việc chỉ trích chính quyền.
Vào tháng 11/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng Tịnh Thất Bồng Lai có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Chính quyền tỉnh Long An cáo buộc tịnh thất vi phạm một số quy định về quản lý đất đai và xây dựng của nhà nước. [8]
Chính quyền Việt Nam quản lý các cơ sở tôn giáo rất nghiêm ngặt. Tất cả các cơ sở thờ tự tôn giáo, tập hợp đông người, đều phải được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Riêng với Phật giáo, các ngôi chùa phải là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều hộ gia đình hiện nay đã chọn cách xây dựng chùa và hoạt động một cách kín đáo để tránh việc phải đăng ký với chính quyền và chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đọc thêm: Tin tức về tôn giáo trên báo chí nhà nước: Uốn não bảy lần trước khi kết luận
Vào ngày 1/4/2022, Bộ Công an cho biết sẽ đưa 17 đầu sách về tôn giáo vào 54 trại giam trên toàn quốc. [9]
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Cục phó Cục An ninh Nội địa, cho biết việc đưa sách tôn giáo vào trại giam được Bộ Công an chủ trì, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh sách và các ấn phẩm tôn giáo của tù nhân.
Tuy nhiên, trong 17 đầu sách này thì có đến 8 đầu sách là sách nghiên cứu, học thuật về tôn giáo thuộc Nhà xuất bản Công an Nhân dân mà một tù nhân thông thường hiếm khi có nhu cầu. Tám đầu sách này bao gồm:
Đối với kinh sách tôn giáo, Bộ Công an chỉ cho phép kinh Phật và Kinh Thánh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trong khi đó, Việt Nam có đến 16 tôn giáo được chính quyền công nhận. Kinh Thánh bằng các tiếng dân tộc thiểu số hiện nay đã được Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản nhưng không được Bộ Công an đưa vào trại giam.
Bộ Công an cho biết 4.418 cuốn sách sẽ được đưa vào trại giam, tính trung bình mỗi trại giam chỉ được nhận 81 cuốn sách. Các tù nhân chỉ được mượn đọc những cuốn sách này chứ không được giữ.
Mặt khác, việc mượn được sách hay không còn tùy thuộc vào sự cho phép của cán bộ trại giam. Theo tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc, các tù nhân, trong chừng mực có thể, sẽ được đáp ứng quyền sở hữu kinh sách. (Nguyên tắc 66 - Nguyên tắc Nelson Mandela). [10]
Ngoài ra, việc đưa kinh sách tôn giáo vào trại giam có thể gây khó khăn cho người nhà tù nhân có ý định gửi kinh sách vào trại, khi chính quyền có thể viện lý do rằng trong trại đã có sách tôn giáo.
Báo cáo năm 2022 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ, đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern - CPC). [11]
Đây là báo cáo đánh giá về tình hình tự do tôn giáo trong năm 2021 tại các nước, trong đó có Việt Nam. USCIRF thực hiện các báo cáo tương tự mỗi năm.
Báo cáo năm nay liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tình hình tự do tôn giáo tồi tệ, bên cạnh các nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Myanmar, Afghanistan, v.v.
The báo cáo, trong năm 2021, chính quyền Việt Nam đã đàn áp nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau, trong đó có các nhóm tôn giáo mới như Dương Văn Mình, Hà Mòn, Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời, v.v.
Các nhóm tôn giáo độc lập như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài cũng không thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền. Trong tháng Chín, chính quyền huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã giam giữ và thẩm vấn các tín đồ Cao Đài, buộc họ phải gia nhập các tổ chức Cao Đài được chính quyền công nhận.
Báo cáo cũng nhắc đến việc Giáo xứ An Hòa khiếu nại chính quyền Đà Nẵng đã bán và thay đổi mục đích sử dụng khu đất của giáo xứ, vốn được giáo xứ giao cho chính quyền sử dụng sau năm 1975. Hiện nay, khu đất này đang được phân lô bán nền đất thổ cư.
Từ năm 2002 đến nay, USCIRF đã đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Tuy nhiên, chỉ có năm 2004 và 2005 là Việt Nam bị đưa vào danh sách này. Năm 2006, sau một thỏa thuận ràng buộc với Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này. Nội dung thỏa thuận chưa bao giờ được công bố. [12]
Đầu tháng 4/2022, Công an huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết đã phát hiện ra ba người tại tỉnh này tham gia vào nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời “tại tư gia”. [13]
Ba người này cho biết họ tham gia vào nhóm qua hướng dẫn của một người tại tỉnh Bạc Liêu khi sinh hoạt qua ứng dụng trực tuyến Zoom. Mỗi lần sinh hoạt có khoảng 30, 40 người tham gia.
Công an tỉnh Hậu Giang khẳng định nhóm tôn giáo này chưa được chính quyền công nhận, và có các dấu hiệu mê tín dị đoan như “có bệnh cầu nguyện sẽ khỏi; không được thờ cúng tổ tiên, ông bà vì cho rằng đó là thờ ma quỷ”.
Sau vụ việc này, Công an tỉnh Hậu Giang thông báo đã tìm kiếm những người trong tỉnh có liên quan đến nhóm tôn giáo này và tổ chức tuyên truyền để người dân không tham gia vào nhóm - chỉ theo các tôn giáo được công nhận.
Với việc công an ngày càng tăng cường ngăn chặn các nhóm tôn giáo mới, nhiều nhóm đã chuyển sang hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến.
Đọc thêm: Ban Tôn giáo Chính phủ thừa nhận mặt tích cực của tôn giáo mới
Chú thích
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2022, April 24). Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý tiền Công đức. https://web.archive.org/web/20220425075806/https%3A%2F%2Fphatgiao.org.vn%2Ftrung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-lan-3-cua-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-tien-cong-duc-d52641.html
2. Luật Khoa. (2021a, July 17). “Tiền công đức”: Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa. https://www.luatkhoa.org/2021/07/tien-cong-duc-vi-sao-nha-nuoc-giang-co-voi-nha-chua/
3. Giáo xứ An Hòa. (2022, April). Xin cầu cho Giáo xứ An Hòa Giáo phận Đà Nẵng. https://www.facebook.com/photo/?fbid=445672733993105&set=a.124828092744239
4. Luật Khoa. (2021, December). Tôn giáo tháng 11/2021: Giáo xứ An Hòa khiếu nại vì đất của giáo xứ trước 1975 bị phân lô bán nền. Luật Khoa. (2021, December). Tôn giáo tháng 11/2021: Giáo xứ An Hòa khiếu nại vì đất của giáo xứ trước 1975 bị phân lô bán
5. VietnamPlus. (2022, April 13). Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra 18 cơ quan, doanh nghiệp tại Đà Nẵng. https://www.vietnamplus.vn/bo-xay-dung-tien-hanh-thanh-tra-18-co-quan-doanh-nghiep-tai-da-nang/783402.vnp
6. Báo Công an Nhân dân. (2022, April). Gia hạn tạm giam thêm 3 tháng đối với các bị can trong vụ “Tịnh thất Bồng lai.” https://cand.com.vn/Ban-tin-113/gia-han-tam-giam-them-3-thang-doi-voi-cac-bi-can-trong-vu-tinh-that-bong-lai-i651597/
7. Báo Thanh Niên. (2022, April). Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Gia hạn tạm giam 3 bị can do tính chất phức tạp. https://thanhnien.vn/vu-tinh-that-bong-lai-gia-han-tam-giam-3-bi-can-do-tinh-chat-phuc-tap-post1452653.html
8. Xem [5].
9. Bộ Công an. (2022, April). Đưa kinh sách, ấn phẩm tôn giáo vào sử dụng tại các trại giam thuộc Bộ Công an. https://web.archive.org/web/20220521075717/http://bocongan.gov.vn/tin-tuc/dua-kinh-sach-an-pham-ton-giao-vao-su-dung-tai-cac-trai-giam-thuoc-bo-cong-an-t31390.html
10. General Assembly, United Nations. (2016, January 8). United Nations Standard Minimum Rules for the Treatment of Prisoners (the Nelson Mandela Rules). https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N15/443/41/PDF/N1544341.pdf?OpenElement
11. The United States Commission on International Religious Freedom.. (2022, April). USCIRF 2022 Annual Report. https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2022-04/2022%20USCIRF%20Annual%20Report_1.pdf
12. The United States Commission on International Religious Freedom. (2022, February). Country Update: Vietnam. https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2022-02/2022%20Vietnam%20Country%20Update.pdf
13. Tiền Phong. (2022, April). Phát hiện nhóm tự xưng “Hội thánh đức chúa trời tư gia.” https://tienphong.vn/phat-hien-nhom-tu-xung-hoi-thanh-duc-chua-troi-tu-gia-post1428844.tpo