Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Vòng quay trăm năm của báo chí nước nhà.
Ngày 24/3/1925, một thanh niên người Việt đã cầm đầu một cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Người thanh niên đó đã phát truyền đơn, kêu gọi dân chúng nổi dậy:
“Từ 70 năm qua chúng ta sống dưới ách nô lệ. Giờ đây, ta được các chánh phủ đã đàn áp chúng ta suốt 70 năm tuyên bố rằng họ thương mến, họ đem nền văn minh tới để khai hóa chúng ta… Từ 70 năm, bao nhiêu chí sĩ của dân tộc đã bị giết chóc, tù đày, ngược đãi. Hỡi anh em, lẽ nào anh em chịu cúi đầu cam phận ngựa trâu…”
Người thanh niên 25 tuổi đó chính là Nguyễn An Ninh, chủ nhiệm của tờ báo Pháp ngữ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè). Ông thành lập tờ báo vào tháng 12/1923, sau khi đậu bằng cử nhân luật ở Pháp.
Nguyễn An Ninh dĩ nhiên bị bắt sau cuộc biểu tình và bị truy tố ra tòa án ở Sài Gòn.
Đó là một phần nội dung của cuốn sách “Lịch sử báo chí Việt Nam” của tác giả Huỳnh Văn Tòng, được xuất bản vào tháng 4/1973 tại Sài Gòn. Cuốn sách là bản dịch sơ lược từ luận án tiến sĩ của tác giả tại Đại học Sorbonne, Paris.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã giới thiệu cuốn sách này với nhận xét đây là công trình biên soạn quy mô một cách khoa học, có hệ thống, dựa vào những tài liệu xác thực mà tác giả đã đọc được khá đầy đủ từ Thư viện Quốc gia Pháp.
Bạn đọc có thể tìm hiểu về những tờ báo đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam và tra cứu gần như đầy đủ các tờ báo với các ghi chép cẩn thận, ví dụ như ai là người thành lập, số báo đầu tiên, số báo cuối cùng, tòa soạn đã làm báo như thế nào, khuynh hướng báo chí ra sao, những bài báo nổi bật trên cả ba miền đất nước là gì, v.v.
Qua những dữ kiện được thu thập vừa rộng vừa sâu, cuốn sách sẽ nói cho bạn biết rằng thật là hời hợt nếu nhận định một cách đơn giản về báo chí dưới thời kỳ thuộc địa.
Xuyên suốt trong cuốn sách, bạn sẽ khám phá nhiều vấn đề lịch sử, văn học thông qua lăng kính báo chí.
Năm 1917, tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ được thành lập ở Việt Nam, với tên gọi tạp chí Nữ Giới Chung. Chủ của tạp chí là một người Pháp tên là Henri Blaquière. Ông Blaquière giao cho bà Sương Nguyệt Anh - con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - làm chủ bút. Trong số báo đầu tiên, bà Sương Nguyệt Anh ghi rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc ngữ, tuyệt đối không nói đến chính trị. Dù chỉ xuất bản được một năm nhưng một số độc giả nhận định tờ báo đã mang lại những biến đổi mới mẻ cho đời sống của phụ nữ Việt Nam vốn bị ràng buộc trong những nguyên tắc cứng nhắc của Khổng - Mạnh.
Về tờ báo dành cho phụ nữ, cuốn sách cho biết trước năm 1930 chỉ có hai tờ.
Một tờ ở Sài Gòn bán rất chạy là tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, ra đời vào ngày 2/5/1929. Báo phát hành vào thứ Năm, ngoài bìa báo vẽ ba cô gái Bắc, Trung, Nam với câu “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. Chủ nhiệm của tờ này là bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ bút là nhà báo lừng danh Đào Trinh Nhất. Tờ báo có các mục thường xuyên như ý kiến về vấn đề thời sự, vấn đề giải phóng phụ nữ Việt Nam, phụ nữ và gia chánh, tiểu thuyết, v.v. Tờ báo cũng rất được độc giả Bắc Kỳ và Trung Kỳ đón nhận.
Tờ thứ nhì là nhật báo Phụ Nữ Thời Đàm, ra đời tại Hà Nội vào ngày 8/12/1930. Tờ báo do cô Nguyễn Thị Xuyên - hoa khôi đất Hà thành - làm chủ nhiệm. Phan Khôi về sau đã hợp tác với tờ báo này.
Năm 1925, tờ báo có tên là Thanh Niên ra đời, với người sáng lập là Nguyễn Ái Quốc. Tờ báo này được trùm mật thám Đông Dương Louis Marty nhận định:
“Những tờ báo Thanh Niên đầu tiên nhấn mạnh về sự đoàn kết nội bộ […] Đồng thời cũng kích thích tinh thần độc lập dân tộc và lòng yêu nước […] Sau đó, tờ báo giúp độc giả nhận định về tình hình thế giới […] Lẽ dĩ nhiên, lối nhận định và cách thức loan tin đã bóp méo sự thật […] Tờ báo hướng dẫn từ từ cho ai nấy hiểu rằng hiện giờ ở thế giới đã có nước Nga theo chế độ Xô-viết, dân ở nước Xô-viết ấy sống trong tự do hạnh phúc. Nguyễn Ái Quốc - người chủ biên của tờ Thanh Niên - tỏ ra kiên nhẫn, suốt 60 số báo đầu tiên để cho độc giả chuẩn bị tinh thần và tình cảm và sau rốt, ông ta mới phơi bày công khai chủ trương của mình: Chỉ riêng đảng cộng sản mới có thể đem hạnh phúc cho dân tộc Việt mà thôi!”
Ở Trung Kỳ, người Pháp không cho thành lập một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ nào cho đến năm 1927. Huỳnh Thúc Kháng đã dùng vị thế làm quan của mình để tranh đấu kịch liệt mới có thể phát hành được tờ nhật báo có tên là Tiếng Dân. Trước đó, người dân cũng trông chờ vào lời hứa ra mắt tờ báo của cụ Phan Bội Châu nhưng mọi sự không thành.
Cuốn sách cũng cho biết rằng báo chí đã đóng góp lớn vào việc phổ biến chữ Quốc ngữ và văn chương hiện đại. Báo chí khi đó là phương tiện duy nhất để các nhà văn trau dồi chữ Quốc ngữ.
Miền Nam với sự phát triển của báo chí đã trở thành nơi phổ biến chữ Quốc ngữ đầu tiên, văn học tiếng Việt cũng được phát triển ở miền Nam trước rồi vang dội đến miền Bắc. Tuy nhiên, miền Bắc mới là nơi mà chữ Quốc ngữ được phát triển, trở thành nền tảng vững chắc cho văn chương.
Trước năm 1930, báo chí miền Nam có khuynh hướng thiên về tin tức, nhất là trong các hoạt động chính trị thì làng báo Sài Gòn luôn linh động, nhạy bén. Báo chí ở miền Nam đi trước miền Bắc 20 năm. Miền Nam do là đất của Pháp nên người dân hưởng quyền tự do ngôn luận như người Pháp. Người làm báo ở miền Nam được phát biểu thoải mái hơn đồng nghiệp ở miền Bắc. Vì thiếu tự do, ký giả miền Bắc đành thu hẹp vào phạm vi văn học, nghệ thuật.
Tác giả cũng cho biết các nhà báo Việt Nam rất đa dạng trong đó có chính khách làm báo như Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu; văn sĩ, thi sĩ làm báo như Tản Đà; giới kinh tài dĩ nhiên cũng làm báo, và cũng có các nhà báo chuyên nghiệp, nổi bật là Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn, những người đã có tác động lớn trong việc cải cách báo chí Việt Nam.
Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn sống bằng nghề báo. Hai thanh niên này được Giáo sư Lê Hữu Phúc trợ cấp sang Pháp để học làm báo. Hoàng Tích Chu học nghề báo. Đỗ Văn thì nghiên cứu in ấn. Sau khi về nước, năm 1927, Hoàng Tích Chu đã đưa ra cách hành văn mới, gọn gàng, sáng sủa, ít dùng danh từ Hán-Việt. Tuy nhiên, độc giả lúc này đã quen với báo chí trọng chữ Nho và nhiều điển tích, điển cố Trung Hoa. Cách viết mới bị cho là “quá vắn tắt", “viết văn lai Tây”. Chủ của Hà Thành Ngọ Báo phải đuổi việc hai người.
Cuối cùng, qua tờ Đông Tây do hai người ấn bản vào năm 1929, cách viết của Hoàng Tích Chu mới chiếm được cảm tình của công chúng và ảnh hưởng đáng kể đến giới làm báo Bắc Kỳ. Đỗ Văn đã áp dụng cách trình bày của báo chí Tây phương vào hoàn cảnh của báo chí Việt Nam, trang nhất của báo có nhiều tranh ảnh, minh họa, tờ báo trở nên đẹp hơn.
Tuy cuốn sách viết về một thời kỳ xa xôi nhưng có những mô tả mà thời nay vẫn còn sờ sờ ngay trước mắt độc giả, ví dụ:
“Thực dân tìm mọi cách để ngăn cản tự do báo chí và tìm cách nuôi dưỡng những tờ báo nào chịu tuyên truyền, tức là ca ngợi chế độ. Chánh quyền thực dân áp dụng những nguyên tắc lạc hậu, dùng những phương tiện vượt ngoài mức tưởng tượng để khóa miệng báo chí Việt ngữ. Giấy phép ra báo thì thỉnh thoảng mới cấp hoặc là không cấp ra. Kế đó, có sở kiểm duyệt, một sở làm việc hăng hái và tận tụy để cắt xén tàn nhẫn những bài báo không chịu ca ngợi những thành quả tốt đẹp của chế độ.”
Trên đây chỉ là vài phần trăm nội dung của cuốn sách về buổi đầu của báo chí Việt Nam này. Trong một bể thông tin ngồn ngộn như vậy, cuốn sách không hề khó đọc.
Tác giả Huỳnh Văn Tòng chia cuốn sách thành tám phần:
Tác giả Huỳnh Văn Tòng sinh năm 1941, người Tây Ninh. Năm 1972, ông từ nước ngoài trở về miền Nam, giảng dạy báo chí tại trường Đại học Đà Lạt và Đại học Vạn Hạnh. Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam tiếp tục giảng dạy và viết sách. Ông mất vào năm 2011.
Cuốn sách “Lịch sử Báo chí Việt Nam” đã được tái bản nhiều lần sau năm 1975. Nội dung của bài viết này dựa theo cuốn sách xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.