Nguyễn Võ Quỳnh Trang và án tử hình

Một bản án nằm trong xu hướng gia tăng án tử hình ở Việt Nam.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang và án tử hình
Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Niên.

Đây là thư tin Luật Khoa 360, một sản phẩm thử nghiệm của Luật Khoa tạp chí nhằm cung cấp cho bạn những thông tin toàn diện nhất có thể về một vấn đề. Mỗi thư tin sẽ nói về một vấn đề, trích đăng ý kiến của các bên khác nhau, cung cấp dữ kiện có liên quan, và cuối cùng là phần bình luận của Luật Khoa.

Bạn có thể quản lý tài khoản của bạn tại đây.

Chưa có tài khoản? Mời bạn đăng ký nhận các thư tin tiếp theo tại đây.


Chủ đề của thư tin đầu tiên của Luật Khoa 360 là bản án tử hình dành cho cô Nguyễn Võ Quỳnh Trang - người mẹ kế 26 tuổi đã hành hạ và giết chết cháu bé Vân An hồi tháng 12/2021.

Chắc bạn đã nắm được tình hình rồi, nhưng nếu chưa thì đây là thông tin chi tiết của bản án sơ thẩm được tuyên chiều 25/11 tại Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh:

  • Nguyễn Võ Quỳnh Trang nhận hai hình phạt: án tử hình về tội giết người và án 3 năm tù về tội hành hạ người khác. Tổng hợp hình phạt là án tử hình.
  • Nguyễn Kim Trung Thái (bố đẻ của nạn nhân) nhận hình phạt 3 năm tù về tội hành hạ người khác, 5 năm tù về tội che giấu tội phạm. Tổng hợp hình phạt là 8 năm tù.

Các ý kiến xung quanh vụ án này có khá nhiều góc cạnh và lớp lang khác nhau, thành ra cũng khó theo dõi và đôi khi bị rối. Để thảo luận hiệu quả, ta sẽ cần bóc tách các góc cạnh và lớp lang này ra:

  • Nguyễn Võ Quỳnh Trang phạm tội giết người (Điều 123 - Bộ luật Hình sự) hay phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (Điều 134)? Từ góc này, người ta tranh luận về các tình tiết định tội. Tuy nhiên, hình phạt cao nhất có thể dành cho Trang tại Điều 134 là 14 năm tù giam, khác với Điều 123 là tử hình.
  • Án tử hình cho Trang có tương xứng với hành vi giết người của cô hay không? Hay nói cách khác: án tử hình với cô là nặng hay nhẹ? Từ góc này, người ta đồng ý rằng Trang phạm tội giết người, cũng đồng ý với việc duy trì án tử hình trong luật, nhưng không thống nhất với nhau về mức hình phạt cho Trang.
  • Có nên duy trì án tử hình trong luật hay không? Từ góc này, người ta không tranh luận về tội danh và mức độ nguy hiểm của hành vi của Trang, mà tranh luận về việc duy trì án tử hình có hợp lý hay không, có hiệu quả trong việc mưu cầu công lý hay không, có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không, v.v.

Bài viết này sẽ tập trung vào cuộc tranh luận thứ ba, liên quan tới án tử hình.

Hẳn bạn sẽ liên hệ ngay với vụ án tử hình đình đám gần đây của tử tù Hồ Duy Hải? Nhưng khác với vụ án của Hải, cuộc tranh cãi trong dư luận lần này tập trung nhiều vào án tử hình chứ không phải là vi phạm tố tụng. Lý do vì có nhiều dấu hiệu cho thấy Hải bị xử oan, còn Trang thì không (hay là chưa).


Bên ủng hộ bản án nói gì?

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên tòa:

Mặc dù trong quá trình điều tra bị cáo thành khẩn, nhưng hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội; phạm tội với trẻ em; vì động cơ đê hèn... Xét thấy bị cáo không có khả năng cải tạo, cần phải loại bỏ ra ngoài xã hội.

Hội đồng Xét xử, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh:

Hành vi của Trang là quá tàn ác đối với người lệ thuộc mình, mất nhân tính, thực hiện vì động cơ đê hèn, có tính chất côn đồ, phạm tội với trẻ em.

Hương Trần (độc giả bình luận trên VnExpress):

(Ý kiến này có vẻ đại diện cho nhiều người nên chúng tôi chọn đăng.)

Người phụ nữ này không chỉ phạm tội ngược đãi mà còn là tội giết người. Có tù chung thân đi nữa thì trong trại giam hoặc cải tạo tốt được ra tù xã hội cũng không chấp nhận. Lúc giết người không ghê tay thì giờ ăn năn được tha tội, vậy ai cũng dám ngược đãi trẻ em.


Bên phản đối bản án nói gì?

Phần này dài hơn hẳn phần ý kiến ủng hộ, xin chớ lo chúng tôi thiên vị họ vì cũng chỉ có ba ý kiến thôi.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (đăng trên Facebook):

Các hành vi tra tấn, hành hạ bé Vân An của Nguyễn Võ Quỳnh Trang là vô cùng tàn nhẫn. Nhưng tôi cũng cho rằng án tử hình Quỳnh Trang, hoặc bất cứ án tử hình nào, KHÔNG khiến cho xã hội và cộng đồng tốt đẹp lên. Xin nhắc lại, các hành vi của Quỳnh Trang là vô cùng độc ác và cần bị trừng phạt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng tù chung thân sẽ là hình phạt hợp lý hơn.

Tôi không cho rằng một cộng đồng có thể cho phép mình giết ai đó vì anh ta đã giết người (để chỉ ra rằng giết người là sai trái). Chúng ta cũng không hãm hiếp kẻ đã hãm hiếp người khác. Tầng tầng lớp lớp các nghiên cứu đã chỉ ra rằng án tử hình KHÔNG có tác dụng răn đe và ngăn ngừa tội phạm.

Ví dụ, năm 2004, tỷ lệ tội phạm giết người là 5.7 trên 100 nghìn người tại các bang của Mỹ thực hành án tử hình, và là 4.0 trên 100 nghìn người ở các bang không có án tử hình. Ví dụ khác, 27 năm sau khi Canada bỏ án tử hình (1975), tỷ lệ tội phạm giết người ở đây giảm 44%. (Nguồn: Amnesty International)

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, sau khi phạm tội nghiêm trọng, thủ phạm sẽ tiếp tục ra tay tàn bạo hơn khi biết rằng trước mặt mình là án tử hình đang chờ đợi.

Bác sĩ Lê Đình Phương (đăng trên Facebook):

[...] Thực lòng, tôi chưa hề nghe hay biết đến một sự tàn ác kinh khủng đến thế, nhất là sự tàn ác này từ một người đàn bà đẹp, dung mạo không ác độc, với một bé gái. Nên tôi hoàn toàn hiểu sự tán đồng hay hả hê của dư luận với bản án đã tuyên.

Nhưng liệu rằng việc kết liễu sinh mạng một con người có lợi ích răn đe, ngăn ngừa những tình huống tương tự không?

Tôi nghĩ là không. Ở những nước đã bãi bỏ án tử hình, tỷ lệ tội phạm nặng nề không nhiều hơn những nước vẫn áp dụng nó. Và nếu để ngăn chặn bị cáo tái phạm, thì giết chết cô ta là một biện pháp quá triệt để nhưng không cần thiết, vì một bản án cấm cố chung thân cũng làm được điều này.

Còn để cải hóa lương tâm kẻ tội phạm thì lại càng không cần thiết, nhất là khi cô ấy đã thành khẩn ăn năn và chấp nhận án tử hình cho mình. Cô ấy sẽ không còn cơ hội để sống và sám hối nữa. Mà “chỉ cần một phút sám hối ăn năn, thì mọi tội lỗi đã được thứ tha” (Rochefoucauld).

Như một thầy thuốc, tôi kiên định với quan điểm chống án tử hình vì nhiều lẽ:

1. Bổn phận duy nhất và tối cao của nghề y là giữ gìn sự sống, không phải để hủy diệt nó. (Hiệp hội Thầy thuốc Mỹ - AMA - tước quyền hành nghề của bất kỳ BS Mỹ nào tham gia thi hành án tử hình, bất kể tội phạm ghê sợ đến mức nào).

2. Án tử hình tước đi của một con người cơ hội để ăn năn (nếu có).

3. Đức tin Công giáo không cho phép giết người, trừ trường hợp tự vệ chính đáng.

4. Án tử hình có thể sai, và đã sai thì vô phương cứu vãn. Ở Mỹ, từ năm 1973, đã có 190 án tử hình đã được tuyên sai, huống gì nước mình!

Do đó, một cách lý tưởng, tôi tin vào mục đích tối cao của luật pháp không phải là trừng phạt. Hoặc trừng phạt nhưng vẫn chừa cơ hội để một người biết ăn năn là điều nên làm của một xã hội nhân bản, đặt nhân vị con người làm trung tâm.

“Thánh nhân nào cũng có một quá khứ. Và tội đồ nào cũng có một tương lai” (Oscar Wilde).

***

Viết thêm để trả lời trước cho những cmt theo kiểu: “nếu nó giết người nhà bác thì bác còn nói vậy không?”. Trả lời: một cách cảm tính, tôi sẽ muốn kẻ thủ ác bị trừng phạt nặng nề nhất, trừ giết chết. Còn phần lý tính, tôi sẽ cầu nguyện để Thượng Đế cho tôi đủ can đảm tha thứ cho tội phạm (vì tôi không chắc mình sẽ làm được điều này).

Nhà văn Thái Hạo (đăng trên Facebook):

Trừng phạt hay trả thù?

Có lẽ tất cả chúng ta đều biết truyện cổ tích Tấm Cám, nhưng không quá nhiều người biết rằng hiện trên thế giới có hàng trăm “truyện Tấm Cám” với motif, tình tiết, diễn biến gần giống nhau hoàn toàn. Chúng như là các dị bản vậy.

Tấm Cám của Việt Nam và Cô bé Lọ Lem trong kho tàng truyện cổ Grim cũng thế, cũng một cô bé mất mẹ phải ở với dì ghẻ và con của mụ, bị đối xử tàn tệ, bất công; cũng gặp được hoàng tử/vua; cũng thử giày; cũng kết hôn... Nhưng khác ở cái kết: Mẹ con dì ghẻ trong truyện Grim thì chỉ bị đuổi ra khỏi vương quốc còn mẹ con nhà Cám thì bị Tấm giết chết một cách dã man: lừa và dội nước sôi lên đầu Cám, sau đó muối mắm gửi về cho người mẹ, mẹ ăn hết thì mới thấy đầu lâu con gái mình... Cái kết thúc ghê rợn như thế, khó tìm thấy trong các phiên bản khác của các “truyện Tấm Cám” trên thế giới.

Hành động đuổi ra khỏi vương quốc trong truyện Grim là trừng phạt, hành động của Tấm là trả thù, nó khác hẳn nhau về bản chất. Ở đây tôi không xét đến các đặc trưng thi pháp mà người ta đã nói và tranh cãi nhiều, nhưng rõ ràng, hành vi của Tấm là tàn nhẫn, độc ác, mục đích là để thỏa mãn lòng thù hận chứ không phải đòi lại công lý.

Hai nền văn hóa khác nhau, hai hành xử khác nhau. Bây giờ người Việt vẫn rất nặng tâm lý trả thù, một kiểu nợ máu trả máu, thiếu mạng đền mạng, “Trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù không sợ dài lâu”, hay “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Người Việt sáng tạo ra truyện Tấm Cám từ tâm thức cộng đồng của mình, nó giúp thỏa mãn “ước mơ” và những ẩn ức cộng đồng.

Chúng ta rất khó phân biệt được việc đòi công lý và trả thù, do ta không có cái gốc rễ văn hóa và điều kiện xã hội cho sự nảy nở của những ý niệm ấy.

Tâm lý trả thù vốn sinh ra từ một nền tảng xã hội thiếu công bằng, dân chúng không có được những “quan tòa” để xét xử một cách công minh, họ đành “tự thân vận động”. Một xã hội không có công đạo thì tất sinh ra lối hành xử kiểu “quân tử Tàu” ấy.

Trong rất nhiều bình luận mà tôi đọc được xung quanh việc tử hình “dì ghẻ” NVQT, thấy cái tâm lý trả thù ấy vẫn còn rất đậm. Cái đáng lo là cho đến nay, cái nền công đạo kia vẫn chưa có để người dân tin tưởng mà trao gửi công lý. Chính vì thế, có lẽ sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới gột được cái tâm lý trả thù ấy khỏi đời sống của mình…


Thông tin liên quan

Tạm xa vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang, ta hãy xem bức tranh toàn cảnh của vấn đề án tử hình ở Việt Nam ra sao.

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 có 18 tội có hình phạt tử hình, giảm 11 tội so với Bộ luật Hình sự 1999.
  • Phương pháp thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc (chứ không phải “dựa cột” như dân gian thường nói).
  • Tháng 2/2017, Bộ Công an Việt Nam, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, đã công bố một báo cáo nói rằng từ 2011 đến 2016, Việt Nam có 1.134 tử tù; và trong ba năm  từ 2013 đến 2016, có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
  • Theo báo cáo của Chính phủ gửi cho Quốc hội, từ 1/10/2022 đến 31/7/2021, số người bị kết án tử hình tăng gần 30%. Trong một phát biểu trước Liên Hợp Quốc năm 2019, đại diện Bộ Tư pháp cho biết số liệu án tử hình ở Việt Nam là bí mật quốc gia.
  • Theo số liệu năm 2021 của tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam nằm trong số 55 nước còn duy trì án tử hình trong luật và thi hành án tử hình (cùng nhóm với Mỹ, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc). Có 108 nước đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình (trong đó có tất cả các quốc gia Liên minh Châu Âu, Canada, Mexico, Mông Cổ, Úc, Cambodia, Philippines, v.v.). Có 28 nước tuy vẫn duy trì án tử hình trong luật nhưng không thi hành án trong ít nhất 10 năm qua.
  • Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị - một công ước của Liên Hợp Quốc - vào năm 1982; tuy nhiên chưa phê chuẩn Nghị định thư Tùy chọn thứ hai của công ước này về việc bãi bỏ án tử hình và việc thi hành án tử hình.

Bình luận của Ban biên tập

Lưu ý: Đây chỉ là một quan điểm trong vô số quan điểm khác nhau. Nếu bạn có ý kiến phản hồi hoặc phản bác, bạn có thể hồi âm vào email này cho Luật Khoa, chúng tôi sẽ trích đăng một số ý kiến đáng chú ý trong những thư sau.

Mặc dù Luật Khoa có thể đăng các ý kiến đa chiều, nhưng quan điểm của tòa soạn là chống án tử hình. Các ý kiến thì cũng đã nhiều, bạn có thể đọc mục “Án tử hình” trên Luật Khoa để tìm hiểu thêm.

Thời điểm án tử hình ít được ủng hộ nhất ở Việt Nam có lẽ là khi vụ án Hồ Duy Hải được công chúng chú ý đến, đặc biệt là xung quanh phiên tòa giám đốc thẩm ở Tòa án Nhân dân Tối cao vào tháng 5/2020. Cùng với vụ án Hồ Duy Hải là các vụ giải oan cho các tử tù Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, và Hàn Đức Long; cùng với hàng loạt các vụ án có dấu hiệu oan sai như vụ Nguyễn Văn Chưởng, vụ Lê Văn Mạnh. Đặc điểm chung của các vụ này là kết án oan hoặc có dấu hiệu kết án oan, nghĩa là người bị tuyên án tử thực ra không phải người phạm tội.

(Có một vụ hiếm hoi mà người thực sự giết người được công chúng kêu gọi miễn án tử, đó là vụ Đặng Văn Hiến, với lý do anh này chỉ đang bảo vệ mảnh đất của mình.)

Chống án tử hình trong bối cảnh các vụ án oan thì dễ dàng hơn nhiều so với bối cảnh các vụ án dường như đã rõ ràng ai là thủ phạm, chẳng hạn như vụ Nguyễn Võ Quỳnh Trang gây ra cái chết của cháu bé Vân An. Tới đây, phe chống án tử hình không sử dụng lập luận “án oan” được nữa, mà phải thực sự chứng minh rằng dù hành vi của một con người có tàn bạo đến đâu đi chăng nữa, việc xử tội chết vẫn là không hợp lý.

Người Việt Nam chắc sẽ không đóng góp thêm được lập luận ủng hộ hay phản đối nào trong vấn đề án tử hình, cái chúng ta cần là một thái độ với vấn đề này.

  • Thứ nhất, phe chống án tử hình dường như khá nặng lời khi phán xét những người ủng hộ án tử hình là “man rợ”, “khát máu”. Những lời phán xét đó chính là “bản án tử” cho nhân cách của một người, trong khi thực tế thì khác xa. Hậu quả của lối phán xét đó là hai bên ngày càng xa nhau hơn. Dù ủng hộ hay chống đối, chúng ta nên nhìn nhận một thực tế là cả hai phe đều mong muốn công lý được thực thi - và đó là một ý định tốt.
  • Thứ hai, một thực tế nữa cần phải thừa nhận là duy trì hay bãi bỏ án tử hình đều không phải là giải pháp hoàn hảo để phòng chống tội phạm. Duy trì thì vi phạm quyền sống của thủ phạm, củng cố văn hóa “giết người đền mạng” và văn hóa bạo lực. Bãi bỏ thì chắc chắn một số tội phạm tiềm năng sẽ không còn quan tài để thấy, mà như dân gian nói, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Bãi bỏ cũng khiến cho ngân sách phải chi trả để nuôi thủ phạm suốt đời (dù có thể khắc phục phần nào từ việc lao động bắt buộc trong tù). Việc tranh luận ủng hộ hay chống đối án tử hình không nhất thiết một bên đúng hoàn toàn, một bên sai hoàn toàn; luôn tồn tại một khả năng: cả hai bên đều có những lập luận hợp lý. Sẽ không bao giờ có giải pháp hoàn hảo thỏa mãn đủ mọi mối lo ngại về đạo đức hay chất vấn về logic. Vấn đề là chúng ta lựa chọn giải pháp nào. Việc lựa chọn đó sẽ nói lên chúng ta là ai với tư cách là một xã hội.
  • Thứ ba, tranh luận với nhau thì cứ tranh luận, nhưng xin chớ quên mấy điều: (1) chính quyền đang giấu số liệu thống kê về án tử hình, (2) hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn không độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, khiến cho án tử hình có thể được sử dụng một cách tùy tiện, thậm chí như một công cụ chính trị, và (3) việc thay đổi một vấn đề pháp lý lớn như án tử hình đòi hỏi những cuộc thảo luận cởi mở không chỉ trên Facebook mà còn ở nghị trường, ở lớp học, trên mặt báo - những thứ gần như chỉ có thể có được trong một xã hội dân chủ, thứ mà chúng ta đang thiếu.

Quan điểm của bạn về vấn đề án tử hình là gì? Hãy chia sẻ bằng cách hồi âm vào thư này, chúng tôi sẽ chọn đăng một số ý kiến đáng chú ý.

Do đây là một sản phẩm thử nghiệm, chúng tôi rất cần ý kiến của bạn. Hãy bấm vào nút “More like this" (Thêm nội dung thế này) hoặc “Less like this" (Bớt nội dung thế này) bên dưới email. Bạn cũng có thể hồi âm email này.

Xin cảm ơn và chúc bạn có một tuần mới tốt lành!

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.