Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Vào những ngày cuối năm 2022, dư luận trong giới ca nhạc cũng như trong cộng đồng Công giáo Việt Nam bỗng ồn ào vì một số nhạc sĩ sáng tác nhạc thánh ca đòi tiền tác quyền. [1] Nhiều người ngạc nhiên về điều này, phản ứng có năm bảy chiều hướng khác nhau. Nhưng đối với người ở Mỹ, so sánh với môi trường Mỹ, thì phản ứng là, ủa, tới cuối năm 2022 mới bắt đầu có tác giả thánh ca đòi tiền tác quyền à? Chuyện tác quyền thánh ca có thể mới lạ ở Việt Nam, chứ ở Mỹ và hầu hết các nước khác, đã được áp dụng từ lâu rồi và được xem như chuyện đương nhiên.
Ở đây cần phân biệt hai mảng khác nhau, mảng luật pháp và mảng tình cảm. Về tình cảm, xưa nay các nhạc sĩ thánh ca Việt Nam thường sáng tác cho ca đoàn của mình trước, rồi sau đó bài hát sẽ được lan truyền, bằng cách này hay cách khác, tới các ca đoàn khác và có thể lan ra toàn quốc. Hầu hết các tác giả sáng tác thánh ca không công cho ca đoàn mình, hay vì đức tin (như linh mục Kim Long nói, “để ca tụng Chúa”) [2], hay một lý do tình cảm nào đó. Giữa các nhạc sĩ và ca đoàn Công giáo với nhau, không ai đòi tiền ai. Chuyện tình cảm hay đức tin không nằm trong phạm vi bài viết này.
Bài này cũng không bàn cụ thể vào chuyện đang xảy ra tại Việt Nam, trong đó có một câu hỏi rất đáng đặt ra, là người hiện đứng ra đòi tác quyền thánh ca có dấu hiệu đi quá thẩm quyền của mình khi đòi tác quyền cho cả các tác giả không ủy quyền. [3] Chuyện đó có phù hợp với luật Việt Nam không, bài này không bàn tới.
Trong luật tác quyền, tất cả các sáng tác - văn thơ, nhạc họa, điêu khắc, kiến trúc - đều có tác quyền. Khi đã có tác phẩm, là tự động có tác quyền, không cần thông qua thủ tục hành chánh nào cả. Nếu không có ngoại lệ, việc sử dụng sáng tác của người ta đều phải được cho phép.
Bài viết này xin tóm tắt một vài ý chính liên quan tới tác quyền thánh ca trong luật Mỹ.
Luật Tác quyền ở Mỹ là luật liên bang, nằm trong Title 17 của Bộ Luật Hoa Kỳ (U.S. Code). [4] Năm 1976, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật Copyright Act of 1976 [5], chỉnh sửa lại toàn bộ luật tác quyền trước đó, với mục đích chính là để phù hợp với luật tác quyền quốc tế theo Công ước Berne. [6] Kết quả của luật này là các chương 1-8, 10-12, và 14-15 của Title 17. Chương 9 và 13 được bổ sung sau này; chương 9 bảo vệ tác quyền trong chip điện tử, chương 13 quy định về tác quyền cho các tác phẩm thiết kế.
Trong chương 1, bắt đầu từ điều (section) 101-105 là các định nghĩa, và ngay sau đó là điều 106 quy định năm quyền căn bản của tác giả đối với tác phẩm. Năm quyền này, người làm trong ngành thường thuộc nằm lòng, là “reproduction, adaptation, publication, performance, and display.” [7]
Ba quyền đầu tiên - “reproduction, adaptation, publication” - áp dụng cho tất cả mọi loại tác phẩm. Hai quyền sau - “performance, and display” - chỉ áp dụng cho một số loại tác phẩm.
Reproduction là sao chép, in hay sang ra một bản khác.
Adaptation là tạo ra một tác phẩm phóng tác, thí dụ như chuyển thể từ tiểu thuyết qua phim.
Publication là công bố, phân phối, cho thuê, bán, tặng, chuyển nhượng cho người khác.
Chuyển thể một vở kịch thành truyện tranh, rồi xuất bản và phân phối mà không xin phép chủ sở hữu bản quyền (the copyright owner), là vi phạm cả ba quyền reproduction, adaptation, publication.
Performance là trình diễn và chỉ áp dụng cho một số loại tác phẩm, nhưng trên thực tế thì coi như áp dụng cho mọi tác phẩm vì danh sách đó đã bao gồm tất cả tác phẩm nào có thể trình diễn được, kể cả bài biên đạo múa.
Display là trưng bày. Quyền này áp dụng cho các loại tác phẩm trưng bày được. Đây là lý do các chương trình điểm phim đều dùng những thước phim y hệt nhau, vì họ chỉ sử dụng những thước phim nào nhà sản xuất đã cung cấp. Lấy đoạn phim nào không được cung cấp là vi phạm quyền trưng bày.
Điều 106 không phân biệt giữa mục đích thương mại và không thương mại, không phân biệt giữa tôn giáo và không tôn giáo. Điều 106 khẳng định một quy tắc chung là năm quyền trên thuộc về tác giả và người nào thực hiện hành vi liên quan đến một trong năm quyền này đều phải được phép, và khi xin phép thì tác giả (hay người đại diện) thường bắt trả tiền, nên tác quyền thường đi kèm với tiền là vậy. Nếu không, sẽ vi phạm quyền tác giả, tức tác quyền (vi phạm tác quyền trong tiếng Anh là “infringement”).
Tuy nhiên, có nhiều ngoại lệ cũng như tầng tầng lớp lớp các ngoại lệ của ngoại lệ. Một ngoại lệ điển hình trong âm nhạc: tùy ý hát và phát thanh bài hát của người khác khi không được phép rõ ràng là đụng đến “performance” và “publication” nhưng vẫn không vi phạm nếu có trả tiền tác quyền. Điều đó nằm trong ngoại lệ gọi là “compulsory licensing” nằm trong điều 115 của Copyright Act. [8]
Riêng trong phạm vi thánh ca, thánh nhạc, có một ngoại lệ dành cho tôn giáo, đó là điều 110(3) Copyright Act, [9] quy định hành vi sau không phải là sự vi phạm:
“(3) performance of a nondramatic literary or musical work or of a dramatico-musical work of a religious nature, or display of a work, in the course of services at a place of worship or other religious assembly;”
Có thể thấy ngoại lệ này khá hẹp. Ngoại lệ này chỉ áp dụng cho một tác phẩm “of a religious nature”, tức là nhạc tôn giáo, nhạc “đạo”. Nhạc “đời” không thuộc ngoại lệ này. Ranh giới giữa nhạc đạo và nhạc đời nhiều khi cũng khó phân biệt. Thí dụ như bài “Ngày tân hôn” (Em bên mình anh, lặng im dưới bàn thờ. Và quanh chúng ta là vui sướng chan hòa) nhiều khi hát trong thánh lễ hôn phối Công giáo, là nhạc đạo hay nhạc đời? Bên Phật giáo, các bài Đạo ca của nhạc sĩ Phạm Duy là đạo hay đời? [10] Những nhạc phẩm chưa thể phân định rõ, nhiều khi phải kiện nhau ra tòa, mới biết được nằm bên nào.
Ngoại lệ này cũng giới hạn về thời điểm, chỉ áp dụng “in the course of services” (trong lúc cử hành nghi thức tôn giáo), và địa điểm, “at a place of worship or other religious assembly” (tại nơi thờ phượng hoặc tụ tập với lý do tôn giáo). Cụm từ sau, “other religious assembly”, được đưa vào để bảo đảm là các nhóm sinh hoạt tôn giáo đi tĩnh tâm, tu tập, vẫn được sử dụng ngoại lệ này.
Tuy nhiên, ngoại lệ này chỉ áp dụng cho quyền “performance” và quyền “display”, tức là quyền thứ tư và thứ năm trong năm quyền liệt kê ở trên. Không có ngoại lệ tôn giáo cho ba quyền còn lại, reproduction, adaptation, và publication. Thí dụ, không có quyền thu âm và phát tán bài hát. Đây là lý do nhiều chương trình truyền hình thánh lễ thường không có ca đoàn vì không muốn vi phạm bản quyền. Do không có quyền reproduction, nên trong thánh lễ không thể sao chép bài hát để phát cho giáo dân hay cho các ca viên trong nội bộ ca đoàn.
Vì vậy, khi đi nhà thờ tại Mỹ, mỗi băng ghế có để sẵn một xấp sách hát (tiếng Anh gọi là “hymn book” hay “hymnal”), cho giáo dân biết bài, lời, mà hát trong lễ. Quyển hymnal này do một nhà xuất bản nào đó in ra, thường đóng bìa cứng vì cần dùng trong nhiều năm, phải qua tay nhiều người, và họ đã trả tiền tác quyền cho các tác giả rồi nên không sợ vi phạm. Nếu giáo dân không hát mà chỉ ca đoàn hát, thì ca đoàn cũng chỉ hát nội trong một quyển hymnal nào đó, vì có quyền hát nhưng vẫn không có quyền sao chép.
Trong án lệ F.E.L. Publishing v. Catholic Bishop năm 1985, một nhà xuất bản sách thánh ca kiện tòa Tổng giám mục Chicago vì một số giáo xứ trong Tổng giáo phận sao chép sách nhạc của F.E.L. [11] Khi F.E.L. đề nghị cho các giáo xứ quyền sao chép với giá rẻ, các giáo xứ cự. F.E.L. bèn kiện. Ra tòa, Tổng giáo phận thú nhận có vi phạm bản quyền và bị xử trả tiền bồi thường 190.400 USD.
Nói tóm lại, ở Mỹ, hát một bài thánh ca trong thánh lễ, nếu không có việc sao chép bài hát, là hợp pháp và không vi phạm. Ở Việt Nam có ngoại lệ này không, tôi không biết.
Vậy sau khi tác giả thánh ca ở Mỹ sáng tác một bài hát thì bằng cách nào lấy tiền tác quyền? Như hầu hết các tác phẩm ca nhạc khác, tác giả thánh ca lấy tiền tác quyền thông qua các cơ quan trung gian. Các cơ quan này đóng vai trò như một trung tâm giao dịch, nơi nhận ủy quyền từ tác giả, rồi khi ai có nhu cầu trình diễn hay thu âm bài hát, họ trả tiền cho các cơ quan này và các cơ quan này trả tiền lại cho tác giả sau khi trừ đi phần trăm chi phí.
Có hai cơ quan quen thuộc thường thấy trên bìa băng đĩa, trong sách nhạc ở Mỹ: ASCAP và BMI. Hai cơ quan này quản lý các loại quyền trình diễn (performance) cho hầu hết các ca khúc trên nước Mỹ, bao gồm các bài thánh ca.
Về quyền xuất bản, trong giới thánh ca Công giáo, cơ quan đại diện chính cho rất nhiều tác giả là OCP, tên viết tắt của Oregon Catholic Publishing. Từ một nhà xuất bản địa phương, sau hơn 100 năm hoạt động, OCP trở thành trung tâm của thánh ca Mỹ. Các quyển hymnal trong nhà thờ Công giáo Mỹ hầu hết đều do OCP xuất bản. Khi bán hymnal, OCP chia lại phần tiền tác quyền cho các tác giả có bài trong cuốn hymnal đó. Có nhiều nhà xuất bản nhạc Công giáo khác nữa (như nhà xuất bản F.E.L. đã nhắc ở trên), và họ cũng hoạt động tương tự: bán hymnal cho các nhà thờ và mỗi khi bán được thì chia lại tiền cho tác giả.
Một thí dụ cụ thể là bài “One bread one body”. Đây là một bài thánh ca mà ai đi nhà thờ ở Mỹ cũng đều nghe nhiều lần, thường được hát lúc dâng lễ hoặc rước lễ. Tác giả là linh mục Dòng Tên John Foley, SJ (còn sống, còn làm mục vụ). Bài này do OCP xuất bản, quyền trình diễn và thu âm do BMI quản lý. [12] [13]
Nếu ai đó muốn soạn hòa âm cho bài này, họ sẽ trả tiền tác quyền “adaptation” cho OCP, OCP chia lại cho tác giả. Trong khi đó, người này có thể đem bản hòa âm xuất bản ở một nhà xuất bản khác thay vì OCP. Thí dụ, bản hòa âm cho ca đoàn ba bè của Jack Schrader được xuất bản qua Hope Publishing Company. [14] Bìa bài hát đề tên tác giả John Foley, SJ và tên người hòa âm Jack Schrader. Tiền tác quyền sẽ có chia phần sáng tác cho linh mục Foley và phần hòa âm cho ông Schrader. Tùy thỏa thuận bên trong, số tiền trả cho Cha Foley có thể do Hope trả thẳng hoặc trả qua trung gian OCP; chi tiết đó chỉ có người trong cuộc biết.
Lý do cần đến những cơ quan trung gian này không chỉ là để tiện việc liên lạc, mà còn vì hầu hết các nhạc sĩ đều khó có thể tự lo khâu thương lượng và kế toán. Giả dụ một ca đoàn nào đó thu âm bài “One bread one body”, sử dụng phần hòa âm ca đoàn của ông Schrader và phần phối khí ban nhạc của một nhạc sĩ nào khác nữa, có thể thấy việc liên lạc, thương lượng, chia tiền, sẽ chi li và phức tạp.
Ở đây, tôi nói thêm một chút về thánh ca Việt Nam (cũng như các tác phẩm Việt Nam khác) tại Mỹ, vì các tác phẩm sáng tác tại Việt Nam có quy chế khác với tác phẩm sáng tác tại Mỹ. Tuy nhiên, đoạn này của bài chỉ nêu câu hỏi thôi, chứ không trả lời vì câu trả lời khá rắc rối và nằm xa phạm vi bài tóm tắt này.
Vào lúc đa số các tác phẩm thánh ca Việt Nam quen thuộc hiện nay được sáng tác ra, các tác phẩm đó không có tác quyền ở ngoại quốc. Việt Nam, cả Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước 1975, cũng như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau này, chưa hề nằm trong các cơ chế quốc tế về tác quyền cho tới gần cuối thế kỷ 20.
Cơ chế quốc tế đầu tiên liên quan tới tác quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là năm 1998 (hiệu lực 2001), khi hai bên ký hiệp định thương mại song phương (BTA), trong đó có một số điều khoản về tác quyền. [15] Các điều khoản này mơ hồ, đại khái là Việt Nam cam kết sẽ hoàn tất việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ghi trong WTO TRIPs (Trade-Related Intellectual Property Rights) trong 18 tháng. Ngoài ra, Việt Nam cam kết sẽ bảo vệ quyền của sở hữu trí tuệ trong tín hiệu vệ tinh nội trong 30 tháng. Nói chung là cam kết của bên Việt Nam nhiều hơn bên Hoa Kỳ.
Tới năm 2004, Việt Nam tham gia Công ước Berne và năm 2007 Việt Nam tham gia WTO. Với hai cơ chế này, các tác phẩm Việt Nam được bảo vệ tác quyền tại Hoa Kỳ và tất nhiên, bao gồm các tác phẩm thánh ca, thánh nhạc. Vậy còn các tác phẩm đã bị mất tác quyền từ trước thì sao? Câu trả lời chung chung là đã mất rồi là mất luôn, nhưng có rất nhiều ngoại lệ cũng như ngoại lệ của ngoại lệ của ngoại lệ.
Như đã báo trước, vì bài viết chỉ dừng lại ở việc tóm tắt một vài ý chính liên quan tới tác quyền thánh ca trong luật Mỹ nên tác giả KHÔNG có chủ ý đi phân tích một chi tiết cụ thể mà có lẽ độc giả muốn biết, là các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có ảnh hưởng gì đến vấn đề tác quyền thánh ca Việt Nam tại Mỹ.
1. QTV. (2022, November 5). Vụ Thu Tiền để được hát Thánh Ca: Nhạc Sĩ Đinh Công Huỳnh lên tiếng. Tin Công Giáo Việt Nam | Conggiao.vn. https://conggiao.vn/vu-thu-tien-de-duoc-hat-thanh-ca-nhac-si-dinh-cong-huynh-len-tieng/
2. Ảnh chụp màn hình do Facebook The Thong Bui đăng tải.
3. Chấn Động: 7 triệu người Công Giáo bất ngờ trước việc thu phí để được hát bài Thánh Ca của Hội Tác Quyền. (2022, November 5). http://www.tinconggiao24h.com/2022/11/chan-ong-7-trieu-nguoi-cong-giao-bat.html
4. U.S. Code: Title 17. (n.d.). LII / Legal Information Institute.
5. Office, C. U. S. (n.d.). Copyright Law of the United States | U.S. Copyright Office. https://www.copyright.gov/title17/
6. Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works. (n.d.). https://www.wipo.int/treaties/en/ip/berne/
7. Xem [5]
8. Xem [5]
9. Xem [5]
10. Đạo Ca. (n.d.). https://phamduy.com/vi/am-nhac/chuong-khuc/dao-ca
11. F.E.L. Publications, Ltd. v. Catholic Bishop, 754 F.2d 216 (1985). (n.d.). Https://Cite.Case.Law/F2d/754/216/.
12. San Miguel. (2010, June 3). One Bread One Body. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=OshpSD0z1ts
13. The Sunday Web Site at Saint Louis University. (n.d.). https://liturgy.slu.edu/32OrdC110622/main.html
14. Foley, J. B. (n.d.). One Bread, One Body By John B. Foley. Octavo Sheet Music for 3-part Mixed Choir; SAB or 3-part - Buy Print Music HP.A709 | Sheet Music Plus. https://www.sheetmusicplus.com/title/one-bread-one-body-sheet-music/486730
15. AGREEMENT BETWEEN THE UNITED STATES OF AMERICA AND THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM ON TRADE RELATIONS. (n.d.). https://ustr.gov/sites/default/files/US-VietNam-BilateralTradeAgreement.pdf.