Một tấm bản đồ dẫn vào thế giới triết học chính trị

Những trăn trở từ thời cổ đại đến ngày nay.

Một tấm bản đồ dẫn vào thế giới triết học chính trị
Ảnh bìa sách: Amazon. Đồ họa: Luật Khoa

Một trong những cách để học triết học chính trị là đọc các trước tác triết học của chính các triết gia. Dĩ nhiên rồi. Những cách còn lại là nghe người khác nói lại và kết hợp cả hai cách trên.

Nếu phải nghe người khác nói lại thì những cuốn sách nhập môn như bộ “A very short introduction” của Oxford đã khá quen thuộc với độc giả. Bài này sẽ giới thiệu một cuốn nhập môn khác về triết học chính trị còn ngắn hơn cả mấy cuốn “very short”.

Với tựa đề “A student’s guide to political philosophy” (Hướng dẫn về triết học chính trị dành cho sinh viên), cuốn sách này có thể coi như một chỉ dẫn, một tấm bản đồ hữu ích cho những ai bắt đầu bước vào hành trình tìm hiểu chông gai trong lĩnh vực triết học chính trị.

Tác giả cuốn sách là giáo sư Harvey Mansfield của Đại học Harvard. Ông cho độc giả một cái nhìn tổng quan về các tư tưởng lớn từ thời cổ đại với những tên tuổi như Socrates, Plato, Thucydides, Aristote, Cicero tới các thế hệ tiếp nối như Augustine, Thomas Aquinas, và cho tới thời hiện đại là Niccolo Machiavelli, Thomas Hobbes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau, Karl Marx, Friedrich Hegel, Friedrich Nietzsche, John Stuart Mill, và Edmund Burke.

Các tư tưởng triết học phương Tây được tác giả phân tích qua lăng kính khác biệt phe phái (partisanship) và các tư tưởng triết học là cách thức để vượt lên hoặc giải quyết những khác biệt phe phái đó.

Các triết gia cổ đại băn khoăn với câu hỏi “công lý là gì”, thế nào là tốt - xấu, thế nào là đúng - sai, để rồi tìm đến những khái niệm công lý tự nhiên, quyền tự nhiên và những mô hình chính trị lý tưởng. Socrates đề xuất một mô hình tốt nhất có thể, với những vị vua triết gia, còn Aristote đề xuất một mô hình dung hợp giữa chế độ dân chủ và chế độ quả đầu. Aristote suy tưởng về “động vật chính trị” (political animal), theo nghĩa con người là động vật biết nói và vận dụng lý lẽ. Những trăn trở từ thời cổ đại vẫn là một điều con người ngày nay đang trăn trở khi tìm cách thiết kế ra các hệ thống chính trị: con người dường như bình đẳng với nhau ở chỗ ai cũng có lý lẽ, nhưng lại bất bình đẳng với nhau ở chỗ khả năng vận dụng lý lẽ của mỗi người lại rất khác nhau.

Còn các triết gia hiện đại, bắt đầu với Niccolo Machiavelli, xây dựng lý thuyết của mình dựa trên lịch sử và đề xuất những mô hình chính trị phù hợp với thực tiễn lịch sử mà họ nhận thức được.

Thực tiễn lịch sử là thứ đã xảy ra, còn tự nhiên là thứ người ta cho rằng nó nên là.

Nếu như các triết gia tiền hiện đại đi tìm bản chất của tự nhiên và con người nhằm đạt tới sự thông tuệ về tri thức, thì các triết gia hiện đại có mục đích cải cách xã hội rõ ràng và đưa ra các lý thuyết khác nhau cho mục đích đó.

Triết học chính trị hiện đại vì thế đã sản sinh ra Thomas Hobbes với việc đề xuất một chính phủ toàn năng có quyền lực tuyệt đối. Tư tưởng của ông xuất phát từ thực tiễn chiến tranh tôn giáo ở Anh Quốc và thể nghiệm tư duy có tính cách mạng của ông mang tên “xã hội tự nhiên” (state of nature). Đó là một trạng thái xã hội mà mạng sống và sự an toàn của mỗi cá nhân đều bị đe dọa, và do đó mỗi cá nhân - để bảo toàn mạng sống và sự an toàn của mình - sẽ trao quyền cai trị tuyệt đối cho một ai đó và sẽ phải tuân phục kẻ đó. Mặc dù tư tưởng của ông rõ ràng là chuyên chế và cực đoan, nhưng ông đã đặt nền móng hiện đại cho thuyết khế ước xã hội, với ý niệm rằng chính phủ không phải do trời phái xuống mà do người dân trao quyền cho và dựng nên vì lợi ích của chính mình.

Nền móng đó tạo cơ sở cho John Locke - vẫn tiếp tục với suy tưởng về một “xã hội tự nhiên” - đề xuất một mô hình chính phủ có quyền lực hạn chế thay vì quyền lực tuyệt đối. Một chính quyền hợp hiến có kiểm soát. Tư tưởng của ông truyền cảm hứng cho cuộc Cách mạng Mỹ năm 1776 với sự ra đời của nền dân chủ hiện đại đầu tiên.

Cuốn sách rất mỏng này chỉ đủ để một học trò vỡ lòng về triết học chính trị như người viết biết được một cách tổng quát nhất về dòng chảy của lịch sử tư tưởng chính trị cho tới thế kỷ 19. Một hành trình dài và khó khăn còn đang ở phía trước.


Bạn có thể mua quyển “A student’s guide to political philosophy” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Bài viết này được đăng lần đầu trên website luatkhoa.com và được đăng lại trong số báo Tết 2023 đề ngày 5/1/2023 của Luật Khoa tạp chí (ấn bản PDF và EPUB). Quý độc giả cũng có thể đọc tất cả các bài viết của số bài này tại đây.


Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.