Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Giảm can thiệp nhưng vẫn phải chia phần.
Ngày 19/1/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho việc tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích và hoạt động lễ hội. [1]
Thông tư sẽ không điều chỉnh công tác quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ ở các cơ sở tôn giáo chưa là di tích được chính quyền công nhận hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tiền tài trợ, tiền công đức để duy trì hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư trên. [2]
Nhìn chung, chính quyền đã giảm mức độ can thiệp đáng kể vào tiền công đức, tiền tài trợ cho các di tích tôn giáo so với các bản dự thảo trước đây.
Bộ Tài chính cho biết chính quyền không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo. [3]
Theo thông tư này, chính quyền đã quy định việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích (kể cả di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo) và hoạt động lễ hội thông qua hình thức mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, bên cạnh các hình thức tiếp nhận khác.
Ngoài ra, đối với tiền công đức, tài trợ tại các di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo mà cơ sở tôn giáo này lại thuộc địa bàn di tích được nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng thì phải chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập đó tỷ lệ phần trăm trên số tiền công đức, tài trợ thu được để họ trang trải một phần các chi phí theo quy định. Tỷ lệ phần trăm do chính quyền địa phương đặt ra.
Nếu nằm ngoài trường hợp này thì giao cho ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng theo hướng “tự quyết định và chịu trách nhiệm” (khoản 1, Điều 10). Đây là một quy định nhìn qua sẽ thấy có phần nới lỏng nhưng khi đi sâu vào phân bổ và sử dụng thì ban quản lý di tích vẫn phải chịu sự ràng buộc rất lớn. Đơn cử, trích tỷ lệ phần trăm chuyển vào tài khoản riêng của sở văn hóa, thể thao và du lịch địa phương nhằm tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi di tích (Điều 14).
Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng phản đối kịch liệt các bản dự thảo thông tư trước đây của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sau khi thông tư này được chính thức ban hành thì chưa thấy giáo hội lên tiếng.
Ngày 29/1/2023, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Lai Châu cho biết đã có 70 người Mông sang Thái Lan tị nạn từ năm 2012 đến nay. [4]
Đơn vị này cũng cảnh báo rằng đang có nhiều thông tin kêu gọi người dân sang Thái Lan tị nạn để được định cư ở nước thứ ba. Vào ngày 18/1/2023, đơn vị đã tổ chức một buổi họp tại một bản ở huyện Mường Tè để cảnh báo người dân không vượt biên sang Thái Lan.
Hiện nay, Thái Lan là nơi tị nạn của nhiều người dân tộc thiểu số mang quốc tịch Việt Nam. Phần lớn những người này cho rằng họ bị chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo. Nhiều người trong số họ nói từng bị công an bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn vì hoạt động tôn giáo.
Lai Châu là tỉnh có sắc tộc đa dạng, trong đó chiếm đa số là người Thái, H'Mông, Dao, và phần lớn theo đạo Tin Lành. Chính quyền cho biết tỉnh này có nhiều tôn giáo mới đang bị ngăn chặn như Giê Sùa, Bà cô Dợ (Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta), Dương Văn Mình, v.v. [5]
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết tổng số tín đồ tôn giáo tại Việt Nam là hơn 27,2 triệu người tính đến ngày 30/11/2022. [6]
Năm 2019, Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở cho biết tổng số tín đồ tôn giáo của Việt Nam khoảng 13 triệu người. [7] Như vậy, chỉ trong ba năm mà tổng số tín đồ tôn giáo đã tăng hơn gấp đôi.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Bộ Nội vụ lại cho biết Việt Nam có tổng cộng 26,7 triệu tín đồ. [8]
Cả hai con số mà Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ nêu ra đều không nói rõ cách thống kê chi tiết và số tín đồ của các tôn giáo được công nhận hiện nay.
Theo ghi nhận của Luật Khoa, nhiều tôn giáo đã suy giảm số tín đồ trầm trọng sau năm 1975. Số tín đồ các tôn giáo của Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, tôn giáo Baha'i, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo suy giảm khoảng 90%. Số tín đồ của đạo Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Lý đạo đã giảm hơn 80%. Các tôn giáo khác như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cơ đốc Phục Lâm, Phật giáo Hòa Hảo đã mất từ 50% đến 70% số tín đồ. [9]
Vào ngày 16/01/2023, chính quyền huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết huyện này đã xóa bỏ “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên sớm hơn thời hạn một năm. [10]
Chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình được thực hiện theo Nghị quyết số 78 phê duyệt Đề án Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, gọi tắt là Đề án số 78 do Chính phủ ban hành ngày 9/11/2021.
Đến nay, chi tiết về đề án này vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, bản tin của chính quyền huyện Đồng Hỷ nói rằng mục tiêu của đề án này là xóa bỏ đạo Dương Văn Mình vào năm 2023.
Cũng tại Thái Nguyên, ngày 3/1/2023, chính quyền huyện Võ Nhai tổ chức Hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. [11]
Cụ thể, chính quyền huyện đã thu giữ 43 phông biểu tượng của đạo này, tháo dỡ bốn nhà đòn. Tuyên truyền, vận động 69 hộ với 381 người tại sáu xã “ký cam kết từ bỏ, không tin, không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Các sự kiện tổng kết chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình cho thấy chính quyền đang thực hiện một cách có hệ thống nhằm kiên quyết xóa bỏ một nhóm tôn giáo thiểu số và có liên quan đến yếu tố sắc tộc.
Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam trong Điều 27, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. [12] Theo đó, các quốc gia phải đảm bảo các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ được quyền có đời sống văn hóa riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo, ngôn ngữ của riêng mình.
Đọc thêm: Đàn áp đạo Dương Văn Mình: 3 vấn đề chính quyền phải làm rõ
Trang thông tin điện tử tỉnh Điện Biên cho biết Công an tỉnh Điện Biên vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, trong đó có nêu thành tích xóa bỏ được hoạt động của “tà đạo” Giê Sùa trên toàn tỉnh. [13]
Cũng theo bài viết, chính quyền đã vận động 8 hộ, 56 người từ bỏ “tà đạo” Bà cô Dợ trong năm 2022.
Không chỉ riêng ở Điện Biên, ngày 03/01/2023, Phòng An ninh nội địa tỉnh Lai Châu cũng tổng kết công tác năm 2022 và cho biết đã thành lập ba tổ công tác để xóa bỏ tổ chức Giê Sùa, Bà cô Dợ. [14]
Đạo Giê Sùa là một trong những tôn giáo bị chính quyền truy bức nặng nề nhất ở khu vực phía Bắc. Chính quyền các tỉnh trong khu vực này cho rằng hoạt động của đạo Giê Sùa mang yếu tố chính trị, phản động nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Theo trang Người Thượng Vì Công Lý, vào ngày 13/01/2023, công an xã Ea Kao đã bắt ông Y El Niê, một chức sắc Tin Lành độc lập sau khi tham dự một đám tang. [15]
Đến tối cùng ngày, chính quyền đã thả ông trở về nhà. Ông Y El Niê từng bị công an bắt giữ nhiều lần. Lần bắt giữ gần đây là vào ngày 17/12/2022, và ông cũng được thả về trong ngày sau khi bị xét hỏi về các hoạt động tôn giáo.Ông Y El Niê là mục sư của Hội thánh Truyền giảng Phúc âm. Từ năm 2013, ông đã xin chính quyền cấp phép hoạt động tôn giáo cho hội thánh nhưng bị từ chối. [16]
Dù Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 quy định chính quyền cấp phép cho việc đăng ký hoạt động tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo tập trung nhưng chính quyền có thể tùy ý bác bỏ các hồ sơ đăng ký mà họ cho là không phù hợp, và sách nhiễu những nơi này để buộc người dân phải thôi hoạt động tôn giáo.
1. Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. (2023, January 19). https://bcp.cdnchinhphu.vn/334894974524682240/2023/1/27/4-19012023-144303-1674810680885153694633.pdf
2. Khoản 3, Điều 1 của Thông tư số 04/2023/TT-BTC. Xem thêm [1]
3. Lần đầu tiên ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn quản lý thu chi tiền công đức. (2023, February). Xây Dựng Chính Sách, Pháp Luật. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/lan-dau-tien-ban-hanh-van-ban-phap-ly-huong-dan-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc-bo-tai-chinh-noi-gi-119230204100321687.htm
4. Bám sát cơ sở, vận động nhân dân không di cư tự do. (2023, January 29). Công an Tỉnh Lai Châu. https://web.archive.org/web/20230214042143/https://congan.laichau.gov.vn/an-ninh-trat-tu/bam-sat-co-so-van-dong-nhan-dan-khong-di-cu-tu-do-54.html
5. Về các hiện tượng tôn giáo mới ở vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay. (2020, November 23). Tạp Chí Lý Chính Trị. https://web.archive.org/web/20230217022723/http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3310-ve-cac-hien-tuong-ton-giao-moi-o-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-phia-bac-nuoc-ta-hien-nay.html
6. Bài 1: Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. (2023, January). Sài Gòn Giải Phóng. https://web.archive.org/web/20230110043840/https://www.sggp.org.vn/bai-1-chinh-sach-nhat-quan-cua-dang-nha-nuoc-ve-ton-giao-post675158.html
7. Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. (2019). Tổng Cục Thống Kê. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf
8. Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. (2022, October 7). Bộ Nội Vụ. https://web.archive.org/web/20230211034622/https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.html
9. Thái Thanh. (2021, January 27). Số tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam sụt giảm trầm trọng sau năm 1975. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2020/11/so-tin-do-cac-ton-giao-o-viet-nam-sut-giam-tram-trong-sau-nam-1975/
10. Lê Nguyệt. (2023, January 16). Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 28/6/2022 của BCH Đảng bộ huyện. Cổng thông tin điện tử Huyện Đồng Hỷ - Tỉnh Thái Nguyên. https://donghy.thainguyen.gov.vn/tin-moi/-/asset_publisher/Pd5HkZs9ZQIG/content/hoi-nghi-so-ket-thuc-hien-nghi-quyet-so-15-nq-hu-ngay-28-6-2022-cua-bch-ang-bo-huyen?inheritRedirect=false&redirect=https%3A%2F%2Fdonghy.thainguyen.gov.vn%2Ftin-moi%2F-%2Fasset_publisher%2FPd5HkZs9ZQIG%2Fcontent%2Fthuc-hien-noi-dung-ve-cong-tac-can-bo
11. Quỳnh Mai. (2023, January 3). Võ Nhai: Vận động 381 người không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Báo Thái Nguyên. https://web.archive.org/web/20230206072226/https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202301/vo-nhai-van-dong-381-nguoi-khong-theo-to-chuc-bat-hop-phap-duong-van-minh-b950c30/
12. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Lists/CongUocQuocTe/Attachments/10/1.%20Cong%20uoc%20ICCPR%20-%20VN.pdf
13. Lan Phương. (2023, January 4). Công an tỉnh tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên. https://web.archive.org/web/20230206091500/http://dienbien.gov.vn/portal/Pages/2023-1-4/VPUB--Cong-an-tinh-tong-ket-cong-tac-nam-2022-trieuv1gcm.aspx
14. Phòng An ninh nội địa tỉnh Lai Châu. (2023, January 5). Phòng An ninh nội địa quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Trang thông tin điện tử công an tỉnh Lai Châu. https://web.archive.org/web/20230206092813/https://congan.laichau.gov.vn/view/hoat-dong-cua-luc-luong-cong-an/phong-an-ninh-noi-dia-quyet-tam-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-nam-2023-65160
15. Người Thượng Vì Công Lý. (2023, January 13). https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0kCNnZ4vEsNBwge3F71h8Gwhe29QUTbxetUJ9CBwXTdCRuMJwqtsS9tvfBhoqzkUZl&id=100036214344176
16. Đắk Lắk – thế giằng co giữa tín hữu Tin lành độc lập với cơ quan chức năng! (2022, December 19). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-tension-between-independent-protestants-and-authorities-12192022224806.html