Góc tiếp cận mới về Chiến tranh Việt Nam qua nét vẽ của họa sĩ Nhật

Cách chiến tranh vận hành cũng là một phần của lịch sử.

Góc tiếp cận mới về Chiến tranh Việt Nam qua nét vẽ của họa sĩ Nhật
Ảnh bìa sách: Nhà xuất bản Shinkigensha. Đồ họa: Luật Khoa.

Bạn có biết chỉ hai tháng sau khi đổ bộ vào Việt Nam, có hàng trăm lính Mỹ bị thương, 65% trong số đó đã dính bẫy thô sơ, bãi mìn của Việt Cộng. Những loại bẫy này ít nhiều làm lung lay tinh thần của lính Mỹ.

Việc thu nhặt xác chết của đồng đội có thể khiến lính Mỹ phải bỏ mạng vì một quả lựu đạn được Việt Cộng cài sẵn dưới cái xác. Việc tự tiện rút một lá cờ của Việt Cộng sẽ khiến bạn mất mạng do bên dưới đã cài sẵn một quả mìn. Một cục đất trông có vẻ bình thường nhưng lỡ dại mà đá trúng thì vô tình kích hoạt một quả lựu đạn khác.

Lính Mỹ hay lính Việt Nam Cộng hòa được cảnh báo không tự tiện lấy các vật dụng để làm “kỷ niệm” vì có thể chúng đã được gài bẫy sát thương. Dù trời mưa cũng không được tự tiện vào nhà người dân để trú vì lựu đạn có thể được cài ở khắp nơi trong nhà.

Việc dùng súng bắn hay lấy lưỡi lê chọc vào chân dung Hồ Chí Minh cũng có thể tự chuốc lấy cái chết vì bức tranh này có thể đã được lắp dây điện ngay phía sau và sẽ kích nổ một quả mìn.

Tuy nhiên, cách gài bẫy như vậy cũng khiến Việt Cộng tự chuốc lấy thương vong vì không biết đồng đội đặt bẫy khi nào. Do đó, nhiều ký hiệu bằng cành cây, viên đá đã được dùng để đánh dấu vị trí bẫy. Dần dà, đối phương cũng học được cách quan sát các ký hiệu này. Mỹ thành lập cả một trung tâm quân sự ở Củ Chi để hướng dẫn binh lính đối phó với các thể loại bẫy sát thương của Việt Cộng.

Đây là những tư liệu quý giá được vẽ minh họa trong những chương sách của cuốn “ベトナム戦争図解” (Việt Nam chiến tranh đồ giải - Giải thích Chiến tranh Việt Nam bằng đồ họa) do họa sĩ chuyên vẽ minh họa quân sự người Nhật Shin Ueda thực hiện, xuất bản năm 2019. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Hoa nhưng chưa có bản dịch tiếng Việt nào.

Những hình vẽ tay chi tiết về vũ khí, các trận đánh, cách đánh trận, quân phục của lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa, Việt Cộng, quân đội Bắc Việt sẽ đưa bạn đến gần hơn với cuộc chiến khốc liệt. Đây là cách tiếp cận hấp dẫn để hiểu về cuộc nội chiến của đất nước không chỉ đối với học sinh mà còn đối với người lớn.

Xuyên suốt cuốn sách này là các hình vẽ chi tiết về các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh bao gồm: tăng - thiết giáp, súng chống tăng, súng trường, súng ngắn, súng máy, súng phun lửa, lưỡi lê, lựu đạn, mìn sát thương, máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến, v.v.

Một trang trong cuốn sách. Ảnh: 1999.co.jp.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn mô tả các vũ khí đặc biệt mà Mỹ sử dụng. Ví dụ, thiết bị phát hiện kẻ địch trong rừng bằng máy phân tích mùi mô hôi và nước tiểu. Một vòi được lắp vào phần gắn lưỡi lê để hút lấy mùi nước tiểu và phân tích qua một thiết bị được đeo trên tay của quân nhân. Việt Cộng khi biết Mỹ sử dụng thiết bị này đã trộn nước tiểu với bùn rồi trây trét lên các gốc cây để đánh lạc hướng.

Chiến tranh Việt Nam thành nơi thử nghiệm của các hình thức tác chiến mới mẻ. Cá heo được cho là từng được sử dụng để bảo vệ vịnh Cam Ranh. Cá heo mũi chai được huấn luyện không chỉ nhằm phát hiện tàu của địch mà còn giúp xua đuổi cá mập khi người nhái làm nhiệm vụ, tìm kiếm phi công gặp nạn, hoặc thậm chí mang bom tấn công đối phương.

Ngoài ra, cuốn sách vẽ rất chi tiết về tất cả các quân trang của các đơn vị thuộc các bên tham chiến, như áo chống đạn, mũ, mặt nạ, ba-lô, giày, bộ đàm, v.v. Trong đó, đồng phục của bộ đội Bắc Việt được thiết kế gần giống với quân đội Trung Hoa cộng sản, cho đến năm 1980 thì mới được thay đổi.

Ngoài Mỹ và quân đội miền Nam chiến đấu chống Việt Cộng, các nước đồng minh như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc, New Zealand cũng gửi lực lượng đến tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Hàn Quốc với kinh nghiệm chiến đấu chống cộng quân Triều Tiên đã gửi lực lượng hùng hậu nhất, gồm hai sư đoàn bộ binh và một lữ đoàn thủy quân lục chiến.

Cuốn sách chia ra làm năm phần. Phần thứ nhất tóm tắt về Chiến tranh Việt Nam từ những ngày đầu của Chiến tranh Đông Dương cho đến chiến dịch Gió lốc cuối cùng của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vào ngày Sài Gòn sụp đổ. Trong phần này, tác giả giới thiệu sơ lược các thể loại xe bọc thép được dùng trong cuộc chiến, nổi bật là mẫu xe chiến đấu chở quân M113 với khả năng lội nước và có thể được thả bằng dù từ máy bay vận tải.

Phần thứ nhì của sách nói về lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa, các bẫy thô sơ, bẫy mìn và tái hiện các trận đánh nổi bật như Khe Sanh, cuộc tiến công Tết Mậu Thân vào cố đô Huế, các chiến dịch ở gần giới tuyến quân sự tính từ vĩ tuyến 17. Sách cho biết, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thời kỳ tham chiến đông đảo nhất đạt 85.755 người vào năm 1968 và thấp nhất là sau khi Mỹ rút quân với 500 người còn ở lại, chủ yếu để bảo vệ các quan chức Mỹ.

Phần thứ ba mới nói kỹ về các thể loại vũ khí, trang thiết bị, quân trang của quân đội Mỹ và quân đội miền Nam Việt Nam. Nhiều vũ khí được tác giả ghi chú chi tiết về năm sản xuất, cự ly tác chiến, cân nặng, chiều dài, tốc độ khai hỏa, tóm lược cấu tạo, cách sử dụng một số loại súng, lựu đạn, lưỡi lê, v.v. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu các kỹ thuật đào chiến hào trong Chiến tranh Việt Nam.

Phần thứ tư nói kỹ về vũ khí, thiết bị, quân trang của quân đội Bắc Việt và lực lượng Việt Cộng ở miền Nam. Vũ khí của miền Bắc chủ yếu do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất, bên cạnh một số thu gom được của Mỹ. Bẫy mìn là một trong những thứ được miền Bắc và Việt Cộng sử dụng phổ biến. Mìn không chỉ được cài cắm ở rừng rậm mà còn được dùng để khủng bố thường dân ở thành thị. Phần này cũng mô tả cách thức đào hầm và sử dụng hầm để tác chiến của Việt Cộng. Về các cấp bậc trong quân đội, miền Bắc sử dụng vạch và ngôi sao để phân chia cấp bậc, trong khi đó miền Nam sử dụng nhiều hình dạng, hoa văn khác nhau như chấm tròn, hoa mai, ngôi sao.

Phần cuối của sách chủ yếu nói về các thiết bị quân sự phòng không và một số thiết bị chiến đấu trên biển và sông trong cuộc chiến. Phần này đề cập đến chiến dịch Sấm Rền là chiến dịch trên không lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã huy động máy bay của không quân, hải quân, thủy quân lục chiến tấn công vào các căn cứ không quân, doanh trại, cầu, đường sắt, nhà máy điện, đường mòn Hồ Chí Minh của Bắc Việt. Chiến dịch này kéo dài khoảng 3 năm rưỡi với hơn 300.000 phi vụ, khoảng 643.000 tấn bom đã được ném xuống. Quân đội Mỹ mất 900 máy bay, hàng trăm phi công, trong khi đó Bắc Việt thiệt hại đến 90.000 người, trong đó có 72.000 người được cho là thường dân.

Việc đọc một cuốn sách có nội dung như thế không phải để gây thêm thù hận hay trở nên bạo lực hơn mà để hiểu về cuộc nội chiến đã diễn ra trên thực tế như thế nào. Biết thêm về sự tàn phá ghê gớm và vô nghĩa của vũ khí thì sẽ ý thức được sâu sắc hơn về sự khốc liệt của chiến tranh đã làm hạ thấp nhân phẩm của con người.

Chiến tranh Việt Nam là một thực tế lịch sử. Những di chứng của cuộc chiến này sẽ vẫn còn đè nặng không chỉ lên thế hệ tham chiến mà còn ở thế hệ tương lai.

Cho đến nay, việc thảo luận về thời kỳ Pháp cai trị Việt Nam đã trở nên dễ dàng, có phần trung dung hơn, điển hình như việc xuất bản ngày càng phổ biến các tài liệu ghi chép, sách vở của Pháp về thời kỳ này. Tuy nhiên, Chiến tranh Việt Nam vẫn là một chủ đề cấm kỵ, bị kiểm soát nặng từ trường học cho đến mạng xã hội. Một cuốn sách như tác phẩm được giới thiệu trong bài viết gần như không thể tồn tại ở Việt Nam, trong lúc học sinh đang được học về cuộc chiến theo cách hết sức nghèo nàn, nhàm chán, nặng màu sắc tuyên truyền, kích động lòng thù hận một chiều.

Chính quyền Việt Nam sẽ còn quản lý chặt chẽ và có hệ thống những nội dung về Chiến tranh Việt Nam qua các sách, báo, truyền hình đến các hoạt động bảo tàng, triển lãm. Chính quyền vẫn tiếp tục kiểm soát gắt gao việc nhập các sách viết bằng tiếng Việt từ nước ngoài về Việt Nam với lý do chính trị. Nhưng dù kiểm duyệt nặng nề đến thế nào, lịch sử vẫn không hề thay đổi, sự thật vẫn sẽ vượt lên trên những dối trá. Chỉ có sự thật mới mang lại sự hàn gắn, kết nối những đứt gãy của quá khứ, giải phóng những tắc nghẽn của cá nhân trong hành trình kết nối với nguồn cội của mình. Và chỉ có những chế độ không dám dũng cảm đối mặt với quá khứ mới không thể nào đứng vững trong tương lai.

Tháng Tư không cứ phải là đỏ hay đen. Có vài điều mà “màu” gì thì cũng cần công nhận
Ba lý do bạn nên đọc ấn phẩm PDF tháng Tư của Luật Khoa tạp chí.
Một lá thư xuân: Lấy yêu thương để hóa giải bất đồng
Chỉ có đau thương và nghi kỵ sau cuộc tương tàn.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.