Lịch sử Trung Quốc qua góc nhìn về lẽ hưng - suy của các vương triều

Một lối diễn sử chân phương và độc đáo.

Lịch sử Trung Quốc qua góc nhìn về lẽ hưng - suy của các vương triều
Ảnh bìa sách: Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Luật Khoa.

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) đã khá quen thuộc với độc giả trong thời gian gần đây. Ông lớn lên ở miền Bắc Việt Nam, sinh ra trong một gia đình Nho học, trưởng thành dưới hệ thống giáo dục Đông Dương thuộc Pháp, rồi định cư ở miền Nam đến lúc qua đời. Ông là một trí thức miệt mài và bền bỉ với văn hóa. Đầu những năm 1950, Nguyễn Hiến Lê thôi dạy học tại vùng tản cư, chính thức lên Sài Gòn để trọn đời theo văn nghiệp.

Dù là dưới chế độ Sài Gòn hay chế độ cộng sản, dù là lúc thanh bình tạm thời hay lúc binh lửa nguy nan, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng để lại những trước tác đồ sộ và đặc sắc, trải dài trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, cảo luận, dịch thuật, triết học, văn học, sử học, v.v. Hai năm trước khi lìa trần, ông vẫn không thôi sáng tác.

Tác phẩm “Sử Trung Quốc” (3 cuốn) hoàn thành năm 1982 được đánh giá là công trình công phu cuối đời của học giả, bao quát toàn cảnh lịch sử chính trị, tư tưởng và xã hội Trung Quốc từ khởi thủy đến hiện đại. Trong tác phẩm, Nguyễn Hiến Lê không hề lặp lại lối phân kỳ lịch sử của các nhà sử học phương Tây. Ông chia lịch sử Trung Quốc thành ba giai đoạn: (1) từ thời nguyên thủy tới phong kiến, (2) từ thời quân chủ khởi đầu bởi nhà Hán đến Cách mạng Tân Hợi (1911), (3) thời dân chủ từ Cách mạng Tân Hợi đến giai đoạn đảng trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khác biệt hoàn toàn với mô típ tự sự và cách truyền tải lịch sử nghèo nàn, một chiều, dùng lối ngôn ngữ khoa trương và sáo rỗng của chế độ chính trị và hệ thống giáo dục Việt Nam năm 1982, thời điểm mà những người cộng sản tự nhận là “chói lọi nhất”, Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê vẫn trung thành với lỗi diễn sử chân phương mà độc đáo, vẫn giữ nguyên phong cách điềm nhiên, sang trọng, lịch duyệt, giàu sức sống và không xu thời, từ đó lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp “hoa đào năm cũ” của một tâm hồn trí thức đáng nể trọng.

Tác phẩm đồ sộ, khoảng 1.000 trang in, nhưng bút lực dồi dào, thông tin chừng mực. Đó là lợi thế của các học giả chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Đông, biết khiêm nhường và thủ đạo tri túc (biết đủ). Tác giả không cố công ôm đồm chữ nghĩa, khoe mẽ ý tứ và nhồi nhét sử liệu để làm rạng danh “tập đại thành” cuối đời. Càng về cuối đời, ông càng ung dung tự tại. Ông chỉ đóng vai một lữ khách phương xa, hữu ý lướt qua đôi dòng thế sự dằng dặc, nơi phơi bày sự hưng phế của các tập đoàn chính trị. Đôi chỗ, độc giả tinh ý sẽ nhận ra lối văn sử mang hơi hướng Mao Tôn Cương bình Tam quốc diễn nghĩa. Do đó, những chuyện Tề Hoàn Công xưng bá, Vương An Thạch biến pháp, Tống vong tam kiệt, Tưởng Giới Thạch Bắc phạt, v.v. nghe có vẻ tuy xa mà gần.

Nhờ khả năng tự đối thoại và tính tương liên trong từng mạch tự sự, tác phẩm có chiều sâu nội dung, văn từ chân phương nhưng thực ra là ý tại ngôn ngoại. Nhờ dùng văn kể sử, mượn sử triết luận, Sử Trung Quốc tạo nên sự hứng thú liên hồi cho độc giả khi phiêu lãng trong không gian lịch sử của các tiền triều Trung Hoa, tựa đầu bên điện các để lắng nghe câu chuyện tranh đoạt đại quyền và nếm trải (phần nào) bão táp phong ba ở những miền địa chí xa lạ.

Suối mấy ngàn năm chế độ phong kiến – quân chủ tồn tại ở Hoa lục rộng lớn đều không tránh khỏi định mệnh lịch sử mà Mao Tôn Cương đã tổng kết: Phàm thế cuộc trong thiên hạ, chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia. Kế thừa luận lý này của tiền nhân, học giả Nguyễn Hiến Lê đã đi tìm câu trả lời cho lẽ hưng – suy của các vương triều Trung Hoa, bởi vì chuyện thiên hạ âu cũng chính là chuyện thiên triều. Tác phẩm Sử Trung Quốc, từ đó, được thiết kế theo một dòng chảy chính luận mạch lạc như vậy.

Tác giả nhấn mạnh nội dung của lẽ hưng – suy vào thời quân chủ kéo dài khoảng 21 thế kỷ (206 TCN – 1911). Trong giai đoạn này, từ thời Hán đến cuối Nam Tống gọi là “thời thịnh nhất của văn hóa”, từ thời Nguyên đến cuối Thanh gọi là “thời suy của dân tộc Hán”. Lẽ hưng – suy như vòng tròn khổng lồ bao trùm lấy thái cực đồ, hay còn được cho là Đạo. Các vương triều tựa như vô số tập hợp bên trong hình đồ, không thoát khỏi con đường “vật cực tắc phản”, “vật cùng tất biến”.

Trên phương diện diễn biến lịch sử, nguyên nhân chính khiến hưng – suy trở thành mối liên hệ biện chứng là nạn ngoại thích (người khác họ) và hoạn quan. Điều này được Nguyễn Hiến Lê đề cập xuyên suốt tác phẩm.

Cuối thời Tây Hán mạt, mặc dù Lưu Tú dẹp được loạn Vương Mãng, lập lại nhà Đông Hán sau gần 15 năm gián đoạn nhưng thế suy của nhà Hán thật không thể tránh khỏi. Nạn ngoại thích khởi lên từ việc hậu dụê bạc nhược, quyền hành rơi vào tay thái hậu và thân tộc bên ngoại, thanh trừng chính trị diễn ra liên miên. Khi nước không còn kỷ cương, quyền lực quá dễ dàng tranh đoạt bằng gươm đao thì “triều đình hóa loạn”. Thế rồi, Hán triều mất vào tay con cháu Tào Ngụy.

Qua thời biến loạn Tam Quốc, nền tảng của nhà Tây Tấn do Tư Mã Ý cướp từ tay con cháu họ Tào cũng lung lay vì Tấn Hụê Đế vô năng, bị chính vợ mình là Giả Nam Phong hoàng hậu đoạt quyền, làm cho bát vương dấy loạn, tạo tiền đề để các tộc người phiên trấn mạnh lên, can thiệp vào “quốc thổ”, mở ra một thời kỳ loạn lạc hơn nữa, sử gọi là Ngũ Hồ thập lục quốc hay Nam Bắc triều.

Bên cạnh đó, các quân vương vì quá ám ảnh chuyện độc tôn vương quyền nên đã không ngừng tạo ra tiền lệ sai lầm, hoặc lặp lại sai lầm của tiền triều. Bản thân nhà Tấn cũng sợ phân quyền cho người khác họ sẽ dẫn đến kết cục tan rã như nhà Hán. Sau khi chấm dứt thế cục Tam quốc, Tư Mã Viêm liền cắt cử họ hàng Tư Mã giữ quân quyền trấn nhậm các nơi. Nhưng lịch sử một lần nữa chứng minh rằng: đụng đến mâu thuẫn quyền lực thì không còn ai quan thiết chuyện thân sơ nữa.

Đến nhà Đường, nếu thời thịnh Lý Thế Dân mở mang bờ cõi thì thời suy Võ Hậu tiếm quyền (lại là nạn ngoại thích). Sau đó là loạn An – Sử đánh dấu hồi nhà Đường mạt vận, rồi suy tàn dần dần và mở ra thời Ngũ đại Thập quốc phân tranh tàn khốc hơn.

Nguyễn Hiến Lê có nói rõ: “Mới đầu nhà Đường thấy cái họa hoạn quan ở các triều trước, nên không cho chúng dự việc nước. Nhưng từ đời Túc Tôn lại tin dùng hoạn quan; và hai đời sau, họa phiên trấn càng lớn, Đức Tôn không tin cậy các quan văn võ nữa, chỉ chuyên dùng hoạn quan […]”.

Rõ ràng, khao khát tìm mọi cách giữ mãi sự độc tôn không làm cho quyền lực hay vương vị vững bền. Khi quyền lực quân chủ suy yếu thì lựa chọn nương tựa quyền lực bên ngoài là con dao hai lưỡi. Hoạn quan thời Đường mạnh đến mức “chẳng những các triều thân ở trong tay chúng mà các tiết độ sứ cũng là môn hạ của chúng nữa”.

Cuối cùng, Mông Cổ - một trong những thế lực phiên trấn mà giới quân chủ Hán tộc Trung Hoa gọi là “hồ”, “rợ”, “di”, “nhung” - chính thức chiếm trọn giang sơn nhà Tống, lập ra nhà Nguyên, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt của vị thế hưng – suy (Hồ thịnh Hán suy).

Mặc dù sau đó nhà Minh tái lập triều đại do người Hán cai trị bằng một nền quân chủ chuyên chế bậc nhất nhưng “từ thời Anh Tôn (1436) trở đi, nhà Minh bắt đầu suy” vì nạn hoạn quan lên đến đỉnh điểm, trở thành một thứ tai ương lịch sử cho triều đại này. Nó xuất phát từ sự nghi kỵ bị tiếm quyền của người nắm giữ ngôi vị chí tôn, đồng thời cũng là bi kịch “cha làm thầy, con đốt sách” giữa nhiều đời vua.

Chu Nguyên Chương kiên quyết bài trừ hoạn quan nhưng con ông là Minh Thành Tổ bắt đầu bỏ hết cấm lệnh của cha, còn lập ra cả Đông Xưởng. Đến đời vua sau tiếp tục lập thêm Tây Xưởng nhằm đối trọng. Uy thế hoạn quan, vì vậy, ngày một nâng cao không ngừng và mang tính hệ thống, dẫn tới nạn tham nhũng, lộng quyền, chèn ép ngôi vua.

Không riêng gì thời kỳ quân chủ mới có những cố tật quyền lực không thể cứu vãn. Sử Trung Quốc cũng phơi bày chi tiết khung cảnh đấu đá quyền lực quân phiệt sau thời Cách mạng Tân Hợi. Thậm chí, kể cả khi người cộng sản Trung Quốc thống nhất đại lục, họ cũng truất phế quyền lực lẫn nhau trong một giai đoạn mà Nguyễn Hiến Lê đặt tên là “Tân dân chủ”. Tuy nhiên, dù đại cuộc thiên hạ rơi vào tay ai, Nguyễn Hiến Lê vẫn nỗ lực phản ánh mọi vấn đề lịch sử thuộc thời kỳ này một cách khách quan, đặt trong mối tương quan so sánh giữa chân dung chính trị Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Đó là điều đáng trân quý ở một học giả trước sau như một.

Mặc dù nhấn mạnh về lẽ hưng – suy của vương triều, sự đổi dời của thế cuộc, nhưng tác phẩm còn đem đến cho độc giả những tổng kết có giá trị cao về các thành tựu văn hóa, triết học, và hiện tình xã hội mỗi thời. Nguyễn Hiến Lê liên tục theo sát dòng sự kiện, tỉ mẩn lý giải và bình chú để bạn đọc nhỏ tuổi nhất vẫn gật gù thấu hiểu.

“Tấm Nam sử” được Trần Trọng Kim dệt nên như thế nào?
Quốc gia tiến bộ phụ thuộc vào chí nguyện và sự cố gắng của quốc dân.
Người Pháp chuẩn bị những gì cho cuộc chiến bước ngoặt ở Nam Kỳ?
Cuộc hành quân gấp rút thay đổi cục diện lịch sử.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.