Vì sao chúng ta luôn cần người ngoài hành tinh?

Để học cách tương dung với cuộc đời.

Vì sao chúng ta luôn cần người ngoài hành tinh?
Ảnh bìa sách: Vintage Books. Đồ họa: Luật Khoa.

Bạn sẽ làm gì nếu biết trước được tương lai?

Trước khi suy nghĩ về câu trả lời, hãy dừng lại một chút ở câu hỏi.

Vì sao mỗi khi nói đến tương lai, biết luôn phải đi với làm?

***

Nhà tâm lý học Daniel Gilbert từng nhận định con người là động vật duy nhất nghĩ về tương lai (human being is the only animal that thinks about the future). [1]

Tôi không đồng ý lắm. “Nghĩ” (think) là một từ không diễn tả đầy đủ. “Ám ảnh” (obsessed) thích hợp hơn nhiều.

Con người là động vật duy nhất bị ám ảnh về tương lai.

Chúng ta không chỉ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai. Chúng ta muốn biết để có thể, bằng cách này hay cách khác, thay đổi tương lai của mình.

Đó là lý do mỗi khi nhắc đến tương lai, biết thường phải đi với làm. Nếu không, bạn sẽ bị chất vấn, hay chính bạn là người chất vấn, rằng biết để làm gì? (Bạn thấy đó, ngay cả câu chất vấn này cũng không thể tách rời biết và làm)

Nhưng rốt cuộc, cứ cho là biết được tương lai, liệu chúng ta làm được gì?

Có lẽ bạn đã từng nghe qua câu chuyện về cuộc hẹn ở Samarra. [2]

Truyện kể rằng vào một ngày nọ, một thương nhân ở Bagdad sai phụ tá của mình ra chợ. Một lúc sau, người phụ tá quay về run rẩy, kể rằng mình vừa gặp Thần Chết và bị đe dọa lấy mạng. Người này xin ông chủ cho mượn ngựa và nói sẽ đi thật xa, về tận Samarra, nơi Thần Chết không thể tìm thấy anh ta. Sau khi anh đi khỏi, thương nhân đi tới chợ và gặp Thần Chết ở đó. Ông chất vấn vì sao Thần Chết lại đe dọa muốn lấy mạng người phụ tá của mình. Tôi không hề đe dọa, Thần Chết trả lời, tôi chỉ kinh ngạc khi nhìn thấy người đó ở Bagdad. Tối nay tôi mới có hẹn với anh ta ở Samarra.

Câu chuyện tưởng tượng này thường được dùng để minh họa cho “Thuyết tất định” (Determinism), một trường phái triết học trong đó nói rằng mọi thứ trên đời đều là kết quả tất yếu của một chuỗi các sự kiện xảy ra trước đó. [3] Hệ quả suy ra là tương lai, vốn là tập hợp kết quả của các sự kiện tất yếu, là một thứ định sẵn, không phụ thuộc vào ý chí của con người.

“Thuyết tất định” thường được đem ra bàn cân đối chọi với “Thuyết ý chí tự do” (Free will/ Libertarianism), một trường phái mà người ta tin rằng con người có ý chí quyết định từng hành động của mình, và từ đó có khả năng thay đổi tương lai theo ý muốn. [4]

Các tranh luận giữa hai học thuyết này đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, và sẽ còn tiếp diễn tới một tương lai không ai thấy trước.

Dù cố gắng đến đâu, chưa ai có thể bác bỏ tính logic của “tất định”, nhưng nếu vậy, những người “ý chí tự do” như chúng ta đều phải tự hỏi, ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đâu?

***

Truyện ngắn “Story of your life” của Ted Chiang, một trong những tác giả khoa học viễn tưởng có ảnh hưởng nhất thời hiện đại, là một cây cầu thú vị bắt ngang hai bờ sông “tất định” và “tự định”. [5]

Trong truyện, trái đất được một nhóm sinh vật ngoài hành tinh ghé thăm. Họ không đến để xâm lược, để thống trị, cũng không tới để khai thác tài nguyên hay trao đổi mua bán - những thứ mà nhân loại vẫn làm từ xưa đến nay. Họ xuất hiện để thuần túy chia sẻ kiến thức.

Thứ các sinh vật ngoài hành tinh này muốn chia sẻ là ngôn ngữ của mình.

Khác với người trái đất, tiếng nói và chữ viết của họ hoàn toàn độc lập, không liên quan gì đến nhau.

Điểm đáng chú ý nhất là ngôn ngữ viết của họ không theo thứ tự thời gian một chiều (linear). Họ không viết thứ này trước, thứ kia sau, cái đầu rồi tới cái cuối. Họ viết tất cả cùng một lúc. Họ nghĩ về mọi thứ, cái bắt đầu và cái kết thúc, trong cùng một thời điểm.

Khi Louise, nhà ngôn ngữ học, nhân vật chính của truyện, học được thứ ngôn ngữ đặc biệt này, thế giới quan của cô hoàn toàn thay đổi.

Cô nhìn thấy toàn bộ cuộc đời mình, mọi sự kiện từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc, trong cùng một thời điểm.

Nói như cách người trái đất, cô biết được tương lai.

Cô làm gì với sự biết trước đó của mình? Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn chau mày ngạc nhiên, hoặc, nếu học được một ít cách tư duy bằng ngôn ngữ của các sinh vật ngoài hành tinh trong truyện, bạn có thể sẽ không còn lăn tăn về câu hỏi đó.

Truyện ngắn của Ted Chiang là một khơi gợi cho “Thuyết tương dung” (Compatibilism), nơi mà người ta vừa có thể chấp nhận một thế giới tất định, vừa tìm ra được cách để làm chủ cuộc đời mình. [6]

Vào năm 2016, truyện được chuyển thể thành bộ phim “Arrival”. [7] Tuy được đánh giá là thành công với nhiều đề cử giải thưởng, nhưng với những ai đã đọc nguyên tác, đây là một phiên bản vũ trụ rất khác biệt. Phim có cốt truyện được chỉnh sửa, các tình tiết gay cấn được thêm vào, và một nhịp điệu khác hẳn trong sách. Nó khó có thể giúp người xem nghiền ngẫm đầy đủ những chi tiết kích thích đầy trí tưởng tượng trong từng trang chữ.

***

Một phim khác, vừa càn quét một loạt giải thưởng danh giá quốc tế, “Everything Everywhere All At Once” (EEAAO), [8] khiến tôi nhận ra nhiều điểm tương đồng với truyện “Story of your life” của Ted Chiang hơn.

Nó cũng đặt ra câu hỏi: ý nghĩa cuộc sống là gì khi chúng ta biết hết mọi thứ đã, đang và sẽ xảy ra, ở mọi nơi, trong cùng một lúc?

Câu trả lời của Jobu Tupaki, nhân vật phản diện trong phim, là cuộc sống chẳng có nghĩa lý gì cả (nothing matters). Và đó là lý do cô muốn phá hủy tất cả mọi thứ.

Evelyn, bà mẹ trong phim, khi đã và đang sống trong tất cả các phiên bản của mình từ quá khứ đến vị lai, lại nhận ra từng thứ một đều có ý nghĩa của nó (everything matters).

Bối cảnh trong phim EEAAO là một yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng cảm: câu chuyện quen thuộc về những xung đột và thách thức hòa nhập của một gia đình nhập cư.

Có thể bạn đã biết, rằng trong tiếng Anh, chữ “alien” ngoài nghĩa chỉ người ngoài hành tinh còn mang nghĩa nói về người nhập cư.

Trong mắt cư dân bản địa, người đến từ vùng đất khác đích thực không khác gì người ngoài hành tinh. Họ có màu da khác, màu tóc khác, nói một thứ ngôn ngữ khác không ai hiểu, và đi kèm với những thói quen văn hóa khác nhiều lúc khiến chúng ta khó chịu.

Chỉ đến vài trăm năm gần đây, với sự phát triển của giao thông và công nghệ, việc tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác biệt trở nên phổ biến, nỗi sợ hãi về những người ngoài hành tinh đến từ bên kia biên giới mới giảm bớt.

Giảm bớt chứ không triệt tiêu.

Cứ mỗi cuộc khủng hoảng - và khủng hoảng là thứ ngày càng xuất hiện nhiều ở hiện tại - những nhóm nhập cư khác biệt thường trở thành mục tiêu chỉ trích và đổ lỗi của đám đông bản địa.

Và không hẳn phải là dân nhập cư. Mở rộng ra, bất kỳ nhóm người, hay cá nhân nào, khác biệt với phần còn lại, đều có nguy cơ bị xem là người ngoài hành tinh, là đối tượng bị chĩa mũi dùi mỗi khi có vấn đề xuất hiện.

Ở một khía cạnh nào đó, đây là mâu thuẫn kinh điển của những người muốn làm chủ số phận nhưng không có gan tự chủ với mọi thứ xảy ra trong cuộc đời mình.

Không phải ngẫu nhiên mà Ted Chiang, tác giả của câu chuyện về bài học từ người ngoài hành tinh, sinh ra trong một gia đình nhập cư. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những người thực hiện bộ phim EEAAO, từ nhà sản xuất, đạo diễn cho đến dàn diễn viên, phần lớn là những người nhập cư hay con cháu của họ.

Những ai sinh ra đã khác biệt là những người hiểu rõ nhất giá trị và những thách thức đến từ sự khác biệt đó.

Còn chúng ta thì sẽ luôn cần đến những người khác biệt với mình để học cách tương dung với thế giới này, cho dù có biết trước được tương lai hay không.

Xung đột chính trị, văn hóa, sắc tộc có thể lý giải bằng khác biệt địa lý?
“Miền đất chúng ta sống vẫn luôn định hình chúng ta.”
Học chính trị, lịch sử và học làm người bằng cách trèo qua cửa sổ
Một cuốn sách của tiếng cười, sự giải thoát và niềm hy vọng.

Bạn có thể mua quyển Story of your life tại đây.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Chú thích

1. Boyle, T. (2016, August 23). You vs. Future You; Or Why We’re Bad At Predicting Our Own Happiness. NPR. https://www.npr.org/transcripts/490972873

2. “The Appointment in Samarra” (W. Somerset Maugham’s version). (n.d.). https://www.k-state.edu/english/baker/english320/Maugham-AS.htm

3. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (1998, July 20). Determinism | Definition, Philosophers, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/determinism

4. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2023, March 25). Free will | Definition, Determinism, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/free-will

5. Amazon.com: Stories of Your Life and Others eBook : Chiang, Ted: Kindle Store. (n.d.). https://www.amazon.com/Stories-Your-Life-Others-Chiang-ebook/dp/B0048EKOP0

6. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2009, March 6). Compatibilism | philosophical concept. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/compatibilism

7. Wikipedia contributors. (2023, March 11). Arrival (film). Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Arrival_(film)

8. Lee, B. (2023, March 13). Everything Everywhere All at Once triumphs at Oscars with major sweep. The Guardian. https://www.theguardian.com/film/2023/mar/12/everything-everywhere-all-at-once-oscars-2023-winner-awards-best-picture

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.