Xung đột chính trị, văn hóa, sắc tộc có thể lý giải bằng khác biệt địa lý?

“Miền đất chúng ta sống vẫn luôn định hình chúng ta.”

Xung đột chính trị, văn hóa, sắc tộc có thể lý giải bằng khác biệt địa lý?
Ảnh bìa sách: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Đồ họa: Luật Khoa.

Trong thời đại của chủ nghĩa xê dịch và công nghệ lên ngôi, chúng ta có nhiều điều kiện để đi lại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, thậm chí đi vào không gian. Giới hạn về địa lý đang dần bị phá bỏ khi mỗi giờ có hàng trăm ngàn cuộc di chuyển được thực hiện. Hàng ngàn vệ tinh chuyển động theo quỹ đạo giúp ta mở mang tầm nhìn về những vùng đất. Tuy nhiên, dưới con mắt của Tim Marshal - một nhà báo, chuyên viên đối ngoại và nhà ngoại giao người Anh - ông cho thấy dù thế nào chúng ra vẫn là những tù nhân của địa lý.

Nói về địa lý, chúng ta thường đơn thuần chỉ nhắc tới sự phân định giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, hay các vùng đất; đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên gồm bình nguyên, sông ngòi, núi non, rừng, sa mạc, thác ghềnh; các vùng khí hậu, khoáng sản và các tầng địa chất; v.v. Có lẽ, chưa có nhiều người trực tiếp khẳng định vai trò của địa lý tới lịch sử và chính trị của từng quốc gia.

Cuốn sách “Những tù nhân của địa lý” của Tim Marshal ra đời năm 2015 đã trực tiếp đi sâu vào những phân tích địa chính trị nói trên, khiến nó nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất của New York Times suốt hai năm sau đó. Cuốn sách cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng, được công ty Nhã Nam mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam vào năm 2020.

Nói về chính trị bằng những câu chuyện địa lý dường như thú vị và khơi gợi sự tò mò hơn cho độc giả, thông qua đó giải đáp nhiều câu hỏi về chiến lược chính trị của mỗi quốc gia, mối tương quan chặt chẽ của vị trí địa lý với chính trị. Ở lời mở đầu, tác giả viết: “Miền đất chúng ta sống vẫn luôn định hình chúng ta. Nó định hình những cuộc chiến tranh, quyền lực và những phát triển về chính trị và xã hội của những dân tộc hiện giờ đang cư trú trên mọi phần của địa cầu.”

Cuốn sách bao gồm 10 chương, mở đầu bằng ba chương riêng rẽ lần lượt nói về Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Sau đó, tác giả giới thiệu bảy khu vực và quốc gia tiêu biểu trên thế giới: Tây Âu, châu Phi, Trung Đông, Nam Á (Ấn Độ và Pakistan), Đông Á (Triều Tiên và Nhật Bản), Mỹ Latin và Bắc Cực. Dù không có một chương về khu vực Đông Nam Á nói chung hay Việt Nam nói riêng, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh Việt Nam trong các chương nói về Hoa Kỳ và Trung Quốc, từ đó nhận thấy quyền lực chính trị của các nước lớn và mối quan hệ của họ với khu vực này.

Những người lính Ấn Độ tuần tra dọc theo biên giới của nước này với Trung Quốc vào đầu năm 1962, trước khi xảy ra cuộc chiến ngắn ngày nhưng đẫm máu giữa hai quốc gia. Ảnh: AFP.

Những lý giải cho một vài câu hỏi lớn

Bằng quan sát và trải nghiệm thực tế, tác giả đưa ra lý giải cho một số câu hỏi lớn. Tại sao Ấn Độ và Trung Quốc chưa bao giờ xảy ra chiến tranh dù hai nước đã từng có những cuộc xung đột ở quy mô nhỏ? Vai trò của dãy núi Himalaya trong việc hạn chế xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc? Làm cách nào để giải quyết một vấn đề như Triều Tiên? Tại sao Trung Đông luôn bất ổn? Vì lý do nào Ấn Độ và Pakistan vẫn luôn không chấp nhận nhau sau khi đã trải qua bốn cuộc chiến tranh lớn và nhiều cuộc đụng độ nhỏ? Bắc Cực - nơi được cho là đang cất trữ sản lượng dầu và khí đốt lớn chưa thể khai phá - nên là “di sản chung của nhân loại” hay cũng sẽ chỉ là một chiến trường mới cho các ông lớn nhảy vào?

Một điểm rất thú vị là tác giả nhắc đến lý do tại sao châu Phi không thành công về công nghệ hay chính trị như Tây Âu hay Bắc Mỹ. Là một lục địa khổng lồ, châu Phi bao gồm các vùng đất, khí hậu và văn hóa khác nhau, nhưng có một điểm chung giữa các vùng miền này là sự cô lập của chúng đối với nhau và đối với thế giới bên ngoài.

Lý do dẫn đến sự cô lập của các quốc gia trong khu vực châu Phi chính là bởi những dòng thác và các dòng chảy sông ngòi ngăn cách các quốc gia. Ông viết rằng: “Bờ biển châu Phi? Những bãi biển tuyệt đẹp, thực sự đáng yêu, nhưng bến cảng thiên nhiên lại tệ hại. Sông ngòi? Sông ngòi tuyệt vời, nhưng hầu hết chúng thực sự vô dụng xét về mục đích giao thông, vì rằng cứ vài dặm bạn lại phải vượt qua một thác nước.”

Thác nước Victoria, kỳ quan thế giới UNESCO nằm ở biên giới Zambia và Zimbabwe, miền Nam châu Phi. Thác nước hùng vĩ được tạo ra khi con sông Zambezi bị đứt gãy cao nguyên cắt ngang, toàn bộ chiều rộng hơn 1km của con sông đổ thẳng đứng xuống từ độ cao 80 mét. Đây là một trong rất nhiều kiểu địa hình khắc nghiệt ở châu Phi, khiến các quốc gia ở đây bị cô lập về địa lý. Ảnh: Ferdinand Reus/ Wikimedia Commons.

Tham vọng của ba cường quốc

Xuất phát ở góc nhìn địa lý về lịch sử mở mang bờ cõi, nước Nga, từ một quốc gia non trẻ đã xâm lấn và mở rộng về tất cả các hướng: phía Đông đến dãy Ural, phía Nam đến biển Caspi và phía Bắc đến vành đai Bắc Cực. Sau nhiều thập kỷ, Nga đã thành lập được một vành đai khổng lồ và luôn giữ tham vọng trở thành một siêu cường kinh tế, chính trị và quân sự, chỉ coi Hoa Kỳ là đối thủ.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên là khí đốt và dầu mỏ, Nga chỉ đứng sau Hoa Kỳ trong tư cách nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, họ đang tận dụng sức mạnh để giành lợi thế trong các mối quan hệ chính trị, tạo ra sự phụ thuộc của các quốc gia xung quanh, cụ thể là một số nước châu Âu. Theo tác giả, Nga và Trung Quốc không phải hai nước đồng minh mà là đối thủ cạnh tranh của nhau, tuy nhiên hai quốc gia này bắt tay với nhau trong một số lĩnh vực để cùng phục vụ lợi ích riêng của mình là kiểm soát sự phụ thuộc của các quốc gia khác.

Trung Quốc là quốc gia rộng lớn thứ ba trên thế giới chỉ sau Nga và Canada, đồng thời dẫn đầu thế giới trong bảng xếp hạng dân số. Suốt chiều dài lịch sử của mình, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng việc vươn dài cánh tay đến các vùng đất khác. Ngoài việc kiểm soát các khu vực địa lý lân cận, Trung Quốc giờ đây đang lùng sục khắp châu Phi, và tương lai là Bắc Cực để vơ vét khoáng sản và kim loại quý. Toàn bộ chương về Trung Quốc cho ta thấy cái nhìn rõ hơn về sách lược chính trị của quốc gia này, dựa trên bối cảnh địa lý.

Hoa Kỳ ngoài được biết đến như đất nước có sức mạnh và lợi thế về phần đất liền rộng lớn, các quốc gia láng giềng tử tế, ít gây rắc rối, còn được biết đến với lợi thế vị trí địa lý bất khả xâm phạm về đường biển. Trong chương viết về Hoa Kỳ, tác giả có nhận xét: “Hiện tại, thách thức đối với quyền bá chủ của Hoa Kỳ chỉ xuất hiện từ ba khu vực: một châu Âu thống nhất, Nga và Trung Quốc. Cả ba sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng hai trong số đó sẽ đạt tới giới hạn của họ (người viết: đó là châu Âu và Nga).”

Vậy vấn đề còn lại chỉ là Trung Quốc, và Trung Quốc đang vươn lên. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì cũng phải mất ít nhất một thập kỷ Trung Quốc mới có thể bắt kịp Hoa Kỳ. Trong chương này, bạn cũng sẽ thấy tác giả phân tích chính sách xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ nhằm tạo ra một sự hậu thuẫn mới. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn luôn duy trì mối quan hệ với Trung Đông, Mỹ Latin, châu Phi mặc dù ở một số nơi Trung Quốc có phần chiếm ưu thế.

Tất cả các chương về sau giới thiệu thêm nhiều đặc tính của từng vùng đất mà người viết hy vọng bạn đọc sẽ tự tìm thấy cảm giác thú vị cho riêng mình. Điều đáng suy nghĩ nhất sau khi khép lại cuốn sách chắc có lẽ là sự khác biệt về vị trí địa lý sẽ còn tiếp tục gián tiếp gây ra xung đột chính trị, văn hóa và sắc tộc. Theo đó, chúng ta sẽ tiếp tục là tù nhân của địa lý bằng cách này hay cách khác, nhất là trước nguy cơ một số vùng lãnh thổ bị biến mất do sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.

Riêng đối với người viết, cuốn sách thực sự cung cấp thêm nhiều kiến thức quý giá về những vùng đất mà tôi may mắn được đặt chân đến, thay vì chỉ biết tới nó qua sách vở. Toàn bộ chương về châu Phi giúp tôi hiểu thêm vì sao trong nhiều năm qua các quốc gia thuộc châu lục này luôn gặp khó khăn, lúng túng trong việc ngăn chặn sự lây lan của các bệnh hiểm nghèo như HIV/ AIDS, sốt rét, vàng da, v.v. Đó là bởi các quốc gia này đã luôn nằm ở thế bị cô lập với nhau và với khối đất liền Á – Âu, điều khiến cho việc tiếp cận với các nguồn lực và giải pháp không mấy dễ dàng.

Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có cơ hội được tìm hiểu thêm về chủ đề này qua các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa được Tim Marshal nhắc tới trong cuốn sách.

Học chính trị, lịch sử và học làm người bằng cách trèo qua cửa sổ
Một cuốn sách của tiếng cười, sự giải thoát và niềm hy vọng.
Tâm linh không biên giới: Tính liên quốc gia của đạo Mẫu Việt Nam
Đạo Mẫu liệu có thể trở thành một tôn giáo quốc tế?

Bạn có thể mua quyển “Những tù nhân của địa lý” bản tiếng Việt tại đây, hoặc “Prisoners of Geography: Ten Maps That Explain Everything About the World” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.