Con đường dân chủ ở Trung Quốc: Còn rất xa mới đạt được điểm đột phá

Không có nhiều động lực để thay thế “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

Con đường dân chủ ở Trung Quốc: Còn rất xa mới đạt được điểm đột phá
Ảnh bìa sách: Gallimard. Đồ họa: Luật Khoa.

Cuốn sách của Giáo sư khoa học chính trị Pháp Jean-Pierre Cabestan “Trung Quốc của ngày mai: Dân chủ hay độc tài?” ra đời năm 2018, tròn 40 năm kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc cải cách giúp Trung Quốc chuyển mình và trỗi dậy, là một gợi mở tuyệt vời để suy ngẫm về Việt Nam. Cuốn sách phản ánh tương đối toàn diện về chính trị, xã hội của đất nước láng giềng, đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền năm 2012.

Cabestan cho rằng, việc đánh giá thực trạng dân chủ hóa và hiện đại hóa của Trung Quốc đại lục cần xuất phát từ lịch sử Trung Quốc, chứ không phải trong thế so sánh với phương Tây. Sự dân chủ hóa của Trung Quốc phải đến từ những yếu tố nội tại (les forces endogènes) của chính đất nước này, chứ không phải từ bất cứ can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài. 

Theo tác giả, điều quan trọng hơn là phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng nên có sự cởi mở và khiêm tốn để tìm hiểu về Trung Quốc thay vì ở ngoài đánh giá và đòi hỏi sự dân chủ gấp gáp từ họ, cũng như Mỹ cùng các nước châu Âu không hoàn toàn vô can trước tiến trình dân chủ hóa hạn chế của đất nước tỷ dân này. 

Một tỉnh của Trung Quốc đôi khi có diện tích còn lớn hơn cả một nước châu Âu, và dân số thì đông gấp năm hoặc sáu lần. Chính sự giàu có của một bộ phận người Trung Quốc, cũng như nguồn tài trợ dồi dào của chính phủ nước này đã tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho rất nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu Âu Mỹ, khiến giới trí thức phương Tây cũng tự kiểm duyệt để không làm phật ý các khách hàng đến từ đất nước chưa dân chủ.

Cải cách rầm rộ nhưng không làm thay đổi bản chất chính trị

Ở Trung Quốc, chính quyền trung ương luôn cố gắng đạt được sự cân bằng với chính quyền địa phương. Sự tập trung hóa (centralisation) nằm ở các vấn đề ngân sách, an ninh và tuyên truyền, nhưng đường lối cụ thể về phát triển kinh tế được phó thác cho chính quyền địa phương (decentralisation).

Tuy nhiên, đó chưa phải là tín hiệu đáng mừng. Ở một đất nước không đề cao pháp quyền (đảng vẫn đứng trên pháp luật), mọi sự phân định giữa đảng cộng sản và nhà nước chỉ là ảo tưởng. Một ví dụ dễ thấy nhất là chủ tịch nước và tổng bí thư đảng là một. Sự minh bạch mà các nhà quan sát phương Tây đòi hỏi ở một bộ máy cồng kềnh ấy là vô nghĩa, bởi ở đó họ cố ý giấu giếm thông tin (volonté délibérée d’opacité). Tác giả viết: “Lựa chọn người giữ các vị trí lãnh đạo cao nhất luôn là kết quả của những cuộc thương lượng bí mật và phức tạp giữa các nhân vật nặng ký của đảng” (chương một). Những gì chúng ta thực sự biết về bộ máy và từng cá nhân là quá ít ỏi. Tác giả khẳng định, Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng lớn thứ hai trên thế giới sau Đảng Bharatiya Janata của Ấn Độ xét về số lượng đảng viên, là một tổ chức bí ẩn nhất hành tinh. 

Ngay cả khi đảng cầm quyền định hướng và quản lý hệ thống tư pháp thì “chủ nghĩa bảo hộ tư pháp cục bộ” (le protectionisme judicaire local) vẫn luôn tồn tại. Chính quyền trung ương thường lợi dụng hay khuyến khích giới truyền thông điều tra thay họ những vụ tham nhũng của quan chức địa phương nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền. 

Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đi kèm với những cải cách pháp lý năm 2014 (chủ yếu là chấn chỉnh tòa án và thẩm phán) nhằm chống lại và ngăn chặn sự bảo hộ pháp lý cục bộ. Mặc dù vậy, tác giả vẫn cho rằng đó cũng chỉ là cách trung ương can thiệp sâu hơn vào địa phương, chứ không phải là cải thiện một nền pháp lý lấy pháp luật và người dân làm trung tâm. 

Chính sách “đả hổ, diệt ruồi” chỉ làm giảm sự phô trương xa hoa lộ liễu hay thói tham nhũng vặt hàng ngày, chứ không xóa bỏ bản chất tham nhũng của chế độ độc tài. Những đối tượng bị bắt vì tham nhũng không chỉ bao gồm những cá nhân công khai chống đối Tập Cận Bình mà còn là những quan chức chưa thể hiện đủ lòng trung thành với vị “hoàng đế” mới này. Việc bãi bỏ các trung tâm cải tạo lao động (laojiao) cũng không đồng nghĩa với việc giảm các vụ bắt giữ tùy tiện. 

 Nền chính trị Trung Quốc hôm nay là sự kết hợp của truyền thống quan liêu phong kiến và mô hình quản lý Xô viết. Thời Dân quốc ngắn ngủi đã đem đến những biến chuyển to lớn trong lịch sử Trung Quốc. Sáu bộ luật do Quốc Dân Đảng ban hành trong vòng một thập kỷ (1928 - 1935) chính là nền tảng cho pháp luật thực định - pháp luật dựa trên những văn bản luật nền tảng - đang được thi hành tại Đài Loan bây giờ. [1] Và những bộ luật này đã đặt nền móng cho các cải cách pháp lý của Đặng Tiểu Bình vào năm 1979. Chính Tưởng Giới Thạch, chứ không phải Mao Trạch Đông, mới là người bãi bỏ hoàn toàn những khu vực nhượng bộ cho người châu Âu được hưởng quyền ngoại trị (extra-territorialité) trên lãnh thổ Trung Quốc năm 1943. Và cũng chính chính quyền Nam Kinh, chứ không phải Bắc Kinh, đã tham gia xây dựng tuyên bố về Nhân quyền, phần nào thể hiện qua tư tưởng Nhân sinh (minsheng) của Tôn Trung Sơn. Cũng chính Tưởng Giới Thạch đã gây áp lực tới Anh đòi trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc, chứ không phải Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Tác giả chỉ ra rằng, tầng lớp tinh anh Trung Quốc không đồng nhất và không đồng lòng, nên khó có thể mong đợi một sự nhảy vọt tới nền dân chủ của đất nước này. Tầng lớp tinh anh “thuộc nhà nước” gồm: tinh anh chính trị, tinh anh kinh tế và tinh anh trí thức. 

Nhóm đầu, chủ yếu gồm các công chức nhà nước. Các cuộc mâu thuẫn nội bộ, tranh giành quyền lực khiến chúng ta đều hiểu sự nhất trí thường thấy trên truyền thông của họ chỉ là vẻ bề ngoài. Những nhà dân chủ trong nhóm này đều ẩn mình và thận trọng, đặc biệt sẽ càng trở nên kín tiếng hơn dưới thời Tập Cận Bình. 

Nhóm tinh anh kinh tế, bao gồm những người làm quản lý và các doanh nhân (phần đông các vị doanh nhân này là những cựu quan chức). Họ khó có thể phát biểu trước công chúng về quan điểm chính trị cá nhân. Thành phần kinh tế tư nhân luôn phụ thuộc vào tầng lớp chóp bu, nơi có thể lật đổ họ bất cứ lúc nào, như trường hợp của tập đoàn bảo hiểm An Bang, được coi là một trong những tập đoàn thân hữu chính trị của Trung Quốc. 

Nhóm tinh anh tiếp theo là nhóm trí thức, bao gồm cả giới bảo thủ và khai phóng. Tuy nhiên, ngay cả những trí thức khai phóng cũng không đồng tình về con đường dân chủ của Trung Quốc và không phải ai cũng ủng hộ một sự cải tổ chính trị toàn diện. Có những nhân vật trí thức chỉ vận động cho sự nới lỏng thành phần kinh tế tư nhân, hay một nền dân chủ kinh tế. Thậm chí, ngày càng nhiều trí thức Trung Quốc cho rằng sự phát triển kinh tế cũng như quá trình Trung Quốc chuyển mình thành cường quốc đều phải gắn liền với việc duy trì quyền lực của đảng cộng sản. 

Ngoài ra, nhóm những nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội không làm vừa lòng đảng cầm quyền được tác giả đặt tên là nhóm phản – tinh anh, bao gồm nhà hoạt động giành giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba. Nhóm thiểu số này độc lập nhưng cũng cô độc bởi lẽ đại đa số dân chúng không hiểu và không quan tâm đến họ. 

Một thế hệ hài lòng với “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”

Nhìn chung, người dân Trung Quốc có quán tính bảo vệ chế độ. Sự tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc từ cuối thập niên 1980 khiến người dân Trung Quốc có sự tin tưởng nhất định cũng như sự hài lòng về đảng cầm quyền và cái được gọi là “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” do đảng và nhà nước tạo dựng. Đa số họ tin rằng Trung Quốc đang là một đất nước dân chủ, và nền dân chủ phải được một nhà nước bảo hộ. Dù bất bình về những bất công xã hội hay sự bất tài của quan chức địa phương, tin tưởng vào đài trung ương hơn đài địa phương, nhưng dường như không ai tỏ ra hoài nghi vai trò và vị thế của đảng cộng sản. 

Xã hội dân sự cũng chỉ mới manh nha tại Trung Quốc. Các tổ chức dân sự, hoạt động độc lập hay mang tính phụ thuộc, đều phải đăng ký với Bộ Dân chính nếu muốn hoạt động công khai. Và đương nhiên, các tổ chức này còn chịu sự kiểm soát của cả Bộ Công an. 

Mặc dù thừa nhận khả năng cao những người Trung Quốc đại lục sẽ tự kiểm duyệt, không nói những điều mình thực sự suy nghĩ khi tham gia các cuộc khảo sát do các tổ chức quốc tế tiến hành nhưng những phân tích của tác giả từ các kết quả thăm dò ý kiến này cũng đem đến nhiều tham khảo quan trọng. Theo đó, những người sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc ngày nay trở thành những người tiêu thụ (consommateur) hơn là những công dân (citoyen).

Dân chủ tự do theo kiểu phương Tây chưa phải ưu tiên hàng đầu của đại đa số người dân trong xã hội, nhất là khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn mạnh. Nói cách khác, phần lớn người dân Trung Quốc còn đang bận làm giàu, nâng cao địa vị, chưa sẵn sàng và cũng chưa đủ khả năng tiếp nhận quá trình dân chủ hóa. Phong trào của Lưu Hiểu Ba chưa thể làm thức tỉnh đại bộ phận nhân dân thờ ơ với chính trị nhưng lại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi vô số công cụ tuyên truyền. 

Chính sách một con của Trung Quốc cũng biến quốc gia này trở thành xứ sở của “tiểu hoàng đế”. Người trẻ Trung Quốc mải lo tìm kiếm công việc tốt và một chỗ ở ổn định, vừa túi tiền. Trên thực tế, thế hệ con cái của những doanh nhân giàu (Fu-er-dai) và các vị quan chức (guan-er-dai) cho dù được tiếp xúc và trải nghiệm cuộc sống ở những nền dân chủ lớn, đặc biệt là Mỹ, cũng không khiến họ trở thành những nhân tố tích cực cho quá trình dân chủ hóa tại quê hương. 

Không những hời hợt khi tiếp nhận các giá trị bên ngoài, thế hệ trẻ dần thiếu đi sự thấu hiểu với các vấn nạn trong nước (ví dụ tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ) và thậm chí là họ còn khinh thường những giá trị phương Tây vì nó khó có thể biện minh cho tốc độ phát triển kinh tế chững lại so với nước họ. 

Những người trẻ Trung Quốc trở nên rất thực dụng. Họ tiếp xúc Internet và biết rằng vào đảng là để thăng tiến chứ không phải vì cam kết “làm đầy tớ của nhân dân”. Những trường đảng ngày nay chỉ là môi trường để các cá nhân tăng cường mối quan hệ cánh hẩu, chứ không phải để trau dồi lý luận và tu dưỡng đạo đức cách mạng.

***

Nói về tương lai của dân chủ ở Trung Quốc, tác giả bày tỏ nhận định ở chương năm: “Rõ ràng, Trung Quốc vẫn còn rất xa để đạt đến điểm bùng nổ (tipping point), mà ở đó chi tiêu cho đàn áp trở nên cao hơn chi phí của sự mở cửa và cải cách chính trị”.

Trên thực tế, bộ máy chính trị Trung Quốc vẫn đang vận hành tốt, đủ nguồn lực và khả năng thích ứng để ngăn ngừa những rủi ro, bao gồm sự xuất hiện của nhóm chống đối có tổ chức, sự tham nhũng không phanh, và xu hướng đòi phi chính trị hóa quân đội. 

Bộ máy này vững chãi bởi vì những sợi dây liên kết phức tạp về hậu duệ, tiền tệ và quan hệ. Tuổi thọ của đảng cầm quyền sẽ còn tiếp tục được kéo dài do những yếu tố văn hóa chính trị, sự quản lý chặt chẽ xã hội dân sự, sự manh mún của các phong trào dân chủ và hơn hết là tư tưởng bảo vệ chế độ, dù cho vô tình hay hữu ý, của tầng lớp tinh hoa.

Giao tiếp với cõi tâm linh: Từ mê tín dị đoan trở thành sản phẩm của chính trị
Nhà nước quyết định ai là anh hùng, ai là nhà ngoại cảm.
Phá vỡ nhị nguyên giới có gây nên rắc rối cho xã hội?
Gây rắc rối là chuyện tất yếu, nhưng sao cho hiệu quả nhất.

Bạn có thể mua quyển “Demain la Chine: démocratie ou dictature?” tại đây.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

1. Magen, S. (2015). Philosophy of Law. In International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences (Second Edition). https://doi.org/10.1016/b978-0-08-097086-8.63106-9

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.