Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
“Phẩm giá của con người không mất đi ngay cả sau khi họ đã phạm những tội ác rất trầm trọng.”
Vào ngày 11/6/2001, Timothy McVeigh ăn bữa cuối cùng của mình là bốn viên kem bạc hà sô-cô-la trước khi bị đưa lên bàn tiêm thuốc độc. [1]
Timothy McVeigh là một cựu quân nhân, cũng là một kẻ khủng bố người Mỹ. Anh bị kết tội đánh bom vào một tòa nhà ở thành phố Oklahoma (Mỹ), giết chết 168 người, trong đó có nhiều trẻ em, vào tháng 4/1995. [2]
Tội ác của McVeigh là quá rõ ràng, không ai thương tiếc cho anh, ngoại trừ một người: Giáo hoàng Công giáo La Mã John Paul II. Hai tháng trước khi bị xử tử, giáo hoàng đã thỉnh cầu Tổng thống Mỹ George W. Bush ân giảm án tử hình cho anh.
Dù vị giáo hoàng không thành công trong trường hợp của Timothy McVeigh nhưng tiếng nói của ông đã cứu được mạng sống của một số tử tù khác, trong đó có Darrell Mease - người phạm tội giết chết ba người, trong đó có vợ và cháu nội bị khuyết tật của mình tại bang Arizona (Mỹ). [3]
Kể từ thời của Giáo hoàng John Paul II, Giáo hội Công giáo đã dần thay đổi quan điểm về án tử hình. Vì sao Giáo hội Công giáo La Mã từng công nhận hình phạt này trong 2.000 năm lịch sử lại thay đổi quan điểm?
Theo Kinh Thánh, kẻ lấy đi mạng sống của người khác thì phải đền bằng mạng của chính y: “Sáng Thế Ký 9:6: Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại…”.
Sau Thế chiến thứ Hai, Giáo hội Công giáo La Mã vẫn giữ quan điểm cổ điển về án tử hình.
Đến năm 1992, phiên bản đầu tiên của Sách Giáo lý vẫn công nhận hình phạt tử hình. Theo đó, nhà thờ thừa nhận quyền và nghĩa vụ hợp pháp của nhà nước trong việc trừng phạt tội phạm bằng những hình phạt tương xứng với tội ác đã gây ra, bao gồm việc áp dụng án tử hình. Đến thời của Giáo hoàng John Paul II, quan điểm này bắt đầu xê dịch. [4]
Năm 1995, quan điểm về án tử hình của Giáo hội bắt đầu chuyển hướng. Giáo hoàng John Paul II dù không trực tiếp bài trừ án tử hình nhưng ông cho rằng chỉ nên áp dụng trong những trường hợp tuyệt đối cần thiết. Ông nhấn mạnh rằng những hình phạt không đổ máu nên luôn luôn được cân nhắc trước tiên, nếu có thể bảo vệ người dân khỏi các tội ác. [5]
Quan điểm vừa nêu đã được đưa vào Sách Giáo lý dưới thời Giáo hoàng John Paul II. Nhất quán với quan điểm này, Giáo hoàng John Paul II nổi tiếng can thiệp vào các cuộc hành hình tử tù.
Người kế vị ông, Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã kêu gọi các nước trên thế giới loại bỏ án tử hình. [6] Đến thời Giáo hoàng Francis, các lập luận về chống án tử hình của Giáo hội trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Năm 2015, trong một bức thư gửi Ủy ban Quốc tế Chống Án tử hình, Giáo hoàng Francis đã gọi án tử hình là hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo, hạ thấp phẩm giá của con người. [7]
Theo ông, án tử hình là một hình thức tra tấn khủng khiếp khi tử tù phải chịu hình phạt này trong suốt nhiều năm trời, cũng như sự thống khổ của tử tù trước giờ thi hành án.
Ông nói rằng án tử hình không mang lại công lý cho nạn nhân mà làm dấy lên lòng thù hận.
Vào cuối thế kỷ 12, Giáo hoàng Innocent III từng tuyên bố rằng việc thực thi công lý không bao giờ nên được thúc đẩy bởi sự giận dữ hoặc thù hận. [8]
Giáo hoàng Francis coi án tử hình là một sự thất bại của một nhà nước pháp quyền khi chính quyền phải nhân danh công lý để xử tử một người, và rằng không bao giờ đạt được công lý bằng cách tước đi mạng sống của một con người.
Giáo hoàng Francis cho rằng trong bối cảnh của án tử hình, nguồn cơn của bất công là việc người ta không nhận ra rằng công lý chỉ là tương đối, và con người có thể phạm sai lầm, tòa án cũng có thể phạm sai lầm. [9]
Ông cũng nói rằng án tử hình là thực hành phổ biến của những nhà nước độc tài, những nhóm cuồng tín muốn loại bỏ vĩnh viễn những người bất đồng chính kiến, các nhóm thiểu số, những ai được coi là “nguy hiểm”, những người đe dọa đến quyền lực và mục tiêu của họ.
Lập luận này là thực tế lịch sử trong và sau Thế chiến thứ Hai, khi Đức Quốc Xã tàn sát có hệ thống người Do Thái ở châu Âu, hay chính quyền các nước cộng sản đã xử tử tràn lan, oan uổng cho người dân - cũng dựa trên những thứ gọi là “công lý”.
Ví dụ tại Việt Nam là thảm kịch tàn sát người dân trong Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc. Con số người bị hành hình đến nay vẫn còn gây tranh cãi, từ vài nghìn cho đến vài trăm nghìn người, và có khả năng là hầu hết những người này đã bị xử tử oan. [10]
Năm 2018, Giáo hoàng Francis đã sửa đổi quan điểm về án tử hình trong Sách Giáo lý. Theo đó, cuốn sách đã cập nhận quan điểm mới của Giáo hội về án tử hình, nêu rõ: “Chúng ta ngày càng ý thức được rằng phẩm giá của con người không mất đi ngay cả sau khi họ đã phạm những tội ác rất trầm trọng.” [11]
Giáo hoàng John Paul II cũng từng khẳng định: “Ngay cả một tên sát nhân cũng không đánh mất phẩm giá cá nhân của mình, và chính Thiên Chúa cam kết sẽ bảo đảm điều này.” [12]
Mặt khác, cuốn sách cũng nói rõ là ngày nay, những hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn đã phát triển, vừa đảm bảo sự an toàn cho người dân vừa không vĩnh viễn tước đi hy vọng hoán cải tội ác của phạm nhân, cho nên việc tồn tại án tử hình là không cần thiết.
Từ đây, Giáo hội khẳng định rằng “án tử hình là không thể chấp nhận vì án phạt này là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”. Giáo hội sẽ quyết tâm vận động nhằm khuyến khích việc loại bỏ hình phạt này trên thế giới.
Hiện nay, 123 nước trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình, 46 nước đang tạm ngừng xử tử tù nhân trong hơn 10 năm qua để tiến tới xóa bỏ hình phạt này. Chỉ có khoảng 17% các nước trên thế giới đang áp dụng án tử hình, tương đương với 29 nước, trong đó có Việt Nam. [13]
Đài Loan là một nước dân chủ, rất tiến bộ tại châu Á, khi là nước đầu tiên ở châu lục này hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nhưng vẫn thực thi án tử hình. Kể từ khi Đảng Dân chủ Tiến bộ lên nắm quyền, có hai phạm nhân đã bị xử tử.
Năm 2010, Bộ trưởng Tư pháp Đài Loan bà Vương Thanh Phong phải từ chức vì không chịu được áp lực từ phía các gia đình nạn nhân đòi thi hành án với tử tù. Bà Phong cho biết bà sẵn sàng chết thay để tử tù có cơ hội hoán cải tội ác. [14]
Vào thời gian điểm bà Phong từ chức, 3/4 dân số Đài Loan được cho là ủng hộ án tử hình. [15] Năm 2019, một khảo sát cho biết 71% người dân Đài Loan không phản đối bãi bỏ án tử hình nếu được thay thế bằng án tù chung thân không ân xá. [16]
Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis lại cho rằng án tù chung thân không ân xá cũng là một bản án tử hình nhưng “bị giấu kín”, tử tù tuy giữ được mạng sống nhưng sẽ sống trong sự tuyệt vọng. Hệ thống tư pháp có thể cầm tù phạm nhân nhưng không được lấy đi hy vọng của họ về tương lai. [17]
Nhiều người chống án tử hình hiện nay thường bị xem là đạo đức giả, dung túng cho bản chất tàn độc không thể cứu chữa của tội phạm, hoặc vô cảm trước sự đau khổ của gia đình nạn nhân. Các vị giáo hoàng Công giáo La Mã, rất rõ ràng, không đồng ý với quan điểm này.
1. PerthNow. (2017, November 13). Last meals of prisoners on death row. PerthNow. https://www.perthnow.com.au/news/last-meals-of-prisoners-on-death-row-ng-1763def7bcfba8f9d73e64540f5a600d
2. Newton, C. (2006, January 7). Pope Urges Clemency for McVeigh. ABC News. https://abcnews.go.com/US/story?id=93433&page=1
3. Belluck, P. (1999, January 31). Clemency for killer surprises many who followed case. The New York Times. https://www.nytimes.com/1999/01/31/us/clemency-for-killer-surprises-many-who-followed-case.html
4. Pope revises catechism to say death penalty is ‘inadmissible.’ (n.d.). https://www.archstl.org/pope-revises-catechism-to-say-death-penalty-is-inadmissible-2755
5. Wormald, B. (2020, May 30). Faith Traditions and the Death Penalty | Pew Research Center. Pew Research Center’s Religion & Public Life Project. https://www.pewresearch.org/religion/2002/01/25/faith-traditions-and-the-death-penalty/
6. CNA/EWTN NEWS. (2020, December 29). Pope Benedict: End the death penalty. NCR. https://www.ncregister.com/news/pope-benedict-end-the-death-penalty
7. Letter of the Holy Father to the President of the International Commission against the Death Penalty (20 March 2015) | Francis. (2015, March 20). https://www.vatican.va/content/francesco/en/letters/2015/documents/papa-francesco_20150320_lettera-pena-morte.html
8. Xem [5].
9. Xem [7].
10. Trường Chính trị Yên Bái. (n.d.). Họ đã xuyên tạc số người bị xử lý trong cải cách ruộng đất như thế nào ?.
11. TGP SÀI GÒN::Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình. (n.d.). TGP Sài Gòn. https://tgpsaigon.net/bai-viet/viec-doi-moi-so-2267-trong-sach-giao-ly-giao-hoi-cong-giao-ve-an-tu-hinh-45636
12. Xem [4].
13. 台北時報. (2023, July 13). Death penalty in Taiwan must die. Taipei Times. https://www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2023/07/14/2003803151
14. BBC News - Taiwan justice minister resigns over death penalty. (n.d.). BBC. http://news.bbc.co.uk/1/hi/world/asia-pacific/8563838.stm
15. Xem [14].
16. Xem [13].
17. Xem [7].