Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa - bây giờ ra sao?
💡Bài dành riêng cho độc giả trả phí. Cho đến nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn nghĩ có quân
Nhìn thấy nhau qua những lăng kính xã hội để hiểu nhu cầu tối thiểu của các nhóm thiểu số.
Khi bắt đầu tìm hiểu về nữ quyền, giới, cộng đồng LGBT và những điều liên quan, chắc hẳn bạn sẽ gặp một số khó khăn nhất định khi tiếp nhận các từ ngữ chuyên ngành mới lạ. Ở cuốn “Rắc rối giới” (Gender Trouble) của nhà triết học Judith Butler mà Luật Khoa từng giới thiệu, độc giả sẽ bị choáng ngợp với những thách thức như vậy.
Ngược lại, tác phẩm “Thấy giới” (Seeing Gender) của tác giả Iris Gottlieb đem đến trải nghiệm hoàn toàn khác. Cuốn sách này giúp bạn đọc đón nhận lĩnh vực mới một cách dễ hiểu, dễ hình dung. Đây cũng là tác phẩm nằm trong tủ sách Phụ nữ tùng thư của Nhà xuất bản Phụ nữ vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt đi cùng sự phát triển của xã hội.
Iris Gottlieb là kiểu người sẽ khiến “người ngoài cộng đồng” lẫn “người trong cộng đồng” phải đặt dấu chấm hỏi lớn, rằng Iris thật sự là ai trong vô số định nghĩa và cách gọi dành cho một người mà xã hội này đã tạo ra.
Ở tuổi gần 30, Iris đã phẫu thuật chuyển giới, cụ thể là cắt bỏ bộ ngực - thứ được xem là một phần quan trọng trong vẻ đẹp thể lý của người phụ nữ. Iris tự gọi mình là một “bộ sưu tập nhãn dán”, có thể kể đến như phi tính, queer, người yêu trai đẹp, trung tính về mặt ngoại hình, và đang thắc mắc về việc có nên chuyển giới nữa hay không.
Nói như vậy để chúng ta thấy được rằng hành trình tìm kiếm bản thân chưa bao giờ là có điểm dừng. Iris viết cuốn sách này để dành tặng cho những người đã hiểu rõ về bản thân mình, bởi lẽ con đường khám phá bên trong chúng ta là bất tận.
Không gây ngột ngạt hay khó thở với hàng tá câu chữ chằng chịt cùng chú thích dài ngoằng. “Thấy giới” là cuốn sách dày vừa đủ, rực rỡ sắc màu, chứa rất nhiều tranh minh họa do chính Iris vẽ ra, cùng những dòng chữ được tác giả tô đậm hay in nghiêng để nhấn mạnh. Ở mỗi phần, Iris cũng đưa ra ví dụ, các câu hỏi để người đọc có thể hiểu rõ hơn nội dung đang được truyền gửi.
Iris không chọn một vấn đề rồi bàn luận nó thật sâu, mà chọn nhiều vấn đề rồi nói ở mức vừa đủ. Những vấn đề được nói đến trong tác phẩm có thể kể đến như việc phá thai - điều đáng lý phải được người phụ nữ quyết định, thì nay họ phải xin ý kiến từ đàn ông; việc phụ nữ bị vật hóa bởi ngành truyền thông do nam giới điều hành; cách xã hội áp đặt giới tính lên những món đồ chơi vô tri, lên màu sắc, hay là lên quần áo, làm định kiến giới trở nên trầm trọng hơn; đến sự bất công về giới trong đời sống gia đình, công ăn việc làm, khám và chữa bệnh, tham gia và thi đấu thể thao; hay là những chuyện bất công thường thấy trong các cộng đồng thiểu số.
Thứ khiến cuốn sách hấp dẫn và sinh động chính là việc Iris đơn giản hóa những kiến thức xa vời, khó hiểu. Iris gợi ra câu hỏi rằng bạn sẽ chấp nhận một người đến mức độ nào nếu nhìn họ qua nhiều lăng kính xã hội khác nhau.
Tác giả Iris Gottlieb chính là một ví dụ điển hình về việc chúng ta sẽ chấp nhận một người đến cỡ nào khi biết họ qua nhiều nhãn dán. Chúng ta thấy khá dễ dàng để chấp nhận bạn bè mình là người đồng tính, hoặc song tính, hoặc chuyển giới. Nhưng nếu họ còn nhiều hơn thế nữa, thì sao?
Giả dụ người bạn ấy là Iris, tức là họ có bản dạng giới là nam, thoải mái khi được gọi là cô/ chị, đã phẫu thuật chuyển giới, vừa có thể hiện giới là trung tính, vừa có xu hướng tính dục là phi giới. Iris vượt ra khỏi những khuôn khổ định hình bản thân. Iris thấy mình nằm bên trái ở chỗ này, nằm bên phải của chỗ kia, rồi đôi khi lại ở giữa của chỗ nọ.
Lịch sử đấu tranh về bình đẳng giới cũng vậy. Khi những cuộc đấu tranh đầu tiên về nữ quyền xuất hiện, rồi thuyết nữ quyền lẫn chủ thể xoay quanh lúc đó, tất cả chỉ nói về quyền của phụ nữ da trắng trung lưu mà không mảy may đến phụ nữ da màu hay thuộc các tầng lớp thấp hơn. Những gì thật sự thay đổi mà chúng ta thấy được ngày nay đều chỉ xảy ra sau làn sóng nữ quyền thứ ba.
Tương tự với lịch sử đấu tranh cho cộng đồng LGBT. Nhà hoạt động Marsha Johnson và người bạn Sylvia Rivera của bà là những người ở đầu “chiến tuyến” khi cuộc biểu tình Stonewall diễn ra. Họ có đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ và hỗ trợ cho những người đồng tính, chuyển giới - khi ấy luôn phải nhận cái nhìn hắt hủi, dè chừng của xã hội. Không lâu sau đó khi nước Mỹ cởi mở với nhóm người này, những lá cờ đầu như Marsha hay Sylvia lại bị gạt qua một bên và nhường chỗ cho những người đàn ông đồng tính da trắng.
Bạn thấy đó, không chỉ những người chuyển giới da màu, mà còn đó những “nạn nhân” khác được tác giả kể đến như người song tính nam, người vô tính, hay cả người đồng tính nữ. Iris cho người đọc thấy rằng bên trong những nhóm thiểu số vẫn có sự phân chia nhỏ hơn, từ đó những nhóm đông người hơn sẽ lấn át phần còn lại.
Trở lại câu hỏi bên trên, nếu bạn là một người thuộc cộng đồng LGBT, bạn cũng sẽ tự vấn liệu mình có thể chấp nhận bao nhiêu phần của Iris. Đôi khi bạn sẽ thấy khó chịu, cho rằng liệu có cần phải rắc rối đến như vậy không - chỉ một người mà lại mang rất nhiều nhãn dán. Câu trả lời hãy nên là có. Một con người là sự tổng hợp của hàng tá những lăng kính khác nhau, hay nói dễ hiểu hơn từng chúng ta là một phần của nhiều cộng đồng to nhỏ khác nhau cấu thành nên.
Không chỉ vậy, thông qua cuốn sách này Iris cũng phản biện đầy đanh thép về những câu nói thường thấy như “đồng tính là trái tự nhiên” hay “đàn bà/ đàn ông mà làm thế thì không đúng tự nhiên tí nào”. Iris nêu ra sự lưỡng tính của ốc sên, việc sư tử cái có bờm, hành vi đồng tính trong đủ loài động vật, sự thể hiện giới của mực ống, v.v. và hỏi “vậy đã đủ thuận tự nhiên chưa?”
“Thấy giới” cũng là một cuốn sách rất thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa đại chúng trên thế giới. Trong cuốn sách, Iris giới thiệu đủ nhân vật nổi tiếng và những ảnh hưởng mà họ để lại, chẳng hạn văn hào William Shakespeare cùng những hành động hoán chuyển giới đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật; Vua Louis XIV nước Pháp và giày cao gót “chỉ dành cho nữ giới”; phong cách thể hiện giới linh hoạt của Frida Kahlo, của David Bowie, hay của Prince; sự cống hiến của Marsha Johnson trong công cuộc đòi quyền cho cộng đồng LGBT; v.v.
Dễ tiếp cận là thế, nhưng bạn đọc ở Việt Nam sẽ thấy hơi khó để hiểu rõ và kết nối được với những gì Iris Gottlieb đề cập trong sách, do xã hội của chúng ta chưa trải qua những sự kiện tương tự như vậy. Việt Nam là một quốc gia chưa có nhiều chương trình về giáo dục giới, đi cùng với đó là thiếu thốn ở giảng dạy về những vấn đề được nêu ra trong cuốn sách này.
Những vấn đề, rắc rối về giới và của các nhóm thiểu số ở nước ta thường được bình thường hóa, được tạo cho một khoảng thở vừa đủ, khiến nhiều người không thấy đó là chuyện cần lưu tâm. “Thấy giới” không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản cho bạn đọc về những chuyện “viển vông”, “không cần phải biết”, mà còn mở ra cho người Việt những góc nhìn mới để học cách chấp nhận những khác biệt, từ đó tôn trọng nhu cầu tối thiểu của các nhóm thiểu số trong xã hội.
Bạn có thể mua quyển “Thấy giới – Minh họa bản dạng giới và thể hiện giới” bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.