Sau gần ba năm bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An được điều động giữ chức phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Giới thiệu một số góc nhìn phản biện của các nhà luật học nữ quyền (feminist legal studies) và một nhánh nghiên cứu mới trong luật học là đa nguyên pháp luật (legal pluralism) về luật pháp và quy trình tố tụng hình sự về tội hiếp dâm.
Ngày 12/9/1996, Đài Loan rúng động khi báo chí đưa tin một bé gái năm tuổi bị cưỡng hiếp và giết chết ngay tại Trung tâm Chỉ huy Không quân nước này. [1]
Đài Loan vào lúc bấy giờ liên tục xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng khiến chính quyền chịu áp lực phá án rất lớn.
Chỉ sáu ngày sau vụ án mạng, một quân nhân 20 tuổi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tên là Giang Quốc Khánh bị bắt giữ. Khánh bị bắt sau khi một quân nhân khác báo cáo anh có thể liên quan đến vụ án.
Vào ngày hôm sau, anh bị đưa đến Sở Cảnh sát Đài Bắc. Cảnh sát và quân cảnh đã thẩm vấn anh liên tục trong ba tuần nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy anh là hung thủ.
Ngay sau đó, chỉ huy trưởng lực lượng không quân đã chỉ đạo lực lượng phản gián (tức lực lượng tìm diệt gián điệp) của quân đội để thẩm vấn Giang Quốc Khánh.
Chỉ sau hai ngày, Giang Quốc Khánh đã nhận tội. Và bản nhận tội này là tất cả những gì cần thiết để đưa Khánh đến bản án tử hình. 10 tháng sau đó, Khánh bị xử tử bằng cách tiêm thuốc mê và bắn vào đầu, khi anh mới 21 tuổi.
Đài Loan đã thi hành án tử hình nhầm người. Giang Quốc Khánh vô tội.
Lực lượng phản gián đã tra tấn anh trong lúc thẩm vấn, bao gồm chiếu ánh sáng mạnh liên tục vào anh, ép anh phải xem đoạn băng giải phẫu tử thi bé gái nạn nhân, bị chích điện, không cho anh ngủ và làm anh kiệt sức bằng nhiều hình thức tra tấn khác.
Tuy nhiên, phải mất 14 năm vụ án này mới được tái điều tra. Anh được chứng minh rằng đã bị điều tra viên ép nhận tội bằng tra tấn. Mặt khác, không có bằng chứng nào cho thấy anh đã cưỡng hiếp và giết bé gái.
Giang Quốc Khánh đã bị xử tử hình oan vì sự tàn độc của nạn tra tấn, sự nôn nóng phá án của điều tra viên, và sức ép của công chúng muốn ngay lập tức tìm được một hung thủ. Năm 2011, gia đình Giang Quốc Khánh được bồi thường 3,4 triệu đô-la Mỹ cho việc tử hình oan uổng này. [2]
Nhưng ai đã cưỡng hiếp và giết chết bé gái 5 tuổi?
Sau khi Giang Quốc Khánh được minh oan, tổng trưởng công tố Đài Loan đã cho mở lại cuộc điều tra. Dấu vân tay, dấu tay dính máu, và DNA từ một mẫu lông mu được tìm thấy trên đùi của bé gái đã dẫn đến một nghi phạm khác.
Theo đó, dấu vân tay dính máu tìm thấy ở hiện trường và nhà vệ sinh ở tầng hầm đã khớp với một cựu quân nhân khác tên là Từ Dung Châu. Vào lúc tìm ra manh mối này, Châu đang thụ án cưỡng hiếp và giết chết một bé gái khác vào năm 1997 tại Đài Trung.
Vào tháng 11/2011, Tòa án Đài Bắc, dựa trên dấu vân tay dính máu và lời khai nhận tội, đã kết án Từ Dung Châu 18 năm tù về tội cưỡng hiếp và giết bé gái 5 tuổi tại Trung tâm Chỉ huy Không quân.
Tưởng rằng công lý đã được thực thi, nhưng không, vụ án này đến đây lại đảo chiều một lần nữa.
Năm 2013, Tòa án Cấp cao Đài Loan đã bác bỏ phán quyết kết tội Từ Dung Châu. Tòa kết luận rằng không đủ bằng chứng thỏa đáng để kết tội Châu. Và Châu là một người thiểu năng, không thể nào lý giải việc gây án của mình thông qua bản nhận tội do một điều tra viên của quân đội viết ra.
Sự thật về vụ án mạng này luôn là một bí ẩn rất lớn. Cuộc điều tra bắt đầu tại hiện trường của vụ án để tìm manh mối, nhân chứng để dẫn đến các nghi phạm. Tuy nhiên, nếu bạn thêm một tình tiết nào đó vào vụ án thì cục diện có thể sẽ thay đổi hoàn toàn.
Việc nhận tội của Giang Quốc Khánh sẽ là hoàn hảo cho đến khi người ta biết rằng anh đã bị tra tấn tàn bạo đến mức nào. Dấu vân tay, lịch sử phạm tội của Từ Dung Châu cũng thật sự trùng khớp với dấu vết tại hiện trường vụ án cho đến khi Từ Dung Châu được cho là có vấn đề về tâm thần, và chứng cứ không thỏa đáng để chắc chắn rằng anh là hung thủ.
***
Rất khó để có thể vén được bức màn của tội ác. Điều tra án mạng là hoạt động thu thập thông tin để tái hiện lại quá khứ. Nhưng việc tái hiện quá khứ trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều rất khó khăn. Những bộ phim tái hiện về một nhân vật hoặc một thời kỳ nào đó dù được thu thập thông tin đa dạng nhưng đều có những sai sót hoặc thậm chí là khác biệt hoàn toàn với sự thật.
Trong việc điều tra án mạng, càng có nhiều dữ kiện thì việc tái hiện tội ác càng chính xác nhằm tìm ra hung thủ. Nhưng việc này không hề dễ dàng và phải được thực hiện cẩn trọng nhất có thể để tránh đổ tội nhầm người.
Ngay cả khi nghi phạm khai nhận tội thì lời khai, động cơ, hung khí, dấu vết, bằng chứng, nhân chứng phải thật trùng khớp, hợp lý, vô tư để đi đến việc kết tội.
Các cuộc điều tra như vậy đều phải chứng minh sự vô tư, hợp lý của mình trong cáo buộc nghi phạm qua phiên tòa, do các cấp tòa khác nhau xét xử nhằm hạn chế mức độ sai sót trong các phán quyết.
Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn một quy trình xét xử - dù được thiết kế kỹ càng đến mức nào đi nữa - sẽ không mắc sai lầm. Tất cả quy trình khám phá vụ án đều do con người thực hiện, mà con người thì sẽ có sai sót. Có những sai sót sờ sờ ra trước mắt nhưng cũng có những lỗi lầm phải mất thời gian rất lâu để nhận biết, hoặc đủ can đảm để nhìn nhận. Một tội ác xảy ra tại một thời điểm nhất định, được thực hiện một cách kín đáo, thì việc tái hiện lại vụ việc để tìm ra hung thủ hoàn toàn là tương đối. Nghi phạm luôn có khả năng mang hàm oan, đặc biệt là trong những vụ việc thiếu bằng chứng thỏa đáng, thời gian điều tra gấp rút.
Ở những nơi còn sử dụng án tử hình như Việt Nam, loại hình trừng phạt này khiến việc điều tra án mạng chẳng những không có cơ hội sửa sai mà còn gây thêm tội ác khi đã xử tử nhầm người.
Mặt khác, án tử hình đặt gánh nặng khủng khiếp lên các điều tra viên, nhân chứng, kể cả gia đình của người bị hại khi phát hiện rằng có lẽ họ đã đổ tội nhầm người, vì sai sót trong quá trình điều tra.
***
Bài viết này được đăng khi tử tù Nguyễn Văn Chưởng còn vài ngày nữa sẽ bị hành hình. [3] Anh liên quan đến một vụ án đầy uẩn khúc mà cơ quan điều tra được cho là đã dùng nhục hình với anh cũng như đồng phạm và đe dọa những nhân chứng đã cho lời khai có lợi cho anh.
Vụ án xảy ra vào đêm ngày 14/7/2007 tại Hải Phòng. [4] Một thiếu tá công an phường bị chém trên đường dẫn đến tử vong khi được mang vào bệnh viện. Hai mươi ngày sau, Nguyễn Văn Chưởng cùng hai người khác được cho là đồng phạm bị bắt giữ.
Vụ án cho đến nay vẫn còn nhiều uẩn khúc.
Liệu có hay không việc điều tra viên tra tấn để ép Chưởng nhận tội như Chưởng đã tường thuật chi tiết cách anh bị tra tấn? [5]
Có hay không việc điều tra viên đe dọa, khóa tay vào ghế, đấm vào đầu nhân chứng khiến người này đã thay đổi lời khai từ đã thấy Chưởng tại Hải Dương ngay thời điểm xảy ra vụ án mạng thành đã khai nhầm, không nhớ rõ rằng có thấy Chưởng ở Hải Dương hay không?
Không chỉ có một nhân chứng mà còn có thêm một người nữa cũng khẳng định đã thấy Chưởng tại Hải Dương vào thời điểm xảy ra vụ án nhưng đã thay đổi lời khai vì bị điều tra viên ép buộc, đe dọa, châm thuốc lá vào tay anh. Rất tiếc, việc đính chính của hai nhân chứng này đã quá muộn màng khi vụ án đã được xét xử giám đốc thẩm, tức là phán quyết sau cùng, không còn có thể thay đổi vụ án.
Nguyễn Văn Chưởng có phạm tội hay không? Phiên toà giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Kháng nghị này đề nghị bác bản án phúc thẩm, xét xử lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng còn tù chung thân. Điều này nghĩa là Nguyễn Văn Chưởng vẫn bị kết luận là có tội.
Quy trình kết tội Nguyễn Văn Chưởng có vấn đề gì đáng quan ngại hay không? Câu trả lời là có, những uẩn khúc trong vụ án như lời khai nhân chứng và việc tra tấn đã bị các cơ quan tố tụng phớt lờ.
Nguyễn Văn Chưởng đã sống với bản án tử hình trong 16 năm trời. Bản thân anh và gia đình liên tục kêu oan. Mấy ngày nữa, nếu không có gì thay đổi, Chưởng sẽ bị hành hình. Câu hỏi lớn nhất cho đến nay vẫn chưa có đáp án là có chắc chắn Nguyễn Văn Chưởng là kẻ phạm tội giết người hay không? Liệu có khả năng chính quyền sẽ giết nhầm người hay không?