Tôn giáo tháng 9/2023: Chính quyền gia tăng trấn áp các tôn giáo mới

Cấm tín đồ xuất cảnh, cấm người dân sinh hoạt đạo trên mạng.

Tôn giáo tháng 9/2023: Chính quyền gia tăng trấn áp các tôn giáo mới
Ảnh trái: Chính quyền huyện Mèo Vạc vận động người dân không theo đạo San sư khẻ tọ. Nguồn: Công an tỉnh Hà Giang./ Ảnh phải: Phái đoàn USCIRF gặp gỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nguồn: Báo Giác Ngộ.

[Bàn tay chính quyền]

Lào Cai: Chính quyền cấm người dân sinh hoạt đạo Bà Cô Dợ qua Internet

Đầu tháng 9/2023, trang Người Thượng vì Công lý đã phát một đoạn video ghi lại cảnh một cán bộ chính quyền ngăn cản một người dân tham gia sinh hoạt đạo Bà Cô Dợ qua Internet. [1]

Địa điểm trong đoạn video được cho là tại nhà ông Giàng A Chư (người Hmong) ở thôn Cốc Đào, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Trong đoạn video, một cán bộ mặc thường phục đã đe dọa rằng sẽ cấm gia đình ông sử dụng nguồn nước và cấm sử dụng con đường của thôn nếu còn theo đạo Bà Cô Dợ.

Đạo Bà Cô Dợ phổ biến trong cộng đồng người Hmong. Chính quyền không cho người dân theo tôn giáo này. Báo chí nhà nước cho rằng đạo Bà Cô Dợ do một người Hmong tên Vừ Thị Dợ cư trú tại Mỹ truyền đạo vào Việt Nam.

Phần lớn lý do chính quyền cấm những tôn giáo mới - như đạo Bà Cô Dợ - hoạt động là lo ngại các tôn giáo này có thể thao túng tâm lý của người dân, hình thành nên các hội nhóm, sử dụng các liên kết về mặt tôn giáo để chống nhà nước.

Một người mặc thường phục được cho là cán bộ đã chỉ thẳng mặt và đe dọa một tín đồ Tin Lành độc lập. Ảnh: Trang Facebook Người Thượng vì Công lý.

Cấm xuất cảnh một tín đồ Cao Đài độc lập tham dự hội nghị về tôn giáo tại Mỹ

Ngày 18/9/2023, bà Nguyễn Xuân Mai, tín đồ đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926, đã bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất từ chối cho xuất cảnh sang Mỹ để tham dự Hội nghị Tự do tôn giáo. [2]

Ngay sau đó, ông Rashad Hussain, Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự quan ngại về vụ việc này. [3]

Biên bản tạm dừng xuất xuất cảnh đối với bà Mai. Ảnh: BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam.

Vào tháng 7/2022, bà Mai từng sang Mỹ để vận động cho quyền tự do tôn giáo tại Việt, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế. Ngay sau khi đáp máy bay trở về nước, bà đã bị công an thẩm vấn hơn sáu giờ đồng hồ ngay tại sân bay. [4]

Cao Đài Chơn Truyền là tổ chức Cao Đài độc lập, không đăng ký, không chịu sự quản lý của chính quyền Việt Nam.

Vào tháng 3/2022, các tổ chức Cao Đài có đăng ký ở Đà NẵngBến TreTây NinhLong An, Kiên Giang và Tiền Giang đã phải làm việc với chính quyền về việc duy trì các quy định kiểm soát trong Thông báo số 34/TB/TW về việc kiểm soát đạo Cao Đài. [5]

Phú Yên: Chính quyền kiên quyết xóa bỏ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên

Đầu tháng 9/2023, báo Công an Nhân dân cho biết chính quyền tỉnh Phú Yên đang kiên quyết xóa bỏ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. [6]

Theo bài viết, Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đã thu hút 30 người dân tộc Ê Đê tại bốn xã Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Trol, và Ea Bia thuộc huyện Sông Hinh.

Do vậy từ năm 2021 đến nay, chính quyền bốn xã đã thường xuyên ngăn chặn hoạt động của các nhóm Tin Lành độc lập này. Hiện nay, các nhóm này đã bị phân hóa tan rã, không còn tụ tập.

Chính quyền cho biết có 29 tín đồ đã cam kết rời bỏ Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, trong số đó có 24 người đã chuyển sang sinh hoạt Tin Lành được chính quyền công nhận, 5 người còn phải tiếp tục “cảm hóa, giáo dục”. 

Trước đó vào tháng 5/2023, chính quyền tỉnh Phú Yên đã bắt giữ và khởi tố ông Nay Y Blang tại xã Ea Lâm, một trong 30 tín đồ của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” [7]

Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên chưa được chính quyền thừa nhận. Chính quyền cáo buộc họ là tổ chức phản động, chống phá nhà nước, nhất là việc nhóm này thường xuyên thu thập các bằng chứng xâm phạm quyền tự do tôn giáo của chính quyền.

Chính quyền tỉnh Phú Yên tuyên truyền cho người dân tại huyện Sông Him. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

[Tôn giáo 360]

USCIRF: Chính quyền Việt Nam vẫn vi phạm liên tục, nghiêm trọng và có hệ thống về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Ngày 5/9/2023, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố một báo cáo cập nhật về tự do tôn giáo tại Việt Nam. [8]

Báo cáo này được thực hiện sau chuyến thăm của phái đoàn USCIRF đến Việt Nam vào tháng 5/2023.

Báo cáo có những điểm nổi bật sau:

  • Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2018 được áp dụng không đồng đều, không nhất quán trên toàn quốc. Chính quyền thường khắc nghiệt với các tín đồ ở vùng nông thôn, và các tổ chức tôn giáo không được công nhận. USCIRF nhận cho rằng bộ luật này đã góp phần gây ra những vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, làm người dân mất lòng tin, gây bất ổn xã hội.
  • Chính quyền địa phương Việt Nam thường xuyên sách nhiễu các tôn giáo không được công nhận, đặc biệt là các nhóm tôn giáo thiểu số. Ngay cả khi họ nộp đơn đăng ký sinh hoạt tôn giáo nhưng vẫn bị chính quyền từ chối mà không đưa ra lý do. Các phong trào tôn giáo mới như: Hà Mòn, Pháp Luân Công, Dương Văn Minh, Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Thế giới (hay Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ), v.v. được xem là các tà đạo.
  • Các cộng đồng Tin Lành độc lập tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc thường chịu đựng sự đàn áp nặng nề về tôn giáo. Đặc biệt từ sau vụ nổ súng vào hai đồn công an xã tại tỉnh Đắk Lắk, chính quyền coi đây là cái cớ để mở rộng việc đàn áp tôn giáo.
Phái đoàn USCIRF gặp gỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 18/5/2023. Ảnh: Báo Giác Ngộ.

Theo báo cáo, trong suốt chuyến thăm Việt Nam của USCIRF, chính quyền luôn theo dõi và theo sát phái đoàn bao gồm Phó Chủ tịch USCIRF Frederick Davie và ủy viên Eric Ueland.

Từ năm 2002 đến nay, USCIRF đã đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (Country of Particular Concern). Tuy nhiên, chỉ có năm 2004 và năm 2005 là Việt Nam bị đưa vào danh sách này. 

Năm 2006, sau một thỏa thuận ràng buộc với Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này. Nội dung thỏa thuận chưa bao giờ được công bố. [9]

Từ tháng 12/2022, Mỹ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List) về tự do tôn giáo.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ điều trị bệnh tại bệnh viện

Cuối tháng 9/2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) cho biết người đứng đầu tổ chức này, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (80 tuổi), đang điều trị bệnh tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. [10]

Theo VOA, một nhà sư của GHPGVNTN cho biết các bác sĩ nhận định bệnh tình của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ khó chữa khỏi. [11]

Sau khi Hội đồng giáo phẩm được tái lập vào tháng 9/2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được suy cử làm Chánh Thư ký của hội đồng, đồng nghĩa với việc ông trở thành lãnh đạo cao nhất của GHPGVNTN.

Ông được kỳ vọng sẽ tổ chức lại giáo hội vững vàng hơn qua việc tái lập, bổ sung người cho các cơ quan của giáo hội cũng như thúc đẩy việc nghiên cứu, biên dịch kinh điển.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một nhà bất đồng chính kiến, một nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Phật giáo. Ông từng bị tuyên án tử hình vào năm 1988 nhưng được thả ra sau hơn 10 năm bị giam giữ.

[Tôn giáo mới]

Thái Nguyên: Đã xóa bỏ hoàn toàn tổ chức Dương Văn Mình

Ngày 10/9/2023, báo Công an Nhân dân cho biết chính quyền tỉnh Thái Nguyên tuyên bố đã xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên toàn tỉnh. [12]

Qua nhiều lần đàn áp, đến cuối năm 2021, cả tỉnh còn 13 xóm, 6 xã tại hai huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai với 1.185 người Hmong theo tổ chức này.

Đến nay, chính quyền tuyên bố đã xóa trắng các điểm nhóm của tổ chức Dương Văn Mình trên toàn tỉnh Thái Nguyên.

Chính quyền kiên quyết xóa bỏ Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Ngày 17/9/2023, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc kiên quyết xử lý hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ. [13]

Trong đó Bộ Nội vụ đã yêu cầu chính quyền các địa phương phát hiện kịp thời, giải tán, thu hồi giấy phép, v.v. nhằm ngăn chặn việc thành lập, hình thành các tụ điểm sinh hoạt mới của tôn giáo này.

Trước đó vào tháng 5/2023, hàng loạt báo nhà nước đăng tin cảnh báo người dân về việc các nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời hoạt động rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành. [14]

Khoảng một tháng sau, Bộ Công an cho biết đã xử lý 12 vụ vi phạm và 85 đối tượng liên quan đến Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ trong sáu tháng đầu năm 2023. [15]

Cho đến nay, chính quyền vẫn coi hội thánh này là tà đạo, cáo buộc họ lừa đảo người dân, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, làm tan nát gia đình, v.v.

Xem thêm: Hội thánh Đức Chúa Trời có thực sự nguy hiểm như chính quyền mô tả?

Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang: Chính quyền xóa trắng đạo San sư khẻ tọ tại xã Cán Chu Phìn

Ngày 22/9/2023, Công an tỉnh Hà Giang cho biết chính quyền đã xóa bỏ hoàn toàn đạo San sư khẻ tọ tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. [16]

Theo chính quyền, toàn xã Cán Chu Phìn có năm hộ đi theo đạo San sư khẻ tọ, trong đó có những hộ đã theo hơn 20 năm. Hiện nay, tất cả các hộ đã tự nguyện từ bỏ đạo này.

Chính quyền huyện Mèo Vạc vận động người dân không theo đạo San sư khẻ tọ. Ảnh: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Giang.

Trước đó vào tháng 6/2023, chính quyền thuộc các xã, thị trấn trong huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã đồng loạt vận động người dân từ bỏ đạo San sư khẻ tọ. 

Đây là cuộc vận động này nằm trong Đề án số 23-ĐA/TU, ngày 23/11/2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025”. [17]

Cũng như các tôn giáo không được chính quyền công nhận, đạo San sư khẻ tọ không được phép hoạt động tại Việt Nam và chính quyền luôn tìm cách ngăn chặn, lên án cũng như xóa bỏ.



Bốn điều có thể bạn chưa biết về đạo Tin Lành ở Việt Nam
Người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành nhiều hơn người Kinh.
Hội thánh Đức Chúa Trời có thực sự nguy hiểm như chính quyền mô tả?
Bị cấm vì vượt quá giới hạn cho phép, chứ không hẳn do xuyên tạc giáo lý.

Chú thích

1. Người Thượng vì Công lý. (2023, September 20). https://fb.watch/nkGxQMKA1N/

2. BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam. (2023, September 26). https://www.facebook.com/photo/?fbid=617857490516884&set=a.548064504162850

3. Việt Nam cấm xuất cảnh tín hữu Cao Đài độc lập Nguyễn Xuân Mai; Đại sứ Mỹ lên tiếng. (2023, September 27). VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-cam-xuat-canh-tin-huu-cao-dai-doc-lap-nguyen-xuan-mai-dai-su-my-len-tieng/7287002.html

4. Tín đồ Cao Đài bị câu lưu nhiều giờ khi về Việt Nam từ Hội nghị Tự do Tôn giáo. (2022, July 27). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cao-dai-follower-detained-by-police-for-hrs-upon-returning-home-from-religious-freedom-conference-07232022103553.html

5. Thiện Trường. (2022b, April). Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài. Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/04/ton-giao-thang-3-2022-chinh-quyen-tong-ket-30-nam-kiem-soat-dao-cao-dai/

6. Xóa bỏ “Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” ở miền núi Phú Yên. (2023, September 5). Báo Công an Nhân dân. https://web.archive.org/web/20230908230246/https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/xoa-bo-tin-lanh-dang-christ-tay-nguyen-o-mien-nui-phu-yen-i706029/

7. Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. (2023, May 18). Công an tỉnh Phú Yên. https://web.archive.org/web/20230530132251/https://congan.phuyen.gov.vn/tin-an-ninh-trat-tu/khoi-to-bat-tam-giam-doi-tuong-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-xam-pham-loi-ich-cua-nha-nuoc-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-to-chuc-ca-nhan-3189.html

8. New Report on Religious Freedom in Vietnam. (2023, September 5). USCIRF. https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2023-09/2023%20Vietnam%20Country%20Update.pdf

9. The United States Commission on International Religious Freedom. (2022, February). Country Update: Vietnam. https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2022-02/2022%20Vietnam%20Country%20Update.pdf

10. Hoang Phap. (2023). THÔNG BẠCH Về tình hình sức khỏe và Cầu an cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Hội Đồng Hoằng Pháp. https://hoangphap.org/thong-bach-ve-tinh-hinh-suc-khoe-va-cau-an-cho-hoa-thuong-thich-tue-sy/

11. Việt, V. T. (2023, October 3). Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lâm bệnh, đang được điều trị tại Sài Gòn. VOA. https://www.voatiengviet.com/a/hoa-thuong-thich-tue-sy-lam-benh-dang-duoc-dieu-tri-tai-sai-gon/7294838.html

12. Đấu tranh với “tà đạo” trên địa bàn xứ chè. (2023, September 10). Báo Công an Nhân dân. https://web.archive.org/web/20230925093942/https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/dau-tranh-voi-ta-dao-tren-dia-ban-xu-che-i706573/

13. Bộ Nội vụ: Kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ tổ chức của Hội thánh Đức Chúa trời mẹ. (2023, September 17). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20230920064252/https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-kien-quyet-dau-tranh-xoa-bo-to-chuc-cua-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-20230917135659238.htm

14. Hồ Đan. (2023, June 23). Tôn giáo tháng 5/2023: Chính quyền bắt giữ tín đồ, Mỹ lên án gay gắt Việt Nam về tự do tôn giáo. Luât Khoa. https://www.luatkhoa.com/2023/06/ton-giao-thang-5-2023-chinh-quyen-bat-giu-tin-do-my-len-an-gay-gat-viet-nam-ve-tu-do-ton-giao/

15. Xử lý 12 vụ, 85 đối tượng hoạt động theo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. (2023, June 30). Báo Thanh niên. https://web.archive.org/web/20230630132932/https://tienphong.vn/xu-ly-12-vu-85-doi-tuong-hoat-dong-theo-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-post1547466.tpo

16. Xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc xóa trắng thành công tà đạo “San sư khẻ tọ” ra khỏi địa bàn. (2023, September 22). Công an tỉnh Hà Giang. https://congan.hagiang.gov.vn/tin-tuc-chi-tiet?newsId=226727&fbclid=IwAR0ktS1aLlp3ZhTqTezmDuVTAw7U_wyqtDRc0wwUvoMICfgJWS1MgCUJIYM

17. Hà Linh.(2023, June 3). Mèo Vạc: Tổ chức cho các hộ gia đình theo tà đạo ký cam kết quay lại phong tục, tập quán truyền thống. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hà Giang. https://web.archive.org/web/20230630130927/http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202306/meo-vac-to-chuc-cho-cac-ho-gia-dinh-theo-ta-dao-ky-cam-ket-quay-lai-phong-tuc-tap-quan-truyen-thong-b555410/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.