Sau gần ba năm bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An được điều động giữ chức phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Giới thiệu một số góc nhìn phản biện của các nhà luật học nữ quyền (feminist legal studies) và một nhánh nghiên cứu mới trong luật học là đa nguyên pháp luật (legal pluralism) về luật pháp và quy trình tố tụng hình sự về tội hiếp dâm.
Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đã qua đời vào ngày 24/11/2023 tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, hưởng thọ 81 tuổi. [1]
Ông giữ chức Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), quyền lãnh đạo tạm thời của giáo hội. [2]
Ông cũng là một nhà bất đồng chính kiến và từng bị tuyên án tử hình vào tháng 9/1988 về tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Nhờ sự can thiệp của quốc tế, ông được giảm án còn 20 năm tù giam. [3]
Ông cũng được biết đến như một học giả trong ngành triết học, Phật học.
Tang lễ của ông đã diễn ra tốt đẹp dù ban đầu chính quyền địa phương ngăn cản việc treo băng rôn có dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. [4]
Theo GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tên thật là Phạm Văn Thương, sinh ngày 5/4/1945 tại tỉnh Paksé, Lào. [5]
Từ năm 1964 đến 1970, ông tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật Học và làm giáo sư tại Viện Ðại học Vạn Hạnh.
Năm 1973, ông làm Giám học tại Phật Học viện Trung phần. Sau ngày 30/4/1975, học viện bị chính quyền đóng cửa, ông chuyển đến sống tại một ngôi chùa gần thành phố Nha Trang.
Năm 1977, ông vào Sài Gòn lánh nạn tại chùa Tập Thành, và bị chính quyền bắt giam 3 năm không thông qua xét xử về tội cư trú bất hợp pháp.
Cuối tháng 9/1988, chính quyền đã kết án ông tử hình vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Đến năm 1998 ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của quốc tế. Cùng năm, ông được tổ chức nhân quyền Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền (Hellman-Hammett Awards) cùng với 7 người khác.
Tháng 4/1999, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề cử ông làm Tổng Thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN.
Ngày 21/8/2022, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN cử ông nhận chức vụ Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống. Ông giữ chức vụ này cho đến khi qua đời.
[Bàn tay chính quyền]
Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Tôn giáo là công cụ thực hiện đại đoàn kết dân tộc
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, xác định tôn giáo có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Khẳng định này được nêu trong Nghị quyết số 43 về thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, ban hành vào ngày 24/11/2023. [6]
Theo đó, nhà nước sẽ sử dụng tôn giáo bằng việc tập hợp các chức sắc, chức việc tôn giáo trung thành với nhà nước, và đề nghị những người này tham gia “phong trào thi đua yêu nước” do Mặt trận Tổ quốc và chính quyền các cấp phát động.
Các chức sắc, chức việc tôn giáo tuyên truyền, vận động người dân thực hiện “nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương, đất nước”.
Nhà nước sẽ “bảo đảm để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận”.
Đồng thời, nghị quyết nêu rõ chính quyền sẽ “tôn trọng, khuyến khích phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Những chính sách liên quan đến tôn giáo trong nghị quyết này cho thấy các tổ chức tôn giáo sẽ không được phép hoạt động độc lập. Các tổ chức tôn giáo phải trung thành với nhà nước, phải giúp nhà nước thực hiện các chính sách đại đoàn kết, kiểm soát tư tưởng của người dân.
Nghị quyết này có thể sẽ đẩy tình hình tự do tôn giáo Việt Nam ngày càng khó khăn hơn đối với các nhóm tôn giáo chưa được công nhận, các nhóm tôn giáo mới hiện nay.
Hà Nội: Chính quyền sửa tu viện cũ của Dòng Chúa Cứu Thế
Trang Tin mừng cho người nghèo cho biết chính quyền thành phố Hà Nội từ giữa tháng 11/2023 đã tự ý sửa chữa một tu viện cũ của Dòng Chúa Cứu Thế.
Dòng Chúa Cứu Thế khẳng định chưa bao giờ bán hay bàn giao cơ sở này cho bất cứ ai. [7]
Chính quyền đã trưng dụng cơ sở này để làm bệnh viện Đống Đa từ năm 1972 cho đến nay.
Nhiều cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị chính quyền chiếm đoạt tại miền Bắc sau năm 1954, và sau năm 1975 tại miền Nam.
Vào năm 1975, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chiếm dụng trại gà Scala và trường Trung học Minh Đức. Chính quyền sau đó đã đổi tên hai cơ sở này thành Công ty cổ phần chăn nuôi gà Đà Lạt và Trường THPT Đống Đa. Dòng Chúa Cứu Thế đã nhiều lần kiến nghị trả lại những cơ sở này nhưng chính quyền vẫn phớt lờ. [8]
Cho đến nay, nhiều đất đai, tài sản liên quan đến Công giáo đang trong tình trạng tranh chấp căng thẳng với chính quyền.
Vĩnh Long: Công an xô xát các tín đồ Phật giáo Khmer
Theo RFA Khmer, vài cán bộ chính quyền tại tỉnh Vĩnh Long đã xô xát với một số tín đồ Phật giáo Khmer tại một ngôi chùa ở tỉnh này. [9]
Trong một video khác, một số người đã ném đá và tấn công vào chùa trước sự chứng kiến của nhiều công an. [10]
Được biết, một nhà sư và hai người Khmer Krom bị thương trong vụ xô xát này.
Đến nay, một số người Khmer tại Việt Nam và ở Campuchia cho rằng vùng đất Nam kỳ là của họ. Hàng năm, cộng đồng người Khmer tại Campuchia thường xuyên tổ chức biểu tình đòi Việt Nam trả lại đất đai. [11]
Để dập tắt mâu thuẫn này, chính quyền Việt Nam đã có những chính sách đặc biệt đối với cộng đồng người Khmer. Nhiều tín đồ Phật giáo Khmer đã vượt biên qua Campuchia vì họ cho rằng đã bị đàn áp và phân biệt đối xử từ các chính sách này. [12]
[Tôn giáo mới]
Quảng Nam: Chính quyền ngăn chặn Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ
Đầu tháng 11/2023, hàng loạt báo nhà nước cho biết Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đã xuất hiện và đang phát triển tại tỉnh Quảng Nam. [13] [14] [15] [16]
Theo báo Tuổi Trẻ, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đã chia thành nhiều nhóm nhỏ các tín đồ, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương thức hoạt động nhằm phát triển đạo. [17]
UBND tỉnh Quảng Nam đã ra công văn yêu cầu các cơ quan ngăn chặn các nhóm tôn giáo này. [18]
Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ không chấp nhận tổ chức này đăng ký sinh hoạt dưới mọi hình thức như: thành lập tổ chức phi chính phủ, sinh hoạt tôn giáo tập trung, công ty, văn phòng, câu lạc bộ, v.v.
Trước đó vào tháng 9/2023, Bộ Nội vụ đã yêu cầu chính quyền địa phương trên khắp cả nước kiên quyết xử lý và ngăn chặn hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ. [19]
Chính quyền xem Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ là tà đạo với cáo buộc lừa đảo người dân, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, làm tan nát gia đình, v.v.
Đắk Lắk: Chính quyền tiếp tục đàn áp Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên
Theo RFA, vào ngày 15/11/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã ngăn cản các tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên đang tụ tập cầu nguyện tại nhà bà H Ik Kbuôr, xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn. [20]
Theo một video trên trang Người Thượng vì công lý, công an đã xông vào nhà bà H Ik Kbuôr và yêu cầu các tín đồ phải giải tán. [21]
Đến ngày 17/11/2023, chính quyền đã triệu tập một số tín đồ để tra khảo và ép ký cam kết không được tự do sinh hoạt tôn giáo.
Hai ngày sau, chính quyền đến nhà bà và tiếp tục hành vi đe doạ trong khi các tín đồ đang cầu nguyện.
Bà H Ik Kbuôr là vợ của ông Y Kreč Byă. Ông đã bị chính quyền bắt giữ vào đầu tháng 4/2023 với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 của của Bộ luật Hình sự. [22]
Từ sau vụ nổ súng vào hai đồn công an xã tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023, chính quyền cáo buộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức phản động và xem đây là lý do để tiêu diệt tổ chức này. [23]
Bà Rịa – Vũng Tàu: Chính quyền ngăn cản một người phát tán tài liệu Pháp Luân Công
Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu, vào ngày 21/11/2023, chính quyền thị xã Phú Mỹ đã ngăn cản một người đang phát tán tài liệu Pháp Luân Công. [24]
Chính quyền đã thu giữ 13 cuốn tài liệu và 14 móc khóa đều có nội dung về Pháp Luân Công.
Hầu hết các tín đồ Pháp Luân Công khi bị phát hiện đang phát tài liệu của bộ môn này sẽ bị tịch thu tài liệu và xử phạt hành chính về hành vi phát tán xuất bản phẩm không được cấp phép.
Chính quyền các địa phương đều xem Pháp Luân Công là một trong những tà đạo đang hoạt động tại tại Việt Nam. [25]
Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang: Chính quyền đàn áp thành công đạo San sư khẻ tọ
Vào ngày 22/11/2023, công an tỉnh Hà Giang cho biết đã xóa bỏ hoàn toàn đạo San sư khẻ tọ ra khỏi xã Xín Cái và Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. [26]
Trong 10 tháng đầu năm 2023, chính quyền huyện Mèo Vạc đã tổ chức hai đợt cao điểm tuyên truyền người dân từ bỏ đạo San sư khẻ tọ. Có 125 hộ, với 629 khẩu được cho là “tự nguyện từ bỏ đạo”. Ba xã Xín Cái, Khâu Vai, và Cán Chu Phìn không còn người theo đạo này. [27]
Chính quyền tiếp tục mở đợt trấn áp thứ thứ ba từ ngày 15/11/2023 đến 15/1/2024.
Đây là những hoạt động nằm trong Đề án số 23 ngày 23/11/2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về “phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025”. [28]
Đạo San sư khẻ tọ còn có tên gọi khác là Cơ đốc Ba ngôi, do một người Trung Quốc đưa vào tỉnh Hà Giang vào năm 1997. [29]
Giống như các tôn giáo mới khác, đạo San sư khẻ tọ không được phép hoạt động tại Việt Nam và chính quyền luôn tìm cách ngăn chặn, lên án cũng như xóa bỏ đạo này.
12. Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam (2023, November 20). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2023/11/manh-toi-tren-chiec-ao-mau-nghe-tay-cua-phat-giao-khmer-tai-viet-nam/
23. AN NINH TRẬT TỰ ĐẮK LẮK. (2023, June 18). VẠCH BỘ MẶT PHẢN ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC HỘI THÁNH TIN LÀNH ĐẤNG CHRIST TÂY NGUYÊN [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=NP03Tb9vNtE