Xã hội hiện đại đối diện với bệnh tâm lý như thế nào?

Chỉ cần khác với chuẩn mực xã hội, bạn đã là người điên.

Xã hội hiện đại đối diện với bệnh tâm lý như thế nào?
Ảnh bìa sách: Vintage Books. Đồ họa: Luật Khoa.

Tác giả Susanna Kaysen được biết đến nhiều trên văn đàn Mỹ nhờ cuốn sách “Girl, Interrupted” (tạm dịch: Cô gái bị gián đoạn). Tác phẩm này ra mắt độc giả vào năm 1993 và được chuyển thể thành phim vào năm 1999 với sự đón nhận của đông đảo độc giả và khán giả.

Trải qua 30 năm với bao đổi thay của cuộc sống, “Girl, Interrupted” vẫn luôn là một trong những cuốn sách nổi bật được viết về chủ đề bệnh tâm lý và cách mà xã hội đối xử với những người được xem là “có vấn đề” như vậy.

Susanna Kaysen viết cuốn hồi ký này vào 25 năm sau khi bà rời bệnh viện tâm thần và có dịp nhìn lại cuộc đời mình. Năm 18 tuổi, bà vào bệnh viện tâm thần “một cách tự nguyện” và sống ở đó suốt 18 tháng.

Cuốn sách có độ dài khiêm tốn với 168 trang và không được kể theo trình tự thời gian nhất định. Susanna không kể lể để cố gắng đào quá sâu vào một vấn đề gì, mà ngược lại, bà cố gắng nói đến nhiều vấn đề nhất có thể và nói nó ở mức vừa đủ.

Susanna Kaysen vào năm 2014. Nguồn ảnh: Boston Globe.

Điều đầu tiên mà chúng ta được Susanna chia sẻ, đó là khi ở trong bệnh viện, bệnh nhân sẽ không có không gian riêng tư, các nhân viên y tế sẽ mở cửa kiểm tra 5 phút hoặc 10 phút một lần, kể cả khi chúng ta đi tắm thì cũng sẽ có người quan sát. Bất kỳ bệnh nhân nào muốn có không gian riêng sẽ phải đánh đổi bằng sự tự do và thoải mái. Chúng ta sẽ có được riêng tư trong phòng cách ly ngột ngạt thay vì ra bãi cỏ thoáng đãng hít gió trời.

Qua quan sát các bệnh nhân, bà cho độc giả thấy những vấn đề tâm lý đáng sợ đến chừng nào. Không ai có thể hiểu được Daisy – người có vẻ ít thể hiện sự điên loạn nhất – lại là người đầu tiên hơn cả đã kết liễu cuộc đời mình ngay đêm Giáng sinh. Cũng chẳng ai có khả năng giải thích tại sao, Alice – một cô gái hồn nhiên và ngây thơ chẳng khác gì một đứa trẻ – chỉ vài hôm sau lại đánh mất đi những ý thức cuối cùng của một con người.

Hay với bệnh nhân Barker, nhà văn khiến người đọc phần nào tự hỏi, liệu những nhà thương điên này cũng là một cách để chính phủ và những quan chức cấp cao giam giữ các tù nhân chính trị, những người bất đồng chính kiến luôn muốn thách đố chính quyền. Đương nhiên, không một ai có thể biết được.

Thông qua “Girl, Interrupted”, Susanna cho người đọc thấy cách mà xã hội đối xử với những thiếu niên như thế nào, đặc biệt là thiếu nữ. Tác giả cho rằng những triệu chứng mà bác sĩ tâm lý đề cập với chính bà là rất mơ hồ, và thường khiến những người như bà trở nên bất lợi trong chẩn đoán.

Ví dụ, bác sĩ cho rằng bà quan hệ tình dục quá nhiều và không thể kiểm soát nhưng lại không cho một con số cụ thể. Đối với nam giới, có lẽ số người họ làm tình phải vượt quá 20 mới có thể gọi là nghiện tình dục; còn đối với nữ giới, con số tương tự không cần phải đến 5. Những hoạt động được gắn với xu hướng tự làm đau/tự làm hại bản thân chỉ thường gán cho phụ nữ, như là mua sắm vô tội vạ, ăn cắp vặt trong cửa hàng, và ăn uống mất kiểm soát, v.v.

Các vấn đề liên quan đến xu hướng suy nghĩ một cách bi quan, chống đối xã hội, những cảm xúc về sự chán nản hay trống rỗng kéo dài miên man, hoặc không có niềm tin, v.v. đều là những thứ xuất hiện trong phần đông những người trẻ, cũng được xem là lý do đẩy những người trẻ đó vào viện tâm thần.

Một cảnh trong phim “Girl, Interrupted” được công chiếu vào năm 1999. Nguồn ảnh: Columbia Pictures.

Khi rời bệnh viện, Susanna biết người ta ghi thẳng bệnh tâm lý vào hồ sơ bệnh án và vào lý lịch, khiến bà đi xin việc rất khó khăn vì bị nhà tuyển dụng kỳ thị, từ chối. Bà nhớ lại mình từng làm công việc soạn hóa đơn tại Đại học Harvard trước khi nhập viện, lúc ấy bà chứng kiến những đồng nghiệp nữ bị đối xử tệ. Bà là người duy nhất dám chống lại những bất công và rồi bà mất việc. Susanna tự hỏi, liệu xã hội này có chấp nhận một người như bà không, bà có hòa nhập được với xã hội không? Susanna muốn trở thành một nhà văn, nhưng người ta cho rằng đó chỉ là một sở thích nhất thời chứ không phải công việc.

Girl, Interrupted” là một cuốn hồi ký kỳ lạ và mơ hồ. Có nhiều chương sách được viết nên từ các dòng suy nghĩ của Susanna về vấn đề tâm thần; bà hình dung bệnh tâm thần chia thành hai loại: nhanh và chậm, phân tích về cách chúng vận hành rồi lại đưa cả hai về cùng một điểm. Bà cũng cho rằng những người mắc vấn đề về tâm thần thường là do cả hai “người chuyển ngữ” bên trong một cơ thể không giao tiếp được với nhau. Hay trong một chương, bà không chắc chắn người chẩn đoán đã dành bao nhiêu thời gian tìm hiểu trước khi thẳng thừng đưa bà vào viện. Thời đó, chỉ cần từ 20 phút hay 3 tiếng là kết thúc buổi nói chuyện, đồng nghĩa với việc chẩn đoán đã xong. Qua các chương sách tự trò chuyện với bản thân, độc giả sẽ nhận ra rằng ngay trong chính nơi riêng tư mà chúng ta toàn quyền sở hữu – tức là nội tâm – hóa ra đôi khi chính chúng ta cũng trở nên bất lực.

Tên cuốn sách lấy cảm hứng từ bức tranh “Girl Interrupted At Her Music” (tạm dịch: Cô gái bị gián đoạn vì âm nhạc của cô) của họa sĩ Johannes Vermeer người Hà Lan.

Bức tranh “Girl Interrupted at Her Music” của họa sĩ Johannes Vermeer người Hà Lan.

Nhà văn Susanna xem bức tranh này lần đầu trước khi vào viện và xem bức tranh lần nữa sau khi rời viện, tức là hơn hai thập niên sau. Ở lần thứ hai xem lại, bức tranh khiến bà bồi hồi nhớ lại quá khứ, thấy mình như chính cô gái trong tranh. Cuộc đời của bà cũng bị gián đoạn, nhưng mọi thứ tồi tệ sẽ luôn ở đó và không bao giờ biến mất. Mọi thứ một khi đã xảy ra thì đã khiến cuộc đời chúng ta thay đổi hoàn toàn, không thể trở lại như cũ được nữa.

Xã hội ngày nay đã phát triển đến mức đáng gây kinh ngạc, nhiều loại bệnh từng được xem là án tử đối với con người giờ cũng đã có cách chữa trị; duy chỉ có các bệnh tâm lý, tâm thần là đi ngược với tiến trình phát triển đó. Các bệnh tâm lý phát triển ngày càng phức tạp hơn, khó xác định và chẩn đoán hơn, tức là cũng khó chữa trị hơn.

Girl, Interrupted” của Susanna Kaysen sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn mới lạ về bệnh tâm lý ở bối cảnh hơn nửa thế kỷ trước. Khi ấy, người ta không chần chừ sốc điện bệnh nhân nhiều lần để chữa trị, chỉ để người bệnh cảm thấy ổn hơn. Lúc đó, bất kỳ thứ gì đi ngược với các chuẩn mực thông thường của xã hội cũng sẽ kết tội bạn, biến bạn trở thành một bệnh nhân tâm thần và đi qua những quá trình điều trị kinh hoàng. 

Sau tất cả, cuốn sách không chỉ nói về người điên và cách người ta trị điên, mà sẽ gợi mở nhiều câu hỏi để độc giả tự vấn rằng đâu mới là chuẩn mực và ai mới là kẻ điên trong thế giới này.


Dám đoạn tuyệt, dám sống một cuộc đời riêng
Ai cũng có quyền được tự do sống cuộc đời riêng mà không bị phán xét.
“Thấy giới” để học cách chấp nhận sự khác biệt của nhau
Nhìn thấy nhau qua những lăng kính xã hội để hiểu nhu cầu tối thiểu của các nhóm thiểu số.

Bạn có thể mua quyển “Girl, Interrupted” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.