Con tin của tin tức
Năm 1850, Paul Julius Reuter dùng chim bồ câu để chuyển tin tức từ Đức sang Bỉ. Sáng kiến này
“Thang máy Sài Gòn” là một cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 2013 của nhà văn Thuận (tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận). Đó là câu chuyện về hành trình khám phá những bí mật gia đình của nhân vật nữ tên Mai. Bố mẹ cô - những con người xã hội chủ nghĩa - đã sinh ra một người con gái là cô, định cư trên đất nước tư bản và người con trai cũng tên Mai, trùm bất động sản Sài Gòn, người theo đuổi, si mê và phô trương lối sống tư bản.
Mai làm nghề dạy tiếng Việt và bán hàng ở Paris để nuôi đứa con trai tên Mike. Tiểu thuyết mở đầu bằng đám tang của người mẹ cô sau khi bà đột tử, và cũng vì thế mà cô trở lại Sài Gòn.
Vụ tai nạn chết người không phải xảy ra trên đường phố đông đúc, mà trong thang máy của một ngôi nhà sang trọng vừa khánh thành của người con trai. Thang máy gặp sự cố khiến cựu nữ tù nhân Hỏa Lò từ giã cõi đời.
Một đám tang tầm cỡ Hollywood được người con trai tên Mai tổ chức giống như một bữa tiệc. Đó là một dịp đông đúc để anh khoe của.
Người phụ nữ đột tử là người từng đóng ba vai trò mà tác giả mô tả là thấm nhuần tinh thần lạc quan cách mạng: tổ trưởng bộ môn, tổ phó khu phố và phó bí thư đảng ủy. Nhưng ba vai ấy rốt cuộc cũng chỉ là vai diễn mà khán giả chính là công an khu vực. Tác giả viết rằng cả cuộc đời người mẹ đã “diễn” không biết bao nhiêu vai, nhưng vai diễn để đời của bà chính là cái chết thật trong đám tang.
Trước mặt chồng, bà đích thị là một người vợ “xã hội chủ nghĩa”. Nhưng trước mặt người cháu ruột của chồng - giàu có nhờ kinh doanh và trước đó đã năm lần bảy lượt vào tù vì tội vượt biên - đó là hình ảnh “miền Bắc khoan dung, độ lượng”. Chính người cháu và ông bố từng làm cho chính quyền Sài Gòn đã làm cho lý lịch của bà xấu đi, đúng vào thời mà “lý lịch ăn đứt chuyên môn”. Quá khứ của người anh chồng “theo Ngụy” cũng khiến vợ chồng bà mặt nặng mày nhẹ với nhau vì nó kéo dài quá trình xin đi thực tập ở Pháp của bà.
Bà có lý lịch đẹp vì là dân nghèo thành thị và vào đảng năm 17 tuổi, còn chồng bà đã chữa lý lịch từ xấu thành đẹp bằng cách hiến nhà cho nhà nước, tuyên bố từ mặt ông anh di cư vào Nam của mình, và trở thành đảng viên. Cả hai đều không thiếu các danh hiệu của đảng và nhà nước, đều là những cán bộ nòng cốt và có những cống hiến nhất định cho Đoàn Thanh niên và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai vợ chồng bà ly dị sau một cuộc cãi vã về những gì bà đã làm trong ba ngày bị giam ở Hỏa Lò, bởi chính ở nơi đó, bà đã gặp người tình Paul Polotski của mình. Nhân vật nữ chính, Mai, có một nhiệm vụ: đó là đi tìm người tình Pháp của mẹ trên quê hương ông.
Hàng loạt những vấn đề khác của những con người nhiều thân phận cũng được nhà văn khéo léo lồng ghép vào cuốn tiểu thuyết. Những sự kiện đổi tiền, đóng cửa ngân hàng ở miền Nam sau khi đất nước thống nhất khiến nhiều người bỗng dưng mất việc. Những cô gái Việt và mộng lấy chồng Tây. Những người đàn ông Pháp khao khát giải thoát sự cô đơn bằng cách đến châu Á. Những người con rơi đi tìm bố xuyên lục địa. Những con người thèm khát giàu có và muốn được khoe giàu.
Và người mẹ của tác giả, tuy đã gặp mặt người tình Pháp tại Paris nhưng cũng không thể nào công khai gặp ông.
Cuốn tiểu thuyết kết thúc khi mà người tình Pháp của bà mẹ đã chết. Và nhân vật Mai cũng đưa ra một giả thuyết, rằng chưa chắc mẹ cô đã chết vì đột tử. Rất có thể, bà đã tự tìm đến cái chết.
Một cuốn tiểu thuyết buộc người đọc phải liên tục luân chuyển giữa không gian (Paris - Hà Nội - Sài Gòn), thời gian và cả mạch cảm xúc, với cơn mưa của Sài Gòn, nắng của Hà Nội, mây của Paris. Một cuốn tiểu thuyết nặng nề, không chỉ vì nhiều cảm xúc mà còn bởi mỗi nhân vật đều chứa đựng những bí mật khác nhau.
Sách do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.