Đọc "Tôi là con gái của cha tôi" của Phan Thúy Hà

Đọc "Tôi là con gái của cha tôi" của Phan Thúy Hà
Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

“Tôi là con gái của cha tôi” là một trong nhiều cuốn tiểu thuyết phi hư cấu của nhà văn Phan Thúy Hà nhằm tái hiện lịch sử của nhân dân, mà trên hết là của “triệu người buồn” sau ngày thống nhất.

Cuốn sách là một tập hợp những mẩu chuyện mà tác giả miệt mài tìm kiếm ở miền Trung và miền Nam để những mảnh đời và những góc khuất lịch sử đó không bao giờ bị lãng quên. Những nhân vật chính là những người lính Việt Nam Cộng hòa. Những bất công của quá khứ được tái hiện bằng dòng viết chân thực. Với những con người bình thường hiện tại, nỗi bất hạnh của những nạn nhân đã không còn nữa, mà người nhà của họ vì nhiều lý do đã chọn cách chôn cất sự thật. 

Quá khứ luôn hiện về

Mỗi nhân vật trong cuốn sách là một người lạ mà tác giả đã lặn lội tìm và gặp để được mắt thấy tai nghe câu chuyện cuộc đời của họ. 

Đối với nhiều cá nhân, chiến tranh mãi ở trong đầu, “chả cần lục lọi, chỉ một tác động nhỏ là ào ra”. 

Đối với nhiều gia đình, chiến tranh có hình hài rõ rệt. Những người cha để lại cả đôi tay, đôi chân ở chiến trường, và sống trong tình yêu vô bờ bến của gia đình và lòng nhân ái của những người đồng đội cũ. Những người ấy dường như vẫn ở lại với quá khứ, trong sự nghèo đói, bệnh tật và cô đơn, trong nỗi ám ảnh chiến tranh trên cơ thể họ. 

Phan Thúy Hà viết về những người không được phong anh hùng, những cái chết không ai biết và những trận đánh không ai hay, những chuyến hành quân không đụng độ với “địch” mà rồi vẫn để lại tang thương. Những cựu chiến binh với những cảm xúc rất người: họ sợ phải ra trận, sợ thương tật, sợ hy sinh chứ không hẳn là hăng hái lên đường. Nếu không đăng lính thì gia đình họ sẽ bị chính quyền làm phiền. Vợ thấy chồng trở về từ chiến trường mà chỉ cụt một chân thì mừng, bởi còn may mắn hơn những gia đình có người thân vĩnh viễn ra đi. Một người bị khuyết tật và mất quyền công dân từ khi “giải phóng” tới năm 2013, hay một người chưa ra chiến trường nhưng vĩnh viễn tàn tật. Người sống chung với bò, sống gần chuồng lợn. Một người đi kiện tụng vì tranh chấp đất đai suốt 30 năm ròng rã. Nhiều người trong số họ đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn nặng gánh mưu sinh. 

Sau năm 1975, ở Sài Gòn, gia đình nào cũng có biến động. Nhiều gia đình trong số họ có những người phải đi cải tạo, có những người bị ép đến vùng kinh tế mới. Nhiều người chọn cách vượt biên. Nhiều người ở lại trong sự hoài nghi và trong những nỗi khổ chồng chất không tên. Chuyện những người có cơ hội đi Mỹ từ trước ngày 30/4 nhưng rồi họ từ bỏ vì không nỡ rời quê hương. Một gia đình tan nát vì tình thân tình bạn mất đi vì họ ở hai bên chiến tuyến. 

Phan Thúy Hà dành nhiều trang viết để nhấn mạnh những nỗi đau khác của phụ nữ và trẻ em. Đó là những người phụ nữ do có chồng bị nghi tập kết ngoài Bắc hay làm cách mạng mà bị chính quyền Sài Gòn tra tấn dã man. Đó là những đứa trẻ sinh ra trong khoảng 1950 - 1954 không có ba, hoặc có mà như không, vì ba đi tập kết. Những bà mẹ, ông bố chết vì rà phế liệu bất chấp cảnh báo bom mìn, vì đụng phải mìn, những đứa trẻ lớn lên trong bệnh tật rồi cũng mất sớm. Lại có cả chuyện những người phụ nữ khi chồng đi chiến trận đã bỏ ruộng, làm gái cho lính Mỹ. Khi trở về, họ bị chồng bắn chết. Chồng bắn họ chứ không phải bắn lính Mỹ.

“Nỗi sợ mơ hồ”

Trong hành trình tìm tư liệu lịch sử nhân dân ở một đất nước mà chính quyền nắm độc quyền về sách sử, giáo trình sử, cách dạy và học sử, rất nhiều người từ chối kể lại câu chuyện của cá nhân vì “nỗi sợ mơ hồ". 

Sự im lặng ấy có nhiều lý do. Trong quá khứ, sự im lặng có thể cứu sống những con người biết được một sự thật nào đó. Cũng có thể là do người ta mất lòng tin ở việc tìm ra và phơi bày sự thật.

Các trang viết của nhà văn rất khó đọc. Bởi lẽ những sự thật ấy rất đau, nhiều nỗi đau chồng chất. Nhiều nhân vật có khuôn mặt buồn và gia tài của họ là những câu chuyện buồn, thời niên thiếu chẳng có gì khác ngoài chiến tranh, “ngửi mùi thuốc súng thấy thân thương”. Những người thương binh trở thành thiểu số của xã hội sau ngày “giải phóng”. Những người lính bị thương bởi mìn rải rác trên khắp đất nước. 

Song cũng có những nỗi sợ rất cụ thể của cả quá khứ và thực tại. “Cả đời tôi chỉ biết sợ. Chưa đi lính sợ bị bắt đi lính. Đi lính sợ trúng đạn. Sau đó sợ mấy ông. Hết sợ mấy ông thì sợ đói". 

Tìm lại những người lính “bên kia"

Tác giả tiếp xúc với những người lính của Việt Nam Cộng hòa, “những tên giặc" bằng xương bằng thịt, chứ không phải qua lời kể của đài báo. 

Một con người chỉ được chính quyền địa phương đồng ý cấp giấy khai sinh trước khi chuẩn bị nhận giấy khai tử. Chỉ bởi vì ông là “Ngụy". Người ta gọi ông là “ngụy tàn”, “thằng què”.

Đôi khi người ta không có sự lựa chọn là người bên này hay bên kia. Có người thì khi đi là lính cộng hòa, khi về là lính cộng sản.

Xã hội thật giả lẫn lộn. Những người tự bắn vào tay mình để sớm giải ngũ. Lại có người chạy tiền để được xếp hạng thương binh. Thậm chí vì nghèo, người ta không hổ thẹn khi khai gian số con để được thêm tiền trợ cấp. Chuyện những người biệt kích bắn nhầm trẻ con hay chính đồng đội của mình không phải quá hiếm. 

Trớ trêu thay, lại có cả chuyện một người Quảng Trị chống chính quyền Sài Gòn, được khoan hồng, được tha không phải đi cải tạo, nhưng sống bị giam lỏng, o ép còn khổ hơn đi cải tạo. Rồi khi làm hồ sơ đi Mỹ bị phía Mỹ vặn vẹo sao hồi đó không bị xếp vào thành phần “cải tạo". 

Ngay khi gặp được những tấm lòng hảo tâm, người ta hoài nghi sự trợ giúp đó có một thế lực nào đó đứng đằng sau. “Chú tự sợ thôi con. Thì chú là lính cộng hòa mà con".

Những người làm ở chế độ cũ rồi chuyển sang chế độ mới vĩnh viễn không có được niềm tin của chính quyền, hàng xóm và cả người nhà. 

Những người mất đi một hay vài phần cơ thể vì hệ lụy của chiến tranh. Những cuộc sống tưởng chừng bình yên mà không hề yên bình. Vì có những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. 

Những dòng viết đầy ám ảnh của tác giả xen lẫn với những câu chuyện kể xưng tôi của các nhân vật. 

“Tôi biết đến họ khi họ đã mất. Niềm vui của họ là gì? Tôi nghĩ mãi. Nỗi buồn của họ là gì. Nỗi buồn của họ là chính cuộc đời họ. Vậy niềm vui là khi họ không còn sống cuộc đời mình nữa? Vậy tôi phải mừng khi nghe tin họ đã chết sao. Thế giới tôi đang sống, ngược lại với nỗi buồn cũng không phải là vui.” 

Hành trình không đơn độc

Nhưng rốt cuộc nhà văn Phan Thúy Hà không đơn độc. Vẫn còn những người nặng lòng với lịch sử quần chúng và tình nguyện đi tìm lịch sử như chú Giang, ngày ngày chạy hàng trăm cây số để tìm lại và ghi lại những câu chuyện “không vui". Những yêu thương, cảm thông, những sợi dây kết nối của nhiều thế hệ, của những con người xa lạ đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc có mong ước được tái hiện lịch sử vẫn tỏa sáng xuyên suốt cuốn sách. Những người phụ nữ anh hùng cưu mang những cựu chiến binh khốn khổ bị mất tất cả, trong đó có niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào chính họ. Có những người chỉ muốn nhanh chóng tìm đến cõi chết, nhưng vẫn sống vì những người thân của họ chưa bao giờ bỏ cuộc, và những bác sĩ đã hết mình cứu họ, để giờ họ có thể kể lại câu chuyện lịch sử của chính mình. Những tình cảm nồng ấm từ những con người mà tác giả chỉ quen qua Facebook là động lực để Phan Thúy Hà đi tiếp và viết tiếp. 

Nếu như nhà văn Phan Thúy Hà dũng cảm lên đường và cầm bút, can đảm nghe và viết về những sự thật, thì hy vọng độc giả cũng có dũng khí mà đọc chúng. Những trang viết ấy đã, đang và sẽ khiến người đọc thức tỉnh, sống chậm lại, suy tư nhiều hơn, và nhân ái hơn.

Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2020.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.