Tài sản của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau Cách mạng Nhung: Chuyện gì đã xảy ra?

Tài sản của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau Cách mạng Nhung: Chuyện gì đã xảy ra?
Đại hội lần thứ XVII của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tại Praha năm 1988. Ảnh: chrisniedenthal.com.
💡
Bài viết này nằm trong số báo đặc biệt "Cảm hứng Cộng hòa Séc" của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 26/12/2023. Toàn bộ kinh phí sản xuất số báo này do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc tài trợ.

Ngày 29/11/1989, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc sửa Hiến pháp, bãi bỏ Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Chế độ cộng sản chính thức sụp đổ ở quốc gia Đông Âu này vào ngày thứ 13 của cuộc Cách mạng Nhung.

Đảng Cộng sản không những không bị cấm hoạt động mà còn tiếp tục tranh cử và giành được một tỷ lệ phiếu đáng kể ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, như đã trình bày trong bài “Vì sao Cộng hòa Séc không cấm Đảng Cộng sản?".

Nhưng còn khối tài sản khổng lồ của họ thì sao?

Nghiên cứu có tên “The Assets of the Communist Party” (Tài sản của Đảng Cộng sản) của Tiến sĩ Luật Hiến pháp Pavel Molek trong cuốn “Transformation: The Czech Experience” của tổ chức People in Need cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về vấn đề này. [1] Ông Pavel Molek là giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Masaryk và từng là thẩm phán của Tòa án Hành chính Tối cao của Cộng hòa Séc.

Theo nghiên cứu này, chuyện rất rõ ràng là Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã bị chính quyền mới tịch thu phần lớn tài sản. Phần còn lại hoặc là chính quyền mới miễn truy thu, hoặc là đã bị chính các đảng viên tẩu tán ra bên ngoài.

***

Tác giả phân loại tài sản của Đảng Cộng sản làm năm phần.

Một là đảng phí.

Hai là các khoản ngân sách rót trực tiếp từ kho bạc nhà nước. Trong 20 cuối cầm quyền, họ đã được hưởng khoảng 5,6 tỷ Koruna.

Ba là các khoản trợ cấp gián tiếp từ các doanh nghiệp nhà nước dưới dạng tài trợ. Đây là nguồn tài sản lớn nhất. Khoản tài trợ có thể là tiền mặt hoặc hiện vật, dịch vụ. Trong thời kỳ cầm quyền, các khoản này có giá trị khoảng 50-60 tỷ Koruna.

Bốn là các động sản và bất động sản của nhà nước do Đảng Cộng sản trực tiếp kiểm soát. Có 159 tài sản như vậy có giá trị khoảng 4,5 tỷ Koruna, gồm có văn phòng, trường đảng, khu nhà ở, khách sạn, nhà in, v.v.

Năm là các tài sản do Đảng Cộng sản đứng tên sở hữu, có giá trị khoảng 8,1 tỷ Koruna. Trong đó, có tài sản của Ban chấp hành Trung ương, Công ty In ấn, Viện Lịch sử Đảng, v.v.

Đó là chưa kể tài sản của các tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản nằm trong Mặt trận Quốc gia (hay ở Việt Nam là Mặt trận Tổ quốc).

***

Trong những tháng đầu tiên sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chính quyền mới chưa kịp xử lý khối tài sản của Đảng Cộng sản và các tổ chức kế thừa của nó. Và đây là cơ hội vàng cho nhiều quan chức của đảng tẩu tán tài sản.

Cụ thể, nhiều thiết bị văn phòng đã bị sang nhượng cho cá nhân một số đảng viên với giá hời, có khi chỉ bằng 1/20 so với giá trị thực.

Kế tới nữa, một số tài sản của các đảng bộ địa phương bị sang tên cho các pháp nhân mới, đặc biệt là các công ty cổ phần.

Sau cùng, tài khoản và sổ sách của đảng bị thao túng để dễ dàng xóa sổ một số tài sản, trong khi với một số tài sản khác thì có thể được bán ra với giá thấp hơn thị trường.

Những hoạt động này diễn ra cho tới tận tháng 5/1990, khi một số văn bản pháp luật được chính quyền mới ban ra để đình chỉ hoạt động sang nhượng tài sản và tịch thu tài sản của Đảng Cộng sản.

Một nghị định đề ngày 21/5/1990 quy định tịch thu toàn bộ bất động sản nhà nước đang do Đảng Cộng sản kiểm soát. Tới ngày 1/6 thì chính quyền đã tịch thu được tất cả các bất động sản này, ít nhất là trên giấy tờ. Nghị định này cũng vô hiệu hóa những giao dịch chuyển nhượng các tài sản này cho các bên khác.

Tới đây, mọi chuyện khá thuận lợi. Cái khó là những tài sản do Đảng Cộng sản đứng tên sở hữu.

Tháng 10/1990, Tiệp Khắc bắt đầu ban hành một số đạo luật khởi động một tiến trình phục hồi tài sản. Theo đó, các chủ sở hữu tài sản bị Đảng Cộng sản chiếm đoạt trong thời kỳ cộng sản từ 1948 tới 1989 có quyền yêu cầu hoàn trả lại những tài sản này hoặc yêu cầu bồi thường bằng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ.

Theo các quy định này, các tổ chức kế thừa của Đảng Cộng sản phải giao nộp lại “động sản và bất động sản, nguồn lực tài chính và quyền tài sản mà Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cũ sở hữu vào thời điểm ngày 31/12/1989”. Một ngoại lệ được miễn giao nộp là tài sản văn phòng có giá trị từ 5.000 Koruna trở xuống.

***

Dĩ nhiên, các đảng viên không vui vẻ gì với những động thái này của chính quyền mới. Kết hợp với lý do nhiều cán bộ thực thi kém năng lực hoặc không được trao đủ thẩm quyền, tiến trình tịch thu tài sản gặp nhiều khó khăn. 

Tới tháng 5/1991, số tài sản trị giá khoảng 5,5 - 6 tỷ Koruna trong tổng số 8,1 tỷ Koruna tài sản của Đảng Cộng sản đã bị tịch thu.

Tiến trình này chỉ kết thúc vào tháng 6/1999, khi vẫn còn khoảng 150-350 triệu Koruna vẫn chưa được thu hồi.

Để kết thúc bài này, xin trích một câu từ tờ nhật báo Lidové noviny đề ngày 17/11/1990, trong đó có châm biếm rằng: “Những người cộng sản đã từ bỏ quyền lực và hệ tư tưởng của họ một cách vui vẻ hơn nhiều so với việc từ bỏ tài sản của họ".

Đọc thêm:

Cộng hòa Séc đã cải cách hiến pháp như thế nào
Nhìn người, ngẫm ta.
Dòng lịch sử: Cộng hòa Séc - Từ độc tài tới dân chủ
💡Bài viết này nằm trong số báo đặc biệt “Cảm hứng Cộng hòa Séc” của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 26/12/2023. Toàn bộ kinh phí sản xuất số báo này do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc tài trợ.Tải báo - Miễn phí Trước 1918
Vì sao pháp luật Cộng hòa Séc không cấm đảng cộng sản?
Chuyện tưởng như hiển nhiên nhưng lại rất phức tạp.

Chú thích

1. Pavel Molek. (2006).The Assets of the Communist Party. In Transformation: The Czech Experience (pp. 193–202). essay, People in Need. 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.