Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Khi Bộ Lễ biến thành Ban Tôn giáo Chính phủ.
Trong cùng một ngày, người Việt Nam vừa có thể dâng lễ vật lên Mẫu ở một ngôi đền thờ địa phương, vừa tụng kinh ở một ngôi chùa thờ Phật, cúng tổ tiên tại gia, và vừa thắp nhang cho những người xấu số qua đời đột ngột do tai nạn mà không có người thân lo liệu. Một người có thể cùng lúc thực hành nhiều nghi lễ mà không có bất kỳ sự xung đột nào hay ép buộc họ phải tuyên bố mình theo trường phái tôn giáo nào.
Trong khi đó, mặc dù chính quyền tự xác định mình là thế tục (trung lập) và không có tôn giáo nào được xem là quốc giáo hay tôn giáo chủ đạo, nhưng họ lại khẳng định vị thế độc quyền trong quản lý các tổ chức tôn giáo. Nói cách khác, dù chính thức chấp nhận sự đa dạng về tôn giáo (như kiểu chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên), nhưng các tôn giáo đều bị kiểm soát nghiêm ngặt theo đúng cách thức mà Bộ Lễ thời quân chủ đã làm.
Điều này vô hình trung bóp nghẹt tính đa dạng và khoan dung tôn giáo vốn đã và đang tồn tại trong các cộng đồng.
Với nghiên cứu “Controlled Religious Plurality: Possibilities for Covenantal Pluralism in Vietnam” (tạm dịch là “Đa nguyên tôn giáo có kiểm soát: Khả năng cho chủ nghĩa đa nguyên theo giao ước ở Việt Nam”), tác giả Edyta Roszko (Viện Chr. Michelsen - Na Uy) phân tích về tính đa nguyên tôn giáo ở Việt Nam và lấy đó là ý tưởng để xem xét khả năng thực hiện chủ nghĩa đa nguyên theo giao ước (sau đây gọi tắt là đa nguyên giao ước). [1] Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học The Review of Faith & International Affairs năm 2021.
Chủ nghĩa này xác định và thúc đẩy các điều kiện về văn hóa, đạo đức và pháp luật mà ở đó tất cả mọi người dù theo hay không theo tôn giáo nào đều có thể trở thành “hàng xóm” với nhau một cách hòa bình. Mối quan hệ đó mang tính thực tiễn và xây dựng, dù sẽ không bao giờ ngừng bất đồng với nhau.
Tác giả bắt đầu nghiên cứu bằng những thảo luận về nỗ lực kiểm soát tôn giáo của Việt Nam từ thời quân chủ.
Bấy giờ, Tân Nho giáo (lúc mà Nho giáo đã hình thành hệ tư tưởng nhà nước đế quốc có tính nghi lễ cao) không phân biệt rõ ràng giữa phạm trù tôn giáo và thế tục. Hoàng đế chính là người có thẩm quyền quyết định địa điểm tôn giáo và việc thực hành nghi lễ nào được xem là hợp pháp. Bộ Lễ có thẩm quyền chứng nhận và tiêu chuẩn hóa các thực hành tôn giáo, ngăn những thực hành không phù hợp với hình thức chính thống của Tân Nho giáo. Ngoài ra, Bộ Lễ cũng kiểm soát việc đăng ký tôn giáo và đảm bảo không có phong trào tôn giáo nào biến thành lực lượng chính trị thách thức chính quyền trung ương.
Đến thời kỳ Đổi mới (sau 1986), Việt Nam dần thoát khỏi cách giải thích của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo (cho rằng tôn giáo là phản khoa học, là “thuốc phiện” ru ngủ nhân dân). Thay vào đó, Việt Nam ra sức vạch ra ranh giới giữa cái có thể được chấp nhận và cái bị xem là lạc hậu, mê tín, độc hại.
Tất cả những nỗ lực này có thể được coi là hành động tiếp nối thời quân chủ trong việc kiểm soát các tôn giáo để phù hợp với mục tiêu của nhà nước.
Ngày nay, Ban Tôn giáo Chính phủ thay thế cho Bộ Lễ với vai trò tương tự. [2]
Nhà nước tăng cường tính hợp pháp của mình bằng việc cẩn trọng lựa chọn và “phong thánh” cho những nhân vật lịch sử tiêu biểu cho các giá trị đạo đức, yêu nước và phù hợp với hệ tư tưởng quốc gia - dân tộc.
Các thực hành tôn giáo chỉ được phép xâm nhập vào không gian công cộng thế tục dưới biểu ngữ “văn hóa” hoặc “di sản”, phù hợp với định nghĩa của nhà nước hiện đại về tôn giáo và tín ngưỡng.
Đảng và nhà nước Việt Nam xây dựng và kiểm soát không gian này để đảm bảo rằng các diễn ngôn và thực hành tôn giáo không xung đột với tính hợp pháp và thẩm quyền đạo đức của nhà nước.
Tiếp đó, tác giả thảo luận về khung pháp lý điều chỉnh tôn giáo ở Việt Nam và những hệ quả của nó đối với việc thực hành tôn giáo và các nhóm sắc tộc thiểu số. Tác giả chỉ ra những quy định cho phép đình chỉ các hoạt động tôn giáo, tịch thu tài sản và bắt giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Sau khi nhìn thấy bóng hình của Giáo hội Công giáo La Mã đằng sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Trung Âu và Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu lo ngại hơn về các lực lượng tôn giáo ở Việt Nam. Từ năm 1992, dù đứng trước áp lực đổi mới, chính quyền vẫn tìm cách phân định tự do tôn giáo bằng việc bổ sung vào Hiến pháp quy định rằng không ai có quyền lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. [3]
Về lý thuyết, Hiến pháp sửa đổi đưa ra khung pháp lý bảo vệ tốt hơn cho các cá nhân, cụ thể là ai cũng đều bình đẳng trước pháp luật mà không phân biệt tôn giáo. Nhưng tôn giáo của các sắc tộc thiểu số vùng cao chưa được công nhận chính thức. Cách đối xử này khiến người dân hoài nghi rằng văn hóa của họ bị chê là lạc hậu, không bằng người Kinh.
Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2004 được thay thế bằng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, hướng tới mô hình phổ quát về tự do tôn giáo nhưng cách Việt Nam đang quản lý tôn giáo không hề thay đổi.
Việc tồn tại các biện pháp pháp lý với tôn giáo (như đình chỉ) là cần thiết nhưng vấn đề quan trọng là các cơ quan thực thi minh bạch tới đâu, nhất là khi áp dụng các quy định với nhóm tôn giáo thiểu số không được công nhận chính thức.
Nói tóm lại, hiện Việt Nam phát triển một mô hình có tính cưỡng chế. Pháp luật Việt Nam trao quyền cho các tổ chức tôn giáo nhưng cũng đặt ra nghĩa vụ tôn trọng sự khác biệt tôn giáo và hợp tác xây dựng xã hội hiện đại. Họ sẽ bị xem là mối đe dọa nếu chống lại trật tự chính trị hoặc tính hợp pháp của đảng và nhà nước.
Hệ quả là nhiều tôn giáo vẫn không được công nhận chính thức, nhiều sắc tộc thiểu số vẫn bị đối xử như những người xa lạ trên chính quê hương mình.
Do đó, nếu muốn mở rộng không gian đa nguyên giao ước, điều nhà nước cần làm là đặt các sắc tộc thiểu số vùng cao vào lợi ích chung của quốc gia và đối xử với họ một cách công bằng. Nói cách khác, cả nhà nước và xã hội đều phải chấp nhận rằng đời sống có những cách tồn tại và hành động khác nhau, nhưng chúng có giá trị như nhau.
[1] Edyta Roszko (2021) Controlled Religious Plurality: Possibilities for Covenantal Pluralism in Vietnam, The Review of Faith & International Affairs, 19:3, 89-103, DOI: 10.1080/15570274.2021.1954421
[2] Quyết định 32/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-32-2018-QD-TTg-co-cau-to-chuc-cua-Ban-Ton-giao-Chinh-phu-thuoc-Bo-Noi-vu-389883.aspx
[3] Khoản 3 điều 24 Hiến pháp 1992, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1992-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-Viet-nam-38238.aspx