Khi bước vào giảng đường Văn khoa Sài Gòn những năm xã hội Việt Nam chuyển dời kinh tế, tôi nhận ra ngành xã hội và nhân văn chưa được coi trọng, thậm chí nhiều giá trị nhân văn còn bị thách thức.
Sinh viên không thể xuống đường phản đối nếu họ bất mãn về chính sách của nhà nước như sinh viên Văn khoa những ngày tháng cũ. [1] Sinh viên không có phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” [2] và bị cấm thảo luận về những vấn đề chính trị ở giảng đường. Hễ có ai khó chịu và phản biện về một chủ trương, chính sách mới của nước nhà, liền bị nói xoáy ngay là "dân phản động".
Sinh viên vật vã vì các giáo trình về chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh. Sinh viên ít biết về Socrates, Plato; chưa tỏ tường Locke; chưa am hiểu được Zola, Balzac; chưa rõ bình đẳng giới, phát triển bền vững là gì thì đã bị quăng vào một thế giới đầy hỗn độn và đua tranh.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ với các sinh viên, tôi thấy các bạn vẫn còn tự ti khi nói về ngành học của mình. Và tôi cho rằng có bốn nguyên nhân:
Thứ nhất, giá trị thị trường, vị lợi. Ngành xã hội và nhân văn chưa chắc sẽ tạo ngay cho sinh viên mới ra trường một công việc sinh lời nhanh và có tiền nhiều. Đương lúc xã hội ai cũng mong tích lũy thật nhiều cho bản thân thì những ngành này có vẻ trở nên ít hấp dẫn.
Thứ hai, đàn áp của chính quyền. Khoan hẳn nói tới những thách thức mà giá trị nhân văn gặp phải ở các nước dân chủ hiện nay, mà hãy tính trước là nước ta có dân chủ chưa và những giá trị nhân văn có được đơm hoa kết trái? Nhiều học giả nói các quốc gia thiếu dân chủ rất sợ những môn học xã hội và nhân văn, vì nó dạy cho con người ta nhiều khả năng nội tại, mà trước hết là khả năng phản tư về các vấn đề chính trị, không phục tùng quyền uy. Việt Nam chưa dạy được hết công dân mình như vậy.
Tất cả, bây giờ, sự phát triển của đất nước, đều đang trông đợi ở sự phấn đấu của từng cá nhân riêng lẻ.
Thiếu tự do học thuật, thiếu tự do biểu đạt, nhiều nhận thức sai lầm của giới lãnh đạo đã đẩy ngành xã hội và nhân văn vào thế nhạy cảm. Sinh viên theo học ngành công tác xã hội chưa ra trường đã sợ điều tiếng là ngành vác tù và và xin từ thiện. Sinh viên ngành triết học bị nhiều người nói là rất “đỏ”, rất “Mác - Lênin”. Các khung chương trình ít đề cập đến tổ chức phi chính phủ (NGO), xã hội dân sự (CSO) và điều này đang vô tình khiến sinh viên đi qua cánh cửa hẹp về nghề nghiệp. Các em có thể cảm thấy xa lạ với các vị trí việc làm trong các tổ chức này, hoặc có thể biết đến nhưng cho rằng đây là những tổ chức “chống phá chính quyền” (lạ quá!). Khi biết bao chiêu trò lừa đảo vẫn tồn tại và những kẻ lừa đảo đang tổ chức nhiều khóa học làm giàu để trục lợi thì chính quyền ra sức triệt hạ các hội nhóm dạy học về phát triển, về bầu cử.
Thứ ba, ngành xã hội và nhân văn chưa có không gian đủ để thích nghi với bối cảnh mới. Không chỉ kinh tế, ngành công nghệ đã và đang lên ngôi. Các trường học ngành xã hội hay nhân văn mang danh công lập nhưng nhà nước không nuôi, phải vật vã chập chững bước vào thời đại “tự chủ tài chính” với nhiều khúc mắc pháp lý. Lãnh đạo của các trường đại học bạc đầu tính cách để nuôi bộ máy, ì ạch thay đổi trong khi thời đại công nghệ đã bỏ họ rất xa.
Thứ tư, sinh viên thiếu thông tin. Cùng với nhiều ngành khác, ngành xã hội và nhân văn đóng vai trò then chốt trong đời sống loài người và sự hưng vong của một quốc gia. Nhưng người ta có thể tung hô “dân kinh tế”, “dân công nghệ”, nhưng “dân xã hội" hay “dân nhân văn” thì chưa thấy nhiều, dù dân nào cũng tận tụy như nhau.
Thông tin cho sinh viên chưa tường tận. Các em chưa được nghe và hiểu thêm về những “ông tổ”, chưa tỏ ngành học của mình là gì, làm gì và sẽ tác động thế nào đến xã hội. Không ai nói thật tâm cho các em biết những bước tiến dài trong xã hội loài người đều có những dấu ấn lớn của ngành xã hội và nhân văn, nếu chưa thể chắc chắn nói là dấu ấn quyết định. Độc lập của Việt Nam có dấu ấn của những người làm báo chữ Quốc ngữ và những nhà báo phản đối chiến tranh; tự do và quyền con người đưa châu Âu lên tầm cao mới có dấu ấn của phong trào Khai sáng mà ở đó nổi bật là hai lĩnh vực triết và văn học với Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Goethe, v.v.
Trong số những cách tiếp cận thông tin, sách vở là kênh quan trọng, và đọc là một hình thức để tự động viên bản thân mình trong thời đại thông tin hỗn mang như hiện nay. Nếu có một bạn sinh viên nào đang thấy chán chường, lạc lõng với những giờ trên giảng đường, các bạn có thể đọc ngay quyển “Vô vị lợi - Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn” của Martha C. Nussbaum. [3]
Đây là một quyển sách gây tranh cãi. Xét hành văn và luận điểm, tôi cho rằng bà Martha còn viết lủng củng, dàn trải. Tuy nhiên, nó sẽ là tác phẩm đáng giá để tiếp sức, gia tăng niềm tin cho sinh viên rằng ngành xã hội và nhân văn luôn đáng để theo đuổi.
Bởi, đầu tiên, đây là ngành đáng được tôn trọng vì giá trị nhân bản. Hãy hình dung bạn am hiểu về con người, văn hóa, xã hội từ căn bản. Bạn áp dụng kiến thức, kỹ năng đó vào nhiều ngành nghề khác. Vì những giá trị nhân văn và không tách rời xã hội, bạn biết tính đến những động lực lẫn hạn chế của những người khác. Chắc chắn, bạn sẽ là một nhà hoạch định chính sách tốt sau này.
Hai là, bạn đang đóng góp để đổi thay cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề lớn trong cộng đồng. Thế giới có thể vinh danh người tạo ra các công cụ lao động, phương tiện di chuyển hoặc ngợi ca các nhà toán học, nhà vật lý học, nhà hóa học, v.v, nhưng thế giới cũng vinh danh và ca tụng muôn đời Tagore, Picasso, Victor Hugo và nhiều nhà hiền triết khác. Họ khai sáng dân trí. Bạn sẽ là người biết khai sáng dân trí.
Tiếp đó, chúng ta học vì dân chủ, là phát triển con người. Nếu chưa có dân chủ, chúng ta sẽ biết cách đổi mới để tạo ra dân chủ. Điều quan trọng còn lại là mạnh dạn bước đi, tiên phong và đừng lo sợ điều gì. Hãy kết nối, tạo ra các mạng lưới, cùng nhau sinh hoạt học thuật. Không ai được phép cấm cản tự do học thuật. Thế hệ Beat - huyền thoại văn hóa Mỹ - là một ví dụ cho sự đổi thay và thúc đẩy nền dân chủ.
Nói tóm lại, sinh viên ngành xã hội và nhân văn có thể tự hào mình đang bước trên một con đường trở thành những công dân am tường những vấn đề nội tại. Sinh viên sẽ được trang bị các khả năng ban đầu như bà Martha đề cập trong quyển sách - những khả năng mà bất cứ chính quyền độc tài nào cũng sợ hãi:
- Suy nghĩ sáng suốt về các vấn đề chính trị ảnh hưởng đến quốc gia; khả năng suy xét, phản tư, biện luận, và tranh luận, không phục tùng truyền thống lẫn uy quyền.
- Nhìn nhận các công dân như những con người có các quyền bình đẳng, cho dù họ có thể khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, và khuynh hướng tình dục. Nhìn họ bằng sự tôn trọng, như những mục đích tự thân, chứ không như những công cụ để bị thao túng vì lợi ích riêng cho mình.
- Quan tâm đến cuộc sống của người khác, thấu hiểu việc những chính sách khác nhau có ý nghĩa thế nào đối với những cơ hội và trải nghiệm của mọi tầng lớp đồng bào mình và đối với những người ở bên ngoài quốc gia mình.
- Hình dung tốt về hàng loạt những vấn đề phức tạp có ảnh hưởng đến câu chuyện đời người khi nó phát lộ. Đó là thời thơ ấu, thời thanh niên, quan hệ gia đình, bệnh tật, cái chết và nhiều điều nữa.
- Xét đoán các lãnh tụ chính trị một cách có phê phán, nhưng với một ý thức hiểu biết và thực tế.
- Nghĩ đến điều gì tốt cho quốc gia nói chung, chứ không phải cho một nhóm cục bộ của riêng mình.
- Nhìn quốc gia mình, đến lượt nó, như một phần của một trật tự thế giới phức tạp.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
[1] Văn Khoa - Một thời sống đẹp (nhiều tác giả), nhà xuất bản Trẻ, 2014.
[2] Đọc thêm tại đây
[3] Martha C. Nussbaum, Vô vị lợi - Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn, nhà xuất bản Hồng Đức, 2015. Sách tiếng Anh tên "Not for profit - Why democracy needs the Humanities". https://press.princeton.edu/books/paperback/9780691173320/not-for-profit