Luật Khoa ra mắt số báo tháng Tư - 2024

Luật Khoa ra mắt số báo tháng Tư - 2024
Đồ họa: Shiv / Luật Khoa

Cứ vào thứ Năm đầu tiên của mỗi tháng, Luật Khoa tạp chí lại phát hành một số báo tháng dưới dạng PDF/EPUB. Các số báo này dành riêng cho độc giả trả phí.

Số báo tháng Tư năm nay dành trang bìa và hai bài viết phân tích về cơn biến động nhân sự cấp cao vừa qua: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đột ngột mất chức.

Đứng từ khía cạnh là những người làm báo, chúng tôi không chỉ nhìn vấn đề này qua lăng kính phân tích chính trị hay pháp lý, mà còn từ khía cạnh báo chí. Và chúng ta có thể thấy gì?

Võ Văn Thưởng và báo chí là hai thứ vốn chẳng ăn nhập gì với nhau, theo ít nhất là hai nghĩa.

Khi Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước vào tháng Ba vừa rồi, báo chí nhà nước chẳng đưa được tin gì ngoài đăng lại “thông cáo báo chí" của “trên". Cũng chẳng ai cho vị nguyên thủ quốc gia cơ hội được lên báo phát biểu điều gì. Tựa hồ như cái chuyện đùng đùng phế chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ chẳng có giá trị tin tức bằng ba cái chuyện shark nọ cặp với cô này, ca sĩ nọ đi ăn ở nhà hàng kia. Ấy là nghĩa thứ nhất.

Nghĩa thứ hai, là khi Võ Văn Thưởng còn làm trưởng ban tuyên giáo (2016 - 2021), ông là kẻ thù của báo chí. Thời đó là thời Ban Tuyên giáo Trung ương đi chống kịch liệt tình trạng mà họ gọi là “báo hóa tạp chí", “tư nhân hóa báo chí", đồng thời ban ra và thực hiện chính sách “quy hoạch báo chí", “sắp xếp lại báo chí", khiến cho làng báo nhiều phen khốn đốn, chạy ngược chạy xuôi. Sau một giai đoạn hiện đại hóa và tự do hóa ở một mức độ nhất định, báo chí nhà nước trở về với vai trò thuần túy làm cái loa bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng.

Chế độ kiểm duyệt báo chí mà Võ Văn Thưởng là một trong những người đứng đầu, sau cùng, bịt miệng chính ông.

Báo chí nhà nước hoàn toàn thụ động trong vụ việc quan trọng này. Báo chí độc lập thì hoàn toàn bị gạt ra rìa. Độc giả tối ngày chỉ hóng tin vỉa hè úp úp mở mở trên “Phây".

Chẳng có ai được lợi từ cái thứ môi trường truyền thông nửa dơi nửa chuột đó, ngoài những kẻ ăn trên ngồi trốc.

Võ Văn Thưởng ra đi, nhưng cái thứ tư duy bóp hầu bóp họng báo chí của ông thì vẫn trường tồn cùng Ban Tuyên giáo, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông.

Những người làm báo chuyên nghiệp, dù làm báo nhà nước hay báo độc lập, đơn giản là không bao giờ chấp nhận điều đó.

Trịnh Hữu Long
Tổng biên tập

Những bài nổi bật của số này:

Cách ông Võ Văn Thưởng ‘xin thôi’ khác với ông Nguyễn Xuân Phúc như thế nào
“Thôi” cũng năm bảy đường “xin”.
Quan điểm | Làm cho khốc hại chẳng qua vì quyền
Ông Thưởng đã làm gì có thể không quan trọng bằng việc người loại bỏ ông Thưởng đang toan tính gì.
Dữ liệu: Các văn phòng tỉnh ủy tiêu bao nhiêu tiền từ ngân sách nhà nước?
Ba tỉnh, thành đứng đầu bảng về mức chi ngân sách cho văn phòng tỉnh/thành ủy là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và Thanh Hóa.
Cải cách Ruộng đất - Kỳ 1: Chia ruộng đất hay đấu tố mới là ý định thực sự?
Cải cách Ruộng đất là chính sách dân sự lớn đầu tiên mà Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó tên là Đảng Lao động Việt Nam) thi hành. Được thực hiện từ trước Hiệp định Geneva năm 1954, chương trình Cải cách Ruộng đất tạm dừng khi diễn ra
Trung Quốc muốn biến eo biển Hải Nam thành nội thủy: Chuyện từ thời Công hàm Phạm Văn Đồng
Ngày 16/4/1950 là một ngày đặc biệt của Hải quân Trung Quốc. Đó là lần hiếm hoi trong lịch sử - kể cả cho tới tận ngày nay - họ thực sự tham chiến. Đối thủ của họ là tàn quân Quốc Dân Đảng ở đảo Hải Nam,
Tranh luận về ‘Đào, Phở và Piano’: Phân cực chính trị hay bạo lực tri thức?
Không thể có phân cực chính trị nếu không có bình đẳng chính trị trước.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.