Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
Cải cách Ruộng đất là chính sách dân sự lớn đầu tiên mà Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó tên là Đảng Lao động Việt Nam) thi hành. Được thực hiện từ trước Hiệp định Geneva năm 1954, chương trình Cải cách Ruộng đất tạm dừng khi diễn ra cuộc di cư và tập kết dân sự năm 1954, rồi sau đó được phát động lại cho tới năm 1956.
Cải cách Ruộng đất cũng là chủ đề có rất ít người viết hay được phép viết, cho tới sau giai đoạn Đổi mới năm 1986. Nhưng thậm chí cho tới nay cũng chưa có câu trả lời nào thật sự rốt ráo cho câu hỏi: trách nhiệm của đảng ra sao đối với hệ quả và nạn nhân của Cải cách Ruộng đất?
Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người lãnh đạo tối cao của đảng lúc bấy giờ - đã ở đâu mà không ngăn chặn sai phạm?
Học giả người Mỹ gốc Việt Alex Thái Võ phân tích vấn đề này trong một bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí Việt Nam học Journal of Vietnamese Studies năm 2015, gồm 62 trang với tựa đề “Nguyen Thi Nam and the Land Reform in North Vietnam, 1953” (tạm dịch là “Nguyễn Thị Năm và cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, 1953”) [1]. Alex Thái Võ hiện là Phó giáo sư Sử học tại Trung tâm Việt Nam học, Đại học Công nghệ Texas (Texas Tech University).
Alex Thái Võ đã viết bài báo nêu trên dựa trên văn kiện của Đảng Cộng sản được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (Hà Nội), các thư viện và trung tâm lưu trữ tại tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình. Tác giả cũng phỏng vấn nhân chứng ở những vùng thực hiện Cải cách Ruộng đất.
Nghiên cứu cho thấy Hồ Chí Minh - chủ tịch đảng và chủ tịch nước lúc bấy giờ - không thể không biết những gì xảy ra với Cải cách Ruộng đất, nhất là đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long). Dù nhiều tác giả cho rằng Hồ Chí Minh không muốn xử tử bà Năm, tác giả chứng minh bằng dữ liệu lịch sử rằng Hồ Chí Minh đã có thể cứu bà Năm bất cứ lúc nào.
Nhưng trước khi đi sâu vào vụ bà Năm, ta hãy xem tác giả viết gì về bản chất của cuộc Cải cách Ruộng đất.
Không chỉ ở miền Bắc mới có cải cách ruộng đất. Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có chương trình Người cày Có ruộng nhằm mục tiêu phân bổ lại ruộng đất của người giàu cho người nghèo. [2] Tuy nhiên, chương trình này không có chuyện đấu tố lẫn nhau.