‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Đoan Trang – Có lẽ không nhiều người biết rằng giữa luật pháp và kinh tế có một mối quan hệ gắn kết chặt chẽ: Sinh viên luật và những người nghiên cứu luật pháp nói chung, nếu muốn hiểu đầy đủ, tường tận về luật pháp và hệ thống luật pháp phù hợp cho xã hội, thì phải có kiến thức cơ bản về kinh tế. Và ngược lại, để một nền kinh tế vận hành tốt – như ý muốn của sinh viên kinh tế và những người nghiên cứu kinh tế học nói chung – thì xã hội bắt buộc phải có một hệ thống luật pháp tốt. Do đó, giới luật cần hiểu về kinh tế học và giới kinh tế học cũng phải hiểu về luật.
Nhằm “bắc cầu nối” giữa hai lĩnh vực này cho sinh viên của cả hai giới, Luật Khoa tạp chí sẽ đăng tải một số bài về kinh tế luật, trích từ cuốn giáo trình “Principles of Law and Economics” [Các nguyên tắc về luật kinh tế] (2005) của Giáo sư Luật Daniel H. Cole và Giáo sư Kinh tế Peter Grossman. Nội dung của sách là những bài giảng rất dễ hiểu nhằm trang bị kiến thức kinh tế căn bản cho người học luật, và ngược lại. Tựa đề của loạt bài, “Kinh tế học dành cho luật sư”, do Luật Khoa tạp chí đặt.
* * *
Đoan Trang (dịch) – Cũng như với kinh tế học, luật pháp và các định chế pháp lý chủ yếu xoay quanh vấn đề “sự khan hiếm”. Nếu tất cả các hàng hóa đều thừa thãi, thì luật pháp và các định chế pháp lý thiết lập nên các nguyên tắc về sở hữu và chuyển nhượng đều trở nên không còn cần thiết nữa cho hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường. Giả sử rằng vàng không khan hiếm. Vậy có lý do gì để phải ra luật bảo vệ các quyền sở hữu liên quan đến vàng? Bất kỳ ai muốn có vàng (hoặc có nhiều vàng hơn) đều chỉ việc cúi xuống mà nhặt vàng lên. Vì lẽ đó, sẽ không còn ai bận tâm vào việc lấy vàng của người khác. Và nếu có ai lấy vàng của người khác thật đi nữa, “nạn nhân” cũng chẳng phàn nàn, bởi vì một lượng vàng vô hạn vẫn còn đó để họ có thể xúc đi với chi phí gần như bằng 0.
Tuy nhiên, khác với trong kinh tế học, ở đây, sự khan hiếm không phải là nền tảng của toàn bộ luật pháp. Luật pháp bàn về nhiều thứ hơn là chỉ xoay quanh việc phân bổ quyền sở hữu các nguồn lực khan hiếm cho các mục đích sử dụng và người sử dụng hữu hạn. Cũng như với kinh tế học, luật pháp liên quan đến khái niệm “tính hiệu quả”, nhưng không phải chỉ có thế. Phạm vi của luật pháp còn bao gồm cả đạo đức: khuyến khích hành vi “đúng” và kiềm chế hành vi “sai”. Chẳng hạn, nếu luật cấm việc giết người thì đó đúng là “hiệu quả”, nhưng sẽ là sai nếu chúng ta cho rằng luật pháp cấm giết người vì cần “hiệu quả” hoặc chỉ vì lý do đó mà thôi. Luật pháp cấm giết người bởi vì giết người là “sai”, trừ trường hợp để tự vệ, trong hoàn cảnh chiến tranh, hoặc vì một số lý do có thể được miễn trách khác. Luật hình sự, theo truyền thống, luôn phân định giữa hành vi phạm tội có tính chất malum per se (vào bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu đều là xấu) và hành vi phạm tội có tính malum prohibitum (xấu vì luật pháp định rằng như thế là xấu). Sự phân định này phản ánh một sự phân biệt sâu sắc hơn giữa các tội ác đi ngược lại đạo đức và tội ác chỉ đi ngược lại lợi ích của xã hội.
“Kinh tế học là bộ môn nghiên cứu về cách xã hội phân bổ các nguồn lực khan hiếm” (định nghĩa của Gregory Mankiw).
Mục đích của luật pháp
Các quy tắc pháp lý đều có mục đích tổ chức hành vi cá nhân và cấu trúc các tương tác trong xã hội. Trên lý thuyết, luật pháp trừng phạt hành vi “xấu” và khuyến khích hành vi “tốt”. Thực tế tất nhiên phức tạp hơn. Một mặt, “xấu” hay “tốt có thể là tùy quan điểm của người đánh giá. Hơn thế nữa, các quy tắc luật pháp thường là kết quả của những ván bài hay mâu thuẫn phức tạp giữa các nhóm lợi ích khác nhau – tức là những nhóm người có lợi ích liên quan đến kết quả đó. Đối với các nhóm ấy, “mục đích” của luật pháp có thể chỉ là làm sao đạt được quyền lực chính trị và kinh tế. Từ quan điểm kinh tế học, mục đích căn bản, thuần túy của luật pháp là tạo thuận lợi cho sự trao đổi, mua bán, bởi vì lợi ích từ thương mại làm gia tăng phúc lợi xã hội.
Các định chế luật pháp, hay là luật chơi
Các quy tắc pháp lý
Trong suốt lịch sử, luật pháp từng được định nghĩa theo rất nhiều cách. Theo một định nghĩa chung, luật pháp chỉ đơn giản là những mệnh lệnh được hậu thuẫn bởi sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Oliver Wendell Holmes có một định nghĩa nổi tiếng về luật, rằng đó chẳng là cái gì khác ngoài một sự tiên đoán xem tòa án sẽ ra phán quyết như thế nào trong một vụ việc xảy ra sau đó. Một quan điểm khác, có liên quan đến nhà kinh tế Douglass North, định nghĩa luật pháp là các định chế bao gồm các quy tắc chính thức của cuộc chơi, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội (kể cả kinh tế). Không định nghĩa nào trong số này tự nó là đầy đủ, nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau. Có thể kết hợp chúng lại để định nghĩa luật pháp là một sự tiên đoán về những gì tòa án sẽ quyết định, với ý thức rằng quyết định của tòa án sẽ được hậu thuẫn bởi sức mạnh cưỡng chế của nhà nước (trong đó có các thẩm phán của nhà nước), trở thành một định chế – tức một “luật chơi” chính thức – điều chỉnh các hành vi ứng xử trong tương lai.
Đằng sau các quy tắc của cuộc chơi này là các siêu quy tắc của cuộc chơi, tức là các quy tắc về quy tắc. Những quy tắc cấp hai đó điều chỉnh quy trình tạo ra các quy tắc pháp lý. Hiến pháp Mỹ chẳng hạn, cung cấp các siêu quy tắc điều chỉnh tiến trình lập pháp: để các đạo luật trở thành luật, cả hai viện của quốc hội đều phải phê chuẩn chúng với đa số phiếu, và tổng thống phải ký. Nếu tổng thống không ký một đạo luật nào đó thì nó vẫn có thể trở thành luật nếu quốc hội thắng được quyền phủ quyết của tổng thống với hai phần ba số phiếu. Tiến trình tư pháp cũng được điều chỉnh tương tự bởi các siêu quy tắc luật pháp với nhiều chức năng, trong đó có chức năng phân tán trách nhiệm chứng minh (“burden of proof”, tức là trách nhiệm tìm bằng chứng hoặc nghĩa vụ phải chứng minh điều gì đó – ND) và xây dựng các chuẩn mực về xác định thế nào là bằng chứng.
Định nghĩa mang tính nguyên tắc này về luật pháp rõ ràng khiến chúng ta phải băn khoăn về một sự hiểu lầm phổ biến về mối quan hệ giữa thị trường và hệ thống luật pháp, và băn khoăn đó của chúng ta là cần thiết. Nhìn chung, quan điểm về một thị trường được điều tiết bởi luật pháp chứa đựng ý nghĩa tiêu cực về một sự hạn chế quyền tự do giao dịch. Tuy nhiên, nếu chỉ coi luật là “quy tắc của cuộc chơi”, thì rõ ràng là một số luật định về thị trường là vừa tất yếu vừa có lợi, ít nhất là trong một xã hội không đồng nhất. Thiếu vắng những “quy tắc của cuộc chơi”, mang tính pháp lý, thì các giao dịch thị trường, trong tình huống tốt nhất sẽ là rối loạn, còn trong tình huống tệ nhất là bất khả thi, và trong bất kỳ tình huống nào thì cũng tốn kém cả. Một mức độ điều tiết chính thức bằng luật pháp nào đó có thể làm gia tăng một cách tích cực tự do và các quyền tự do.
Hãy xem quy tắc pháp lý quy định rằng xe hơi phải đi lề đường bên phải. Xét chỉ trên một khía cạnh, nó là một quy định hạn chế quyền tự do; nó ngăn trở những người muốn đi lề đường bên trái. Nhưng xét tổng thể, quy tắc này gia tăng tự do, bằng cách tạo ra một “quy tắc đi đường” rõ ràng, làm giảm chi phí phối hợp giữa tất cả những người lái xe. Nó làm giảm đáng kể chi phí giao dịch bằng cách xóa bỏ cái nhu cầu của hàng triệu cá nhân lái xe là phải thỏa thuận với nhau về việc đi đường bên nào để tránh tai nạn. Chừng nào những “quy tắc của cuộc chơi” được thể chế hóa chính thức đó còn là thiết yếu đối với các giao dịch trên thị trường, chừng đó sự phân biệt truyền thống giữa thị trường và chính quyền, thị trường đối lập với chính quyền, còn sai. Câu hỏi thực sự cần đặt ra là: Cấu trúc pháp lý phù hợp để tổ chức các hành vi cá nhân và quan hệ xã hội là gì? Hãy lưu ý xem câu hỏi này thật ra phản ánh cái vấn đề mà lý thuyết về chi phí cơ hội đặt ra cho kinh tế học như thế nào. Cũng cần chú ý rằng câu trả lời cho câu hỏi đó chắc chắn sẽ thay đổi theo thời gian, khi mà hoàn cảnh thay đổi. Do đó, luật pháp không phải là một định chế tĩnh. Nó tiến triển, thích nghi với các điều kiện và áp lực luôn thay đổi trong xã hội cũng như với các tiến bộ về công nghệ.
(Còn tiếp)