Luật sư – Phần 3 và hết: Đạo đức nghề luật sư ở Hoa Kỳ

Luật sư – Phần 3 và hết: Đạo đức nghề luật sư ở Hoa Kỳ
Văn phòng Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Ảnh: naver.com.


Trương Tự Minh – 
Ở Việt Nam, các chuẩn mực ứng xử (code of conduct) và quy tắc đạo đức đối với nghề luật sư (legal ethics) bắt nguồn chủ yếu từ Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực chung cho cả nước. Luật sư ở Mỹ cũng có nghĩa vụ tuân thủ một số quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử nhất định trong quá trình thực hành luật. Tuy nhiên mỗi tiểu bang sẽ có bộ quy tắc riêng, theo đó luật sư thuộc đoàn luật sư và/hoặc đang làm việc ở tiểu bang nào sẽ áp dụng bộ quy tắc của tiểu bang đó.

Luật sư – Phần 1: Các tên gọi và chức năng
Luật sư – Phần 2: Đào tạo và Cấp chứng chỉ hành nghề ở Anh và Mỹ

Năm 1908, các bang ở Hoa Kỳ bắt đầu đặt ra những quy định về đạo đức và ứng xử dành cho các luật sư địa phương dựa theo bộ quy tắc mẫu do Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association – ABA) khuyến nghị. Qua nhiều lần thay đổi, từ năm 1983 đến nay, ABA Model Rules of Professional Conduct là bộ quy tắc mẫu hiện hành của Hiệp hội này.

Văn phòng Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Ảnh: naver.com.

Văn phòng Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Ảnh: naver.com.

Một số chuẩn mực ứng xử cơ bản của luật sư

1. Tính phí dịch vụ

Vì tính chất là một nghề tự do nên luật sư có nguồn thu nhập chính từ phí dịch vụ pháp lý do khách hàng chi trả. Với một hợp đồng dịch vụ pháp lý điển hình, tiền đặt cọc (retainer) là khoản chi đầu tiên để thuê một luật sư. Tiền đặt cọc có thể là một con số xác định hoặc được tính phần trăm dựa trên phí luật sư (attorney’s fee) thỏa thuận trong hợp đồng. Tùy vào loại dịch vụ, mức độ phức tạp của vụ việc mà chi phí này cao hay thấp. Hoặc phí luật sư có thể tùy thuộc vào kết quả cuối cùng của vụ việc, chẳng hạn sẽ được tính theo phần trăm đã thỏa thuận dựa trên số tiền thắng kiện trong một tranh chấp dân sự tại tòa; khi đó phí này là contingent fee/contingency fee (phí phụ thuộc). Ở Mỹ, các luật sư sẽ bị cho là vi phạm đạo đức nghề nếu tính phí phụ thuộc cho thân chủ trong một vụ án hình sự hay tranh chấp hôn nhân – gia đình.

Sau khi hoàn tất dịch vụ pháp lý, luật sư có quyền tạm thời sở hữu các giấy tờ và tài sản liên quan trong vụ việc cho đến khi khách hàng thanh toán đầy đủ chi phí cho mình. Quyền này được gọi là attorney’s lien, với bản chất là một quyền có tính hạn chế (limited right). Cụ thể hơn một chút, tuy  đều là ‘attorney’s lien’ nhưng charging lien là quyền tạm thời sở hữu của luật sư đối với phần tài sản khách hàng nhận về hoặc được hoàn trả lại từ một tranh chấp riêng biệt trong một vụ việc, còn retaining lien là quyền tạm thời sở hữu của luật sư đối với toàn bộ giấy tờ và tài sản có liên quan trong vụ việc sau khi thắng kiện.

Xuất phát từ thuật ngữ La-tin có nghĩa “vì lợi ích công cộng”, pro bono public/pro bono là nghĩa vụ đạo đức đặt ra cho những người làm nghề thực hành luật. Theo đó, một luật sư có thể cung cấp dịch vụ pháp lý mà không tính phí với thiện ý đóng góp cho xã hội. Vì vậy nên các vụ việc được trợ giúp pháp lý miễn phí thường thuộc một số lĩnh vực và hoạt động như y tế, giáo dục, văn hóa – nghệ thuật, hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội, v.v..

probono_superlawyers_com

Luật sư Steven M. Lieberman, người nhận giải Super Lawyers Pro Bono Award năm 2012 – một giải thưởng thường niên ở Mỹ nhằm vinh danh các luật sư có đóng góp đáng kể trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý tình nguyện cho người nghèo và các nhóm yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội. Nguồn: SuperLawyers.com

2. Quản lý tài sản ủy thác của khách hàng

Khi trở thành người đại diện cho khách hàng, luật sư cũng đồng thời nhận trách nhiệm của người được ủy thác (fiduciary). Trong số những nghĩa vụ của luật sư ở vai trò người được ủy thác, việc trộn lẫn hoặc đồng nhập ngân quỹ của luật sư và thân chủ (commingling of funds) là điều tối kỵ. Một luật sư tiến hành hoạt động này khi khách hàng chưa đồng ý không những vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp mà còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Nhằm hạn chế những “mảng tối” trong quan hệ ủy thác giữa luật sư và thân chủ, nhiều bang ở Hoa Kỳ có chương trình Interest on Lawyers’ Trust Accounts – IOLTA (tạm dịch là Lãi suất dành cho Tài khoản được ủy thác của Luật sư). Tùy theo mỗi bang mà các luật sư được khuyến nghị hoặc buộc phải gửi phần quỹ được khách hàng ủy thác vào một tài khoản ủy thác (trust account) tại ngân hàng. Lãi suất phát sinh từ tài khoản này sau đó được dùng cho các hoạt động từ thiện như giúp người có hoàn cảnh khó khăn thuê luật sư hoặc tiếp cận dịch vụ pháp lý.

3. Xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích (conflict of interest) là một thuật ngữ thường thấy ở lĩnh vực pháp luật và hành chính công. Trong phạm vi công việc của một luật sư, xung đột lợi ích xảy ra khi có sự đối lập về lợi ích kinh tế, quyền lợi tài sản hoặc nhân thân giữa các khách hàng, giữa luật sư và nhân viên, người nhà của luật sư với khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó.

Vì vậy, quy tắc nghề đòi hỏi luật sư phải kiểm tra và rà soát để tìm ra các lợi ích rõ ràng hoặc có nguy cơ xung đột (conflict check) trước khi quyết định nhận vụ việc nào.

Chế tài khi luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Một luật sư nếu được chứng minh đã có hành vi vi phạm đạo đức nghề có thể đối mặt với một trong các hậu quả sau do tòa án, cơ quan hành chính có thẩm quyền hoặc luật sư đoàn địa phương quyết định:

  1. Private reprimand (khiển trách riêng): là hình thức chế tài nhẹ nhất; luật sư vi phạm bị cảnh báo và nhắc nhở nhưng không thông báo công khai sự việc.
  2. Public reprimand (khiển trách công khai): việc cảnh báo và nhắc nhở luật sư về hành vi vi phạm được thông báo công khai trên phương tiện truyền thông của cơ quan có thẩm quyền.
  3. Suspension (đình chỉ): một vi phạm đạo đức nghề nghiêm trọng có thể dẫn đến việc đình chỉ hành nghề của một luật sư trong một thời hạn nhất định.
  4. Disbarment (khai trừ khỏi luật sư đoàn): với vi phạm rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được, một luật sư sẽ bị thu hồi chứng chỉ luật sư và khai trừ khỏi luật sư đoàn. Đây cũng là hình phạt nặng nhất, bởi đối với luật sư đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình.

(Lược thuật từ cuốn ‘Legal Terminology Explained’ của tác giả Edward Nolfi)

Đến cựu Tổng thống cũng bị khai trừ

Các chính trị gia Hoa Kỳ thường có xuất thân là luật sư trước khi chuyển sang hoạt động chính trị. Nước Mỹ trong hai thế kỷ trở lại đây đã chứng kiến hai cựu Tổng thống và một cựu Phó Tổng thống bị khai trừ khỏi luật sư đoàn.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ảnh: artistopia.com

  • Richard Nixon, Tổng thống thứ 37 nhiều tai tiếng của Hoa Kỳ, bị khai trừ khoải đoàn luật sư New York năm 1976 vì hành vi cản trở lực lượng thi hành công vụ (obstruction of justice) trong vụ Watergate – scandal nghe lén chấn động toàn nước Mỹ, vốn đã khiến ông phải từ chức Tổng thống hai năm trước đó.
  • Tháng 10 năm 1973, vị Phó Tổng thống dưới thời Nixon, Spiro Agnew, bị tước chứng chỉ hành nghề và khai trừ khỏi luật sư đoàn bang Maryland vì các cáo buộc hối lộ và trốn thuế. Maryland cũng là tiểu bang Agnew làm thống đốc trước đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.