5 nguyên tắc nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ (phần 2)

Thể chế liên bang

Như đã đề cập ở phần trước, điểm yếu lớn nhất trong bản hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ – Hiến chương Liên hợp bang 1781 (Articles of Confederation) – nằm ở mối quan hệ mờ nhạt giữa chính quyền liên bang và 13 tiểu bang tạo thành. Chính quyền liên bang khi đó không chỉ có quyền lực bị chia sẻ cùng chính quyền bang mà vị thế chính trị nó sở hữu, vốn cũng là một phần nguyên nhân cho tình trạng vừa nói, còn khiến khả năng thực thi quyền lực bị thu hẹp. Quốc hội, cơ quan duy nhất của chính quyền liên bang, ra đời từ Hiến chương Liên hợp bang. Tuy nhiên bản Hiến chương lại được viết nên bởi các tiểu bang, do đó quyền lực của Quốc hội – chính quyền liên bang là do các tiểu bang trao cho. Có thể nói cơ quan lập pháp quốc gia lúc ấy hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền tiểu bang.

5 Nguyên tắc nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ – Phần 1

5 nguyên tắc nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ – Phần 3

Sau Hội nghị Lập hiến (Constitutional Convention) năm 1787, Hiến pháp hiện hành của Mỹ giải quyết vấn đề trên bằng cách đưa ra hai giải pháp.

Thứ nhất, với nguyên tắc chủ quyền toàn dân (popular sovereignty) nguồn gốc quyền lực của chính quyền liên bang xuất phát từ sự ủy quyền của tất cả công dân trên lãnh thổ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thay vì do các tiểu bang trao cho như trước. Vì vậy chính quyền liên bang có quyền lực tối cao, và để ngăn ngừa sự tha hóa của sự tập trung quyền lực, nguyên tắc phân quyền (separation of powers) cùng cơ chế kiểm soát và đối trọng (checks and balances) được James Madison cùng các cộng sự của ông đảm bảo đi kèm.

Thứ hai, tuy các tiểu bang không còn chủ quyền tương đương liên bang nhưng vẫn đòi hỏi có sự độc lập nhất định; do đó nhà nước mới cần có một cấu trúc đáp ứng được yêu cầu này. Tất nhiên, James Madison và các đồng tác giả của Luận cương Thể chế Liên bang (The Federalist Papers) là những người nhanh chóng đưa ra câu trả lời nằm ở thể chế liên bang (federalism).

Luận cương Thể chế Liên bang (Federalist Papers), quyển II, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Morristow, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ảnh: morristownnhpmuseum.blogspot.com

Luận cương Thể chế Liên bang (Federalist Papers), quyển II, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Morristown, thuộc Công viên Lịch sử Quốc gia Morristown, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ảnh: morristownnhpmuseum.blogspot.com

Trong thể chế liên bang, chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang cùng tồn tại; chính quyền bang không do nhà nước trung ương lập ra mà do người dân trên lãnh thổ bang trao quyền, vì vậy mỗi tiểu bang có hiến pháp, hệ thống pháp luật cũng như bộ máy cơ quan công quyền riêng; đồng thời các tiểu bang có địa vị độc lập nhất định với chính quyền trung ương. Để tránh việc nhà nước liên bang can thiệp quá sâu vào vấn đề thuộc phạm vi tiểu bang khiến chính quyền bang mất đi sự độc lập đó, quyền hạn của nhà nước liên bang cần phải được cụ thể hóa và giới hạn bằng hiến định. Hiến pháp 1787 đã liệt kê cụ thể và giới hạn những quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhà nước liên bang lần lượt ở Điều I, II, III; do đó theo logic, Điều IV là sự phân chia ranh giới quyền hạn giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang: thẩm quyền của nhà nước trung ương dừng lại trong phạm vi Hiến pháp quy định, thẩm quyền bang bắt đầu khi thẩm quyền trung ương kết thúc hoặc không bị cấm bởi Hiến pháp.

Trong quan hệ với chính quyền tiểu bang, nhà nước liên bang có quyền lực cao hơn. Trật tự này được hiến định ở Khoản 2 (Clause 2) của Điều IV, hay còn gọi là Điều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause). Cụ thể, Khoản 2 nói rõ Hiến pháp, các đạo luật do Quốc hội ban hành và các hiệp ước do nhà nước Hoa Kỳ ký kết là “luật tối cao của đất nước” (“supreme law of the land”). Điều này có nghĩa, khi xuất hiện mâu thuẫn giữa luật của tiểu bang và luật liên bang, luật tiểu bang sẽ bị vô hiệu.

Law of the land” là cụm từ có nguồn gốc từ Đại Hiến chương Magna Carta, văn bản được xem là nền tảng cho hiến pháp Anh trong suốt quá trình vận động và phát triển của nó lẫn pháp luật quốc tế về quyền con người sau này. Năm 1215, dưới sức ép của giới quý tộc Anh Quốc và nguy cơ nội chiến, vua John đã ký ban hành Magna Carta, văn bản đánh dấu sự ra đời của tư tưởng mà ngày nay được thừa nhận rộng rãi trên thế giới: không một ai – kể cả người đứng đầu nhà nước – có quyền đứng trên luật pháp (no one is above the law).  Với tư tưởng trên, bản Đại Hiến chương đã xóa bỏ truyền thống nhân trị (rule of men) gắn liền với chế độ phong kiến, qua đó xác lập nguyên tắc pháp trị (rule of law) trên toàn lãnh thổ Anh Quốc. Vốn từng là thuộc địa của Anh, Hoa Kỳ thừa hưởng hầu hết truyền thống và triết lý pháp lý từ mẫu quốc, do đó là điều dễ hiểu khi tinh thần pháp trị cũng được tìm thấy ở Hiến pháp 1787.

Tương tự nhà nước liên bang và chính quyền bang, ở Mỹ luật liên bang (federal law) – do Quốc hội ban hành – và luật tiểu bang (state law) – do cơ quan lập pháp của bang ban hành  – cùng song song tồn tại. Chiếu theo cách phân định ranh giới thẩm quyền, phạm vi điều chỉnh của luật tiểu bang được xác định ở những vấn đề mà luật liên bang không điều chỉnh, hoặc lợi ích liên bang (federal interest) không hiện diện chủ yếu. Quy tắc xác định trên được gọi là học thuyết ưu tiên (preemption doctrine), vốn hình thành từ án lệ Pennsylvania v. Nelson (1956)[1] của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Tuy vậy, trong mối quan hệ giữa nhà nước trung ương và tiểu bang, có nhiều vấn đề Hiến pháp 1787 để ngỏ. Chẳng hạn, liệu các bang có quyền tuyên vô hiệu luật của liên bang với lý do vi hiến (unconstitutional) hoặc cho rằng Quốc hội đã vượt quá thẩm quyền Hiến pháp cho phép khi ban hành các đạo luật đó?

Câu hỏi trên nổi lên những năm cuối thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19, thời kỳ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc về vấn đề nô lệ. Giữa lúc căng thẳng chính trị leo thang, một số tiểu bang tìm cách khước từ sự ràng buộc với chính quyền liên bang thông qua tòa án địa phương bằng cách tuyên vô hiệu một số luật liên bang. Tuy nhiên, các nỗ lực đều bị Tối cao Pháp viện bác bỏ qua nhiều phán quyết trong thời gian này. Điển hình là vụ Ableman v. Booth[2] vào năm 1859 khi Tòa Tối cao bang Wisconsin khước từ thẩm quyền và phán quyết của tòa liên bang, đồng thời tuyên vô hiệu Luật xử lý nô lệ bỏ trốn (Fugitive Slave Act) do Quốc hội ban hành vì cho rằng vi hiến. Tranh chấp được đưa lên Tối cao Pháp viện, để rồi kết thúc bằng phán quyết chiếu theo Điều III của Hiến pháp. Theo đó, các tòa liên bang có thẩm quyền sau cùng trong việc xét xử các vụ việc liên quan đến Hiến pháp và luật liên bang, đồng thời tòa tiểu bang không có quyền bác bỏ quyết định của tòa liên bang lẫn tuyên vô hiệu đạo luật liên bang. Do đó, Tối cao Pháp viện tuyên vô hiệu phán quyết của Tòa Tối cao bang Wisconsin.

Cách nay hơn hai thế kỷ, các nhà lập hiến Mỹ đã chọn thể chế liên bang làm mô hình nhà nước để xây dựng quốc gia. Trật tự chính trị này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay. Sự bền vững đó không chỉ đến từ những đảm bảo có ở Hiến pháp mà còn là sự bổ sung, hoàn thiện của tòa án qua hoạt động xét xử từ đó đến nay. Nếu nói Hiến pháp 1787 đã tạo nên một bộ khung sườn căn bản cho thể chế liên bang thì các án lệ của Tối cao Pháp viện đóng vai trò bồi đắp những chi tiết hỗ trợ cần thiết để cỗ máy liên bang vận hành.

Chú thích:

[1] Năm 1950, Steve Nelson, một nhà hoạt động chính trị người Croatia ở Mỹ, bị tòa bang Pennsylvania kết án theo Luật chống nổi loạn (Sedition Act) của bang. Tuy nhiên vào thời điểm đó một đạo luật của liên bang, Luật Khai báo đối với người nước ngoài (Alien Registration Act) đã có mục điều chỉnh các hành vi nổi loạn do người nước ngoài thực hiện trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Vì vậy vào ngày 2/4/1956, Tối cao Pháp viện ra phán quyết xác định đạo luật của liên bang được ưu tiên áp dụng do có hiệu lực cao hơn, dẫu rằng Luật chống nổi loạn ra đời trước đạo luật của liên bang.

[2] Năm 1854, Sherman Booth, một biên tập viên ở bang Wisconsin, lập kế hoạch cùng một nhóm 5000 người giải cứu một nô lệ bỏ trốn tên Joshua Glover khỏi nhà tù Milwaukee, lúc này đang bị quản thúc bởi một thanh tra liên bang là Stephen V. R. Ableman. Glover trốn thoát thành công đến Canada, nhưng Booth bị cảnh sát liên bang bắt với cáo buộc vi phạm Luật xử lý nô lệ bỏ trốn. Theo đơn đề nghị viện dẫn luật bảo thân (habeas corpus) của Booth, tòa bang Wisconsin ra trát đình quyền giam giữ (writ of habeas corpus), yêu cầu cảnh sát liên bang trả tự do cho Booth cho đến khi có phán quyết của tòa án về vụ việc. Không đồng ý với quyết định trên, thanh tra Ableman kháng cáo lên Tòa Tối cao bang Wisconsin. Nhưng không may cho Ableman, tòa này không những xác nhận quyết định trước đó của tòa cấp dưới mà còn tuyên vô hiệu Luật xử lý nô lệ bỏ trốn của liên bang. Khi viên thanh tra tiếp tục đưa vụ việc đến tòa liên bang và nhận được phán quyết thuận theo ý mình, Tòa Tối cao bang Wisconsin bác bỏ thẩm quyền của tòa liên bang, một lần nữa xử tự do cho Booth và xác định đạo luật liên bang mà Ableman viện dẫn là vi hiến. Cuối cùng, sau phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1859, Sherman Booth phải ngồi tù vì không có tiền nộp phạt vì chi phí kiện tụng đã ngốn hết phần lớn gia sản của ông. Đến năm 1861, Booth được James Buchanan ân xá trước khi vị tổng thống thứ 15 của Mỹ rời nhiệm sở.

Bài viết tổng hợp và lược dịch từ các nguồn:

– Quyển “Constitutional Law for a Changing America: Institutional Powers and Constraints” (2001) của Lee Epstein & Thomas J. Walker.

– Quyển “Legal Terminology Explained” của Edward Nolfi.

– Wikipedia: Pennsylvania v. Nelson, Ableman v. Booth.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.