Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hoàng Thảo Anh (dịch)
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp được xem là một trong những văn kiện pháp lý về quyền con người có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử pháp lý thế giới cận đại, nguồn cảm hứng của của các dân tộc đấu tranh giành độc lập, và đồng thời cũng là một trong những nguồn tư liệu chính cho Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền do Liên hiệp quốc soạn thảo vào năm 1948. Vậy Bản tuyên ngôn đã hình thành như thế nào? Và điều gì đã tạo nên sự trường tồn của nó?
Vào tháng 7 năm 1789, cùng với làn sóng Cách mạng Pháp nổ ra mạnh mẽ, Quốc hội lập hiến của Pháp bắt đầu cân nhắc các biện pháp nhằm đảm bảo quyền công dân và quyền con người của cá nhân trong chính thể mới. Một giải pháp đáng lưu ý được đưa ra thảo luận là ban hành văn bản quy phạm nhằm bảo vệ một cách rõ ràng những quyền lợi cơ bản nêu trên. Sự tồn tại các văn kiện về quyền cơ bản là đặc trưng trong hệ thống thông luật Anh và có xu thế ngày càng mở rộng sau khi được áp dụng trong Hiến pháp của Hoa Kỳ. Quốc hội đã thành lập 1 ủy ban để soạn thảo dự luật nhân quyền và vào ngày 26 tháng 8 năm 1789, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền đã được thông qua.
Bản tuyên ngôn nhanh chóng trở thành nền tảng của cuộc Cách mạng Pháp, và theo một số sử gia, cũng là di sản lớn nhất mà cuộc cách mạng này để lại. Thật vậy, Bản tuyên ngôn được trích dẫn, sử dụng làm lời mở đầu cho cả ba bản Hiến pháp cách mạng Pháp vào các năm 1791, 1793 và 1795; là kim chỉ nam định hướng hoạt động hầu hết các tổ chức và phong trào chính trị sau đó. Bản tuyên ngôn cũng đặt ra mục đích và tiêu chí cơ bản cho các chính phủ kế nhiệm – những tiêu chuẩn đã bị lãng quên trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc cách mạng.
Một trong những nhà ủng hộ tuyệt đối và đồng thời cũng là người đỡ đầu của ý tưởng về Bản tuyên ngôn là Gilbert du Motier – Marquis de Lafayette. Từng là cựu chiến binh tham gia cuộc Cách mạng Mỹ và là học trò của các triết gia, Lafayette sớm bị thuyết phục bởi các học thuyết Khai sáng về chủ nghĩa lập hiến, chủ quyền nhân dân và các quyền tự nhiên. Vào ngày 11/7, ba ngày trước khi nổ ra cuộc tấn công nhà ngục Bastille, Lafayette đã chuyển cho Quốc hội một bài diễn văn bày tỏ sự cần thiết của một văn bản hiến định nhằm đảm bảo các quyền cá nhân. Sự ưu tư của Lafayette đối với nhân quyền và dân quyền lớn đến mức, ông đã tự mình chuẩn bị bản dự thảo tuyên ngôn về quyền, được tư vấn bởi chính Thomas Jefferson – một tác gia danh tiếng, và cũng là thủ lĩnh chính trị xuất chúng của Hoa Kỳ. Jefferson là cha đẻ của nhiều văn bản quan trọng của Cách mạng Hoa Kỳ, trong đó có Tuyên ngôn Nhân quyền của Virginia và Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ (cùng ra đời vào năm 1776).
Với sự nhiệt huyết của Lafayette, một bộ phận đáng kể ở Quốc hội đồng ý về sự cần thiết của bản tuyên bố nhân quyền. Tuy nhiên, hầu hết các đại diện của trường phái bảo thủ và trường phái quân chủ (những người muốn xây dựng lại và duy trì thể chế quân chủ lập hiến) bác bỏ đề xuất này. Ở một mức độ nào đó, họ chấp nhận yêu cầu cải cách và giới hạn quyền lực của chính phủ bảo hoàng – nhưng cho rằng đạo luật nhân quyền là một bước đi không cần thiết. Các đại biểu cấp tiến hơn ở Quốc hội lại có suy nghĩ khác. Họ lập luận rằng, chính phủ mới phải có một giới hạn hiến định rõ ràng về quyền lực của mình, đặc biệt là khi quyền lực đó có thể xâm phạm tự do cá nhân của công dân. Một số đại biểu lại quan tâm về cấu trúc, thủ tục và tính pháp lý. Cụ thể hơn, tuyên ngôn về quyền nên ở dưới hình thức nào? Có nên đưa nó trở thành một phần của bản Hiến pháp? Hay là một văn bản pháp lý riêng biệt? Bản tuyên ngôn nên là một sự bày tỏ triết lí mở rộng hay phải có sự ràng buộc pháp lí bởi các điều, khoản, điểm?
Cuộc tranh luận diễn ra trong suốt tháng 7 cho đến ngày đầu tháng 8. Vào ngày 4 tháng 8, các đại biểu đã đạt được sự đồng thuận về việc soạn thảo tuyên bố nhân quyền. Thẩm quyền cho việc này được trao lại cho Ủy ban lập hiến của Quốc hội. Ủy ban gồm 40 đại biểu, trong đó nổi bật có Honore Mirabeau, Emmanuel Sieyès, Charles Talleyrand và Isaac Le Chapelier. Họ đã nghiên cứu những tài liệu tương tự từ Anh quốc và Hoa Kỳ cũng như nhận được một số lượng lớn các bản thảo đệ trình từ những công dân quan tâm. Trong 6 ngày, Ủy ban cuối cùng đã công bố bản dự thảo đầu tiên của tuyên ngôn với lời mở đầu và 24 điều khoản. Vào ngày 26 tháng 8 họ thu gọn bản dự thảo lại còn 17 điều khoản. Sau đó, Ủy ban bỏ phiếu đồng thuận để tạm thời đình chỉ quá trình thảo luận và nội dung dự thảo hiện tại, với ý định sẽ xem xét lại nó sau khi Hiến pháp của nhà nước mới được hoàn thiện. Tuy nhiên, đây cũng là bản thảo cuối cùng và chính thức của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (theo tiếng Pháp: Déclaration des droits de l’homme et du citoyen)
Bản Tuyên ngôn là sự kết tinh của những lý tưởng tiến bộ nhất của thời đại Khai sáng. Theo nhà sử học Lynn Hunt, Bản tuyên ngôn tuyệt vời không chỉ bởi tầm vóc mà đồng thời còn bởi sự giản đơn của mình, gói gọn các quyền tự nhiên và các quyền dân sự được tán thành bởi các học giả lỗi lạc như John Locke, Jean-Jacques Rousseau và Jefferson, và khiến nó đi vào pháp luật Pháp. Chỉ với lời mở đầu và 17 điều ngắn gọn, Bản tuyên ngôn công nhận và bảo vệ hầu hết các quyền cơ bản của cá nhân bao gồm quyền tự do, quyền sở hữu, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo và quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Bản Tuyên ngôn bảo đảm quyền tư hữu tài sản và khẳng định rằng tất cả mọi người đều có nghĩa vụ nộp thuế, tương ứng với khả năng của mỗi người. Khái niệm về chủ quyền nhân dân cũng được khẳng định rõ: luật pháp và chính phủ tồn tại để phục vụ nguyện vọng của nhân dân mà không phải để áp đặt sự thống trị lên họ. Tất cả nội dung được truyền tải với ngôn ngữ rõ ràng, ngắn gọn và không nhập nhằng. Giọng văn phổ quát được sử dụng cũng là một nguyên nhân khiến bản Tuyên ngôn trở nên phổ biến: quyền công dân, quyền con người và lý tưởng về chúng được áp dụng cho tất cả mọi người, chứ không riêng người dân nước Pháp.
Tuyên ngôn được Quốc hội lập hiến thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ và sau đó được chuyển cho vua Louis XVI để được xác nhận và ban hành. Tuy nhiên, chỉ cho đến ngày 5/10, vua Louis XVI mới chấp thuận kí vào bản Tuyên ngôn nhằm xoa dịu đám đông đang phẫn nộ bên ngoài điện Versailles. Chính thức được thông qua và trở thành luật, Tuyên ngôn trở thành mốc son của cuộc cách mạng Pháp. Quốc hội lập hiến đã sử dụng Tuyên ngôn là phần mở đầu cho Hiến pháp 1791. Phiên bản sửa đổi của Tuyên ngôn trở thành cơ sở cho Hiến pháp 1973 (thường được biết đến là Hiến Pháp Năm thứ I), soạn thảo bởi Montagnard. Văn bản này cũng trở thành luận cương của hầu hết các đảng, tổ chức, phe phái chính trị, cả ôn hòa lẫn cấp tiến. Nói cách khác, văn kiện này là bất khả xâm phạm đối với đời sống chính trị tại Pháp. Hội Cordeliers – một trong những hội đoàn chính trị có ảnh hưởng lớn xuyên suốt cuộc Cách mạng Pháp, tồn tại từ 1790 cho đến 1794, có tên chính thức là Hội bằng hữu của các quyền con người và quyền công dân (Société des Amis des droits de l’homme et du citoyen – Society of Friends of the Rights of Man and Citizen), lấy cảm hứng từ Bản tuyên ngôn. Đảng Jacobin – tổ chức chính trị danh tiếng và có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất xuyên suốt cuộc Cách mạng Pháp (tồn tại từ 1789 đến 1795), với nội quy điều lệ đảng yêu cầu thành viên của mình bày tỏ lòng trung thành với bản Tuyên ngôn và phát huy các giá trị của nó tại mọi thời điểm.
Theo nhà sử học Peter McPhee: “Sắc lệnh tháng Tám và Tuyên ngôn Nhân quyền đại diện cho sự chấm dứt của cấu trúc chuyên chế, vương quyền và phe phái vào thế kỉ 18 ở nước Pháp. Chúng cũng là tuyên bố về những nguyên tắc cơ bản của một thời kì hoàng kim mới. Bản Tuyên ngôn về chi tiết là một văn bản phi thường… Phổ quát trong ngôn ngữ và chủ nghĩa lạc quan, Tuyên ngôn đã không nêu rõ liệu giai cấp tư sản, nô lệ và phụ nữ có được sự bình đẳng chính trị như những bình đẳng pháp lí hay không, và cũng không đề cập đến làm sao để chính sách cho những người có tài năng có thể được đảm bảo bởi những người không có học vấn hoặc tài sản.”
Tuy nhiên, dù Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền được xem là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, vẫn còn nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều về đối tượng được hưởng các quyền này. Cùng các vấn đề với những văn kiện lừng danh hình thành trong cách mạng Hoa Kỳ, Tuyên ngôn nhân quyền và nhân quyền Pháp không hề đề cập đến quyền cho phụ nữ, hoặc mở rộng thêm những quyền cơ bản này cho bất kì nô lệ và những đầy tớ lao động theo khế ước tại các thuộc địa. Điều này đã làm những nhà dân chủ cấp tiến trăn trở. Tháng 10 năm 1789, Robespierre đã sử dụng Tuyên ngôn để đề nghị trao cho những người Do Thái – một nhóm người bị cho là ngoài lề xã hội và bị đẩy ra khỏi các cơ quan chính trị dù đang ở trong giai đoạn cách mạng, quyền bình đẳng và quyền công dân. Mặc dù có những lỗ hổng và thiếu sót, Tuyên ngôn vẫn là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của lịch sử đấu tranh nhân quyền của nhân loại. Nó là sự đảm bảo cho kết thúc của mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế cực đoan, một sự liên kết của các giá trị Khai sáng và là hình mẫu cho các xã hội tự do trong tương lai.
Tài liệu tham khảo: