Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
Trương Tự Minh (lược dịch)
Tháng 9/2012, tham gia trong loạt TED Talk có chủ đề “Công khai” tổ chức tại hạt Santa Cruz, California, Martha Mendoza, một nhà báo kỳ cựu của hãng tin Associated Press, chia sẻ về tầm quan trọng của nhà nước công khai, song song với những câu chuyện khắp thế giới về việc vận dụng quyền tiếp cận thông tin nhằm đảm bảo một nền thiết trị minh bạch. Nhân dự thảo Luật tiếp cận thông tin theo kế hoạch sẽ được đưa ra cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Luật Khoa tạp chí chuyển đến bạn đọc bài nói nhiều suy ngẫm của cô.
Martha Mendoza là một nhà báo điều tra từng có 20 năm công tác tại hãng tin Associated Press, thông tấn xã lớn nhất Hoa Kỳ. Các phóng sự gây chú ý của nữ nhà báo người Mỹ lần lượt mang về cho cô nhiều giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời mở ra những buổi điều trần tại Nghị Viện Hoa Kỳ, các cuộc điều tra tại lầu Năm góc lẫn phản hồi từ Nhà Trắng. Năm 2000, Mendoza cùng nhóm của mình mang về một giải Pulitzer, giải thưởng danh giá nhất làng báo thế giới, cho loạt bài công bố vụ thảm sát hàng trăm người dân Nam Hàn của quân đội Mỹ những năm 1950 trong cuộc chiến liên Triều – một bí mật vốn bị giấu kín qua nhiều thập kỷ |
Kỳ trước: TED talks – Martha Mendoza: Vì sao người dân cần một chính phủ minh bạch và công khai – Kỳ 1
Trong khoảng thời gian này, tôi gần như đắm mình trong mảng tiếp cận thông tin công. Vào một ngày, tôi chợt nghĩ, chúng ta đang có 105 quốc gia đã thông qua luật tự do thông tin, vậy hãy tận dụng lợi thế đó để làm một việc từ trước đến nay chưa ai nghĩ đến. Tôi muốn gửi cùng một câu hỏi đến chính phủ các nước đã có trách nhiệm công khai thông tin được ghi nhận rõ ràng trong luật, sau đó thu thập phản hồi từ họ rồi dựa vào đó đối chiếu việc thực thi nghĩa vụ trả lời giữa chính phủ các nước, và khi cần thiết có thể yêu cầu họ phải thực hiện trách nhiệm đã được luật quy định.
Điều tôi đang tìm kiếm nằm trong câu hỏi: thế giới đã thay đổi ra sao sau sự kiện ngày 11 tháng Chín? Sau vụ tấn công khủng bố, Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc liên tục vận động các quốc gia nhanh chóng thông qua luật chống khủng bố trong nước. Có một nghịch lý rằng dẫu cho chúng ta chưa có một định nghĩa rõ ràng hay chính thức nào cho biết thế nào là một kẻ khủng bố hay hành động khủng bố, khắp nơi trên thế giới các quốc gia vẫn đồng loạt cho ra đời những đạo luật chống khủng bố trong hiệu ứng của nỗi sợ và áp lực quốc tế hậu 11/9.
Vì vậy, suốt một tuần lễ, lực lượng phóng viên của chúng tôi đã tỏa đi nhiều nơi với cùng một câu hỏi: có bao nhiêu người đã bị bắt và bao nhiêu người bị kết án với tội khủng bố trong hơn 10 năm qua? Trước sự kiện ngày 11/9, toàn thế giới chỉ có khoảng 100 người bị kết tội với hoạt động khủng bố, thế nên chúng tôi muốn biết bức tranh hiện tại đã thay đổi thế nào.
Tưởng chừng việc hỏi các chính phủ câu hỏi tương đối đơn giản trên trong phạm vi tự do thông tin đã được luật hóa sẽ là một chuyện không quá khó khăn, hóa ra lại phức tạp hơn nhiều. Ở Nhật, chỉ cần gửi đơn yêu cầu bằng đường bưu điện. Còn ở Liberia, bạn phải đến một văn phòng chuyên trách và đóng dấu đơn. Ở Mexico, thủ tục đơn giản đến mức có thể hỏi ngay trên trang web, hay tại Costa Rica, bạn nhấc điện thoại và nhận câu trả lời trực tiếp từ người đứng đầu Ủy ban Thông tin. Tại Hoa Kỳ, sau khi đến bưu điện làm thủ tục đăng ký, chứng nhận, đóng dấu đơn yêu cầu, tôi đồng loạt gửi đến 7 cơ quan khác nhau. Còn tại Trung Quốc, chúng tôi được bảo làm đơn đề nghị hướng dẫn cách gửi yêu cầu cung cấp thông tin rồi mới được gửi đơn chính thức, vì vậy chúng tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư địa phương.
Quả thật phải trải qua một thời gian khá vất vả đương đầu với các chính phủ thì chúng tôi mới nhận được thông tin mong muốn. Jordan là nước kém hợp tác nhất trong số các quốc gia, trong khi Guatemala và Ba Lan là hai nước hồi đáp sớm nhất. Hoa Kỳ mất khoảng 6 tháng, và hiện tại tôi vẫn đang nhận thêm trả lời từ chính phủ. Dẫu vậy, cuối cùng chúng tôi đã tổng kết được những con số có giá trị, đồng thời cũng rất đỗi kinh ngạc, cho câu hỏi của mình.
Từ ngày 11/9/2001 cho đến nay, trên toàn thế giới đã có 100 ngàn người bị bắt và 35 ngàn người bị kết tội khủng bố. Những con số này có giúp chúng ta an toàn hơn? Trong số những người trên, có người thật sự đã đánh bom, số khác đã lên kế hoạch, và một số có những ý định thảm sát dân thường mà bạn không muốn tưởng tượng đến.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có người bị kết tội khủng bố nhiều nhất. Tuy nhiên ở quốc gia này, nếu bạn là một người Kurd muốn tranh đấu tìm lại quyền cho sắc tộc mình, cho dù bằng bất cứ hình thức nào bạn cũng sẽ bị bắt và quy tội khủng bố. Hiện tại ở Thổ có khoảng 12 ngàn người đã bị kết án với hành vi khủng bố, cao hơn mọi quốc gia trên thế giới. Một người phụ nữa vì có mặt trong một cuộc biểu tình và cầm bảng với dòng chữ “Quyền cho người Kurd”, người mẹ hai con và mù chữ này đã lãnh án 7 năm tù với tội khủng bố.
Hiện tại tôi cùng các đồng nghiệp tại AP đang thực hiện một trang web đóng vai trò như một cổng tiếp nhận yêu cầu. Dù bạn ở đâu – Hi Lạp, Nepal, Argentina hay ngay tại Hoa Kỳ – hãy gửi cho chúng tôi thông tin nhà nước mà bạn muốn tiếp cận trong nước. Nếu gợi ý của bạn có yếu tố đáng chú ý, chúng tôi sẽ gửi yêu cầu được tiếp cận thông tin đến cơ quan hữu trách ở nước bạn. Và nếu thu thập được đủ thông tin, chúng tôi sẽ đưa tin về vấn đề đó. Dự án vẫn đang diễn ra, vì vậy chúng tôi trông đợi sự tham gia của tất cả các bạn.
Để kết thúc phần trình bày của mình, tôi chọn một câu chuyện ở Hàn Quốc. Hi vọng sau câu chuyện này, bạn cũng sẽ tin vào sức mạnh và ý nghĩa của quyền tiếp cận thông tin như chính tôi.
Cách đây hơn 50 năm, một người phụ nữa tên là No Gun Ri đã may mắn sống sót trong một vụ xả súng tại Nam Hàn. Hàng trăm người bị bắn chết, nhưng bà thoát được nhờ núp đằng sau những cơ thể đã bất động. Những người tiến hành cuộc xả súng chính là các binh lính Mỹ, họ đã bắn vào người dân Nam Hàn – đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến, những người đã đến chỉ để giúp đỡ, và họ là phụ nữ lẫn trẻ em.
Do lo sợ đã có người Bắc Hàn trà trộn vào nhóm người Nam Hàn tại khu vực, các lính Mỹ được lệnh bắn hạ toàn bộ người có mặt khi đó. Nhiều thập kỷ trôi qua, những người Nam Hàn sống sót đã cố gắng đưa vụ việc ra ánh sáng trong ước muốn công lý được thực thi. Dẫu vậy, chính phủ vẫn nhiều lần chối bỏ tính xác thực của sự kiện này và nói rằng quân đội Hoa Kỳ không hiện diện tại khu vực vào thời điểm trên. Sau khi biết đến sự việc, cùng với một đồng nghiệp tôi đã đến Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia ở Washington D.C.
Tại đây, chúng tôi tìm ra bằng chứng cho thấy quân đội Hoa Kỳ thật sự có hiện diện trong khu vực xảy ra vụ thảm sát, thậm chí chúng tôi còn tìm thấy thông tin chi tiết về tiểu đoàn và họ tên của từng binh lính. Nhưng quan trọng hơn, trên các hồ sơ vẫn còn lưu lại mệnh lệnh mà những người lính Mỹ khi đó buộc phải thi hành: tùy nghi nã đạn vào dân thường, bất kể phụ nữ và trẻ em. Giấy trắng mực đen đã rõ, sự thật rành rành trên các tập hồ sơ. Tuy nhiên, công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc ở đây. Sau đó, chúng tôi tìm đến các cựu binh từng có mặt trong cuộc xả súng, giờ đây đều đã qua tuổi thất tuần. Là những người với lương tâm và sự thành thật, họ không hề lảng tránh những gì đã xảy ra 50 năm về trước: “Chúng tôi đã bắn và giết tất cả bọn họ. Chúng tôi buộc phải làm theo mệnh lệnh.”
Phóng sự của chúng tôi mang về một giải Pulitzer, sau đó trong một phát biểu chính thức tổng thống khi đó là George Bush đã bày tỏ niềm hối tiếc về sự việc đã qua, để rồi về sau niềm hối tiếc trên được cụ thể hóa bằng những chương trình học bổng cho con em các nạn nhân và người sống sót.
Còn đối với tôi, kết quả trên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của một nhà nước minh bạch và cởi mở. Nếu chúng tôi không được quyền tiếp cận các hồ sơ ở Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia thì chúng vẫn sẽ mãi chỉ là những xấp giấy vô nghĩa nằm đóng bụi trên kệ. Chỉ khi chúng ta đưa các hồ sơ và thông tin nhà nước ra ánh sáng, lúc đó sự thật mới được nói lên. Và bạn hãy nhớ, sự thật luôn luôn quan trọng, bởi sự thật giải phóng tất cả chúng ta.
Nguồn bài viết: https://www.youtube.com/watch?v=KzDE7D52zlA