Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Thượng nghị sĩ Mỹ không bị giới hạn thời gian phát biểu tại nghị trường. Họ được quyền nói cho đến khi kiệt sức để ngăn chặn hoặc trì hoãn Thượng viện ra một quyết định nào đó.
Trong bộ phim kinh điển “Mr. Smith Goes to Washington” năm 1939, tài tử James Stewart vào vai một thượng nghị sĩ Mỹ trẻ tuổi, ngây thơ, nhưng đầy lý tưởng.
Vì đối địch với lợi ích của bộ máy chính trị và giới tư sản lũng đoạn tại bang quê nhà, nhân vật ngài Jefferson Smith của James Stewart đã bị các đồng nghiệp tại Thượng viện gài bẫy và đối mặt với nguy cơ bị luận tội (impeach) – là thủ tục duy nhất theo Hiến pháp Mỹ để phế truất một thượng nghị sĩ liên bang.
Trong thế đường cùng, Jefferson Smith đã chọn một giải pháp điên rồ nhưng tạo được tiếng vang lớn. Ngay trước lúc Thượng viện tiến hành luận tội, Smith giơ tay giành quyền phát biểu và đã phát biểu liên tục trong gần 24 tiếng đồng hồ, bất chấp sự phản đối của các thượng nghị sĩ khác.
“Bài phát biểu” của Smith kéo dài qua nhiều chủ đề, trong đó có những chủ đề liên quan đến câu chuyện của bộ phim, như khi Smith cố gắng thuyết phục Thượng viện rằng mình vô tội và bộ máy chính trị tại tiểu bang mà ông đại diện đã hủ bại.
Hoặc có khi, Smith đơn giản chỉ là đọc lại một đoạn trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Smith được nói cho đến khi nào ông không còn sức, và miễn là ông không ngồi xuống hoặc ông không ngừng nói, không một ai có quyền ngăn Smith cả.
Đó là thủ tục filibuster rất nổi tiếng của Thượng viện Hoa Kỳ – quyền được nói cho đến khi kiệt sức. Một sự “điên rồ” của nền dân chủ Mỹ.
Filibuster là một thuật ngữ không có nghĩa tương đương trong tiếng Việt. Nó có gốc từ tiếng Hà Lan – có nghĩa là “cướp biển” [1].
Có nhiều tranh luận về phạm vi cụ thể của filibuster, nhưng theo Thượng viện Hoa Kỳ thì dường như filibuster được dùng để chỉ việc tranh luận không giới hạn (unlimited debate) của các thượng nghị sĩ [2].
Không giới hạn ở đây tức là không giới hạn về thời gian, chủ đề, và các lập luận. Thượng viện giới hạn về không gian tranh luận (trong khuôn viên nghị trường), nhưng ngược lại không buộc hay đặt câu hỏi đối với các thượng nghị sĩ về nội dung họ dùng trong bài phát biểu của mình.
Đây có thể coi là một “quyền” đặc biệt đối với Thượng viện Hoa Kỳ và một số cơ quan lập pháp cấp tiểu bang, nơi luật của họ không giới hạn thời gian phát biểu của nghị sĩ. Tại Hạ viện Hoa Kỳ, filibuster chấm dứt từ năm 1842 khi cơ quan này đưa ra luật giới hạn thời gian tranh luận[3].
Các vụ filibuster nổi tiếng
Lịch sử Hoa Kỳ không thiếu các ví dụ về filibuster, cả ở cấp độ liên bang lẫn tiểu bang, kể từ vụ filibuster đầu tiên được ghi nhận vào năm 1837.
Vào tháng 9 năm 2013, tờ USA Today đưa ra danh sách 5 vụ filibuster nổi tiếng nhất lịch sử lập pháp liên bang Hoa Kỳ [4]. Điểm thú vị là vụ filibuster hư cấu của Jefferson Smith như nêu ở trên cũng được chọn trong danh sách. Bốn vị trí còn lại thuộc về vụ filibuster của:
– Rand Paul năm 2013, kéo dài 13 tiếng nhằm phản đối chính sách dùng máy bay không người lái để tiêu diệt mục tiêu (thường là để lại thương vong lớn). Rand Paul dùng filibuster để trì hoãn việc Thượng viện bỏ phiếu xác nhận việc bổ nhiệm ứng viên giám đốc CIA John Brennan – một người ủng hộ chính sách này. Cuối cùng, John Brennan vẫn được bổ nhiệm bất chấp nỗ lực 13 tiếng đồng hồ của Rand Paul.
– Huey P. Long năm 1935, kéo dài 15 tiếng 30 phút. Nổi tiếng là một chính khách dân túy, Long sở hữu một khả năng nói siêu hạng nên việc ông “tranh luận” liên tiếp trong hơn 15 tiếng là điều có thể tưởng tượng được. Tiếc thay lần này thì mục đích của Long khi filibuster không được tốt đẹp cho mấy, đó là cố gắng ngăn chặn việc thông qua đạo luật New Deal của tổng thống Roosevelt mà hậu quả của nó là việc các đối thủ chính trị của Long ở Louisiana có thể được lợi ích. Kết quả là New Deal vẫn được thông qua. Trong 15 tiếng đồng hồ, Long bị coi là “trơ trẽn” khi đưa vào bài phát biểu của mình cả những chủ đề không liên quan như một bài thơ của Shakespeare hay cả công thức nấu món nghêu của ông.
– Wayne Morse năm 1953, phát biểu trong 22 tiếng 26 phút. Thượng nghị sĩ độc lập Morse cố gắng chống lại một đạo luật về khai thác dầu trên đất liền bằng cách phát biểu không ngưng nghỉ trong hơn 22 tiếng đồng hồ.
– Storm Thurmond năm 1957, phát biểu trong 24 tiếng 18 phút. Đây là vụ filibuster dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho đến nay (dài hơn cả vụ filibuster hơn 23 tiếng của Jefferson Smith trong phim). Thurmond cố gắng chống lại Đạo luật các Quyền Dân sự năm 1957 khi ông phát biểu trong hơn một ngày với nhiều chủ đề hoàn toàn không liên quan như cả công thức món ăn của bà nội ông v.v… Trợ giúp cho Thurmond là kẹo ngậm, viên sữa đặc và bánh sandwich steak. Kết thúc bài filibuster, ông tuyên bố: “Tôi dự định sẽ bỏ phiếu chống lại đạo luật” – điều mà ai cũng đã biết rõ.
Gần đây hơn, tại cấp độ tiểu bang, thượng nghị sĩ bang Texas Wendy Davis đã thực hiện một vụ filibuster kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ chống lại một dự luật siết chặt hơn nữa việc phá thai của phụ nữ bang Texas. Sự kiện ở Austin, Texas đã khiến bà Wendy Davis báo chí toàn liên bang chú ý, và bà cũng đã xuất hiện để trả lời phỏng vấn nhiều báo đài uy tín như CNN, New York Times…
Wendy Davis đã rất khôn ngoan khi chọn ngày cuối cùng của phiên thảo luận tại Texas để làm filibuster vì theo luật của bang này, nếu đồng hồ điểm sang 12h ngày tiếp theo của phiên thảo luận cuối cùng thì xem như dự luật không được thông qua. Trong trang phục áo văn phòng nhưng đi giầy thể thao, bà Davis bắt đầu bài phát biểu trong sự cổ vũ của những người dự khán, đa phần là phụ nữ, và các đồng chí trong Đảng Dân chủ của bà.
Theo luật bang Texas, bà có thể filibuster đến khi nào bà thích miễn là bà không ngừng nói, không nhường diễn đàn cho ai (yield), không ngồi, và không để ai hỗ trợ. Bà được phép “vi phạm” ba lần trước khi phiên phát biểu của bà kết thúc.
Cuối cùng, phó thống đốc bang Texas là người chủ trì phiên họp, cũng là đảng viên Đảng Cộng Hòa đã xác định bà Wendy vi phạm ba lần và buộc bà ngồi xuống, trong đó có một lý do đó là đồng nghiệp của Wendy đã giúp bà… kéo khóa ví lại khi bà đang phát biểu, xem như Wendy đã nhận được hỗ trợ.
Những gì diễn ra sau đó rất cảm xúc khi để phản đối quyết định này của phó thống đốc bang, người dự khán và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã cùng hô to khẩu hiệu và làm ồn khán phòng trong suốt gần một tiếng cuối cùng của ngày, để rồi khi chuông đồng hồ điểm 12h, dự luật kể trên xem như đã “chết”. Đảng Cộng Hòa đã phải đợi một tháng sau để lại mở một phiên họp khác và thông qua dự luật trên.
Filibuster trên thế giới
Filibuster là một đặc sản của Mỹ nhưng không phải chỉ có Mỹ mới có thể “nấu” được “món đặc sản” này.
Tại Anh, Nghị viện cũng thi thoảng xuất hiện những vụ filibuster. Tại Canada, các nghị sĩ Quốc hội nước này có lần đã thay phiên nhau phát biểu để ngăn chặn một đạo luật. Tại Iran trước thời kỳ cách mạng Hồi giáo 1978, một nghị sĩ đã phát biểu trong bốn ngày liên tục để chống lại thỏa thuận dầu mỏ mà chính phủ nước này sắp ký với các công ty Anh – Mỹ.
Nghị sĩ tại các quốc gia có quy định giới hạn thời gian tranh luận cũng rất sáng tạo để nghĩ ra những “biến tấu” của filibuster.
Chẳng hạn, ở New Zealand, các nghị viên nước này phản đối một đạo luật bằng cách bỏ phiếu rất chậm và nhiều người quyết định bỏ phiếu bằng tiếng Maori (tiếng thổ dân New Zealand) mà theo luật phải được dịch sang tiếng Anh để ghi nhận, mục tiêu chủ yếu là để trì hoãn việc thông qua một dự luật nào đó.
Còn tại Pháp, nghị sĩ nước này từng đưa ra 137.499 yêu cầu sửa đổi trong một dự luật cho phép giảm vốn Nhà nước trong tập đoàn khí đốt Gaz de France vào tháng 8 năm 2006. Luật của Pháp buộc Quốc hội phải thảo luận và thông qua tất cả các yêu cầu sửa đổi do nghị viên đưa ra. Vì thế, người ta tính toán rằng Quốc hội Pháp phải mất 10 năm mới có thể thảo luận và thông qua toàn bộ 137.449 yêu cầu sửa đổi kể trên. Dự luật vì thế xem như chết trên thực tế.
Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, việc thực thi filibuster gần như vô nghĩa hoặc không thể làm được do vai trò của các nghị viên còn hạn chế.
Kết luận
Không ai có thể nêu đích xác là rốt cuộc filibuster có thể đem lại điều gì cho xã hội. Nhiều người coi đây là một thủ thuật chính trị bẩn để làm trì hoãn một đạo luật nào đó. Điều này có lẽ để ngõ cho dư luận phán xét. Thế nhưng, có một thực tế đó là những quốc gia tôn trọng filibuster luôn tự hào xem đó là “đỉnh cao của nền dân chủ” vì nó thể hiện sự tôn trọng tối đa, gần như mù quáng, quyền được nói của một ai đó.
Và đó có thể gọi là sự “điên rồ” của một nền dân chủ, và đôi khi chúng ta cần những thời khắc “điên rồ” như vậy.
Chú giải của người viết
[2] Nt.
[3] http://clerk.house.gov/legislative/legfaq.aspx – “tranh luận thường kéo dài một tiếng, chia đều cho phe đa số và thiểu số trong Hạ viện”