Café Luật Khoa: Đơn Kiện Qui Tam – Kiện Tụng Chống Tham Nhũng Thay Mặt Chính Phủ tại Mỹ

Café Luật Khoa: Đơn Kiện Qui Tam – Kiện Tụng Chống Tham Nhũng Thay Mặt Chính Phủ tại Mỹ

Đơn kiện Qui Tam là một dạng kiện tụng đặc biệt của truyền thống Thông luật Anh-Mỹ. Qui Tam có nguồn gốc lâu đời, có thể đã khởi phát từ Luật La Mã.

Qui Tam ban đầu được áp dụng tại Vương quốc Anh với mục đích giúp vua chúa người Anh thực thi luật pháp, áp phép vua thay lệ làng. Nguyên tắc cơ bản là người dân ai sẵn sàng đứng ra đâm đơn kiện ra tòa một bên vi phạm pháp luật do nhà vua định ra thì khi vua tiến hành trừng phạt, tịch thu tài sản bên vi phạm pháp luật đó, nhà vua cũng sẽ đồng thời trích ra một phần tài sản tịch thu này để tưởng thưởng cho người dân đã đâm đơn kiện.

Nguyên tắc này được tóm gọn trong cụm châm ngôn Latin: “qui tam pro domino rege quam pro se ipso in hac parte sequitur”. Thế nên từ đó các đơn kiện dựa trên nguyên tắc này được gọi là đơn kiện qui tam.

qui-tam

Sang thế kỷ 19, nguyên tắc qui tam được vay mượn và đưa vào hệ thống luật Hoa Kỳ vào giai đoạn Nội chiến 1861-1865 bởi chính phủ của Tổng thống Abraham Lincoln. Mục đích của việc ứng dụng qui tam là để đối phó với tình trạng lừa đảo tràn lan trong các hoạt động mua sắm công trong thời chiến. Giữa cảnh đất nước đang chia cắt dầu sôi lửa bỏng, chính phủ Lincoln lại liên tục phát hiện có tình trạng những nhà thầu cung cấp quân nhu đạn dược ngựa chiến có hành vi cố tình lừa đảo, cung cấp hàng kém chất lượng và kê khai khống để ăn lợi nhuận.

Nhằm tăng cường việc quản lý, Đạo luật Chống Kê Khai Lừa Đảo (False Claims Act – sau này được gọi là Luật Lincoln) được ban hành. Đạo luật này áp dụng nguyên tắc qui tam và cho phép việc nhà nước Hoa Kỳ ‘thưởng’ cho các thường dân đâm đơn kiện hành vi kê khai lừa đảo chính phủ bằng tiền hay tài sản tịch thu được từ bên có hành vi kê khai lừa đảo. Người đâm đơn kiện qui tam sẽ được hưởng quy chế đặc biệt là người kiện thay mặt chính phủ và theo đó sẽ được tòa công nhận là nguyên đơn chính đáng dựa trên luật.

Qua thời gian với nhiều thay đổi cho đến thời hiện đại, các đơn kiện qui tam đã dần khẳng định vai trò một công cụ pháp lý hữu ích cho việc chống tham những lãng phí tiền nhà nước tại Mỹ dựa vào những whistleblower – “những người thổi còi”, tên thường gọi dành cho những ai phát hiện tình trạng tham những trong một cơ quan nào đấy và sẵn sàng báo cáo với nhà chức trách hoặc là tự thân kiện thay chính phủ để ngăn chặn tham nhũng.

Cuốn sách đầy tính thực dụng “Cẩm Nang Sống Sót dành cho Người Thổi Còi: Sổ Tay cho Việc Truy Cầu Công Lý” (The Corporate Whistleblower’s Survival Guide: A Handbook for Committing the Truth) của tác giả Tom Devine cho chúng ta những thông tin hữu ích về việc phải làm gì để có thể tự bảo vệ mình khi muốn tự mình chống tham những trong cơ quan của mình. Cuốn sách có kể về một vụ kiện qui tam thú vị.

41qvRvYAyKL

Bìa sách Cẩm Nang Sống Sót dành cho Người Thổi Còi: Sổ Tay cho Việc Truy Cầu Công Lý (Ảnh: Amazon.com)


Trích đoạn “Cẩm Nang Sống Sót dành cho Người Thổi Còi: Sổ Tay cho Việc Truy Cầu Công Lý”

(Xuất bản 2011 – Nhà Xuất Bản Berrett-Koehler):

“… Không như dưới Đạo luật Sarbanes-Oxley có hạn mức thời hiệu khởi kiện 90 ngày, các án lệ ban đầu dựa trên Đạo luật Chống Kê Khai Lừa Đảo cho phép việc đâm đơn kiện nhiều nhất là 6 năm tính từ ngày [người thổi còi] bị đuổi hoặc bị buộc thôi việc – mức thời hiệu tương tự được áp dụng cho các đơn kiện qui tam chống lại hành vi lừa đảo.

Điều 4 của luật sửa đổi năm 1986 cho phép “Bất kỳ người nhân viên nào bị đuổi việc, giáng chức, ngưng việc, đe dọa, quấy rối, hoặc bằng cách nào khác bị phân biệt đối xử… bởi bên thuê lao động vì lý do các hành vi hợp pháp của nhân viên đó…. trong việc xúc tiến một đơn kiện theo điều khoản này” sẽ được hưởng “mọi hình thức bồi thường thỏa đáng cho người nhân viên đó.”…

… Năm 1995, bác sỹ Janet Chander ‘thổi còi’ hành vi quản lý sai trái có yếu tố lừa đảo của Bệnh viện trực thuộc chính quyền Hạt Cook thuộc  trong việc nhận khoản trợ cấp 5 triệu đô la từ chính phủ liên bang để cung cấp dịch vụ chữa trị đại trà dàng riêng cho phụ nữ mang thai nghiện thuốc và con cái của họ.

Bác sỹ Chander bị đuổi việc ba tháng sau khi đưa ra tố cáo và thế là bà ta bắt đầu một hành trình đáng kinh ngạc từ chỗ suýt tiêu tan sự nghiệp tới chỗ được một cuộc điều tra liên bang công nhận các tố cáo của bà và sau đó là một quyết định mang tính bước ngoạt trên tận Tối Cao Pháp Viện liên quan đến Đạo luật Chống Kê Khai Lừa Đảo…

Cook County Hospital-HERO - chicagotonight.wttw.com
Bệnh viện Cook County – Chicago (Ảnh: chicagotonight.wttw.com)

… Bác sỹ Chandler, một nhà tâm lý học có trình độ được trọng vọng, đã đứng ra thách thức một chương trình y tế của Bệnh viện Hạt Cook. Chương trình này vốn có mục đích cung cấp dịch vụ khám chữa trị cai nghiện trọn gói cho những người phụ nữ có thai nghiện ngập, từ khâu chăm sóc trẻ con cho đến liệu pháp cai nghiện. Chandler tham gia chương trình này giữa chừng và cuối cùng phát hiện ra bệnh viện Hạt Cook không hoàn thành tất cả các nghĩa vụ đã nêu trong hồ sơ xin tài trợ chính phủ. Bà phát hiện việc phân ca tùy tiện, bệnh nhân giả và chất lượng chăm sóc yếu kém, bên cạnh các vấn đề khác.

Vì lo lắng cho lợi ích của những người phụ nữ bần cùng và con cái họ, lại có sẵn một nền tảng nghiên cứu học thuật cùng sự hiểu biết về y khoa chất lượng cao cũng như sự trung thực trí thức, bác sỹ Chander cảm thấy rằng các hành vi của bệnh viện này đang đe dọa quyền lợi của một nhóm người dân dễ tổn thương. Bệnh viện đang không thực hiện những gì họ đã ký hợp đồng để làm. Chandler phản đối với các bác sỹ khác và bà đã bị đuổi việc ngay. Các cuộc điều tra sau đó của Bộ Sức Khỏe và Dịch Vụ Con Người đã xác nhận các cáo buộc của bà Chandler về việc không chăm sóc bảo vệ người bệnh của bệnh viện Cook County…

…Cho dù  được GAP (Government Accountability Project – Tổ Chức Trách Nhiệm Chính Phủ, cơ quan bảo vệ quyền lợi những người ‘thổi còi’ chống tham nhũng) giúp đỡ, bác sỹ Chandler phải mất hai năm mới tìm ra được một văn phòng luật sư sẵn sàng giúp bà chuẩn bị một đơn kiện dưới Đạo luật Chống Kê Khai Lừa Đảo chống lại những hành vi của bệnh viện Cook County. Rất ít luật sư tại thành phố Chicago sẵn sàng đứng ra chống lại hệ thống Cook County. Cuối cùng, công ty luật Miner, Barnhill & Galland nhận vụ việc của Chandler.

Chandler kiên cường suốt quá trình kiện tụng và cuối cùng đánh bại Cook County tại Tối Cao Pháp Viện Mỹ, trong một quyết định với tỷ lệ toàn bộ 9 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đưa ra ý kiến ủng hộ bác sỹ Chandler. Quyết định này đặt ra án lệ là các cơ quan chính quyền địa phương như chính quyền Hạt Cook cũng phải chịu trách nhiệm cho hành vi lừa đảo hợp đồng với chính phủ chiếu theo Đạo luật Chống Kê Khai Lừa Đảo. Trong vụ kiện này, bác sỹ Chandler đã được sự ủng hộ của cả hai người quan trọng: ông Barack Obama và Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush.

Obama khi ấy là một luật sư của công ty Miner, Barnhill & Galland và là một trong những luật sư chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện của bác sỹ Chandler. Sự ủng hộ của Tổng thống Bush thì thông qua Bộ Tư Pháp, cơ quan đã ủng hộ hồ sơ kiện của Chandler và cuối cùng tham gia vào vụ kiện thành công…

…  Nếu bạn tự tin rằng bạn có thể đối mặt với vô vàn thử thách như bác sỹ Chandler, một đơn kiện qui tam có thể có ích cho bạn. Tuy nhiên, nó là một cuộc chạy đua quay cuồng. Ngay cả khi bạn cuối cùng cũng thắng và được minh oan, và được nhận cả những khoản bồi thường triệu đô, bạn vẫn có thể gặp khó khan tột cùng và mắc kẹt với đơn kiện của bạn suốt hàng năm trời…”

Tìm Đọc:

Sách “Cẩm Nang Sống Sót dành cho Người Thổi Còi: Sổ Tay cho Việc Truy Cầu Công Lý” trên Amazon

Bài báo Chicago Tribune năm 1996 về vụ việc của bác sỹ Janet Chandler

Quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong vụ việc của bác sỹ Janet Chandler

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.