Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Truyền thông quốc tế đổ dồn mọi chú ý về Myanmar và cuộc bầu cử vào cuối năm 2015, khi Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – gọi tắt là NLD) thắng cử.
Trước đó, Mynamar đã chịu cảnh độc tài hàng chục năm dưới bóng chính quyền quân sự. Bước ngoặt này đánh dấu hành trình dân chủ hóa của Myanmar đã đi vào giai đoạn củng cố dân chủ, dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Aung Sang Suu Kyi.
Cái kết đẹp đẽ về con đường trở thành một nền dân chủ ở Myanmar dễ làm người ta liên tưởng tới thành tựu của Nam Phi những năm 1990 trở về sau, khi Nelson Mandela được phóng thích và rồi trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, không lâu sau cuộc bầu cử, người dân Myanmar bắt đầu gặp phải đầy rẫy các thách thức trên con đường bảo vệ nền dân chủ non trẻ mới thành hình.
Chính quyền quân sự vẫn nắm quyền kiểm soát
Thất bại trong cuộc bầu cử quốc gia 2015 không phải là dấu chấm hết cho chính quyền của cựu Tổng thống Thein Sein. Sức ảnh hưởng của quân đội vẫn còn được hậu thuẫn bởi bản Hiến pháp sửa đổi từ năm 2008.
Quan trọng hơn, ảnh hưởng của quân đội có thể nhìn rõ nhất trong cả ba nhánh Tư pháp, Lập pháp, và Hành pháp ở Myanmar.
Binh lính đang diễu hành trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang (Armed Forces Day) lần 69 tại Thủ đô Naypyitaw, Myanmar năm 2014. Ảnh: Soe Zeya Tun/Reuters
Lực lượng quân đội nắm quyền kiểm soát hệ thống toà án trong tay. Những nhà hoạt động vẫn bị kết án nhiều năm tù bằng những bản án do phía quân đội quyết định. Các thẩm phán tối cao đều là những quân nhân nghỉ hưu, được quân đội bổ nhiệm.
Về Lập pháp, 25% số ghế ở mỗi viện (Quốc hội Myanmar là Quốc hội lưỡng viện) được dành sẵn cho những người mang quân hàm cấp cao trong quân đội. Trong khi đó, để một dự luật được thông qua ở Quốc hội thì Hiến pháp 2008 yêu cầu phải có ít nhất 75% phiếu thuận. Điều đó có nghĩa là quân đội có quyền phủ quyết bất kỳ một dự luật nào mà chính quyền NLD đề xuất.
Ngoài ra, vị trí bộ trưởng của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Biên giới – là những Bộ rất quan trọng – đều do những tướng lĩnh quân đội nắm giữ, và quyền chỉ định các bộ trưởng này cũng nằm gọn trong tay quân đội.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ được xem như là trái tim của Cơ quan Hành pháp Quốc gia. Bộ này kiểm soát không chỉ cảnh sát và các lực lượng an ninh khác, mà còn cả Tổng Cục Quản Lý. Tổng cục này lại có nhân viên ở tất cả chính quyền các bang và các địa phương. Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn quản lý nốt hệ thống nhà tù, nơi gần 500 tù nhân chính trị đang bị giam giữ.
Kinh tế Myanmar đang chững lại
Trước cuộc bầu cử 2015, một phần năm ngân sách quốc gia được dành cho lực lượng quân đội. Tuy việc phân bổ ngân sách đã thay đổi trong năm tài chính đầu tiên dưới chính quyền NLD, nhưng chi tiêu quốc phòng vẫn chiếm hơn 13% tổng ngân sách quốc gia trong năm tài chính (fiscal year) 2017-2018. Đây là một con số rất lớn đối với một quốc gia đang muốn thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu minh bạch ở các tập đoàn lớn được điều hành bởi các tướng lĩnh cũng kéo tiềm năng kinh tế của Myanmar đi xuống.
Điển hình như Tập đoàn Kinh tế Myanmar (Myanmar Economic Corporation), một tập đoàn mờ ám do Bộ Quốc phòng làm chủ, hoạt động trong các ngành kinh tế chiến lược từ vận tải cho tới cảng biển.
Ngoài ra còn có tập đoàn Myanmar Economic Holdings Limited, chuyên làm giàu cho các sỹ quan quân đội và tướng lĩnh về hưu bằng những vụ kinh doanh mặt hàng xa xỉ, từ xì gà cho đến đá quý, thậm chí còn thò tay đến tận lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Tuy tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 là ở mức 7%, những dấu hiệu lạc quan trong đầu tư và phát triển của Myanmar có vẻ đang bị hãm lại.
Nguyên nhân một phần là do cải cách quá chậm. Nhiều nhà đầu tư than vãn là có quá nhiều quy định cũ, kém hiệu quả vẫn chưa được thay đổi. Còn những quy định mới thì mập mờ và nhập nhằng.
Tất cả những điều này khiến cho những nhà đầu tư, trong cũng như ngoài nước, phải sinh lòng hoài nghi về tiềm năng phát triển kinh tế của Myanmar. Họ cho rằng, nếu phải kinh doanh trong một môi trường mà chính quyền vẫn bị lực lượng quân đội kiểm soát, khả năng quản lý của nhánh Hành pháp lại yếu kém, thiếu minh bạch, thì tốt nhất là họ không nên đầu tư vào để giảm thiểu rủi ro.
Theo như một cuộc khảo sát được IRI (International Republic Institute) thực hiện năm 2017 – lần đầu tiên kể từ khi NLD lên nắm quyền – thì rõ ràng là thái độ lạc quan về nền kinh tế Myanmar đang đi xuống.
Aung San Suu Kyi và mối nguy tiềm ẩn của một nhà độc tài
Chủ nhân của giải thưởng danh giá Nobel Hòa bình năm 1991 từng được xem là biểu tượng của phe đối lập với chính quyền quân đội trong cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền.
Bà được đa số người dân Myanmar lẫn truyền thông quốc tế ủng hộ, nên hình ảnh của Aung Sang Suu Kyi dần trở nên đẹp đẽ và có vẻ là “bất khả xâm phạm”.
Người ủng hộ vây quanh Aung San Suu Kyi trong một chiến dịch kêu gọi người dân Myanmar bỏ phiếu cho NLD. Kể từ khi được trả tự do năm 2010, bà đã được người dân kỳ vọng như một ngọn đuốc thắp sáng cho tương lai dân chủ của Myanmar. Ảnh: The Independent.
Tuy nhiên, kiểu “lãnh đạo tinh thần tối cao” này hiện đang liên tục mang đến vấn đề cho nền dân chủ Myanmar.
Đó là mối nguy của một nhà độc tài tiềm tàng.
Là người lãnh đạo của NLD, Aung Sang Suu Kyi đã và đang nắm quá nhiều quyền lực trong tay. Trước cuộc bầu cử năm 2015, bà đã thẳng thừng tuyên bố sẽ “là người đứng trên Tổng thống” nếu NLD thắng cử. (Theo Hiến pháp 2008 của Myanmar, bà Aung Sang Suu Kyi không đủ điều kiện tranh cử tổng thống vì có chồng và con là người nước ngoài).
Đó không phải chỉ là một lời nói suông khi NLD vận động tranh cử.
Thật vậy, Tổng thống đương nhiệm Htin Kyaw chỉ đóng vai trò con rối trong chính phủ của NLD, khi mọi quyết định quan trọng từ phê duyệt đường lối cho đến bổ nhiệm quan chức cấp cao đều do Aung Sang Suu Kyi chủ trương.
Bà cũng tự quyết định bố trí bản thân cùng một lúc vào trong bốn Bộ quan trọng của chính phủ, là Bộ Ngoại giao, Năng lượng, Giáo dục và Văn phòng Tổng thống.
Trong một thể chế dân chủ, thì nhà nước pháp quyền là vũ khí chủ chốt để một hệ thống chính trị có thể tự cân bằng quyền lực. Mà theo đó, không một ai có thể đứng trên pháp luật.
Khi một cá nhân tự đặt mình lên trên luật pháp bằng cách tự đề cử bản thân vào rất nhiều vị trí quan trọng, cũng như bỏ qua người đứng đầu nhánh Hành pháp – là tổng thống – thì lúc đó, nền độc tài đang có manh nha quay trở lại.
Thái độ im lặng của Aung Suu Kyi trước vấn đề người Rohingya
Thêm nữa, Aung Sang Suu Kyi đang tỏ vẻ hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết các vấn đề sắc tộc tại đất nước của bà. Mà trong đó, câu chuyện người Rohingya và những xung đột vũ trang giữa các sắc tộc hiện là trọng điểm.
Kể từ tháng 3 năm 2017 đến nay, Myanmar gặp phải một làn sóng chỉ trích từ truyền thông và giới hoạt động nhân quyền quốc tế về cách đối xử tàn nhẫn và độc ác của quân đội Myanmar, trực tiếp nhắm vào những người Rohingya.
Oma Salema, 12 tuổi, đang bế đứa em 1 tuổi của mình tại một trại người Rohingya ở Sittwe, Myanmar. Khoảng 140.000 người Rohingya sinh sống tại đây trong các chòi tre, không điện và nước sạch. Ảnh: Tomas Munita/The New York Times
Sinh sống chủ yếu ở Tỉnh Rakhine từ nhiều thế kỷ nay, nhưng từ khi quân đội Myanmar – Tatmadaw – được thành lập, người Rohingya trở thành mục tiêu đàn áp. Họ không được chính phủ công nhận quyền công dân, và bị cưỡng bức phải rời khỏi nơi sinh sống.
Cho đến thời điểm hiện tại, hơn 100.000 người Rohingya đã chạy trốn sang biên giới Bangladesh. Họ bị săn đuổi, phụ nữ bị hãm hiếp và người dân, bao gồm cả trẻ nhỏ, bị tàn sát bởi quân đội Myanmar.
Chính vì vậy, tình trạng xung đột sắc tộc tại đất nước này ngày càng leo thang. Có những nhóm người Rohingya đang lập ra quân đội cho riêng mình để phản kháng lại. Nếu thành công, họ sẽ trở thành lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số thứ tám, cùng tồn tại với bảy lực lượng của các sắc dân khác.
Thậm chí, các cuộc đối kháng giữa quân đội trung ương và những nhóm vũ trang của các dân tộc thiểu số không hề có dấu hiệu dịu xuống. Nếu không thể xây dựng được các thỏa thuận hòa bình giữa các sắc dân, rất có thể Myanmar sẽ quay trở lại tình trạng thiết quân luật, và rồi nền dân chủ sẽ dần chết yểu.
***
Myanmar xứng đáng là một biểu tượng cho quá trình dân chủ hóa trong những năm đầu thế kỉ 21. Tuy nhiên, còn rất nhiều công việc mà chính phủ, cũng như người dân tại đây, vẫn cần phải tiếp tục thực hiện để có thể bảo vệ được nền dân chủ non trẻ này.
Sức ảnh hưởng của quân đội, chất lượng quản trị quốc gia kém và mâu thuẫn sắc tộc đang là những thử thách cho chính quyền mới. Nếu không vượt qua được, chắc chắn chúng sẽ đẩy Myanmar tới mô hình quốc gia dân chủ phi tự do (illiberal democracy), một nền dân chủ không toàn vẹn, hay tệ hơn, là bị đảo ngược từ dân chủ trở thành một chế độ độc tài khác.
Tài liệu tham khảo: