Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thế nào là một quốc gia đáng sống?
Có người bảo tôi đó là Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, nơi mọi cá nhân được tạo mọi điều kiện tối đa để phát triển tài năng.
Có người cho đó phải là Nhật Bản, một đất nước lạ kỳ, đã phát triển từ một nước phong kiến nghèo nàn trở thành một đế quốc thực sự.
Nhiều người lại nói rằng một quốc gia đáng sống phải giống như các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển… vốn vẫn thường xuyên dẫn đầu trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Nhưng cá nhân tôi lại có một quan điểm khác. Quốc gia đáng sống của tôi không phải Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay Thụy Điển, bởi đó không phải là nơi tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, không phải là nơi mà tôi có thể gọi bằng hai chữ “quê hương”. Quốc gia đáng sống của tôi là quê hương Việt Nam.
Nhưng là một Việt Nam khác với bây giờ.
Đó phải là một Việt Nam hòa bình, cường thịnh, đáp ứng mọi nhu cầu phổ quát nhất cho người dân. Bao gồm “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Một Việt Nam với một nền pháp quyền thực sự, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Khi đó, sẽ không còn những nghịch cảnh ăn cắp ổ bánh mì bị truy tố hình sự, còn gây thất thoát hàng ngàn tỷ tài sản quốc gia chỉ bị khiển trách và rút kinh nghiệm.
Một Việt Nam mà quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý kiến được coi là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Nơi công an và quân đội thay vì đàn áp, sẽ dọn đường cho những cuộc biểu tình ôn hòa. Khi đó, mỗi người dân ý thức được tiếng nói của mình trong mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống của mình đang diễn ra trên đất nước. Mỗi người đều có quyền nói lên quan điểm của mình về mọi vấn đề, đặc biệt là chính trị trong sự tôn trọng của mọi người xung quanh. Và đặc biệt, nhà cầm quyền phải tôn trọng và bảo vệ các quyền ấy.
Một Việt Nam mà mỗi người dân có quyền lực thực sự trong việc bầu ra bộ máy nhà nước đại diện cho mình vận hành đất nước. Khi đó, mọi vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước và chính phủ đều phải được người dân lựa chọn. Văn hóa “rút kinh nghiệm” sẽ được thay thế bởi văn hóa “từ chức” trong giới chính trường mỗi khi có bê bối xảy ra. Có như vậy, việc lựa chọn cán bộ công chức sẽ dựa vào năng lực chứ không phải “quy trình”, chất xám từ đó sẽ không tháo chạy khỏi Việt Nam như hiện tại.
Một Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ. Khi đó, Hoàng Sa và một phần Trường Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam, biển Đông yên bình không dậy sóng trước sự xâm lấn của ngoại bang. Mọi ngư dân ra khơi bám biển mưu sinh sẽ không bị tấn công bởi những con tàu “lạ”. Có như vậy những hy sinh của những chiến sỹ đã ngã xuống cho biển đảo quê hương và cho sự toàn vẹn của Tổ Quốc mới được đền đáp.
Những điều trên là một hình ảnh một quốc gia Việt Nam đáng sống trong tôi. Để tất cả trở thành sự thật, cần đến sự chung tay của tất cả chúng ta, mỗi người dân Việt Nam. Những ai còn đang đi tìm câu trả lời đâu là một quốc gia đáng sống tại những vùng đất xa xôi, hãy ở lại cùng tôi cùng tạo nên một quốc gia đáng sống. Dù rằng hành trình đó còn rất nhiều chông gai và thử thách phía trước, nhưng xin đừng sợ và nản lòng, khi chúng ta cùng đoàn kết lại thì không thế lực nào có thể thắng được lòng yêu nước.
Để kết lại đây câu trả lời của tôi cho câu hỏi trên đầu bài viết: Khi mỗi người dân đều cảm thấy không cần tìm kiếm đâu xa một quốc gia đáng sống, mà cùng nhau đoàn kết làm cho quê hương mình đáng sống hơn; khi yêu nước không chỉ là nghĩa vụ mà trở thành một quyền, thì quốc gia đáng sống đã được hình thành.