Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Tôi từng ham muốn được đặt chân đến Hà Lan – nơi mà nhiều nhà tù đã bị bỏ trống từ lâu, đẹp đến độ khiến người ta muốn bước chân vào thăm thú. Tôi cũng từng mong đến Thụy Sĩ – nơi dân số chỉ chừng bằng Hà Nội, diện tích gấp 3 lần tỉnh Nghệ An nhưng được xem là quốc gia tốt nhất để sinh con. Và còn Na Uy, Đan Mạch, Anh Quốc…, một danh sách dài những quốc gia đáng sống khác trên thế giới. Quả thật, đó là những địa điểm sống lý tưởng, khiến người ta hằng ao ước.
Nhưng sau cùng, Việt Nam vẫn là nơi tôi muốn gắn bó nhất, khi nhìn vào chính những con người đang nỗ lực hàng ngày quanh tôi.
Đó là mẹ tôi, một giáo viên mầm non gắn bó với nghề hơn chục năm nay bằng tất cả tấm lòng đối với con trẻ. Nhiều người đến bây giờ vẫn còn nghĩ rằng, dạy mầm non thì cần gì giáo án. Nhưng ngược lại, giáo án cho giai đoạn đầu đời này còn cần tỉ mỉ, cẩn trọng và công phu hơn bao giờ hết. Mẹ luôn nhẫn nại bên trang giáo án viết tay, với những bức tranh và đồ dùng đồ chơi tự làm. Dù bây giờ mọi chuyện thuận lợi hơn nhờ có công nghệ hỗ trợ nhưng những lo âu của mẹ vẫn không vơi đi. Kỳ thực, mẹ tôi đã cho tôi một nền tảng lạc quan như thế về mọi nghề nghiệp.
Đó là anh tôi, đang công tác ở một đất nước phía đông nam châu Phi, có nhắn vài lời cho mấy đứa chúng tôi ở nhà thế này: “Học xong mọi người cố gắng đi nước ngoài một thời gian nhé, đi các nước nghèo ấy, học được nhiều điều. Bên này nghèo lắm nhưng người dân hiền lành, thân thiện, và ý thức cao lắm. Có dịp anh chia sẻ cho nhé!” Đó là một cuộc dấn thân hứa hẹn ngày trở về. Đó là một hướng đi khác để thấy rằng còn rất nhiều người mong muốn bước ra thế giới bên ngoài để mở rộng tầm nhìn, để học hỏi nhưng cũng là để có thể trở về giúp ích cho quê hương.
Đó là thầy tôi, một người nơi đầu sóng ngọn gió với những biến động của đất nước. Thầy đã mất ngủ, thao thức những đêm dài với nỗi lo về chủ quyền Tổ quốc, lo về những đứa học trò còn nhiều dại dột. Thầy bôn ba trong đời sống cũng như sự nghiệp, gặp biết bao nhiêu thăng trầm gian khó, đối mặt với nỗi cô đơn, thất vọng và bạc bẽo ở đời. Nhưng sau tất thảy, thầy vẫn vững tin và tiếp tục con đường mình đã chọn, tiếp tục đấu tranh cho Tổ quốc ở một đấu trường không có đạn bom nhưng chẳng kém phần khắc nghiệt.
Chẳng tìm kiếm đâu xa, tôi soi rọi vào những con người gần ngay bên mình như thế để tận tâm đóng góp.
Tôi hiểu đất nước mình còn nhiều vấn nạn. Thật chẳng cần liệt kê ra ở đây bởi đài báo ngày ngày đều đưa tin, nhiều con số biết nói; và tôi biết nhiều điều trong số đó là bức xúc, là trăn trở của bạn. Tôi cũng không là ngoại lệ. Có một khoảng thời gian tôi phải tạm dừng nghe tin tức báo đài vì có quá nhiều tin xấu từ giáo dục, pháp luật đến chính trị nước mình.
Nhưng rồi, người ta chẳng thể cứ mơ về một “quốc gia đáng sống” xa xôi trong mộng tưởng mà không làm gì mãi được. Vậy nên tôi chọn làm cho quốc gia tôi tốt đẹp hơn mỗi ngày. Có chăng nếu mường tượng mơ ước cũng là mong thay đổi thực tế theo một chiều hướng tích cực hơn.
Suy cho cùng, sống không chỉ là thụ hưởng mà còn là những gì ta tự xây dựng nên. Với tôi, ở nơi nào thấy đáng để tận tâm cống hiến, bỏ sức lực, trí tuệ của mình ra để gây dựng, để thấy cuộc sống còn ý nghĩa thì nơi đó đáng sống. Và không phải đâu xa, đó chính là Việt Nam.