‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Ngày 19/1/2018, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên bố họ đồng ý mở một phiên tòa để nghe các tranh luận (oral argument) giữa luật sư của chính phủ Trump và phe chống lệnh cấm di dân thứ ba (travel ban) được ban hành vào tháng 9/2017. Khác với hai lệnh cấm trước đó được ban hành dưới dạng sắc lệnh hành pháp (executive order), lệnh cấm thứ ba là một tuyên cáo của tổng thống (presidential proclaimation).
Tuyên cáo của tổng thống là phương pháp cổ xưa nhất mà tổng thống Hoa Kỳ có thể dùng để chỉ huy và lãnh đạo, và về mặt lý thuyết cũng là cách thức có tác động bao quát nhất. Tuyên cáo không chỉ nhắm đến các đối tượng là nhân viên và quan chức chính phủ, mà còn là toàn thể nhân dân cả nước để yêu cầu họ thực thi một hành động cụ thể. Có thể nói, đây là một lời hiệu triệu toàn dân được gửi ra từ phủ tổng thống.
George Washington đã từng tuyên cáo toàn dân rằng nước Mỹ phải trấn áp Cuộc nổi loạn Whiskey (Whiskey Rebellion). Còn Abraham Lincoln thì tuyên cáo bãi bỏ chế độ nô lệ (Emancipation Proclamation) ở miền Thâm Nam (Deep South) Hoa Kỳ.
Hay gần đây nhất, George W. Bush đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (state of national emergency) sau khi nước Mỹ bị tấn công bằng khủng bố tháng 9/2011. Tuyên bố này cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hiệu lực pháp lý sau khi Donald J. Trump trở thành vị tổng thống thứ ba tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp nói trên.
Việc Tổng thống Trump sử dụng tuyên cáo tổng thống cho thấy quyết tâm thực hiện chính sách cấm người di dân từ những nước bị cho là có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Vì không như hai sắc lệnh trước, tuyên cáo của tổng thống có thể được gia hạn để áp dụng mãi mãi mà không có ngày … hết hạn.
Tương tự như tuyên cáo về tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Bush năm 2011, tuyên cáo về chính sách cấm di dân có thể được – không chỉ riêng Tổng thống Trump mà còn các tổng thống kế nhiệm -gia hạn và tiếp tục thi hành nếu mối nguy từ các nước được nêu đích danh vẫn tồn tại. Ngoài sáu nước Hồi giáo là Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad thì lệnh cấm thứ ba còn bao gồm Bắc Hàn và Venezuela.
Bảy cá nhân và một tổ chức của người Hồi giáo ở Hawaii đã nộp đơn tại tòa án liên bang để thách thức tuyên cáo của Tổng thống Trump ngay sau khi nó được ban hành. Tuy nhiên, họ chỉ nhắm vào lệnh cấm di dân đối với người Hồi giáo chứ không động đến các phần liên quan đến Bắc Hàn và Venezuela. Theo nguyên đơn thì tuyên cáo này cũng như hai sắc lệnh trước, là hành vi kỳ thị tôn giáo và nhắm vào cộng đồng người theo đạo Hồi trên thế giới.
Tại tòa sơ thẩm và Toà Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Số 9 (U.S. Court of Appeals of the 9th District), nhóm nguyên đơn đã chiến thắng. Tuy thế, các thẩm phán không dùng lập luận kỳ thị tôn giáo mà tập trung vào quyền hạn của tổng thống trong vấn đề di trú. Tòa phúc thẩm đã phán rằng, Tổng thống Trump đã đi quá giới hạn của quyền lực mà Quốc hội trao cho ông đối với lĩnh vực di trú. Do đó tuyên cáo của Trum đã vi phạm bộ luật này vì nó vốn không cho phép chính quyền kỳ thị khi xem xét đơn xin visa vào Mỹ.
Không đồng ý với phán quyết nói trên, các luật sư của chính phủ Trump đã nộp đơn lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ và đó chính là vụ kiện Trump v. Hawaii – đơn kiện số 17-965 sẽ được đưa ra xem xét vào mùa Xuân 2018.
Theo phe Trump thì tuyên cáo mới nhất không nhắm vào các nước Hồi giáo mà là tất cả các nước có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, cho nên không có yếu tố kỳ thị tôn giáo nào như bên nguyên đơn nêu ra. Ngược lại, nó hoàn toàn nằm trong trách nhiệm bảo vệ quốc gia trước những mối nguy hiểm tiềm tàng mà một tổng thống cần phải thực thi.
Vậy là trận chiến pháp lý gây sóng gió từ cửa khẩu các sân bay quốc tế đến hàng chục tòa án liên bang các cấp tại Mỹ trong vòng một năm vừa qua, cuối cùng cũng đã đến tay các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Tại đấu trường Tối cao Pháp viện hiện nay, phe chính phủ Trump có vẻ đang dẫn trước 1-0. Tháng 12/2017, các thẩm phán đã cho phép chính quyền tiếp tục thực thi lệnh cấm thứ ba trong thời gian chờ đợi họ xem xét đơn kiện. Đây là lần đầu tiên sau hai năm Tối cao Pháp viện trở lại với đầy đủ chín vị thẩm phán và đến tháng 6/2018, có thể rất nhiều phán quyết có ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị, luật pháp và xã hội Mỹ sẽ được công bố.
Tài liệu tham khảo: