Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Cuộc sống của những người giữ đất thuê cho Công ty Long Sơn đã thay đổi hoàn toàn sau vụ nổ súng cuối tháng 10/2016.
Điểu Vinh bị bắn chết. Điểu An bị đạn găm vào đầu. Điểu Thành bị bắn mù mắt phải. Trước đó mấy ngày, cả ba người đã quyết định đợi lĩnh tháng lương đầu tiên thì nghỉ, nhưng không kịp.
Họ là ba trong số 13 người bị bắn trong vụ tranh chấp đất đai giữa Công ty Long Sơn và gia đình Đặng Văn Hiến cùng những hộ dân khác tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Sau vụ nổ súng, Đặng Văn Hiến đã bị tuyên án tử hình, phía Công ty Long Sơn cùng bị truy tố nhưng chúng ta không thật sự biết gì về cuộc sống của những người công nhân sau vụ nổ súng.
Không biết có tranh chấp đất đai
Nhà của Vinh, An và Thành người nằm sâu trong một xóm nghèo đìu hiu của người Stiêng tại ấp 5, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cách nông trường của Công ty Long Sơn hơn 120 km.
Đi làm thuê là nghề phổ biến ở đây. Nhà của Điểu Vinh cũng vậy, học đến đến lớp 4 thì Vinh theo cha là Điểu Hải, 41 tuổi, đi làm thuê nhiều nơi. Khi thì Đồng Xoài, khi thì lên tận Đà Lạt, ai thuê gì làm nấy. Mẹ của Vinh là Thị Xá, 49 tuổi, bị u xơ tử cung nhưng vẫn cố đi làm.
Điểu An và Điểu Vinh là anh em họ, nhà của hai người ở gần nhau, nên đã rủ nhau lên Công ty Long Sơn làm việc cùng với Điểu Thành.
“Bữa đó, ổng đi làm mướn, tôi đi mót mủ [cao su], đến chiều về thì không thấy thằng Vinh nữa”, bà Xá kể lại hôm Điểu Vinh bỏ nhà lên Công ty Long Sơn.
“Nó nói xạo là đi làm cao su ở Bù Đăng [Bình Phước]. Nếu tôi biết nó đi Đắk Nông thì đã không cho đi rồi”.
Đó là vào đầu tháng 10/2016, xe của công ty đón cả ba người ở gần nhà, rồi chạy thẳng lên nông trường của công ty. Cả ba không biết rằng họ đã đặt một chân vào “cánh cửa tử”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo hướng quốc lộ 14 đến xã Quảng Tâm (Tuy Đức, Đắk Nông), rồi phải đi thêm 30 km nữa qua một đoạn đường đầy đá và đất đỏ, xung quanh là những ngọn đồi gần như bị “cạo trọc” thì mới đến được nông trường của Công ty Long Sơn.
Trái ngược cảnh đồi núi yên bình, xung đột liên quan đến đất đai giữa người dân và các công ty ở đây xảy ra như cơm bữa.
Nhưng không ai cho Vinh, Thành và An biết điều đó, kể cả những người thuê họ.
“Nghe bạn bè rủ nhau đi làm, lên đó coi công nhân làm việc, sướng lắm. Mà lương tháng đến bốn triệu mấy”, Điểu An, 24 tuổi, người bị thương nặng nhất trong nhóm, kể lại.
Giống như đa phần các công nhân khác của công ty, cả ba người đều không có hợp đồng hay thỏa thuận rõ ràng nào với công ty. “Đưa chứng minh [nhân dân] thì vào làm, công ty nói là có xảy ra chuyện gì thì nó lo hết, nhưng chỉ nói miệng thôi”, Điểu An kể lúc anh mới lên đó.
Không có chứng minh nhân dân nên Điểu Vinh phải nộp bản sao sổ hộ khẩu cho công ty. Vinh vẫn được nhận vào làm dù mới 16 tuổi và không có sự đồng ý của cha mẹ. Điều này không những trái với quy định trong Bộ luật Lao động 2012 là doanh nghiệp không được giao kết hợp động lao động trực tiếp với người dưới 18 tuổi mà còn vi phạm quy định cấm sử dụng lao động chưa thành niên tại nơi làm việc gây tổn hại sức khoẻ và sự an toàn của họ.
Điểu Thành, 24 tuổi, anh học đến lớp 6 thì nghỉ. Thành lên làm cho Công ty Long Sơn sau khi cưới vợ được một thời gian. “Tính đi lên đó kiếm tiền cho vợ sanh [con], kiếm được đồng nào hay đồng đó”, anh kể, “xém tí nữa là không gặp được mặt con”.
“Lúc đi làm, không biết trên đó có tranh chấp đất đai. Muốn về mà không có tiền về, phải làm đủ tháng mới có tiền”, An nhớ lại. Khi nghe các công nhân khác kể thì cả ba người mới biết công ty có tranh chấp đất đai với người dân, đánh nhau, kể cả nổ súng là chuyện thường xảy ra.
Ba người đã vô tình “leo lên lưng cọp”. Bỏ về nhà thì không có lương mà ở lại nông trường thì nguy hiểm. Tiếc tháng lương đầu tiên, cả ba người quyết định ở lại – một quyết định mà họ phải hối tiếc trong suốt phần đời còn lại của mình.
Súng nổ trước ngày lĩnh lương
Công ty cho các công nhân thay phiên nhau về thăm nhà. Điểu Vinh từ nhà trở lại nông trường vào ngày 18/10/2016, năm ngày sau thì súng nổ.
Tờ mờ sáng hôm đó, trời đổ mưa làm những con đường đã khó đi trong những ngày nắng trở nên lầy lội hơn. Cả ba người cùng những người khác bị đánh thức rất sớm.
“Dậy sớm lắm, chừng ba hay bốn giờ sáng. Mặc đồ bảo hộ, cầm khiên và gậy, rồi lên xe, anh em chia ra thành hai tốp”, Thành nhớ lại ngày hôm đó.
Nhóm của Vinh, Thành, An thì có trên 10 người, nhiệm vụ của nhóm là ngăn không cho người dân vào “khu vực đang giải toả”.
Thành không rõ nhóm thứ hai có bao nhiêu người, chỉ biết bên nhóm đó có Dương Văn Tiến, một trong ba người bị bắn chết ngày hôm đó.
Dương Văn Tiến, 26 tuổi, quê ở Ninh Thuận, đã làm cho Công ty Long Sơn gần hai năm nhưng anh vẫn không có hợp đồng lao động. Trước hôm nổ súng mấy ngày, Tiến về quê lo đám tang cho đứa em trai học lớp 6 bị chết đuối, hứa với nhà là qua Tết thì xin nghỉ làm ở Công ty Long Sơn, nhưng vừa trở lên nông trường mấy ngày thì bị bắn.
Lúc Đặng Văn Hiến nổ súng, Thành đứng ở bên kia mương, anh không để ý là ông Hiến có bắn phát đạn chỉ thiên hay không, “thấy bắn trúng ông Chính [Đặng Ngọc Chính, 32 tuổi] xong, thì tôi mới chạy lại, lấy khiên đỡ để cứu ổng nhưng thì bị bắn vô mắt”, Điểu Thành kể lại, anh thấy đạn bắn ra từ trên gác và phía dưới nhà, cách chỗ anh khoảng hơn mười mét. Đạn xuyên qua tấm khiên đi thẳng vào mắt bên phải của anh.
Đạn cũng bắn xuyên qua tấm khiên của Điểu An, thủng nón bảo hiểm, găm thẳng vào đầu anh. “Lúc đó, máu chảy đầy mắt hết rồi, không còn thấy gì nữa, chỉ còn nghe thôi”, An nhớ lại.
Tiếng nói mà đến nay cả hai vẫn còn nhớ là “tụi bây cởi hết quần áo ra thì tao cho đi”. Hai người không biết ai đã nói câu này, từ khi lên đó làm, cả hai chưa bao giờ gặp mặt Đặng Văn Hiến.
Ngay lúc đó, Thành cũng nghe ai đó nói “Tao hết đạn rồi, tao mà còn đạn thì bắn chết hết chúng mày”. Lời đe dọa này đến nay vẫn còn ám ảnh anh, “nếu ổng còn đạn chắc tụi em không sống được, chết hết”, Thành nói.
An kể lại là anh tự cởi quần áo, chỉ còn lại quần lót, và những người khác cũng làm như vậy. Cả nhóm dìu nhau đi được một đoạn thì gục ngay trên đường, phải đến bốn hay năm tiếng đồng hồ sau thì công an mới vào đến hiện trường.
Người đến hiện trường trước hết thảy là ông Nguyễn Văn Bon, 42 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh, đã làm bảo vệ cho Công ty Long Sơn hơn hai năm. Ông Bon vào hiện trường để cứu con trai của mình và những người khác. Con của ông là Nguyễn Thanh Hùng, sinh năm 1998, bị đạn bắn thủng ruột non, tỷ lệ thương tật được giám định là khoảng 54%.
Ông Bon dắt cả nhà lên công ty Long Sơn làm thuê vào khoảng giữa năm 2014, lúc đó Hùng vẫn chưa đủ 18 tuổi. Theo ông Bon, đến cuối năm 2015 thì công ty có ký hợp đồng lao động với ông nhưng ông không được giữ bản nào cả.
Điểu Tào, 25 tuổi, có bốn con nhỏ, cùng xã với Điều Vinh, cũng bị bắn chết. Xác của Điểu Vinh được Công an Đắk Nông đưa về nhà để an táng vào đêm thứ hai. Xác của Dương Văn Tiến thì được bạn cùng làm đưa về nhà ở Ninh Thuận.
Vĩnh viễn mang thương tật
Điểu Thành để mái tóc dài, che kín mắt phải đã bị hư hoàn toàn từ sau vụ nổ súng, “mắt còn lại đôi khi không nhìn thấy rõ, cứ trời lạnh hay ra ngoài nắng là bị nhức”, anh nói.
Thành có bốn anh chị em, anh là con cả, lao động chính trong nhà. Thành lên Công ty Long Sơn làm việc sau khi bố mất vì ung thư gan.
Sau vụ nổ súng chưa đầy một tháng thì vợ anh sinh đứa con trai đầu lòng, nhà thêm một miệng ăn nhưng anh “rất ít lao động, làm cũng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ chỉ làm được những việc nhẹ, đi làm phụ hồ như trước thì không làm nổi”, Thành cho hay.
Tương tự như Thành, An cũng không làm được những công việc nặng, anh bị thương nặng nhất trong nhóm, tỷ lệ thương tật được giám định là hơn 50%. Hai người cho biết sau khi Công ty Long Sơn trả chi phí nằm viện, thuốc men cho hai người thì không còn thăm hỏi hay trợ cấp gì nữa.
Còn gia đình của Điểu Vinh, ba ngày sau vụ nổ súng, đương lúc gia đình đang cần tiền làm đám tang thì Công ty Long Sơn cử người đến nhà giao cho gia đình số tiền 65 triệu đồng và yêu cầu ký cam kết không khiếu nại công ty về vụ việc. Gia đình của Dương Văn Tiến thì nhận số tiền 50 triệu đồng từ Công ty Long Sơn, nhưng vẫn tiếp tục đòi bồi thường.
Những cuộc phỏng vấn với với các nạn nhân đã hé lộ nhiều sai phạm của Công ty Long Sơn về việc sử dụng lao động như giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân của họ; thuê lao động chưa thành niên làm công việc nguy hiểm; thuê lao động chưa thành niên mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật; không thông báo về tình hình tai nạn lao động, yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc cho người lao động biết; không làm hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công nhân như trường hợp của Dương Văn Tiến.
Nhưng sai phạm trên ít nhiều đã đẩy những người như An, Thành, Hùng và nhiều người khác vào nơi nguy hiểm. Họ mất đi phần lớn thu nhập trong suốt phần đời còn lại từ sau vụ nổ súng. Từ trụ cột của gia đình họ thoắt đã trở thành gánh nặng cho những người trong gia đình.
Bộ luật Lao động 2012 có quy định về thỏa thuận bồi thường đối với người lao động gặp tai nạn dựa trên mức độ suy giảm khả năng lao động, nhưng Công ty Long Sơn vẫn chưa đề cập vấn đề này với họ.
Điểu Thành, ông Nguyễn Văn Bon, Điểu An và gia đình của Dương Văn Tiến, Điểu Hải đang tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để buộc Công ty Long Sơn phải có trách nhiệm với những mất mát về sức khoẻ và nhân mạng, tuy nhiên, điều đó quả thật là không dễ dàng.
Các bên liên quan nếu có phản hồi nào về nội dung của bài viết xin liên hệ toà soạn qua địa chỉ email: editor@luatkhoa.org.