Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc là một trong những chức danh quyền uy và có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong mô hình chính trị thế giới đương đại. Tuy vậy, không phải vị Tổng Thư ký nào cũng dùng quyền năng và sức ảnh hưởng mà mình có để xây dựng nên một Liên Hiệp Quốc thật sự vì quyền con người.
Nhưng, Kofi Annan là một người khác biệt.
Xuất thân từ một chính trị gia đến từ Ghana từng tốt nghiệp Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) danh tiếng tại Hoa Kỳ, Kofi Annan không chỉ là một người luôn trăn trở với vấn đề nhân quyền quốc tế, mà ông còn mong muốn Liên Hiệp Quốc phải thật sự bảo vệ hiệu quả các quyền con người trên toàn thế giới.
Kofi Annan vừa qua đời ngày 18/8/2018. Luật Khoa tạp chí xin được phép chọn lọc và giới thiệu một số những thành tựu quan trọng trong gần một thập kỷ Kofi Annan sắm vai thuyền trưởng của con tàu nhân quyền quốc tế, để chúng ta cùng tìm hiểu về hành trình mà ông đã đi qua.
Đặt nền móng cho Trách nhiệm bảo vệ quốc tế (Responsibility to Protect – R2P) và thay đổi cách nhìn về chủ quyền tuyệt đối quốc gia
Cuộc thảm sát 800,000 người Tutsi tại Rwanda và những khủng hoảng nhân đạo tại Balkans trong thập niên 90 đã đe dọa chút thành tựu nhỏ nhoi mà Liên Hiệp Quốc vừa xây dựng được đôi mươi năm, cũng như đánh dấu nhen nhóm sự trở lại của nạn diệt chủng sau “kỷ đen tối” Nazi.
Câu hỏi pháp lý trọng tâm được đặt ra tại thời điểm đó, là liệu các Quốc gia sẽ tiếp tục giữ chủ quyền tuyệt đối bất khả xâm phạm, cùng việc toàn quyền kiểm soát mọi vấn đề nội bộ của mình, hay là cộng đồng quốc tế sẽ có quyền can thiệp vì các lý do nhân đạo nếu xét thấy cần thiết?
Khi mà can thiệp nhân đạo (humanitarian intervention) vẫn còn là một khái niệm khoa học pháp lý quốc tế gây tranh cãi kịch liệt với nhiều lo ngại về việc nó có thể bị lạm dụng, thì Kofi Annan đã can đảm thách thức các quốc gia thành viên bảo thủ bên trong Liên Hiệp Quốc.
Trong Báo cáo Thiên niên kỷ của mình vào năm 2000 (Millennium Report), ông phê phán việc Hội đồng Bảo an đã không hành động kịp thời để ngăn cản những thảm kịch nhân đạo vốn có thể phòng ngừa ngay từ đầu, và gọi đó là một thất bại đáng xấu hổ.
Ông khảng khái lên tiếng:
“Nếu cho rằng can thiệp nhân đạo chắc chắn là sự tấn công không thể chấp nhận được nhắm vào chủ quyền quốc gia, vậy chúng ta phải làm thế nào để trả lời với người dân Rwanda, Srebrenica. Làm sao chúng ta đối phó với những vi phạm nhân quyền có hệ thống xúc phạm đến mọi tiêu chuẩn chung của nhân loại này?”
Năm 2004, 3 năm sau bài phát biểu mạnh mẽ nói trên, Kofi Annan đã thành công tập hợp đủ số phiếu ủng hộ để thành lập Ủy ban Cao cấp về các mối đe dọa, thử thách và thay đổi (High-level Panel on Threats, Challenges and Change), với nhiều chuyên gia pháp luật và nhân quyền quốc tế tham gia. Ủy ban này chính thức giới thiệu quy tắc Trách nhiệm bảo vệ quốc tế, thường được gọi tắt là R2P, khẳng định trong pháp luật quốc tế tồn tại một trách nhiệm quốc tế tập thể.
Theo tuyên bố được trích từ ủy ban, thì trách nhiệm quốc tế tập thể “có thể được Hội đồng Bảo an thực hiện, với quyền ủy quyền can thiệp quân sự như là biện pháp cuối cùng nhằm ngăn chặn nguy cơ diệt chủng, những hoạt động giết chóc quy mô lớn, thanh trừng sắc tộc và các vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhân đạo khác, khi mà chính phủ đại diện chủ quyền quốc gia được chứng minh không có năng lực hay không có mong muốn ngăn chặn.”
Năm 2005, trong báo cáo nổi tiếng có tên Vì một tự do to lớn hơn (In larger freedom), Kofi Annan ủng hộ cách tiếp cận của Ủy ban cao cấp, và đề xuất hàng loạt những tiêu chuẩn cần thiết để xác định thẩm quyền ủy quyền sử dụng vũ lực khi cần thiết trong R2P. Trong đó bao gồm các yếu tố như tính nghiêm trọng của các đe dọa vi phạm nhân quyền, hay tính tương thích và khả năng thành công.
Cũng trong năm này, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (United Nations World Summit), cộng đồng quốc tế thống nhất chấp nhận sự tồn tại của R2P trong hệ thống pháp luật quốc tế, xác lập trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc tuân thủ các nghĩa vụ bảo vệ công dân quốc gia mình khỏi nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại loài người. Các chính phủ cũng đồng ý rằng, khi bất kỳ quốc gia nào thất bại trong nghĩa vụ bảo vệ nói trên, cộng đồng quốc tế sẽ có tiếng nói và hành động của mình.
Tất nhiên, R2P vẫn gặp phải hoài nghi và bị chỉ trích là đã phụ thuộc khá nhiều vào một Hội đồng Bảo an vốn bị một số người cho là ẩn chứa nhiều sự tắc trách, bừa bãi và có tính chính trị cao.
Tuy nhiên, nguyên tắc pháp lý R2P do Kofi Annan hậu thuẫn xây dựng, đã tạo ra những ảnh hưởng tốt đẹp của mình trên khắp thế giới.
Năm 2012, nhiều cơ quan quốc tế và Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thành công trong việc dùng R2P nhằm tạo sức ép lên chính phủ Assad của Syria, trước khi liên minh Nga – Trung Quốc phủ quyết nhiều nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an để Nga có thể chính thức nhảy vào cuộc chiến. Nhưng dầu sao, R2P cùng Kofi vẫn đã thành công trong việc khẳng định một lần nữa với thế giới rằng, trong pháp luật quốc tế, nhân quyền – đôi khi – là trên hết, kể cả so với chủ quyền quốc gia.
Giải thể Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Commission) rệu rã và là người tạo ra tầm nhìn mới với Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát – Universal Periodic Review (UPR)
Trước khi Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council) ngày nay được thành lập, Ủy ban Nhân quyền là cơ quan nhân quyền quyền lực nhất của thế giới. Đáng tiếc thay đây cũng lại là nơi tụ hội của nhiều kẻ vi phạm nhân quyền quốc tế nhất với nhiều yếu kém liên quan đến chính trị hóa và đả kích có lựa chọn (politicalisation & selectivity).
Nhiều quốc gia tham gia vào Ủy ban Nhân quyền chỉ để bảo đảm rằng mình không bị chỉ trích vì những vi phạm tại quốc gia.
Các quốc gia thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation – OIC) thì cậy đông để liên tục tấn công Israel, nhưng đồng thời cũng che lấp lịch sử nhân quyền kém cỏi của mình.
Nga và Trung Quốc thường xuyên định hướng dư luận tập trung vào Apartheid ở Nam Phi khi mà vi phạm nhân quyền của họ cũng không hề kém cạnh, hoặc thậm chí còn kinh khủng hơn.
Thế nên, suốt một thời gian dài, Ủy ban Nhân quyền gần như không thực hiện được chiến dịch bảo vệ nhân quyền nào cụ thể. Trong khi đó, những tay “côn đồ” cộm cán nhất thế giới thì nghiễm nhiên chiếm giữ vị trí quan trọng bên trong hệ thống.
Năm 2005, Annan dũng cảm kêu gọi giải thể Ủy ban Nhân quyền. Ông nhìn nhận rằng Ủy ban Nhân quyền đã hoàn toàn thất bại khi mà những sai lầm của nó đang gây ảnh hưởng đến danh tiếng của toàn bộ hệ thống Liên Hiệp Quốc.
Đổi mới, cải cách ủy ban này cũng không còn bất kỳ tác dụng nào nữa, nên tốt nhất là phải xóa bỏ và tạo dựng nên một cơ quan mới. Vậy nên, Kofi Annan cũng đồng thời kêu gọi các nước thành viên hãy thành lập một hội đồng nhân quyền khác, với trách nhiệm đánh giá thực trạng nhân quyền phổ quát của mọi quốc gia, một hội đồng không kém về quyền và tầm ảnh hưởng khi so sánh với Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC).
Những tính chất và đặc điểm mô tả nói trên đã tạo nên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày nay. Mà trong đó các phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát – UPR – vẫn là một sân chơi tốt cho các tổ chức Xã hội dân sự tham gia, bất kể là các tổ chức đó có được chính quốc gia sở tại của họ công nhận hay không.
Thời kỳ mà những “tội ác chống lại loài người” phải trả giá
Trong nhiệm kỳ của mình, Kofi Annan còn nỗ lực hợp tác với các chuyên gia quốc tế để mang những kẻ thủ ác và vi phạm pháp luật nhân quyền quốc tế ra trước công lý.
Dù nhiều Tòa án Hình sự Quốc tế liên quan đến những một số tội ác nghiêm trọng được thành lập vài năm trước khi Annan trở thành Tổng thư ký, nhưng ông chắc chắn để lại dấu ấn riêng của mình.
Năm 1993, Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Yugoslavia (ICTY) được thành lập. Một năm sau, Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Rwanda (ICTR) cũng hình thành. Từ những nỗ lực này, năm 1998, Liên Hiệp Quốc dưới sự dẫn dắt của Annan đã tạo nên được một tòa án cực kỳ quan trọng để bảo vệ nhân quyền quốc tế, chính là Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Tính đến nay, ICC đã có hơn 120 quốc gia thành viên.
Năm 2001, Annan hoan nghênh việc bắt giữ cựu tổng thống Serbia, Slobodan Milosevic, cũng như khuyến khích chính phủ Belgrade nên hợp tác với ICTY. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc dỡ bỏ quyền miễn trừ tội phạm đối với nguyên thủ quốc gia, khi họ vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhân quyền và các tiêu chuẩn nhân đạo quốc tế.
Trong những năm 2002 và 2003, ông cũng liên tục đạt được một số thành công nhất định trong việc hình thành tòa án quốc tế xử lý tội ác diệt chủng Pol Pot ở Cambodia, dù gặp khá nhiều khó khăn, cản trở từ phía chính phủ Hun Sen.
Vết tì trên viên ngọc sáng về thành tích đấu tranh cho quyền con người quốc tế
Điều đáng tiếc cho Kofi Anna là những năm cuối nhiệm kỳ của ông không được suôn sẻ. Các scandal liên quan đến lính mũ nồi xanh mua dâm trẻ em gái tại nhiều quốc gia như Congo, hay dự án “Đổi dầu lấy lương thực” cũng gặp nhiều chỉ trích và sai phạm ở Iraq, suýt chút nữa lấy đi hết toàn bộ danh tiếng chính trị của Annan, dù sau đó, ông đã được chứng minh vô can.
Tuy vậy, có một điều chắc chắn rằng, Kofi Annan đã thành công trong việc nâng Liên Hiệp Quốc lên một tầm quan trọng mới, với sự nhấn mạnh nghiêm túc dành cho quyền con người trên khắp thế giới.
Đó là điều mà rất nhiều Tổng thư ký trước ông, cũng như sau ông, chưa hề làm được.
Annan từng nói:
Nhân quyền phổ quát không chỉ bởi vì nó tồn tại trong nguồn gốc của mọi nền văn hóa, truyền thống. Nhân quyền phổ quát vì nó được ủng hộ bởi mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc trong mọi văn bản nhân quyền quốc tế tồn tại.
Đó là phương châm nhân quyền mà người viết hy vọng Việt Nam chúng ta luôn ghi nhớ khi tưởng niệm khối di sản của Kofi Annan.
Tài liệu tham khảo: