‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Theo dữ liệu do chính phủ công bố và Luật Khoa ước tính, trung bình mỗi tuần ở Việt Nam có ít nhất ba người bị tuyên án tử hình và xấp xỉ hai tử tù bị tiêm thuốc độc. Nhưng án tử hình có giúp giảm tội phạm như chúng ta vẫn nghĩ?
Tháng 6/2016, công an sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) phát hiện hơn 1,4 kg cocaine trong hành lý của một người đàn ông Nam Phi tên là Tyron Coetzee. Lúc bấy giờ, Tyron 32 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Và đây rất có thể là điểm đến cuối cùng trong cuộc đời anh.
Tyron bị tạm giam tại khám Chí Hoà, một trong những nhà giam khét tiếng nhất ở TP. Hồ Chí Minh.
Ở Nam Phi, gia đình Tyron đã đăng tin tìm anh ở nhiều nơi cho đến khoảng hai tháng sau thì mới hay tin anh bị bắt ở Việt Nam. Vì quá nghèo, họ không đủ tiền để sang Việt Nam hay trả phí luật sư bào chữa cho Tyron. Cả gia đình trông cậy vào sự giúp đỡ của chính phủ Nam Phi.
Không như mong đợi, Đại sứ quán Nam Phi ở Việt Nam đã không thuê luật sư bào chữa cho Tyron. Thay vào đó, Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh chỉ định một luật sư không thể giao tiếp tiếng Anh với Tyron và chưa từng vào trại tạm giam để gặp anh. Tyron chỉ biết mặt luật sư của mình trong phiên toà xét xử sơ thẩm lần thứ nhất vào tháng 5/2017.
Trong phiên toà đó, Tyron xin giám định tâm thần nên toà đã hoãn xét xử. “Cả đời bị cáo chưa bao giờ đọc xong một cuốn sách, chưa hoàn thành xong bất cứ việc gì”, báo Dân Trí tường thuật lời của anh trong phiên toà ngày hôm đó.
Tyron trong phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất vào ngày 18/5/2017. Ảnh: Báo Dân Trí.
Từ thành phố Port Elizabeth (Nam Phi), chị ruột của Tyron, Chantal Coetzee, cho biết Tyron lớn lên trong một gia đình không êm ấm, cha mẹ sớm ly hôn khi anh lên 9 tuổi. Ngay từ nhỏ, Tyron đã thiếu sự chăm sóc của mẹ và anh chị. Tyron hay bị bạn học bắt nạt. Chứng khó tập trung khiến anh phải học ở trường “đặc biệt” và thôi học vào năm 15 tuổi.
Mặc dù được anh, chị ruột giúp đỡ nhưng Tyron khó làm được việc gì lâu dài. Một thời gian anh đã phải sống lang thang, không nhà cửa.
Lúc bị bắt, Tyron vẫn còn mang trong mình vết thương trong một cuộc ẩu đả ở Nam Phi khi anh làm nhân viên bảo vệ vũ trường.
Trước đó, gia đình đã khuyên Tyron nên đi giám định tâm thần khi thấy anh có dấu hiệu không kiểm soát được hành vi của mình. Theo họ, anh đã làm giám định nhưng hồ sơ bị thất lạc. Gia đình cũng không có cơ hội hỏi thêm Tyron về hồ sơ này.
Trong điều kiện rất khó điều tra được đường dây vận chuyển mà Tyron bị cáo buộc tham gia thì việc giám định tâm thần là hy vọng gần nhất để anh thoát án tử.
Cuối tháng 8/2018, Tyron bị tuyên án tử hình. Không có bất kỳ giám định tâm thần nào được thực hiện như yêu cầu của anh trong phiên xử trước đó.
Án tử hình có giảm tội phạm liên quan đến ma tuý?
Án tử hình của Tyron chỉ là một trong hàng trăm bản án tử hình đã được tuyên một cách dễ dàng trong năm qua. Những số liệu về án tử hình ở Việt Nam cho đến thời gian gần đây mới được hé lộ một cách kín đáo.
Trong một phiên họp của Quốc hội vào giữa tháng 11/2018, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long xác nhận là đã thi hành án tử với 85 người trong năm, tức trung bình mỗi tuần đã có ít nhất hai người bị hành hình. Số người bị hành hình này tương đương với số người ít nhất bị hành hình ở Irad và Pakistan năm 2016, hai trong 5 nước hành hình nhiều nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Long không công bố số người đã bị tuyên án tử hình mà chỉ cho biết số án tử hình trong năm 2018 tăng đến 122 trường hợp so với năm 2017. Như vậy, khả năng cao là trung bình mỗi tuần có ít nhất ba người bị tuyên án tử hình.
Tại Việt Nam, hầu hết những người bị tuyên án tử hình là liên quan đến án tội phạm ma tuý hoặc giết người.
Việt Nam rất khắt khe với tội phạm liên quan đến ma tuý. Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt từ 20 năm đến tử hình cho người nào vận chuyển trái phép chỉ từ 100 gram các chất như heroin, cocaine, v.v.
Hiện nay, chỉ còn 33 quốc gia duy trì án tử hình cho các tội danh liên quan đến ma tuý trong bộ luật hình sự. Trong khi Lào, Brunei và Myanmar đã không áp dụng án tử hình trong hơn 10 năm nay, Malaysia đã xoá bỏ án tử hình bắt buộc cho các tội danh liên quan đến ma tuý, thì Việt Nam lại có mặt trong nhóm bảy nước áp dụng án tử hình nhiều nhất cho các tội phạm liên quan đến ma tuý năm 2017.
Tyron Coetzee không phải là người nước ngoài duy nhất nhận án tử hình trong năm 2018 vì vận chuyển trái phép chất ma tuý. Ngoài anh, còn có ba người khác, gồm hai người đàn ông Lào và một phụ nữ Việt Kiều Úc.
Một trường hợp hiếm hoi vận chuyển ma tuý số lượng lớn mà thoát án tử hình là vụ án của Dapirka Maria Aleksandr, 32 tuổi, người Nga. Cô bị bắt khi phát hiện mang trái phép khoảng 2,2 kg cocaine vào Việt Nam. Theo báo Tiền Phong, Dapirka mang hộ túi xách có chứa ma tuý do bạn trai nhờ cô chuyển từ Brazil đến Lào, khi cô quá cảnh tại Việt Nam thì bị bắt.
Theo quan sát của chúng tôi, những tội phạm bị bắt vì vận chuyển hay mua bán ma tuý với số lượng lớn đều cầm sẵn bản án tử, bất kể mức độ và hoàn cảnh phạm tội của họ là khác nhau. Một phiên toà ở Hà Nam đã tuyên chín bản án tử hình cho các bị cáo vào cuối tháng 11/2018. Cùng ngày, Toà án Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng tuyên bốn bản án tử hình.
Tuy nhiên, án tử hình thực chất có giúp giảm tội phạm liên quan đến ma tuý? Liệu có nhất thiết phải tuyên án tử hình nhằm răn đe những tội phạm liên quan đến ma tuý trong tương lai?
Thực tế, số vụ án liên quán đến ma tuý đã không giảm trong hơn mười năm qua, mà còn tăng theo số lượng người nghiện ma tuý.
Theo tờ trình về sửa đổi Luật Phòng chống, ma tuý năm 2000, số vụ ma tuý từ năm 2001 đến năm 2007 là 76.000 vụ, so với giai đoạn 1995 – 2000 tăng trên 33% và lượng heroin thu giữ tăng gần 70%.
Trong sáu tháng đầu năm 2018, lượng ma tuý mà công an thu giữ được từ hơn 12.000 vụ đã gần bằng lượng ma tuý thu được trong cả năm 2017.
Thật khó để trả lời chính xác được án tử hình có giúp giảm tội phạm ma tuý không. Tuy nhiên, nếu số lượng án tử hình cho những tội danh này ngày càng nhiều nhưng loại tội phạm này ngày một tăng, thì chúng ta cần phải đánh giá lại việc áp dụng hình phạt này.
Số lượng người bị tuyên án tử hình đã tăng gấp đôi
Trong 5 năm gần đây, số lượng người bị tuyên án tử hình bằng 77% số người bị tuyên án tử hình giai đoạn 1992 – 2002, tức là 11 năm.
Theo báo cáo của Bộ Công an về tổng kết 5 năm thi hành Luật Thi hành Án hình sự thì có 1.134 người bị tuyên án tử hình từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2016, đồng thời 336 người bị kết án tử hình trước năm 2011 vẫn còn bị tạm giam.
Tổng hai con số này đã ngang bằng với số người bị tuyên án tử hình trong 11 năm (1992-2002), theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014, có trích dẫn số liệu từ Văn phòng Toà án Nhân dân Tối cao.
Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên khuyến khích các nước còn duy trì hình phạt tử hình nên giảm phạm vi áp dụng và tiến tới xoá bỏ hình phạt này. Tại hai phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 2009 và 2014, Việt Nam cũng đã chấp nhận các khuyến cáo tương tự về án tử hình. Tuy nhiên, trong thực tế, con số tử tù ở Việt Nam vẫn liên tục tăng.
Tuy các toà án vẫn tuyên các bản án tử hình một cách công khai, báo chí cũng dễ dàng tham gia các phiên toà này, thế nhưng, những số liệu thống kê chi tiết về án tử hình lại được cung cấp một cách hạn chế đến công chúng. Tổ chức Ân xá Quốc tế từng báo cáo rằng, án tử hình ở Việt Nam vẫn được xem là bí mật quốc gia. Vì vậy mà số người bị tuyên án tử hình trong từng năm, tội danh, giới tính, độ tuổi phạm tội đều chưa được công bố.
Để hiểu rõ hơn về việc áp dụng án tử hình ở Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu tự thu thập những trường hợp bị tuyên án tử hình qua báo chí trong năm 2017 và 2018.
Kết quả thu thập cho thấy, có ít nhất 125 người bị tuyên án tử hình trong năm 2017 và ít nhất 120 người bị kết án tử trong năm 2018. So với báo cáo của Bộ Tư pháp đã nêu bên trên (số án tử hình năm 2018 tăng 122 trường hợp so với 2017), thì dữ liệu này là chưa đầy đủ.
Theo dữ liệu trên thì có ít nhất 31 toà án cấp tỉnh, thành phố đã tuyên án tử hình trong năm 2018. Trong đó, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên nhiều bản án tử hình nhất, ít nhất 31 người. Tiếp đến là Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, ít nhất 17 người; Hà Nam xếp thứ ba với ít nhất 10 người. Hầu hết những người bị tuyên án tử hình là nam giới, chỉ có 12 người là nữ.
Người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Hữu Tình, 18 tuổi, quê ở An Giang. Tình bị tuyên án tử hình vì đã giết năm người trong một gia đình ở quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) rồi bỏ trốn trong những ngày giáp Tết năm ngoái. Người nhỏ tuổi thứ hai là Vàng A Nỏ, sinh năm 1999, bị Toà án Nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên án tử hình vì mua bán ma tuý trái phép. Nỏ bị bắt quả tang cùng với hai người khác khi đang vận chuyển 40 bánh heroin vào bán cho một người ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Nỗi đau nhân đôi sau bản án tử hình
Trong năm qua, đã có những vụ án mà gia đình của bị cáo cũng vừa là gia đình của bị hại. Đó là gia đình của Nguyễn Văn Hồ, 30 tuổi, ở TP. Cần Thơ; và gia đình của Tôn Thất Minh, 23 tuổi, ở Đồng Nai.
Theo báo Giao Thông, nghi vợ của mình có qua lại với người mà Hồ mượn nợ, anh đã giết vợ ngay tại nhà của mẹ vợ vào tháng 8/2017. Hơn ba tháng sau, Hồ bị tuyên án tử hình. Mặc dù gia đình bên vợ đã xin giảm án cho Hồ nhằm giữ lại cha cho con nhưng cả hai phiên xét xử đều tuyên Hồ án tử hình. “Con đã mất mẹ nay lại mất cha, nó khổ”, gia đình vợ Nguyễn Văn Hồ nói trong phiên toà phúc thẩm.
Còn Tôn Thất Minh bị tuyên án tử hình sau khi giết hại mẹ ruột của mình trong trạng thái đang dùng chất ma tuý vào tháng 5/2017. Bản án tử hình của Minh đã làm cho gia đình lại mất đi một người thân trong cùng một vụ việc.
Án tử hình ngoài lý do loại bỏ vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi xã hội thì còn được xem là trả lại công lý cho nạn nhân và người nhà của họ. Trong các vụ án giết người, công chúng thường chọn cách đứng về phía gia đình nạn nhân và muốn kẻ thủ ác phải chịu hình phạt cao nhất. Nhưng trong hai vụ án này, án tử hình chẳng những không mang lại công lý cho các gia đình mà còn nhân đôi nỗi đau của họ.
Để không bị lãng quên
Trong những ngày đông rét mướt này, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan, lần thứ năm ra Hà Nội kêu oan cho con trong năm nay.
Nộp đơn, căng biểu ngữ, biểu tình trước trụ sở tiếp công dân, biểu tình trên xe buýt, gào thét ở vườn hoa hay trên các trục đường chính của Hà Nội đã trở thành những việc làm quen thuộc mỗi lần người mẹ này đặt chân đến Hà Nội. Với bà Loan, Hà Nội là nơi bà kêu oan, là nơi bà kỳ vọng sẽ trả lại công lý cho con trai của mình.
Không chỉ có bà Loan mà ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh cũng đã quen với những công việc này. Cả ba người đều ra đến thủ đô lần đầu tiên khi ngày thi hành án tử hình của con mình đã cận kề và đã cùng đồng hành kêu oan trong hơn mười năm.
Từ trái qua bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hồ Duy Hải), ông Nguyễn Trường Chinh (bố của Nguyễn Văn Chưởng) và bà Nguyễn Thị Việt (mẹ của Lê Văn Mạnh). Ảnh: Thịnh Nguyễn.
Hồ Duy Hải bị tuyên án tử hình vì giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An vào đầu năm 2008. Mặc dù một số tang vật, trong đó có hung khí để gây án không được thu thập tại hiện trường mà mua từ chợ về, và bản lời nhận tội của Hải chứa đựng nhiều mâu thuẫn, nhưng toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn tuyên phạt Hải tử hình vì tội giết người.
Nguyễn Văn Chưởng bị buộc tội giết một thiếu tá công an phường ở Hải Phòng trên đường đi cướp với hai thanh niên khác vào 7/2007. Tuy nhiên, những người làm chứng cho biết họ thấy Chưởng về quê ở Hải Dương trong cùng thời điểm vụ án mạng xảy ra, trong khi đó cáo trạng buộc tội anh thì cho rằng Chưởng cùng đồng phạm gây án trước rồi mới về Hải Dương.
Còn Lê Văn Mạnh cho rằng mình đã bị ép cung, nhục hình nên mới nhận tội hiếp dâm và giết chết một cô bé 14 tuổi ở Thanh Hoá. Trong vụ án của Mạnh, ngoài lời nhận tội thì các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được không đủ để kết tội anh.
Hơn 10 năm nay, cả ba vụ án là thách thức của ngành tư pháp khi án tử hình đã tuyên nhưng việc thi hành thì bị tạm dừng vô thời hạn. Hải, Mạnh, Chưởng vẫn bị giam theo quy định giam giữ tử tù; bà Loan, ông Chinh, bà Việt vẫn miệt mài kêu oan trong khi sức khoẻ và thu nhập thì ngày càng sa sút.
Trong hơn mười năm nay, cả ba gia đình chỉ biết làm mọi cách để vụ án của con họ không rơi vào quên lãng, còn “cuộc chiến pháp lý” là thứ nằm ngoài khả năng chi trả của họ. Vụ án của Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng đã được xét xử giám đốc thẩm nên chỉ còn cách chờ quyết định ân xá của Chủ tịch nước.
Án tử hình có thể giúp gia đình bị hại cảm thấy công lý được thực thi hay người dân cảm thấy an tâm hơn khi kẻ phạm tội bị loại bỏ khỏi đời sống. Nhưng án tử hình khó có thể được coi là giải pháp hiệu quả đối với tội phạm, trong khi đó, nó tước đi cơ hội của họ để bắt đầu một cuộc đời mới.
—
Từ khoá:
án tử hình: death penalty, capital punishment
xử tử hình: execution (n), to execute (v)
án oan : wrongful/unlawful case
quyết định xét xử/phán quyết oan sai: wrongful/unlawful conviction, wrongful/unlawful verdict
bị bắt: to be arrested
bị tạm giữ, tạm giam: to be detained, to be held in custody
ép cung: forced confession
biệt giam: solitary confinement
tra tấn: torture
phiên xử sơ thẩm: trial, trial hearing
phiên xử phúc thẩm: appeal hearing
thủ tục giám đốc thẩm: trial of cassation