Ngày 9/1/2019, ba thanh viên trong vụ án oan “chiếc áo đỏ” ở Cà Mau được nhận tiền bồi thường 498 triệu đồng cho 12 tháng và 22 ngày ngồi tù oan.
Tương lai của Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Vũ Ca và Lê Minh Nhựt mịt mờ sau những tháng ngày bị giam. Chỉ sau hơn một năm, kinh tế của cả ba gia đình đều khánh kiệt.
Không nổi tiếng như án oan Hàn Đức Long hay Nguyễn Thanh Chấn, nhưng vụ ba thanh niên bị oan ở Cà Mau là ví dụ điển hình cho một hệ thống tư pháp mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể dễ dàng bị bắt oan, ép cung, biệt giam nhiều tháng trời.
Bỗng dưng bị bắtKhuya ngày 2/6/2015, Nguyễn Hoàng Khang (20 tuổi) đi cùng Nguyễn Vũ Ca (19 Tuổi) từ huyện Năm Căn lên thành phố Cà Mau để thăm bạn là Lê Minh Nhựt (16 tuổi). Nhựt đang nghỉ hè nên chạy bàn ở Quán 797 ở Phường 8.
Nhựt vừa chạy bàn vừa uống bia với hai người bạn thì Lâm Chí Nhẫn đi cùng công an xã Lý Văn Lâm tới quán và tố cáo rằng, đây là ba người đã cướp điện thoại của Nhẫn trên một chiếc cầu cách đó không xa. Cả ba được mời về trụ sở công an xã để điều tra nhưng được thả ngay sau đó.
Nhưng mọi việc không đơn giản như họ tưởng.
Nhựt nhuộm tóc vàng, có một tiền sự về đánh nhau, học lực trung bình, hay tụ tập bạn bè. Những điều này càng làm công an muốn buộc tội anh. Hơn nữa, người bị hại đã khai, người đâm anh ta mặc một chiếc áo đỏ. Đúng hôm đó, Nhựt cũng mặc áo màu đỏ.
Tám ngày sau công an đưa Khang từ Năm Căn lên trụ sở công an xã tiếp tục lấy lời khai.
“Lúc đầu, em không nhận tội vì mình đâu có làm mà phải nhận”, Khang nhớ lại. Khang không biết Ca cũng bị bắt và đã nhận tội. Ca được công an dắt vào phòng, chỉ mặt Khang là tòng phạm tham gia vụ cướp.
Chiến thuật của công an đã khá rõ ràng, ép một trong ba người phải nhận tội để như thế thì hai người kia khó mà chối tội.
Một mình trong đồn, bị người bạn chỉ tội, Khang không còn lựa chọn nào khác.
“Lúc đó là em hết biết gì rồi. Thằng bạn ngồi nhậu chung với mình chỉ mặt là đã đi cướp chung. Công an đánh em vào đầu bằng tay không, sợ quá nên em nhận tội”, Khang nói tiếp.
“Em chỉ nhận tội là có tham gia đánh chứ không ăn cướp, vì nghĩ tội đánh người thì sẽ nhẹ tội hơn. Sau đó, họ hỏi theo kiểu ‘lúc giờ đó,… đến đó.. đúng không’, kiểu mồi cho mình trả lời, em cũng trả lời cho xong rồi ký vào biên bản”.
Theo Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, Ca khai là ban đầu anh không nhận tội nhưng bị công an xã chở vào một con hẻm vắng, đánh đến ho ra máu rồi quay lại trụ sở ký biên bản.
Cùng ngày, Nhựt bị đưa đi thẩm vấn. Trong phòng hỏi cung, Khang và Ca bước vào để nhận tòng phạm trong vụ cướp. “Mày nhận tội đi, tội này không lớn đâu, nhận xong rồi tao thả mày về”, viên công an nói rồi đọc cho Nhựt viết chi tiết về vụ cướp mà anh chưa bao giờ gây ra.
Nhựt mở lại một bức ảnh mà anh (tóc vàng) cùng với Ca (đứng giữa) và Khang trong phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Lúc này, cả ba người đều đã nhận tội, nhưng Nhựt chỉ mới 16 tuổi nên phải có sự xác nhận lời khai của ba mẹ.
Ngày hôm sau, ba mẹ của Nhựt được mời lên đồn công an để làm chứng cho lời khai của của con. Họ chỉ cần ký vào một biên bản mà Nhựt đã ký về vụ cướp chứ không cần phải chứng kiến quá trình Nhựt bị lấy cung.
Nhựt lại kêu oan khi gặp ba mẹ, ngay lập tức, anh bị bắt trở lại buồng giam. Khác với Ca và Khang, Nhựt bị giam ở phòng giam đặc biệt cho những ai vi phạm nội quy của trại tạm giam – mặc dù anh chỉ mới bị bắt.
“Hợp tác” với cơ quan điều tra là nhận tội“Phòng giam đó chỉ dành cho thành phần không chấp hành nội quy. Trong khi đó, em vừa mới bị đưa vào thì đã bị biệt giam”, Nhựt kể về sáu tháng bị biệt giam.
“Em bị giam chung với ba người khác. Phòng rất tối, ẩm, nóng, chỉ vừa đủ bốn người nằm sát nhau, cứ trở mình là đụng trúng người kia”. Nhựt rất sợ, đêm nào cũng khóc, không hiểu vì sao tự dưng mình lại bị bắt vào đây, không biết gia đình mình như thế nào.
Nhựt bị bắt tạm giam khi mới 16 tuổi. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì Nhựt sẽ không bị bắt tạm giam nếu phạm tội ít nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã dựa trên mỗi lời khai của nạn nhân là Nhựt đã dùng hung khí đâm nạn nhân và cướp tài sản. Do đó, tội danh của Nhựt bị chuyển thành “nghiêm trọng” với khung hình phạt ít nhất là 7 năm tù giam.
Nhựt chỉ là một trong số ít nhất 1.000 người dưới 18 tuổi đã bị tạm giam, tạm giữ từ năm 2011 đến 2016, theo báo cáo của Bộ Công an. Họ cũng giống như Nhựt, bị giam chung với những người thành niên khác. Điều này là trái với Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên từ năm 1982, mà theo đó, người chưa thành niên phải được giam giữ tách riêng khỏi người lớn. Thế nhưng, chiếu theo quy định của nhà nước lúc bấy giờ thì lại không sai vì Luật Tạm giữ, Tạm giam 2015 vẫn chưa được thông qua.
Khang được giam trong phòng mà anh gọi là “phòng một cửa”, thoáng và có nhiều ánh sáng hơn. Khang mô tả trong trại tạm giam Công an huyện Cái Nước có hai loại phòng là “biệt giam” và “một cửa”. Có tổng cộng khoảng 20 phòng khác nhau.
Sau phiên toà sơ thẩm thứ hai (phiên toà thứ nhất đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung), Khang cũng bị chuyển xuống phòng “biệt giam” vì anh phản cung và gây rắc rối cho cơ quan điều tra.
“Bị biệt giam trong căn phòng tối, ngang khoảng 3m, dài khoảng 5m vừa đủ cho bốn người. Ai cũng không dám mặc quần áo, chỉ mặc mỗi quần lót vì trời nóng, mặc quần áo sẽ chảy nhiều mồ hôi, dễ bị ghẻ lở”, Khang kể.
Khang bị biệt giam cho đến khi được tại ngoại về nhà, nhưng anh vẫn còn may mắn hơn Nhựt là được gia đình đến thăm hai lần mỗi tháng.
Gia đình của Nhựt chỉ được phép gửi đồ chứ không được gặp mặt vì công an nói với họ là “đang trong quá trình điều tra”, cho tới gần đến ngày xét xử sơ thẩm lần thứ nhất.
Bị biệt giam và không cho gặp gia đình là cách “thưởng phạt công bằng” của cơ quan điều tra dành cho những người bất “hợp tác” – không chịu nhận tội như Nhựt.
Theo mẹ của Nhựt, một điều thể hiện rõ ràng sự phân biệt đối xử với Nhựt là chiếc xe máy Ca dùng để “gây án” thì được trả lại, trong khi chiếc xe máy của Nhựt thì bị giữ cho đến khi anh được thả.
Trong phiên toà lần thứ nhất, Nhựt vẫn còn nguyên mái tóc cũ, dài và nhuộm vàng để cho thấy anh là thành phần bất hảo như một tên tội phạm. Trong khi đó, Khang và Ca đã được cho phép cắt tóc gọn gàng.
Oan sai vì trọng cung hơn trọng chứng
Bản cáo trạng tháng 02/2016 đã không dựa trên bằng chứng của vụ việc mà chủ yếu dựa trên lời khai của người bị hại. Đồng thời, các bằng chứng ngoại phạm của cả ba bị cáo đã bị bỏ qua một cách dễ dàng.
Cáo trạng viết: “khi chạy đến dốc cầu Lương Thế Trân, Nhựt nhìn thấy anh Lâm Chí Nhẫn đang dừng xe để nghe điện thoại di động trên cầu, lúc này xe của Khang và Ca cũng vừa đến, Nhựt liền ra hiệu cho Khang và Ca biết”. Đây chỉ là lời khai chủ quan của người bị hại, cơ quan điều tra không có bằng chứng xác minh Nhẫn đã nghe điện thoại trên cầu Lương Thế Trân khuya ngày hôm đó. Tuy cơ quan điều tra yêu cầu trung tâm viễn thông xác minh cuộc gọi đó, nhưng vì đã qua sáu tháng nên dữ liệu đã bị xoá.
Một đoạn khác ghi: “Nhựt điều khiển xe chạy qua cầu Lương Thế Trân, dừng xe ở ven đường nhặt được 01 khúc gỗ dạng đố vuông có một cạnh tròn dài khoảng 50 đến 60 cm, rồi quay xe lại chạy lên cầu dùng thanh gỗ đánh mạnh vào đầu anh Nhẫn nhiều cái làm vỡ nón bảo hiểm của anh Nhẫn […] Nhựt ở lại tiếp tục mở cốp xe lấy ra một cây kéo bằng kim loại bị gãy phần mũi […] đâm vào vai anh Nhẫn khiến thương tích rồi lấy chiếc điện thoại di động hiệu Asus Zenfone 5 của Nhẫn lên xe chạy đi”.
Đây cũng là lời khai chủ quan của người bị hại. Khúc gỗ, cây kéo và mảnh vỡ của nón bảo hiểm đều không được tìm thấy ở hiện trường, và cũng không có nhân chứng. Mặt khác, báo cáo điều tra bổ sung của cơ quan điều tra lại không chứng minh được anh Nhẫn bị vật kim loại đâm vào vai.
Cáo trạng còn xác định Nhựt đã bán chiếc điện thoại của Nhẫn sau khi cướp được cho một người không quen biết lấy 200.000 đồng. Trong khi vụ án của cả ba đã nổi tiếng khắp Cà Mau, nhưng người mua chiếc điện thoại đó vẫn không đến trình báo.
Chủ quán 797 – nơi Nhựt làm việc – đã ra toà làm chứng là đêm hôm đó Nhựt không ra khỏi quán, vừa chạy bàn, vừa nhậu với hai người bạn, chứng cứ ngoại phạm này bị cơ quan điều tra bỏ qua.
Trụ sở Công an huyện Cái Nước (Cà Mau), nơi Nhựt, Khang và Ca bị giam giữ. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Không đủ bằng chứng, nên lời nhận tội của nghi phạm trở thành chứng cứ hiệu quả nhất. Và đó là nguyên nhân mà cơ quan điều tra đã dùng nhiều thủ đoạn để buộc cả ba phải nhận tội.
“Trong một lần đi cung khoảng 8 đến 9 giờ tối, em được ông Lộng [theo Nhựt là ông Trần Thanh Lộng, thủ trưởng cơ quan điều tra huyện Cái Nước], yêu cầu gọi điện thoại về nhà và nhận tội với gia đình. Em gọi về nhà, rồi nói: “cha ơi, con có tội rồi, cha đừng làm lớn chuyện”, Nhựt kể. Đoạn nói chuyện này được cơ quan điều tra sử dụng như một bằng chứng cho thấy Nhựt đã nhận tội.
Theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Ca được điều tra viên “hướng dẫn” viết thư nhận tội gửi về nhà, trong thư có đoạn: “Cha mẹ ơi bữa đó vào con bị đánh ho ra máu luôn. Nhưng con nghĩ đó là bài học của con vì không nghe lời cha mẹ dạy. … Nhưng con đã làm sai rồi phải chịu thôi. Thương cha mẹ nhiều với chế Hai nữa”.
Việt Nam đã thông qua Công ước Chống tra tấn năm 2014. Theo đó, quy định những thông tin nào có được từ việc ép cung, đe đoạ, tra tấn người bị bắt để nhận tội hoặc tự khai điều gì bất lợi cho bản thân, đều không được xem là bằng chứng để chống lại người đó. Tuy nhiên, VKSND huyện Cái Nước vẫn sử dụng những bằng chứng này để buộc tội Nhựt và Ca.
Mặt khác, tuy chỉ căn cứ vào lời khai của người bị hại nhưng VKSND huyện Cái Nước đã đề nghị khung hình phạt rất nặng đối với Nhựt từ 7 đến 15 năm tù giam, trong khi Khang và Ca chỉ bị đề nghị ba năm tù giam.
VKSND huyện Cái Nước còn xem việc gia đình Khang và Ca đi bồi thường cho nạn nhân số tiền 5 triệu đồng như một bằng chứng phạm tội được nêu trong cáo trạng. Cha mẹ Nhựt từng nhiều lần bị VKSND huyện Cái Nước “thuyết phục” đi bồi thường để giảm tội cho Nhựt. Thậm chí, theo mẹ của Nhựt, đại diện VKSND huyện Cái Nước còn nói miệng là “bồi thường đi rồi sẽ thả Nhựt ra”.
Đây là một cách thức phổ biến mà VKSND ở nhiều nơi áp dụng đối với gia đình nghi phạm. Ví dụ như VKSND tỉnh Long An cũng đã nhiều lần thuyết phục gia đình tử tù Hồ Duy Hải bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Đến nay, Hồ Duy Hải đã bị giam hơn 10 năm trong một vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai, và vẫn đang chờ ngày giám đốc thẩm.
Trong ba phiên toà sơ thẩm, cả ba người đã được nhiều luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí. Đến giữa tháng 8/2016, VKSND huyện Cái Nước quyết định đình chỉ vụ án do không đủ chứng cứ buộc tội, cả ba người được tự do sau 386 ngày bị giam oan sai.
Trong một hệ thống tư pháp bất công thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trở thành nạn nhân, và bị trừng phạt vì những tội ác mà họ chưa bao giờ phạm phải.
Và kể cả khi họ được minh oan, thì cuộc sống trước kia cũng không bao giờ quay trở lại.
—
Từ khoá:
án tử hình: death penalty, capital punishment
án oan : wrongful/unlawful case
quyết định xét xử/phán quyết oan sai: wrongful/unlawful conviction, wrongful/unlawful verdict
bị bắt: to be arrested
bị tạm giữ, tạm giam: to be detained, to be held in custody
ép cung: forced confession
biệt giam: solitary confinement
tra tấn: torture
phiên xử sơ thẩm: trial, trial hearing
phiên xử phúc thẩm: appeal hearing
thủ tục giám đốc thẩm: trial of cassation