‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Sau 386 ngày bị giam oan, cuộc sống trước kia đã không bao giờ trở lại với Lê Minh Nhựt. Biến cố bất ngờ đó đã đẩy gia đình đến một cuộc sống mà họ chưa bao giờ hình dung.
Tôi gặp Nhựt, mẹ và em gái anh trong một căn nhà trọ ở Bình Dương. Hôm đó, hai mẹ con không phải tăng ca trong nhà máy. Nhựt cũng đã tạm nghỉ học ở trung tâm giáo dục thường xuyên được vài hôm. Nhựt cao, ốm, tóc cắt ngắn thay cho mái tóc dài nhuộm vàng như hồi anh bị bắt.
Đi Bình Dương là cách để họ thoát khỏi rắc rối sau ngày giải oan, nơi không ai biết Nhựt là ai.
Khám nhà lúc nửa đêm
Sau khi Nhựt được về nhà khoảng hai tuần thì công an xã Lý Văn Lâm bắt đầu sách nhiễu gia đình.
Theo mẹ Nhựt – bà Huỳnh Thị Út, 40 tuổi – khoảng nửa đêm hôm đó, công an xã Lý Văn Lâm vào xét nhà của gia đình.
“Cả một dãy nhà trọ nhưng công an chỉ đòi xét mỗi nhà của mình, không có bất kỳ giấy tờ khám xét nào cả. Họ xét xong thì giữ giấy chứng minh nhân dân của thằng Nhựt”, mẹ của Nhựt kể. Lúc đó, bà rất hoang mang vì sợ Nhựt bị bắt thêm lần nữa.
Lê Minh Nhựt trong căn nhà trọ ở Bình Dương cùng mẹ và em gái, ảnh chụp tháng 4/2018. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
“Những ngày sau đó, công an xã hễ thấy Nhựt ở đâu là hỏi giấy tờ ở đó. Họ bắt chủ nhà trọ phải đuổi gia đình đi, không cho ở xã Lý Văn Lâm nữa”, mẹ Nhựt kể lại. “Sợ Nhựt bị đánh, sợ bị bỏ thuốc phiện vào trong áo, bị bắt thêm lần nữa, ở dưới Cà Mau có nhiều việc để làm, lên Bình Dương là vì Nhựt. Một lần bị bắt oan đã thấy con mình khổ lắm rồi, lần nữa là chết trong trại giam luôn”.
Công an xã Lý Văn Lâm là nơi mời Nhựt và hai người bạn của anh – Nguyễn Hoàng Khang và Nguyễn Vũ Ca – về làm việc trong đêm xảy ra vụ cướp. Tám ngày sau đó, cả ba được mời về làm việc một lần nữa tại công an xã Lương Thế Trân. Tại đây, cả ba bị đánh và buộc phải nhận là đã đi cướp vào đêm hôm đó.
Khang và Ca nhận tội trước. Họ chỉ tội Nhựt là chủ mưu của vụ cướp. Nhật và Khang kêu oan trong phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất. Khai trước toà, Khang nói mình đã bị đánh và bị ép cung nên mới nhận tội. Đến phiên toà sơ thẩm lần thứ hai thì Ca cũng kêu oan.
Phải làm gì sai thì mới bị bắt?
Mặc dù được trả tự do nhưng trong mắt nhiều người Nhựt không còn trong sạch.
Những ngày đầu khi Nhựt bị bắt, ai cũng nghĩ anh đi ăn cướp thật, “người ta nói con mình phải làm cái gì đó thì mới bị bắt, chứ công an không dễ bắt người như vậy được”, mẹ Nhựt nói.
Nhựt và hai người bạn vẫn chưa được tuyên là vô tội. Sau ba lần TAND huyện Cái Nước trả hồ sơ cho để tiếp tục điều tra thì vụ án được VKSND huyện này đình chỉ với lý do là “tài liệu thu thập trong hồ sơ chưa đủ căn cứ” để buộc tội ba người về tội cướp tài sản.
“Lần bị bắt đó thay đổi nhiều thứ lắm, em mặc cảm khi người ta nhìn mình. Em cũng ít tiếp xúc với người lạ, ít nói chuyện”, Nhựt nói về những ngày bị kỳ thị mà anh gặp phải sau khi được trả tự do.
“Nó để lại dấu tích trong cuộc đời mình. Bây giờ thì một số người ta vẫn còn kỳ thị, họ nói ‘mày mà không được thả ra tao cũng không nghĩ mày vô tội đâu’. Bạn bè thì có nhiều người hiểu, nhiều người cũng không hiểu”.
Khi đang nghỉ hè năm lớp 10 thì Nhựt bị bắt. Từ đó, việc học của anh không hề suôn sẻ, kể cả sau khi chuyển trường.
Vì sợ bị công an xã trả thù nên gia đình đã chuyển Nhựt lên học tại một trường tư thục nội trú ở thành phố Cần Thơ, nhưng chuyện không hay vẫn tiếp diễn.
“Học đến khoảng tháng tứ Tư ở Cần Thơ thì đi đến đâu cũng bị dị nghị là từng ở tù. Lớp học hơn 30 đứa thì chỉ có một hai đứa là chơi với em”, Nhựt kể về thời gian học ở Cần Thơ. “Có nhiều đứa hay kiếm chuyện. Một hôm em đang ngồi ăn mì ở căng-tin thì tụi nó đến giựt ghế rồi đánh em”.
Cũng vào đêm đó, Nhựt bị 5-6 bạn học lôi ra từ phòng ký túc xá, bị đánh hội đồng một lúc thì được bạn học và giám thị can ra. Nhựt được đưa đi bệnh viện.
Từ sau lần bị đánh đó, gia đình đã đưa anh về Cà Mau, việc học của Nhựt tiếp tục bị gián đoạn. Vì sợ công an tiếp tục sách nhiễu, mẹ đưa Nhựt cùng em gái lên thuê nhà trọ ở Bình Dương.
Lúc đầu, Nhựt đi làm cho một quán karaoke ban ngày. Ban đêm thì anh đi học bổ túc văn hoá ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng đến khi tôi gặp Nhựt vào giữa tháng 4/2018 thì anh đã tạm nghỉ học để theo mẹ vào làm công nhân trong một nhà máy sản xuất đồ gỗ.
Nhựt nghỉ học sau khi đơn kháng cáo đòi tăng tiền bồi thường của anh bị TAND huyện Cái Nước bác bỏ. Số tiền bồi thường giảm xuống còn 137 triệu đồng so với 175 triệu đồng đã được toà quyết định trước đó.
Trụ sở Toà án Nhân dân huyện Cái Nước, nơi ba lần xét xử sơ thẩm vụ án của Nhựt, Khang và Ca. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Một người bị bắt oan – cả nhà lao đao
Ngày biết con mình bị bắt oan, cha mẹ Nhựt đã nghỉ việc để tìm cách cứu con. Cha Nhựt, ông Lê Văn Mỹ, nghỉ làm bảo vệ với mức lương hơn 4,5 triệu đồng mỗi tháng, còn mẹ Nhựt, bà Huỳnh Thị Út, thôi phụ việc ở quán bánh xèo gần nhà. Gia đình phải dùng số tiền dành dụm để sinh hoạt và kêu oan cho con.
Trong suốt sáu tháng trời, cha mẹ Nhựt đã không được gặp con. Cho đến lúc sắp ra toà sơ thẩm lần đầu tiên thì họ mới được thăm anh. Lúc đó, họ mới biết Nhựt bị giam trong phòng giam “đặc biệt”.
Ở Năm Căn, gia đình của Khang chỉ trông cậy vào mấy ao nuôi tôm tự nhiên. Trước đó, Khang đi làm công nhân ở Đồng Nai về thăm nhà mấy hôm thì bị bắt. Anh bỗng dưng mất việc, rồi gia đình phải gánh thêm chi phí thăm nuôi hàng tháng.
“Có lần thấy ba vào thăm em, ba ốm đi nhiều lắm. Nhà cũng không phải dư dả gì, nhưng tuần nào cũng gửi đồ ăn, đi hơn 50-60 km lên thăm hai lần một tháng. Em cũng buồn lắm vì làm cho ba mẹ khổ”, Khang nhớ lại lúc anh còn bị tạm giam.
Chỉ mỗi việc toan tính mưu sinh hằng ngày đã là vất vả, gia đình của Khang đã gần như khánh kiệt trong hơn một năm anh bị giam oan.
386 ngày ngồi tù oan và lời xin lỗi trong 2 phút
Ngày 13/6/2018, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau đã đọc lời công khai xin lỗi Lê Minh Nhựt trong hai phút, nội dung xin lỗi chỉ đơn thuần là “đã để lại oan sai cho Lê Minh Nhựt trong vụ án cướp tài sản”, và đề nghị “chính quyền địa phương giúp đỡ cho Nhựt sớm ổn định cuộc sống”.
Đại diện VKSND cũng từ chối trả lời Nhựt về việc kỷ luật các điều tra viên, kiểm sát viên đã gây ra oan sai cho anh, và số tiền bồi thường mà gia đình vẫn chưa nhận được.
Gia đình Nhựt không chấp nhận lời xin lỗi của VKSND. Ông Mỹ, cha của Nhựt, nói rằng buổi xin lỗi như thế là chưa thật tâm khi chi tiết về vụ án oan mà con ông bị tạm giam 13 tháng không được công khai trong buổi xin lỗi.
Nhựt yêu cầu phải xin lỗi trên truyền hình vì trong lúc anh bị tạm giam thì đài truyền thanh đã đưa tin anh như một người phạm tội thật sự. Đại diện VKSND cho rằng việc công khai xin lỗi chỉ được đăng trên báo giấy, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Bà Út, mẹ của Nhựt, cho rằng mất mát mà gia đình bà phải chịu là quá lớn, Nhựt bị dở dang việc học, bị kỳ thị. Hơn nữa, gia đình đã hết sức lao đao vì bị công an xã sách nhiễu, đuổi khỏi nhà trọ nên buổi xin lỗi như vậy là không thỏa đáng.
Những gia đình bị án oan luôn muốn thoát khỏi quá khứ đã gây ra nhiều mất mát, nhưng họ không thể hướng về tương lai nếu với mức bồi thường không tương xứng và những buổi xin lỗi được tổ chức một cách qua loa.
Từ khoá:
án tử hình: death penalty, capital punishment
án oan : wrongful/unlawful case
quyết định xét xử/phán quyết oan sai: wrongful/unlawful conviction, wrongful/unlawful verdict
bị bắt: to be arrested
bị tạm giữ, tạm giam: to be detained, to be held in custody
ép cung: forced confession
biệt giam: solitary confinement
tra tấn: to torture
phiên xử sơ thẩm: trial, trial hearing
phiên xử phúc thẩm: appeal hearing
thủ tục giám đốc thẩm: trial of cassation