Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
“Tự do” và “Trung Hoa” (hay “Trung Quốc”) là hai khái niệm không mấy khi được đặt gần nhau, dù là vào thời điểm cực thịnh của đế chế Trung Hoa ngày xưa hay ở thời đại đang trỗi mình mạnh mẽ của nước Trung Quốc hiện đại hôm nay.
Các câu chuyện về những người Trung Quốc thường xuyên được gắn với, hay đặt trong bối cảnh của những “biển người” khổng lồ.
Đất nước Trung Quốc quá rộng lớn, dân tộc họ quá đông, nên khái niệm “tự do (của cá nhân)” thường dễ chìm nghỉm khi đặt trong cái đại dương to lớn vĩ đại đó.
Từ cổ chí kim, sinh mạng và quyền tự quyết của cá nhân luôn là thứ yếu khi đặt chung với vận mệnh và sự toàn vẹn của một dân tộc. Điều này đúng với gần như mọi nhóm người. Với những nhóm người đặc biệt lớn như dân tộc Trung Hoa, điều đó lại càng hiển nhiên.
Tự do cá nhân vì vậy là một khái niệm có vẻ không mấy phù hợp với người Trung Quốc.
Đó là cho tới khi người ta ngước mắt nhìn xuống phía Nam của lục địa khổng lồ này, tại một hòn đảo nhỏ, nơi có những người Trung Quốc (khác) sinh sống qua nhiều thế hệ, nơi họ không những bảo tồn được thứ văn hóa đặc sắc ngàn năm của cha ông mà còn lừng lững thắp lên ngọn nến tự do dân chủ: đảo quốc Đài Loan.
Năm 2018 là năm thứ sáu liên tiếp Đài Loan đứng cao nhất ở châu Á trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Toàn cầu (World Press Freedom Index), xếp trên Hàn Quốc, Nhật Bản, và cả Hong Kong.
Đài Loan xếp thứ 42/180 nước và vùng lãnh thổ, một vị trí không quá nổi bật so với thế giới. Nhưng so với nền dân chủ non trẻ của đảo quốc nhỏ bé này, so với những đồng bào da vàng khác, và nhất là so với những người anh em đại lục khổng lồ của mình, đây không khác gì ngọn nến lung linh trong gió.
Được khai phá từ thế kỷ 17, Đài Loan đã trải qua nhiều biến động. Từ bước chân của thực dân Hà Lan, Tây Ban Nha, đến chế độ của nhà Thanh, rồi thực dân Nhật, sau là một phần của nước Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), Đài Loan có thể xem là có chính phủ chính thức khi Tưởng Giới Thạch thua trận “dời đô” về đây năm 1949.
Kể từ đó, Đài Loan chỉ có một đảng phái cầm quyền là Quốc Dân Đảng (Kuomintang), cùng với chế độ thiết quân luật được áp đặt từ 1949, ban đầu đặt đất nước luôn trong trạng thái chuẩn bị để “trở về giải phóng” đại lục, sau này là công cụ để trấn áp tất cả những tiếng nói đối lập.
Đây là thời kỳ được gọi là “Khủng bố trắng” (White Terror), khi ước tính có 140.000 người Đài Loan đã bị cầm tù, trong đó 3.000 – 4.000 người bị hành hình. Nhiều người bị đàn áp vì bị cho là có dính líu đến cộng sản, hay gián điệp của Trung Quốc đại lục. Lại có rất nhiều nhân sĩ trí thức gặp nạn chỉ vì cất tiếng nói đối lập với nhà cầm quyền. Và có vô số những án oan cho đến tận ngày nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Thiết quân luật chỉ được dỡ bỏ trên đảo Đài Loan vào năm 1987, vào thời điểm đó được xem là chế độ thiết quân luật kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại (sau này “kỷ lục” trên bị phá khi thiết quân luật của Syria được dỡ bỏ vào năm 2011, kéo dài 48 năm).
Cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan đến vào gần 10 năm sau đó, năm 1996.
Kể từ đó đến nay, trong 20 năm liên tiếp Đài Loan luôn được xem là một quốc gia “tự do” (“free”, theo đánh giá của Freedom House).
Sự tự do của người Đài Loan là thứ mà nhiều người anh em ở đại lục hay cảm thấy khó hiểu.
Các show truyền hình của Đài Loan, đặc biệt là những chương trình giải trí, thuộc dạng tự do nhất thế giới. Họ có thể chia sẻ và đùa cợt về mọi thứ trên trời dưới đất, đủ đề tài “cấm kỵ”, từ tình dục cho tới chính trị. Những người dẫn chương trình sẵn sàng và được khuyến khích bỏ qua kịch bản dựng trước, ngẫu hứng sáng tạo tại chỗ, tương tác chân thật với khách mời. Những “lỗi kịch bản” thường được xem là dấu nhấn đặc sắc, được phát đi phát lại. Chuyện phòng the của cụ ông cụ bà được bàn bạc thoải mái, tật xấu của lãnh đạo được diễn đi diễn lại và châm biếm hàng ngày trên TV. Gần như không có vùng cấm, không có khái niệm “kị húy” (political correctness) ở đây.
Trái ngược với các show truyền hình của Trung Quốc, khi mọi thứ đều theo khuôn khổ, kịch bản định trước, được xử lý hậu kỳ kỹ càng, từng tiếng vỗ tay tới tiếng cười đều được dợt sẵn. Những khoảnh khắc “lỡ lời”, những tình tiết “nhạy cảm” nếu trái với “đường lối chủ trương” đều không bao giờ đến được với khán giả.
Trong khi Lập pháp Viện Đài Loan thường được nhắc tới với hình ảnh cãi nhau đốp chát, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thì Quốc hội Trung Quốc luôn xuất hiện trước bàn dân thiên hạ với hình ảnh trang nghiêm, đồng bộ, trên dưới nhất nhất đồng lòng “hướng đảng”.
Các cuộc bầu cử của Đài Loan lại càng mang tính chất showbiz, khi có đủ sự tham gia của nhân sĩ trí thức lẫn văn nghệ sĩ, gióng trống thổi kèn, tiền hô hậu ủng, người tung kẻ hứng, đa sắc đủ màu.
Nhiều người Trung Quốc thường chế giễu sự tự do và nền dân chủ của Đài Loan là một “trò chơi” (玩法), và họ tự tin là sớm muộn thì người Đài Loan cũng sẽ “chơi chán”, sẽ “giác ngộ” rằng mô hình của người anh em to bự của mình mới là “chân kinh” đáng để rước về học hỏi.
Bên cạnh những tiếng trống diều hâu mấy chục năm nay luôn giục giã phải dùng vũ lực “dạy Đài Loan một bài học”, có nhiều người “ôn hòa” cho rằng cứ dùng những biện pháp bao vây từ từ, rồi người Đài Loan sẽ nhận ra mà “quay đầu là bờ”. Sự tự tin này càng dâng cao trong hơn thập niên gần đây khi Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những người Trung Quốc đó không thể hiểu được vì sao phải có “tự do”, trong khi mình vẫn ngày một giàu lên, ăn sung mặc sướng. Với họ, “tự do” hay “dân chủ” cũng chỉ là một (trong những) công cụ, và “đảng nào cầm quyền cũng được”, tôi có ăn là được.
Người Trung Quốc có câu, “bất kể mèo đen hay mèo trắng, mèo nào bắt được chuột đều là mèo tốt”. Kinh nghiệm dân gian này có thể đúng trong nhiều trường hợp, nhưng không thể đúng với tự do của con người.
Chỉ có những người bị cầm tù mới thích thú tự do. Không có người nào đang tự do lại thích bị cầm tù.
Cũng như bầu không khí ta hít thở vào. Cùng là hít vào oxy, thở ra CO2, nhưng hít thở dưới một bầu không khí trong lành mát mẻ khác xa việc phải tìm oxy giải phóng CO2 dưới bầu trời mịt mù khói bụi ô nhiễm.
Với người sinh ra ở nơi ô nhiễm, chưa bao giờ được tiếp xúc với bầu không khí khác, họ sẽ không có ý niệm “trong lành” nghĩa là gì. Nhưng họ vẫn sẽ hít thở, vẫn sẽ thích nghi, đeo khẩu trang, bịt mồm bịt miệng, tiếp tục tồn tại. Còn với những ai đã được, dù chỉ một lần, tự do hít sâu thở mạnh những dòng khí trong trẻo dưới bầu trời xanh, sẽ không thể bắt họ tự nguyện vui vẻ đánh đổi để đưa bụi bẩn vào người.
Người ta có thể lừa người khác, lừa chính bản thân, nhưng không ai đánh lừa được cơ thể, lừa được giác quan của chính mình (chỉ có chiều ngược lại). Tự do chính là một thứ giác quan của tinh thần. Đó là thứ giác quan đầu tiên mà một con người phải có, cũng là thứ giác quan cuối cùng mà con người đó phải giữ.
Những người Trung Hoa tự do ở Đài Loan, hơn ai hết, hiểu rõ điều đó.
—
Từ khoá:
Đài Loan: Taiwan
Trung Hoa Dân Quốc, Cộng hoà Trung Hoa: Republic of China
tự do: freedom, liberty (n); free (adj)
tự do báo chí: press freedom, free press (n)
dân chủ: democracy (n), democratic (adj)
Trung Hoa đại lục: mainland China
Lập Pháp Viện (Đài Loan): Legislative Yuan
thiết quân luật: martial law