‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Vào sáng thứ Sáu vừa qua, 15/2/2019 theo giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (National Emergency).
Bất chấp tên gọi “nguy hiểm” như vậy, những tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ không phải là chuyện hiếm.
Trên thực tế, tính từ năm 1976, khi Đạo luật về Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia (National Emergencies Act) được thông qua, đã có 59 lần các Tổng thống Mỹ ký ban hành tình trạng khẩn cấp (không tính lần mới nhất này của Trump).
Trong số đó có 31 sắc lệnh được gia hạn thường xuyên và vẫn có hiệu lực cho tới thời điểm hiện tại.
Đa số các lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (TTKCQG) được các đời tổng thống kể trên thông qua đều liên quan đến các hoạt động đối ngoại, như phong tỏa tài sản các nước đối nghịch, cấm vận thương mại, trừng phạt các chính quyền hay cá nhân bị cho là tội phạm hoặc nguy hiểm đối với nước Mỹ, v.v. Chỉ hiếm hoi vài lần TTKCQG được đưa ra để xử lý hoạt động đối nội, như đạo luật vào năm 2005 liên quan đến việc ứng phó với cơn bão Katrina (đã hết hiệu lực); hay đạo luật trước đó vào ngày 14/9/2001, đưa ra ngay sau vụ tấn công khủng bố 11/9, nhằm tăng quyền huy động quân đội cho cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động (vẫn còn hiệu lực).
Lý do chủ yếu TTKCQG không được dùng cho đối nội, mà cụ thể cho những đợt thiên tai hoành hành, là vì thị trưởng các bang hoặc thành phố của Mỹ có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp (TTKC) tại khu vực mình quản lý. Việc ban bố TTKC tại khu vực đó diễn ra phổ biến mỗi khi có thảm họa thiên nhiên, hoặc các vụ khủng bố, nổ súng giết người hàng loạt.
Việc tổng thống tuyên bố TTKCQG vì vậy không phải là việc gây nhiều sự chú ý lắm trong dư luận Mỹ xưa nay.
Donald Trump khi tuyên bố phát biểu vào sáng thứ Sáu vừa rồi cũng có nói:
“Tôi sẽ ký ban bố TTKCQG, và nó đã được ký nhiều lần trước đó rồi. Những tổng thống trước đã từng ký nó, từ năm 1977 hay gì đó; ký cái đó trao quyền cho các tổng thống. Gần như xưa giờ chưa ai có vấn đề gì với chuyện ký cái đó cả. Họ cứ ký. Có ai quan tâm đâu. Tôi đoán họ cũng không khoái gì chuyện ký này. Có vài lần, rất nhiều lần, họ ký ban bố vì mấy chuyện vặt vãnh hơn nhiều. Còn ở đây chúng ta đang nói về việc đất nước này bị xâm lược, bởi ma túy, bởi bọn buôn người, bởi đủ loại tội phạm với băng nhóm giang hồ.”
Hầu hết đường biên giới Mỹ và Mexico được ngăn cách bởi các hàng rào. Ảnh: Sandy Huffaker/Agence France-Presse via Getty Images.
Với Trump, hành động này chỉ là để “trao quyền cho tổng thống”, chứ không có gì “khẩn cấp” cả. Trump cần có quyền để xây bức tường biên giới, một lời hứa đưa ra từ lúc tranh cử. Thực chất, ngay sau đó khi trả lời câu hỏi của phóng viên, Trump cũng đã nói thẳng “Tôi có thể cho xây bức tường từ từ. Tôi đâu cần phải làm việc này (ban bố TTKCQG), nhưng tôi thà làm vậy thì nó nhanh hơn nhiều.”
Nhiều người thuộc cả hai phe đã há hốc mồm khi nghe từ miệng Trump lời tâm sự “Tôi đâu cần phải làm việc này” (nguyên văn: “I didn’t need to do this”), và rất nhiều người dự đoán rằng Trump sẽ bị chính câu nói này “đập lại” khi các đơn khởi kiện chống lại quyết định ban bố TTKCQG này được phát ra.
Đơn giản vì ngay trong khái niệm, ban bố “tình trạng khẩn cấp” là một việc chẳng đặng đừng, là lựa chọn cuối cùng. Nó cho phép tổng thống được quyền đưa ra những quyết định cấp thời, không cần thông qua Quốc hội, cho phép cả việc ban bố tình trạng thiết quân luật, hạn chế các quyền dân sự, quyền con người, cho phép cảnh sát quân đội có quyền hạn lớn, tra hỏi, bắt người, giam giữ không cần trát tòa, v.v.
Trong một thể chế dân chủ, việc cho một cá nhân/ nhóm người được phép “vượt quyền” mà không chịu sự kiểm soát của nhân dân (thông qua đại biểu là Quốc hội) chỉ được xem là ngoại lệ, trong tình huống bất đắc dĩ, không phải là công cụ để lạm dụng.
Trên thực tế, ở những nước mà thể chế kiểm soát – cân bằng quyền lực không đủ mạnh, việc ban bố TTKCQG thường được dùng như một chiêu thức để đạt được mục đích chính trị.
Ví dụ như Ai Cập đã áp dụng TTKCQG trong suốt hơn 30 năm để kìm hãm các đảng đối lập, bắt bỏ tù những người phản đối chính quyền, tăng kiểm duyệt, hạn chế cấm đoán các hoạt động biểu tình, lập hội. Hay ở Ấn Độ vào năm 1975, thủ tướng khi đó là Indira Gandhi bị đảng đối lập kiện cáo, tòa án kết tội bà tham nhũng và lạm quyền. Gandhi đã phản ứng lại bằng việc ban bố TTKCQG, bắt bỏ tù những lãnh tụ đối lập, tăng cường trấn áp kiểm duyệt thông tin, quản lý đất nước trong gần hai năm thông qua sắc lệnh (rule by decree), thay vì thông qua Quốc hội (hai năm sau, khi gỡ bỏ TTKC, Gandhi và đảng của bà bị chính những người đối lập đó đánh bại trong cuộc bầu cử).
Lạm dụng TTKCQG là việc tương đối phổ biến ở những thể chế hoặc độc tài, hoặc “lộn xộn nửa nạc nửa mỡ”. Đối với nước Mỹ, quốc gia tự xem mình là hình mẫu của dân chủ, cho phép cá nhân nào đó lạm dụng quyền lực là việc đại cấm kỵ.
Chính vì thế, việc Trump ban bố TTKCQG lần này vấp phải làn sóng phản đối gay gắt từ cả đảng Dân chủ lẫn nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa.
Nếu đạo luật này của Trump sống sót qua cuộc bỏ phiếu phủ quyết của lưỡng viện trong những ngày sắp tới, và sống tiếp qua những chuỗi ngày dài tranh cãi tại các cấp tòa án, thì đây cũng chỉ là lần thứ 60 kể từ năm 1976 các tổng thống ban hành TTKCQG.
Tổng thống Trump thăm khu trưng bày một số mẫu bức tường mà ông dự kiến xây dựng dọc biên giới với Mexio, tháng 3/2018. Ảnh: CNBC.
Nhưng khác với các lần trước, đây là lần đầu tiên một tổng thống doạ dùng TTKCQG để đòi tiền từ Quốc hội. Sau khi Quốc hội quyết định không cấp tiền thì ông dùng TTKCQG để chuyển tiền ngân sách từ các chương trình khác của chính phủ sang để xây tường, trong đó phần lớn là từ ngân sách của Bộ Quốc phòng.
Sự phản đối còn đến từ việc Trump không thể đưa ra bất kỳ lý lẽ xác thực nào cho những tuyên bố của mình về “tình trạng khủng hoảng” (crisis) mà nước Mỹ đang trải qua.
Rất nhiều người đã phản bác từng luận điểm Trump đưa ra, từ việc “số người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới đang ở mức cao nhất trong lịch sử” (theo số liệu của Cục Hải quan và Biên giới Mỹ, nó chỉ bằng ½ so với mức hơn 10 năm trước), hay “90% lượng ma túy tuồn vào Mỹ là qua biên giới phía Nam” (đây là một nửa của sự thật, vì theo DEA, Cục phòng chống ma túy Mỹ, một lượng lớn ma túy tuồn qua biên giới đi qua những cửa khẩu hợp pháp, ngụy trang cùng những hàng hóa hợp pháp khác, chứ không phải đi qua những nơi không có bức tường), hay việc dân nhập cư lậu gây ra nhiều tội ác hơn người Mỹ lương thiện (theo số liệu thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, tỉ lệ bị kết tội của người nhập cư lậu lẫn hợp pháp đều thấp hơn nhiều so với người sinh ra tại Mỹ), v.v.
Ngay trong buổi sáng công bố TTKCQG, Jim Acosta, phóng viên của CNN, người từng nhiều lần bị Trump chỉ mặt điểm tên với những câu hỏi khó chịu, đã chất vấn Trump về các số liệu xác thực cho những lời của ông.
Khi Jim đưa ra số liệu thống kê chứng minh tỉ lệ phạm tội của người nhập cư thấp hơn nhiều so với người sinh ra ở Mỹ, Trump phản bác “Anh không tin mấy chuyện đó thì cứ vô nhà tù liên bang mà xem”.
Jim trả lời “Tôi tin vào sự thực và các số liệu thống kê”.
Phản hồi quen thuộc của Trump dành cho Jim: “Các anh là fake news” (tin vịt).
Ngay sau đó, Brian Karem, một đồng nghiệp khác của Jim, cố gắng hỏi Trump lấy nguồn số liệu từ đâu để chứng minh cho những tuyên bố của mình.
Trump: “Số liệu của các anh tệ hơn nhiều so với số liệu của tôi. Và tôi có rất nhiều nguồn số liệu”.
Đến cuối cùng, không ai biết được nguồn số liệu xác thực cho những lời Trump nói là từ đâu, dù Trump nói nguồn dữ liệu chính là từ Bộ An ninh Nội địa.
Dùng bất kỳ cách gì để đạt được mục đích là một chuyện hệ trọng.
Và đó mới là tình trạng khẩn cấp thực sự, hay bài kiểm tra quan trọng nhất của thể chế dân chủ mà người Mỹ tự hào suốt mấy trăm năm qua: thể chế này sẽ là tiền đồn bảo vệ sự thật, hay là sân khấu thi nói thách, nơi ai hét to hơn sẽ giành được quyền lực về tay mình.
—
Từ khoá:
tình trạng khẩn cấp quốc gia: national emergency (n)
thiết quân luật: martial law (n)
tuyên bố: to declare (v), declaration (n)
ban hành: to issue (v)
tổng thống: president (n)
tường: wall (n)
rào: fence (n)
cơ chế kiểm soát và cân bằng [quyền lực]: checks and balances
sự thật, dữ kiện thực tế: fact (n)