Là một công dân toàn cầu, nhưng yêu nước

Là một công dân toàn cầu, nhưng yêu nước

“Nếu bạn nghĩ mình là một công dân của cả thế giới, thì bạn là một người chẳng thuộc về đâu cả. Bạn không hiểu gì về tư cách công dân”.

Câu trên đây được trích từ bài phát biểu của Theresa May vào tháng 10/2016, không lâu sau khi bà tiếp quản chiếc ghế nóng – thủ tướng của nước Anh.

Người tiền nhiệm của bà, ông David Cameron, đã phải từ chức sau khi có kết quả trưng cầu dân ý về việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), với 52% số người bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU, và 48% muốn ở lại.

Brexit được xem là một trong những bước ngoặt quan trọng ở châu Âu và trên thế giới, đánh dấu sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sau nhiều thập niên thế giới xoay mình quanh một trật tự được dựng nên từ các học thuyết của chủ nghĩa tự do.

Nhưng như nhiều người đã chỉ ra, đây không hẳn là sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, mà là một thể loại khác của nó: chủ nghĩa dân túy mang màu sắc dân tộc (nationalist populism).

Dù xem mọi ý kiến khác biệt với mình là kẻ thù, nhưng chủ nghĩa dân túy đặc biệt có hứng thú tấn công những người theo chủ nghĩa tự do (liberalism) và những ai mang trong mình suy nghĩ của một công dân toàn cầu (cosmopolitan).

Những công dân toàn cầu, hay nói đúng hơn là “những người toàn cầu rởm”, đã trở thành tấm bia lý tưởng để hứng vô số làn đạn mũi tên từ bốn phương tám hướng.

Kwame Anthony Appiah, một triết gia người Mỹ gốc Phi sinh ra tại Anh, đã phân tích và giải thích góc nhìn của một công dân toàn cầu đúng nghĩa trong bài viết “The importance of elsewhere”, đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2019.

Phần dưới đây là bản lược dịch từ bài gốc tiếng Anh. Bài lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng Việt.

***

Bài phát biểu của Theresa May ở trên nhắm đến những người bà cho rằng “có quyền có địa vị mà cư xử như thể họ ở chung nhà với những tầng lớp tinh hoa trên khắp thế giới chứ không phải đang chia sẻ cùng một không gian sống với những đồng bào họ gặp ngoài đường, những người làm việc cho họ, những người cung cấp các sản phẩm dịch vụ họ sử dụng”.

Theresa May không phải người đầu tiên hay cuối cùng có suy nghĩ đó.

Nhà văn nổi tiếng Charles Dickens trong tiểu thuyết Bleak House từng mô tả về nhân vật Jellyby, một nhà từ thiện bỏ công sức chăm lo cho những người nghèo đói ở châu Phi nhưng lại bỏ lơ gia đình và chòm xóm của chính mình. Đôi mắt của Jellyby “có thói quen kỳ cục kiểu luôn phóng tầm mắt về phía xa xăm nào đó”, giống như “không thể nhìn thấy thứ gì ở gần hơn châu Phi”.

Dickens và May đều mô tả các công dân toàn cầu như những kẻ mắc bệnh viễn thị nặng: chỉ nhìn thấy xa, còn gần ngay trước mắt thì mù tịt.

Cách hiểu này gần như đối lập hoàn toàn với định nghĩa về công dân toàn cầu (cosmopolitan) hay chủ nghĩa đại đồng (cosmopolitanism) thật sự.

Một công dân toàn cầu đúng nghĩa là người có “thị lực” tốt, nhìn được cả gần lẫn xa.

Chủ nghĩa đại đồng của những công dân toàn cầu là cánh cửa rộng mở để họ không chỉ nhìn được khắp mọi phương hướng, mà còn nối dài được các giới hạn đạo đức của bản thân.

Họ nhìn thấy mình trong hình hài từ cái tập thể nhỏ nhất, gia đình, làng xóm, cho đến những cộng đồng rộng lớn, đan xen nhau, những nhóm dân tộc với các đặc trưng tính cách riêng biệt, và bao trùm toàn bộ nhân loại.

Thứ tư duy toàn cầu này đòi hỏi mỗi người cùng lúc đóng nhiều vai. Và điều đó hoàn toàn thực tế, đơn giản vì chúng ta luôn luôn đóng nhiều vai cùng lúc, dù muốn hay không.

Khi mà những tiếng trống chỉ trích ít khi nào đập dồn dập hơn lúc này, người ta lại càng cần phải hiểu chính xác thứ tư duy đại đồng đó, để thêm xác tín vào các giá trị mà nó có thể đem lại cho nhân loại.

Những người không biên giới

Thuật ngữ “cosmopolitan” (công dân toàn cầu) xuất hiện từ tận 2.400 năm trước, vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Tác giả của nó được cho là Diogenes, triết gia đến từ Sinope (một thành phố ngày trước thuộc Hy Lạp, ngày nay là một cảng biển ở phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ).

Diogenes nổi tiếng với triết lý sống “tự nhiên”, chống lại tất cả những ràng buộc, luật lệ, thách thức mọi khuôn khổ tư duy truyền thống.

Truyền thuyết kể lại, khi được hỏi mình là người ở đâu, Diogenes đã trả lời bằng thuật ngữ tự chế “kosmopolitês”. Nó được ghép từ chữ “politês” – công dân nam tự do của một thành bang (polis) ở Hi Lạp thời xưa – và “kosmos” – toàn bộ vũ trụ.

Đúng với tính cách của người tạo ra nó, kosmopolitês mang trong mình một kiến giải vừa mới mẻ vừa nghịch lý: một người vừa thuộc một cộng đồng nhỏ chỉ trăm ngàn người, lại vừa thấy mình thuộc về cả vũ trụ bao la vô tận bên ngoài.

2.400 năm sau, Marshall McLuhan, triết gia người Canada nổi tiếng với các học thuyết về truyền thông, đã đưa ra một thuật ngữ cũng mang trong mình ý nghĩa và mục đích tương tự: “ngôi làng toàn cầu” (global village).

Ngôi làng tượng trưng cho một thứ bó gọn nhỏ hẹp. Toàn cầu đại diện cho cái rộng lớn bao la.

Những người theo chủ nghĩa toàn cầu không xem các không gian giới hạn, quen thuộc như cái giếng nhốt chặt mình trong đó. Họ hình dung nó như dòng chảy của nước, nơi những nhánh nhỏ hòa vào con sông lớn, và những con sông hòa vào đại dương mênh mông.

Khái niệm nghe nghịch tai này kể từ khi xuất hiện lại được rất nhiều người sẵn sàng đón nhận. Bất chấp ấn tượng về sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu trong thập niên gần đây, một nghiên cứu khảo sát vào năm 2016 do BBC thực hiện đã cho kết quả: gần ¾ số người Trung Quốc và Nigeria được hỏi nghĩ về mình như một “công dân toàn cầu” (global citizen) nhiều hơn là xem mình chỉ thuộc về một quốc gia. Con số đó ở Brazil, Canada và Ghana là hơn 50%. Ngay cả ở Mỹ, 40% số người được hỏi cũng chia sẻ suy nghĩ tương tự.

Khảo sát của BBC tuy vậy tạo ra hiểu lầm ngay từ cách đặt vấn đề: Họ đặt ý niệm về công dân toàn cầu trong thế đối nghịch với lòng trung thành cho cộng đồng nhỏ của mỗi người, buộc người ta phải chọn một trong hai.

Đây là cách hiểu lệch lạc, phiến diện.

Bản thân tác giả (Kwame Anthony Appiah), như hàng triệu người khác sống tại thành phố New York, là thành viên của ít nhất ba thực thể cộng đồng: thành phố New York, bang New York, và nước Mỹ.

Tác giả sẽ phải gãi đầu nhăn mặt không trả lời nổi nếu được/ bị hỏi mình gắn bó với cộng đồng nào hơn. Nếu thêm vào danh sách đó vai trò của một công dân toàn cầu, lựa chọn chỉ-được-chọn-một gần như là bất khả. Đơn giản vì tư cách công dân hay bản sắc của một người là thứ thay đổi và phụ thuộc vào từng ngữ cảnh, từng vấn đề được nói đến.

Khi phải bỏ phiếu lựa chọn thị trưởng thành phố, tư cách công dân của một người sống ở thành phố New York là thứ quan trọng nhất. Khi bỏ phiếu bầu thượng nghị sĩ cho quốc hội, vai trò của một người sống ở thành phố, ở bang và cả đất nước đều có ý nghĩa như nhau. Còn khi thực thi quyền bỏ phiếu quyết định ai là tổng thống, tác giả sẽ nghĩ về mình vừa như một công dân của Hoa Kỳ, vừa là công dân của cả thế giới.

Có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và tai hại với nhân loại, từ biến đổi khí hậu cho đến các đại dịch truyền nhiễm, hoàn toàn không thể bị đặt trong một khuôn khổ hay không gian giới hạn nào.

Đoạn phim Gấu Bắc cực đói khát gây chấn động cộng đồng mạng quốc tế vào năm 2017 là một minh chứng rõ ràng cho những mối đe dọa tự nhiên toàn cầu mà không cộng đồng dân cư riêng lẻ nào có thể giải quyết. Ảnh: Cristina Mittermeier / National Geographic

Trong bài diễn văn đến các thành viên trong đảng Bảo thủ, thủ tướng Theresa May không chỉ yêu cầu tư cách công dân, theo định nghĩa phi-toàn-cầu của bà, mà còn muốn mọi người thể hiện tinh thần yêu nước (patriotism).

Cách đặt vấn đề đó vô tình hay cố ý khiến người nghe hiểu khái niệm công dân toàn cầu hoàn toàn đối lập, hoặc không đi đôi với lòng yêu nước.

Trên thực tế, không có gì ngăn cản một người yêu nước, ít nhất là vào một lúc nào đó, trăn trở về số phận của hành tinh mình đang sống, như cách họ suy tư về tương lai của thành phố mình sinh ra.

Mỗi người đều cùng lúc sở hữu và gắn bó với nhiều tư cách, vai trò công dân khác nhau. Nếu chúng ta có thể trung thành với một thành phố, một đất nước, nơi mà lợi ích của những thành viên trong đó đã đan chéo chằng chịt, xung đột liên hồi với nhau, vì sao ta phải e ngại khi nói đến sự gắn bó của mình với thế giới rộng lớn hơn?

Cha của tác giả là Joe Appiah, một trong những lãnh đạo của phong trào giành độc lập cho Ghana. Quyển tự truyện của ông có tựa đề “Hồi ký của một người châu Phi yêu nước”. Trong lá thư để lại trước khi mất, ông đã căn dặn kỹ những đứa con của mình, rằng họ luôn phải ghi nhớ một điều: Chúng ta là công dân của cả thế giới này, không phải là những cá thể bị ràng buộc trong bất kỳ biên giới nào.

Những công dân toàn cầu yêu nước

Lời dặn ở trên, cùng với triết lý sống cả đời của Joe Appiah, có lẽ chịu ảnh hưởng từ một tiền nhân sống cách đó gần 2.000 năm.

Marcus Aurelius, một hoàng đế La Mã ở thế kỷ thứ 2, trong tác phẩm “Meditations” (Suy ngẫm) đã nói đối với ông, trong tư cách một con người bình thường, thành phố và đất nước ông đang sống là cả vũ trụ.

Bỏ qua hàm ý chỉ trích có thể có (khi những người La Mã đã tạo ra một đế chế hùng mạnh rộng lớn bao khắp châu lục bằng cách thôn tính những đất nước khác), ẩn dụ này của Aurelius đơn giản nói ra trách nhiệm của mỗi người đối với toàn bộ cộng đồng, yêu cầu chăm lo, suy nghĩ đến tất cả những công dân chia sẻ cùng một không gian sống trên quả địa cầu.

Đó là tinh thần đã tồn tại hơn hai thiên niên kỷ của những người theo chủ nghĩa đại đồng.

Và nó không phải chỉ phản ánh góc nhìn đạo đức của những người toàn cầu. Nó đem lại lợi ích thiết thực.

Sinh ra tại Ghana, thụ hưởng giáo dục Anh do Ghana là thuộc địa của vương quốc này, dành cả đời làm việc cho Liên Hiệp Quốc và mất tại Thụy Sĩ, Kofi Annan là một minh chứng cho hình mẫu của một công dân toàn cầu, yêu nước và có trách nhiệm. Ảnh: Euronews

Những người châu Âu vào thế kỷ 18 đã nhận ra điều đó. Các cuộc gặp gỡ, giao thương giữa những công dân sống ở những khu vực cách xa nhau về địa lý, dùng những thứ ngôn ngữ riêng biệt, có những đặc trưng văn hóa độc đáo giúp mở toang vô số các cánh cửa mới, khai thông không chỉ thế giới vật lý mà cả đầu óc tư duy của mỗi người.

Trong khái niệm công dân toàn cầu, sự quan tâm dành cho những người xa lạ có cả hai mặt: vừa chăm lo cho quyền lợi của người khác, vừa hiếu kỳ muốn học hỏi từ họ.

Sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc Đức, từ thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) ở thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, là một minh họa cho góc nhìn tuy hai mà một này.

Nhà sử học Đức Friedrich Meinecke đã nghiên cứu về giai đoạn đó trong quyển sách xuất bản năm 1907 với tiêu đề “Chủ nghĩa đại đồng và Quốc gia dân tộc” (Cosmopolitanism and the National State). Theo đó, vào cuối thế kỷ 18, những người theo chủ nghĩa toàn cầu như Johann Gottfried Herder đã bắt đầu nói về ý tưởng lập nên một nước Đức thống nhất, nơi những người cùng nói tiếng Đức, đang sinh sống rải rác ở hàng chục quốc gia lãnh thổ riêng biệt, tập hợp lại cùng nhau trong một cộng đồng, chia sẻ cùng một văn hóa, ngôn ngữ và tinh thần dân tộc.

Hơn một thế kỷ sau, vào năm 1871, vương quốc Prussia (Phổ) của những người nói tiếng Đức được thành lập, tập hợp từ hơn 20 vương quốc, công quốc, lãnh địa và thành phố khác nhau.

Ý tưởng và sự xuất hiện của cộng đồng lớn này không đe dọa hay xem thường đặc tính và tinh thần của những cộng đồng dân tộc khác. Như cách Johann Gottfried Herder, một trong những người khởi xướng nên nó, thể hiện: Tinh thần văn hóa dân tộc của ông tạo cảm hứng cho những sáng tạo đặc sắc của người Đức, trong đó có Truyện cổ Grimm nổi tiếng thế giới, nhưng đồng thời ông cũng viết luận văn ca ngợi các tác phẩm của Shakespeare (Anh) và Homer (Hy Lạp).

Những người như Herder là minh chứng cho việc chúng ta vừa có thể là một công dân toàn cầu, lại vừa cực kỳ yêu nước. Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalist) như ông, lòng yêu nước chính là phương tiện để đi đến chủ nghĩa toàn cầu.

Hay như Giuseppe Mazzini, một chính trị gia, nhà hoạt động cổ xúy cho sự thống nhất của nước Ý từng nói với các đồng bào của mình “hãy yêu thương toàn thể nhân loại như một đại gia đình”.

Một trong những chiếc mũ quy chụp phổ biến nhất dành cho những ai theo chủ nghĩa đại đồng là “mất gốc” (rootless) – như cách bộ máy tuyên truyền Xô Viết thời Stalin chống lại người Do Thái sau Thế chiến II.

Kiểu chỉ trích này thể hiện không chỉ sự mông lung về đạo đức mà cả sự mù mờ về hiểu biết.

Đặc trưng của chủ nghĩa toàn cầu hiện đại là sự đón nhận và trân trọng đóng góp của tất cả các dân tộc vào trong bản hòa ca của nhân loại. Nói cách khác, nó kêu gọi chia sẻ. Người ta chỉ có thể chia sẻ khi có thứ gì đó có thể đóng góp vào cái chung.

Những công dân toàn cầu đúng nghĩa vừa có thân rễ ngang lan tỏa ra khắp nơi, vừa có rễ thẳng cắm sâu vào nơi mình sinh sống. Người ta có thể chụp lên đầu những công dân toàn cầu nhiều thứ mũ khác nhau. “Mất gốc” chắc chắn không nằm trong số đó.

Một quan điểm đặc trưng khác của chủ nghĩa đại đồng cần được nhấn mạnh: Về bản chất, các công dân toàn cầu tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi người, bao gồm cả những người chống lại toàn cầu (uncosmopolitan).

Họ tôn trọng quyền và ước muốn được chia sẻ không gian sống với những người giống mình, nói cùng một thứ tiếng, có cùng một phong tục tập quán. Những người đó có quyền giữ cộng đồng của mình khép kín, đóng cửa với những “người lạ” (miễn là họ không vi phạm các nguyên tắc đạo đức cơ bản về kỳ thị phân biệt).

Đương nhiên vấn đề ở chỗ, trên thực tế, các công dân cục bộ (localists) này luôn sống cùng những người có suy nghĩ khác mình.

Họ phải sống chung với những người có tư duy đại đồng, cũng như những công dân toàn cầu phải sống chung với họ.

Ngoài ra, các cộng đồng xã hội có trách nhiệm về mặt đạo đức và cả pháp luật phải tiếp nhận, không phải tất cả thì cũng là một số, những người bên ngoài gặp nạn – ví dụ như trốn chạy khỏi sự bức hại và truy sát. Các nghĩa vụ này thuộc về tất cả các quốc gia, vì vậy trách nhiệm cũng phải được phân bổ công bằng cho tất cả. Mỗi cộng đồng đều phải đóng góp phần của mình để giải quyết vấn đề chung đó.

Một cộng đồng, quốc gia chấp nhận hỗ trợ những người ngoài gặp nạn (ví dụ người tị nạn) sẽ đem đến những khó chịu cho các công dân có tư duy cục bộ. Nhưng ngược lại, sự tồn tại của những người cục bộ như trên lại cũng đòi hỏi những người có tư duy toàn cầu sống trong cùng cộng đồng, quốc gia đó phải biết kiềm chế.

Bản chất của chế độ dân chủ là tôn trọng ước muốn chính đáng của những công dân khác nhau và tìm cách thỏa hiệp trong mức có thể để hài hòa lợi ích của tất cả.

Ưu tiên có gì xấu?

Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đại đồng không phải là hai thứ không đội trời chung, mà thực chất cuộn hòa vào nhau, cùng nâng đỡ nhau trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại của nhân loại. Nhưng nếu thế, vì sao ngày nay những người theo tư duy toàn cầu lại trở thành tấm bia lý tưởng hứng chịu nhiều tên bay đạn lạc đến vậy?

Một lý do có thể được đưa ra là việc có quá nhiều người “toàn cầu rởm” đưa ra những tuyên bố trái ngược với bản chất của chủ nghĩa đại đồng.

Họ lý luận theo kiểu như sau: Nếu tất cả mọi người đều quan trọng, thì tất cả đều quan trọng như nhau. Và nếu là vậy, mỗi người phải có nghĩa vụ quan tâm chăm lo cho tất cả mọi người y như nhau. Từ đó suy ra việc ưu tiên cho ai đó – chia sẻ cùng huyết thống, văn hóa hay khu vực với mình – là hành vi phi đạo đức.

Chính những người toàn cầu rởm đó, vốn luôn lên án các ưu tiên của từng cá nhân, mới là kẻ thù thật sự của những ai e dè về chủ nghĩa đại đồng.

Trên thực tế, việc mỗi người đều quan trọng như nhau, xét trên góc độ đạo đức chung của nhân loại, không đồng nghĩa với việc mỗi người phải có trách nhiệm như nhau dành cho tất cả.

Tôi có tình cảm đặc biệt dành cho những người cháu của mình, một thứ tình cảm không xuất hiện khi tôi suy nghĩ về những người cháu của bạn.

Khi xét đến giới hạn về thời gian, tâm trí của bản thân, tôi tin rằng nếu mình không dành phần lớn nguồn lực có hạn đó cho những người thân, đó mới là hành vi phi đạo đức.

Vậy tôi có phải ghét những người cháu của bạn, hoặc cố gắng tạo ra một thế giới mà chúng gặp bất lợi hơn so với những người thân của tôi?

Tất nhiên là không.

Tôi có thể tôn trọng ưu tiên chính đáng của người khác dành cho gia đình, người thân của họ, trong khi vẫn dành mối quan tâm đặc biệt dành cho gia đình người thân của mình.

Nó không có nghĩa là người thân của tôi quan trọng hơn người thân của bạn. Chỉ đơn giản là đối với cá nhân tôi, họ có ý nghĩa quan trọng hơn.

Như triết gia theo chủ nghĩa đại đồng Martha Nussbaum từng nói, yêu cầu mỗi cá nhân dành mối quan tâm đặc biệt cho những người thân của mình là “cách thực tế nhất để làm được việc tốt”.

Chúng ta thường gắn bó với những người thân lớn lên cùng mình hơn là với người ngoài. Nhưng như một đặc trưng trong tâm lý học chỉ ra, con người còn có khả năng gắn kết mạnh mẽ với hàng triệu, hàng tỉ người lạ khác khi tất cả cùng chia sẻ một niềm tin, một bản sắc nào đó.

Đặc điểm này thể hiện khá rõ trong các dạng thức của chủ nghĩa dân tộc giúp thổi bùng sự thù địch và tâm lý bài ngoại – khác với loại chủ nghĩa dân tộc tự do như của Herder, vốn tôn trọng tất cả các cộng đồng khác.

Đó là mặt xấu xí của chủ nghĩa dân tộc, mà chủ nghĩa đại đồng là một trong những phương tiện có thể chữa lành nó.

Nhưng tất nhiên không thể phủ nhận gương mặt đẹp của chủ nghĩa dân tộc: khả năng kết nối con người lại với nhau, chung tay thực hiện những dự án cộng đồng mang lợi ích tốt đẹp, như việc tạo ra hệ thống trợ cấp xã hội hoặc xây dựng xã hội văn minh bình đẳng giữa các thành viên.

Ngôi nhà chung

Bên cạnh tuyên bố rằng chủ nghĩa đại đồng không thể ở chung nhà với chủ nghĩa dân tộc (mà ở trên chúng ta đã thấy chỉ trích này không có cơ sở), nhiều người còn lên tiếng phản đối các công dân toàn cầu với lý do: Nếu xem toàn thể nhân loại là một khối thống nhất, đó sẽ là một khái niệm quá rộng lớn, quá trừu tượng, không thể giúp mỗi người hình thành được bản sắc riêng của mình.

Thực tế chứng minh, quy mô rộng lớn không phải là rào cản tạo nên bản sắc riêng.

Có gần 1,4 tỉ người Trung Quốc trên hành tinh, nhưng họ không gặp vấn đề gì trong việc tạo ra và gắn kết với bản sắc Trung Hoa của mình.

Không cần phải rộng lớn như Trung Quốc, gần như bất kỳ nhà nước nào trong thời hiện đại cũng là một cộng đồng quá rộng lớn đối với mỗi người, nơi mà mỗi thành viên không bao giờ gặp mặt trực tiếp được hết tất cả các thành viên khác.

Những người trong một cộng đồng đó không gắn kết với nhau nhờ vào việc phải mắt chạm mắt, tay nắm tay, vai kề vai, mà họ gắn bó nhờ vào việc tưởng tượng ra được và chấp nhận một bản sắc chung.

Các công dân toàn cầu vì vậy cũng chỉ kế thừa sự tưởng tượng trên, đẩy nó thêm một bước xa hơn, mà không phải chối bỏ đi nguồn gốc cội rễ của mình.

Nói về gốc rễ, nhà văn Gertrude Stein, một người sinh ra ở Pittsburgh, lớn lên tại Oakland và sống ở Paris trong bốn mươi năm, đã từng nói “Cội rễ liệu có ích gì, nếu bạn không thể đem nó theo bên mình?”.

Một công dân toàn cầu đúng nghĩa không bao giờ chống lại tư cách công dân cục bộ, địa phương của mình.

Cha của tác giả – ông Joe Appiah, một người tự nhận là công dân toàn cầu – vô cùng tự hào và gắn bó mật thiết với các hoạt động tại thành phố Kumasi (Ghana) nơi ông sinh ra. Ông hết lòng phục vụ đất nước Ghana của mình, đồng thời cũng năng nổ thúc đẩy các hoạt động trong Tổ chức thống nhất châu Phi (tiền thân của Liên minh châu Phi sau này), và tin tưởng vào cả vai trò của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Ông yêu văn hóa truyền thống, các tác phẩm văn học từ bộ tộc Ashanti của mình, cũng như cách ông yêu thích các tác phẩm của Shakespeare (người Anh). Là một luật sư, ông ngưỡng mộ Cicero (người La Mã), Thurgood Marshall (Mỹ) và cả Mahatma Gandhi (Ấn Độ). Ông nghe từ nhạc của Bessie Smith (Mỹ), Sophie Tucker (Ukraine), Umm Kulthum (Ai Cập) đến các vở nhạc kịch của Gilbert & Sullivan (Anh).

Không có điều gì ở trên ngăn cản ông đóng góp cho đất nước Ghana của mình, tham gia trong phong trào giành độc lập, là thành viên của quốc hội, hoặc đặt nền móng cho hệ thống pháp luật của nước này.

Ông nhận ra trách nhiệm và sự gắn bó của mỗi người với xã hội không phải chỉ tồn tại ở một cộng đồng nhỏ hẹp của bản thân, mà nó tồn tại khắp nơi trên thế giới.

Như nhà thơ người Anh Philip Larkin từng viết, ông nhận ra được sự thật về “The importance of elsewhere” (Tạm dịch: Ở bất kỳ một nơi xa, luôn có chỗ cho ta tìm thấy bản ngã).

Những người từ chối ý nghĩa của việc kết nối với những “nơi xa” đồng thời cũng đóng cửa thế giới, và gạt đi trách nhiệm của mình với các vấn đề toàn cầu.

Chưa có thời điểm nào trong lịch sử nhân loại phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng cấp bách như ngày nay. Nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua. Hiện tượng axít hóa đại dương mỗi năm lại thêm trầm trọng. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, trong năm 2017 có gần 260 triệu người di cư, nhiều người trong số họ chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh và xung đột ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Trong khi đó, những lãnh đạo dân túy tìm cách khai thác tâm lý tiêu cực của người dân, những người chịu ảnh hưởng xấu của quá trình liên kết kinh tế thế giới. Mối nguy cho các thể chế chính trị hiện tại là sự lên ngôi của tư duy đốt tàu rút ván thay cho lựa chọn xây cầu kết nối.

Những công dân toàn cầu thực sự sẽ phải để tâm đến các vấn đề tác động đến những người hàng xóm của mình. Họ sẽ phải xây dựng các thể chế chính sách có lợi cho những người ở gần trước.

Nhưng có một thực tế mà cả những người toàn cầu lẫn phi toàn cầu đều không bao giờ được phép quên: Chúng ta đều sống trên cùng một hành tinh, một không gian tưởng chừng to lớn nhưng thật sự rất bé nhỏ. Và không gian chung đó đang mỗi ngày phải hứng chịu vô số hậu quả từ những hành động vô trách nhiệm của con người.

Nếu không bắt tay giải quyết những vấn đề trong ngôi nhà chung này, sớm hay muộn, ở bất kỳ nơi nào, dù gần hay xa, cũng sẽ không còn nơi đâu để ta có thể gọi là nhà.

***

Từ khóa:

người có tư tưởng cục bộ, người địa phương: localists (n) (tùy vào ngữ cảnh, từ localist có thể dịch theo nhiều nghĩa khác nhau)
chủ nghĩa cục bộ, địa phương: localism (n)
chủ nghĩa đại đồng: cosmopolitanism (n)
mất gốc, không có cội nguồn: rootless (n) (dùng cho cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.