Hoa Kỳ cũng bắt nạt hàng xóm như Trung Quốc?

Hoa Kỳ cũng bắt nạt hàng xóm như Trung Quốc?
Bản đồ khu vực Bắc Mỹ. Ảnh: mapofnorthamerica.org.

Trong phong trào chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc tại Việt Nam, một trong những lập luận được nhiều người sử dụng là: Ở cạnh nước lớn bao giờ chả thế, thử ở gần Mỹ xem. Lập luận này hiển nhiên sử dụng một trong những loại ngụy biện cơ bản nhất – “anh cũng thế” (Tu Quoque fallacy) – tức người sử dụng cố gắng lý giải, bao biện một hành động sai trái này bằng một hành động sai trái khác.

Song lập luận này gợi lên một vấn đề khác đáng quan tâm hơn: Hoa Kỳ có bắt nạt, lấn đất lấn biển các quốc gia láng giềng hay không? Nếu có thì vì sao, ở thời điểm nào? Và đặc biệt, mối quan hệ lân bang của họ hiện nay, cơ chế đối thoại và giải quyết tranh chấp ra sao?

Tranh chấp với Mexico: Chiến tranh trong lịch sử và các Điều ước đương đại

Nếu nói đến tranh chấp lãnh thổ với Hoa Kỳ, Mexico có lẽ là quốc gia chiếu dưới đáng quan tâm nhất. Và tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia tính đến nay đã hơn 200 năm tuổi.

Mexico vốn có tiền thân là đế chế Aztec có lãnh thổ không quá rộng lớn, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung của quốc gia Mexico hiện đại. Tuy nhiên, sau khi đế chế này bị hoàng gia Tây Ban Nha hoàn toàn chinh phạt vào năm 1525, lãnh thổ của vùng thuộc địa mới này được đẩy mạnh lên phía Bắc, bao gồm cả vùng hiện nay là bang Texas và Oregon của Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn Tây Ban Nha kiểm soát Mexico từ 1525 cho đến 1821, Texas chủ yếu chỉ có các bộ tộc da đỏ sinh sống bởi vùng đất này quá rộng lớn. Các đoàn định cư – viễn chinh của cả Pháp, Hoa Kỳ lẫn Tây Ban Nha phải đến đầu thế kỷ 19 mới đến sinh sống tại khu vực này, song vẫn còn rất thưa thớt với tổng dân số chưa tới 20.000 người.

Tuy nhiên, năm 1810, việc nước Pháp của Hoàng đế Napoleon tấn công và chiếm đóng Tây Ban Nha khiến cho người dân bản địa Mexico tin rằng thời điểm khởi nghĩa của họ đã chín mùi. Cuộc chiến giành độc lập khỏi sự thống trị của giới bảo hoàng Tây Ban Nha của các sắc dân tại Mexico, cả kể người da trắng, kết thúc vào năm 1821, và chính quyền Mexico nghiễm nhiên cho rằng mình sẽ kế thừa lãnh thổ mà chính quyền thực dân Tây Ban Nha để lại.

Tuy nhiên, các nhóm dân da trắng định cư tại Texas lại có mục tiêu khác. Đặc biệt, sự có mặt của gia đình thương nhân, nhà tiên phong chinh phạt miền Tây người Mỹ Moses Austin tại vùng đất này trước đó khiến cho các đối thoại về “độc lập” của họ có phần khác biệt. Nhóm dân di cư da trắng (hay gọi là Texas settlers) tại Mexico không muốn trở thành một phần của quốc gia Mexico mới, và các cuộc đấu tranh đòi ly khai được phát động. Năm 1836, chính phủ lâm thời của nhóm cư dân này tuyên bố độc lập và thành lập Cộng hòa Texas (dù chính quyền Mexico thời điểm đó không công nhận).

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, đây là cuộc chiến giành độc lập chính danh, bởi nó không hề bị Hoa Kỳ can thiệp (thời điểm này Hoa Kỳ vẫn còn rất chật vật trong việc duy trì sự tồn tại của chính phủ liên bang), và xuất phát từ nhu cầu chính đáng của các cư dân sinh sống tại vùng đất trước một chính phủ xa xôi, khác sắc tộc, màu da cũng như thường áp đặt những quy định kiểm soát phi lý.

Cộng hòa Texas tồn tại được 10 năm và phải chật vật đối mặt với nhiều khó khăn tài chính và quân sự, khi giao tranh với các bộ tộc da đỏ cũng rất tốn kém và đẫm máu, cho đến khi họ nhận được lời mời tham gia vào Liên bang Hoa Kỳ. Năm 1845, chính phủ Texas đồng thuận tham gia, và Texas trở thành tiểu bang thứ 28 thuộc nhà nước Hoa Kỳ.

Tại thời điểm này, chính quyền Mexico đã bằng mặt mà không bằng lòng với anh láng giềng phương Bắc, nhưng khó có thể cho rằng đây là một tranh chấp lãnh thổ chính thống.

Tuy nhiên, cũng song song với thời điểm nói trên, các tiếng nói mang hơi hướng bành trướng, những thảo luận có tham vọng tiếp tục mở rộng về phía Tây và từ đó tiệm cận Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng dần hình thành sau khi Tổng thống James K. Polk tiếp quản Nhà Trắng vào năm 1844. Kể từ đây, phong trào Thiên Mệnh của Hoa Kỳ (America’s Manifest Destiny) ngày càng mạnh mẽ, và người dân Mỹ tin rằng tương lai của Hoa Kỳ là phải nắm trọn vùng đất trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Sau khi thành công trong việc sáp nhập Texas, tham vọng này ngày càng có khả năng trở thành hiện thực.

Năm 1845, chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đề nghị mua lại lãnh thổ California và New Mexico với giá 30 triệu Mỹ kim (tương ứng với hơn một tỷ Mỹ kim ngày nay), và hiển nhiên Mexico từ chối. Chính quyền Mexico mặt khác khuyến khích những đợt cướp bóc xuyên biên giới (border raid) và các giao tranh nhỏ lẻ để dằn mặt Hoa Kỳ. Sự việc leo thang đến mức căng thẳng nhất vào ngày 25 tháng 4 năm 1846, khi kỵ sĩ Mexico tấn công và chiếm một đồn quân sự của quân đội Hoa Kỳ tại khu vực đang tranh chấp thuộc Rio Grande. Cuộc tấn công khiến 16 quân nhân Mỹ chết hoặc bị thương nặng. Tổng thống Folk, với căn cứ trên, đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội tuyên chiến chính thức với Mexico.

Sau sáu tháng giao tranh, lực lượng quân đội Hoa Kỳ đánh đến tận thủ đô Mexico City. Vào tháng 2 năm 1848, đại diện hai quốc gia ký hòa ước Guadalupe Hidalgo, theo đó, Mexico buộc phải thừa nhận việc Texas sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Hoa Kỳ, chấp thuận bán lại California và phần lãnh thổ Mexico phía Bắc Rio Grande với tổng giá trị là 15 triệu Mỹ Kim kèm theo việc Hoa Kỳ sẽ không đòi chiến phí (war damage claim).

Bản đồ phân định lại biên giới Mỹ và Mexico trước và sau cuộc chiến 1845 – 1848. Màu đỏ: Texas năm 1845. Vùng viền đỏ: khu vực Texas tuyên bố chủ quyền và kể từ 1848 sáp nhập vào Mỹ. Vùng viền vàng: khu vực Mexico tuyên bố chủ quyền và kể từ 1848 sáp nhập vào Mỹ. Ảnh: Cambridge University Press.

Như vậy, có thể nói rằng lãnh thổ hiện đại của Hoa Kỳ tại bờ Tây gần như chỉ do chiến tranh cùng với một số tiền không đáng kể mà có. Vậy điều này có thể xem là bắt nạt hàng xóm và lấn đất, lấn biển như Trung Quốc làm với Việt Nam hay không?

Người viết cho là không. Ở thời điểm xảy ra tranh chấp, pháp luật quốc tế vẫn chưa phát triển ở trình độ hiện nay, và tư duy về chiến tranh – lãnh thổ rất khác biệt với con người hiện đại. Điều này được chứng minh rõ ràng nhất thông qua khái niệm Quyền Chinh phạt (Right to Conquest) trong pháp luật quốc tế, vốn cho rằng quốc gia chiến thắng trong một cuộc chiến tranh có quyền tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất tranh chấp. Ngày nay, nguyên tắc pháp lý này hiển nhiên đã bị phủ nhận trong tập quán quốc tế cũng như các văn bản pháp lý quốc tế quan trọng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc; song tư duy pháp lý của con người thời kỳ đó tin rằng đây là lẽ thường.

Sau khi quan điểm pháp luật quốc tế hiện đại thắng thế và trở thành tiêu chuẩn chung của thế giới, Hoa Kỳ, ở một giới hạn nào đó, luôn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Mexico thông qua con đường đàm phán và tôn trọng lợi ích chung.

Đối vấn đề nguồn nước, các con sông lớn như Colorado và Rio Grande chảy qua Mexico đều có thượng nguồn ở Hoa Kỳ, và cả hai quốc gia luôn đàm phán và hợp tác một cách bình đẳng để bảo vệ quyền lợi của cả quốc gia thượng nguồn lẫn hạ nguồn. Theo một chuỗi các Hiệp định nguồn nước hình thành vào năm 1898, 1906 và 1944, Washington cam kết một khoản định lượng lượng nước được chảy đến lãnh thổ Mexico nhằm phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp tại quốc gia này.

Song không chỉ bảo đảm về khối lượng nước, Hoa Kỳ cũng nhận nghĩa vụ bảo đảm chất lượng nước, độc phù sa và đặc biệt là xử lý vấn đề nước lợ. Vào thập niên 1960, sau nhiều lần nông dân và người dân Mexico phàn nàn về khả năng sử dụng chất lượng nước quá kém từ sông Colorado, chính phủ Mexico đã đe dọa sẽ mang vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) và chính phủ liên bang đã buộc phải tăng cường khối lượng cũng như xây dựng các trạm kiểm soát, quan trắc để cải thiện chất lượng nước. Cho đến nay, những nghĩa vụ này vẫn luôn được chính quyền Hoa Kỳ tôn trọng. So với cách mà Trung Quốc đang tận diệt thượng nguồn Mekong, khó mà nghĩ đến khả năng Việt Nam có thể đe dọa hay yêu cầu Bắc Kinh làm bất kỳ việc để giải cứu đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự, đối với vấn đề lãnh thổ đất liền, dù là quốc gia hưởng lợi thế sau chiến tranh Mỹ – Mexico, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chấp thuận một số những yêu cầu của Mexico về đường biên giới giữa hai quốc gia và chính thức kết thúc các tranh cãi còn sót lại của cuộc chiến 150 năm tuổi vào năm 1970 với thỏa thuận biên giới song phương.

Không chỉ vậy, cả hai quốc gia này cũng không còn tồn tại tranh chấp cơ bản nào về việc phân định biên giới trên biển. Trong vùng chồng lấn tại phía Bắc Vịnh Mexico, Hoa Kỳ và Mexico tuân thủ việc chia đều thềm lục địa cho hai bên. Trong đó, họ cũng có cân nhắc đến các túi dầu xuyên thềm lục địa của hai bên và xây dựng các cơ chế thông báo, đàm phán tương ứng.

Hiện nay, vấn đề nóng nhất giữa Hoa Kỳ và Mexico trên đường biên giới trớ trêu thay lại là vấn đề nhập cư bất hợp pháp; hai quốc gia không còn những tranh chấp lãnh thổ, ranh giới biển đáng chú ý. Riêng Hoa Kỳ, với tư cách là một nước lớn, cũng tuân thủ tập quán chung về phân định ranh giới biển và chưa đưa ra yêu sách đường chín đoạn hay 18 đoạn nào đối với người láng giềng phía Nam.

Tranh chấp lãnh thổ với Canada: người một nhà?

Khu vực biên giới Hoa Kỳ và Canada. Ảnh: ipolitics.ca.

Hai cựu thuộc địa xuất thân từ Vương quốc Anh luôn tự hào về đường biên giới trên bộ giữa họ. Phía Canada thường gọi đây là đường biên giới dài nhất thế giới (5.500 dặm, tương ứng với 8.800 km) không cần phải biên phòng. Phía Hoa Kỳ, dạo gần đây, đã bắt đầu có lực lượng an ninh nhập cảnh kiểm tra đường biên giới để đối phó với tình trạng nhập cư lậu.

Song điểm quan trọng mà chúng ta muốn bàn đến ở đây vẫn là cách mà Hoa Kỳ ứng xử một cách hợp lý và tôn trọng đường biên giới chung với nước láng giềng, so với cách mà Việt Nam phải nhọc nhằn “giữ từng cột mốc biên giới” với “người bạn tốt” Bắc Kinh. Khác với lịch sử có phần đẫm máu với người bạn phương Nam, Hoa Kỳ chưa tham chiến chính thức với Canada để giải quyết vấn đề tranh chấp đường biên giới, dù lịch sử ghi nhận lại vài xung đột xuyên biên giới của hai quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn Hoa Kỳ đã giành độc lập nhưng Canada vẫn còn là thuộc địa của Vương quốc Anh.

Đi xuống biển, tranh chấp phân định ranh giới ồn ào nhất giữa hai quốc gia là việc xác định ranh giới thềm lục địa tại Vịnh Maine đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, thay vì dùng vũ lực quân sự chiếm đảo, quần thảo vùng biển nước bạn đến tận gần lãnh hải bằng tàu đánh cá trang bị vũ trang hay các tàu hải trình như Trung Quốc làm với Việt Nam, Hoa Kỳ chấp thuận yêu cầu của Canada, mang tranh chấp ra xét xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Năm 1984, Hội đồng Xét xử ad hoc của Tòa án Công lý Quốc tế chính thức đưa ra phán quyết của mình. Về cơ bản, phán quyết không có lợi cụ thể cho bên nào vì đường phân định ranh giới biển do cả hai bên đề xuất đều bị tòa bác bỏ. Tòa dựa trên lập luận và các căn cứ pháp lý riêng của mình để đề xuất ra đường phân định mới. Phán quyết này đã chính thức trở thành một phần nghĩa vụ quốc tế của Hoa Kỳ trong vấn đề biên giới biển, và hiện vẫn được hai bên tôn trọng kèm với một số thỏa thuận hợp tác chung ký kết mới để khai thác một cách hiệu quả vùng biển nói trên.

*** 

Bạn đọc cũng có thể tìm hiểu về tranh chấp phân định ranh giới trên biển giữa Hoa Kỳ và Cuba – quốc gia vốn được xem là cái gai dưới… nách của anh chàng khổng lồ châu Mỹ. Tuy nhiên, trái ngược với nhiều kỳ vọng, Hoa Kỳ chấp thuận đàm phán một cách sòng phẳng và ranh giới biển giữa hai quốc gia được xác định vào năm 1977, thời điểm Fidel Castro vẫn còn nắm quyền ở quốc đảo Nam Mỹ .

Hiển nhiên, người viết thừa nhận Hoa Kỳ vẫn và sẽ tiếp tục là một trong những nhà “xuất khẩu” chiến tranh hàng đầu trong lịch sử thế giới đương đại. Tuy nhiên, để nói về thói bắt nạt hàng xóm và không tôn trọng pháp luật quốc tế đối với các quốc gia láng giềng, Trung Quốc vẫn có một không hai trong môi trường quốc tế hiện nay. Lập luận “ở gần nước lớn nó phải thế” lại càng vô căn cứ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.