‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Trong những tuần sắp tới, thông tin về dịch COVID-19 và virus Vũ Hán sẽ tiếp tục đổ ập lên đầu bạn.
Thông tin về cách hành xử của các chính phủ, về hành vi của các quốc gia sẽ vồ vập lấy bạn.
Những bài viết dưới dạng nguồn tin “nghiên cứu”, nguồn từ “địa phương”… sẽ đấm vào mặt bạn hàng tá thông tin lẫn lộn thượng vàng hạ cám.
Và vì chúng ta có thời gian, hãy thử cùng nhau luyện tập năm kỹ năng tiếp nhận thông tin trong mùa dịch sau đây.
“Tiêu đề”, “tít” quả thật vô cùng hấp dẫn trong thời đại mạng xã hội, nơi nhu cầu tiêu thụ thông tin nhấn mạnh vào sự nhanh chóng và gọn gàng. Thêm vào đó, việc đang sử dụng nền tảng Facebook lại phải chuyển qua các loại trình duyệt khác thật sự sẽ khiến bạn khó chịu và cảm thấy rất mất thời gian. Song dù thao tác này làm mất đi của bạn chừng vài chục giây, nó sẽ mang lại nhiều thông tin chi tiết và rõ ràng hơn, thậm chí thú vị hơn cả tiêu đề.
Ngược lại, nếu thứ bạn nhận được chỉ là những thông tin sơ sài, câu cú lủng củng, và những nội dung không ra gì; hay bạn nhận thấy tiêu đề bài viết trái ngược hoàn toàn với nội dung trong bài, thì đã đến lúc loại bỏ nguồn tin đó ra khỏi danh sách theo dõi của bạn.
“Nguồn” là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu khoa học, báo chí, lẫn các thảo luận thường ngày.
Thử tưởng tượng xem bạn sẽ khó chịu đến như thế nào khi có một người phản bác quan điểm hay thông tin của bạn bằng luận điệu “người quen tôi nói thế”, “người chị sống bên Mỹ của tôi nói thế”, “một bài nghiên cứu khoa học nói thế”, “một facebooker nổi tiếng sống ở Đức nói thế”…
Vì vậy, hãy tiếp cận với báo chí theo cách tương tự.
Nếu bạn đã thực hành bước đầu tiên của bài viết, sẽ rất dễ dàng để bạn nhận ra rằng ngay cả báo chính quy được cấp phép của Việt Nam cũng không dẫn link bài viết nguồn của họ từ báo tiếng Anh, tiếng Nga, hay tiếng Nhật… Nhiều phóng viên chỉ ghi hời hợt “Tổng hợp” là xong chuyện.
Lý do để họ làm việc này? Lười? Không muốn bạn đọc kiểm tra thông tin vì có thể nội dung đã bị chỉnh sửa hoặc đưa không đầy đủ? Trong mùa COVID-19, nếu không tìm thấy rõ link dẫn của nguồn thông tin, đừng vội tin những gì bài viết nói, cho dù nó xuất phát từ một tờ báo chính quy đi chăng nữa.
Đây là một kỹ năng tương đối mất thời gian và phức tạp hơn. Song chúng cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin trái chiều hơn, từ đó cho bạn cơ hội có một bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Bất kể thông tin bạn vừa tiếp nhận có hợp ý mình đến như thế nào đi chăng nữa, có thêm thông tin là cách tốt nhất để không rơi vào trạng thái cực đoan chính trị.
Ví dụ, bạn sẽ đọc thấy rất nhiều tin về “Nga hỗ trợ Mỹ” thiết bị hay y tế, hay thiết bị y tế của Việt Nam được nhiều nước hỏi mua…
Giờ hãy thử tìm các thông tin ngược lại. Mỹ hỗ trợ gì cho quốc tế trong đợt dịch? Hay Việt Nam đang nhập khẩu hay nhờ đến thiết bị y tế từ ai?
Bạn sẽ bất ngờ với sự đa dạng của các thông tin và hiện thực xã hội đa nguyên ngày nay. Có sự thật, nhưng thiếu góc nhìn, sẽ rất dễ dẫn đến việc tiếp cận thông tin một chiều, gây định kiến cho quá trình sàng lọc và tiếp nhận thông tin sau đó.
Báo Tây, báo nước ngoài (và thông thường là tiếng Anh) thường được xem là một nguồn thông tin rất đáng tin cậy và trung lập với người Việt Nam. Điều này không sai, cho đến đầu thế kỷ 21.
Theo nhà báo kỳ cựu của đài CBS (Mỹ) Dan Rather, ngày xưa, khoản tiền để đầu tư vào hệ thống thu thập tin tức, thành lập các đài truyền hình, in ấn báo chí và kể cả thành lập và quản trị các website cực kỳ tốn kém. Chỉ có những hãng thông tấn, hãng truyền thông lớn mới có thể gia nhập cuộc chơi tin tức. Vì vậy, họ có lý do để đưa tin và bình luận một cách chuẩn xác nhất có thể: vừa bảo vệ danh tiếng của hãng tin, vừa bảo vệ số tiền khổng lồ mà họ đầu tư vào quá trình sản xuất tin tức.
Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Khi mà chi phí quản trị mạng, chi phí thành lập trang điện tử, chi phí mua tên miền thậm chí còn không đáng một đôi giày Nike bạn mang, hàng loạt những “quầy tin tức nhanh” mọc lên như nấm. Và rất nhiều trong số đó được tài trợ cho các mục tiêu chính trị khác nhau. Ví dụ, Nga bị cáo buộc là lập nên những trang kiểu này để gây ảnh hưởng lên bầu cử Hoa Kỳ.
Vì vậy, hãy tiếp cận báo Tây như cách bạn tiếp cận với báo Việt Nam: luôn nghi ngờ và cẩn trọng.
Để có một điểm tựa đầu tiên, bạn có thể dùng “Biểu đồ Thiên kiến của Truyền thông” (Media Bias Chart) để bắt đầu hiểu thêm về cách mà giới quan sát Hoa Kỳ phân loại các nguồn tin, nguồn nào khách quan và có thể xem như nguồn tin, nguồn nào mang đậm tính định kiến và có khả năng dùng để thao túng người đọc.
Sự thật là rất nhiều “người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội lợi dụng tinh thần yêu nước và cảm xúc của đám đông để lan truyền thông tin giả.
Chẳng hạn, hiện có thông tin lan truyền về việc vài triệu thuê bao Trung Quốc mất tích khó hiểu, ám chỉ rằng có đến hàng triệu người tử vong vì đại dịch virus Vũ Hán tại quốc gia này. Cho đến nay, thuyết âm mưu trên vẫn chưa được kiểm chứng hay phủ nhận hoàn toàn. Tuy vậy, những con số khủng khiếp như thế sẽ rất khó để giấu diếm.
Vì vậy, trước khi share, hãy thử thực hiện bốn động tác nêu trên xem thông tin bạn vừa đọc có đáng để share hay không.